2018
Tất Cả Đều Phải Mang Danh đã được Đức Chúa Cha Ban Cho
Tháng Mười Một năm 2018


Tất Cả Đều Phải Mang Danh đã được Đức Chúa Cha Ban Cho

Danh của Đấng Cứu Rỗi có quyền năng độc nhất và thiết yếu. Đó là tôn danh duy nhất mà qua đó sự cứu rỗi có thể đạt được.

Cách đây một vài tuần, tôi đã tham dự lễ báp têm của một vài trẻ em tám tuổi. Chúng bắt đầu học phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô từ cha mẹ và các giảng viên của chúng. Hạt giống đức tin của chúng nơi Ngài đã bắt đầu nảy nở. Và bây giờ chúng muốn theo Ngài vào nước báp têm để trở thành tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Ngài. Khi tôi trông thấy niềm mong đợi và háo hức của chúng, tôi đã tự hỏi liệu chúng hiểu bao nhiêu về một trong những khía cạnh quan trọng của giao ước báp têm của chúng: mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Từ lúc ban đầu, Thượng Đế đã tuyên bố về tầm quan trọng của danh của Chúa Giê Su Ky Tô trong kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta. Một thiên sứ đã giảng dạy cho tổ phụ A Đam của chúng ta: “Ngươi phải làm tất cả mọi điều mà ngươi làm trong danh của Vị Nam Tử, và ngươi phải hối cải cùng cầu gọi Thượng Đế trong danh của Vị Nam Tử mãi mãi.”1

Vua Bên Gia Min, một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn, đã giảng dạy dân của ông: “Sẽ không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến.”2

Chúa đã lặp lại lẽ thật này qua Tiên Tri Joseph Smith của Ngài: “Này, Giê Su Ky Tô là danh được Đức Chúa Cha ban cho, và không có một danh nào khác được ban ra mà nhờ đó loài người được cứu.”3

Trong thời kỳ của chúng ta, Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy chúng ta rằng “những người thực hành đức tin trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô … và lập giao ước với Ngài … có thể có quyền nhận được sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”4

Cha Thiên Thượng muốn tuyên bố hoàn toàn rõ ràng rằng danh của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, không phải đơn giản là một cái tên trong số nhiều cái tên khác. Danh của Đấng Cứu Rỗi có quyền năng độc nhất và thiết yếu. Đó là tôn danh duy nhất mà qua đó sự cứu rỗi có thể đạt được. Bằng cách nhấn mạnh lẽ thật này trong mọi gian kỳ, Cha Thiên Thượng đầy lòng yêu thương đảm bảo với chúng ta rằng có một con đường để trở về với Ngài. Nhưng việc có sẵn một con đường chắc chắn không có nghĩa là việc chúng ta trở về nhà là tự động được đảm bảo. Thượng Đế phán cùng chúng ta rằng hành động của chúng ta phải được đòi hỏi: “Vậy nên, tất cả mọi người phải mang lấy danh Đức Chúa Cha ban cho.”5

Để có được quyền năng cứu rỗi mà chỉ đến qua danh của Đấng Ky Tô, chúng ta phải “biết hạ mình trước mặt Thượng Đế … và đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối … và sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô” và nhờ đó hội đủ điều kiện, như những người bạn tám tuổi của tôi, để “được thu nhận vào giáo hội của Ngài bằng phép báp têm.”6

Tất cả những ai có ước muốn chân thành để mang danh của Đấng Cứu Rỗi cần phải hội đủ điều kiện và tiếp nhận giáo lễ báp têm với tư cách là nhân chứng sống cho Thượng Đế về quyết định của họ.7 Nhưng phép báp têm mới chỉ là khởi đầu.

Từ mang, lấy không phải là bị động. Nó là một hành động mang nhiều ý nghĩa.8 Cam kết của chúng ta để mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi hành động và có nhiều yếu tố.

Ví dụ, một ý nghĩa của từ mang, lấydự phần hoặc tiếp nhận vào cơ thể của một người, như là uống một loại nước nào đó. Bằng cách mang danh của Đấng Ky Tô, chúng ta cam kết để tiếp nhận những lời giảng dạy của Ngài, những đặc tính của Ngài, và cuối cùng là tình yêu thương của Ngài, sâu thẳm trong con người chúng ta để chúng trở thành một phần của chúng ta. Vì vậy, tầm quan trọng của lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson dành cho những người thành niên “hãy … thành tâm và siêng năng [tìm cách] hiểu điều mà mỗi danh hiệu và tên gọi khác nhau [của Đấng Cứu Rỗi] có nghĩa là gì đối với cá nhân của [họ],”9 và nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô trong thánh thư, đặc biệt là Sách Mặc Môn.10

Ý nghĩa thứ hai của từ mang, lấy là chấp nhận một người trong một vai trò nhất định hoặc ủng hộ lẽ trung thực của một ý kiến hoặc nguyên tắc. Khi mang danh của Đấng Ky Tô, chúng ta chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và luôn luôn ủng hộ những lời giảng dạy của Ngài như là lời chỉ dẫn cho cuộc sống của chúng ta. Trong mọi quyết định đầy ý nghĩa mà chúng ta đưa ra, chúng ta mang phúc âm của Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình.

Cuối cùng, từ mang, lấy có thể có nghĩa là làm cho bản thân một người phù hợp với một chức danh hoặc một mục đích. Đa số chúng ta có kinh nghiệm nhận lấy trách nhiệm trong công việc hoặc theo đuổi một mục đích hoặc một phong trào. Khi mang danh của Đấng Ky Tô, chúng ta nhận lấy trách nhiệm của một môn đồ chân chính, chúng ta ủng hộ chính nghĩa của Ngài, và chúng ta “đứng lên làm nhân chứng cho [Ngài] bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện”11 Chủ Tịch Nelson đã kêu gọi “mỗi thiếu nữ và mỗi thiếu niên … hãy gia nhập đạo quân giới trẻ của Chúa để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.”12 Và tất cả chúng ta đều biết ơn được làm theo lời kêu gọi của vị tiên tri về việc tuyên bố tên của Giáo Hội phục hồi của Ngài như đã được mặc khải bởi chính Đấng Cứu Rỗi: Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.13

Trong tiến trình mang danh của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta hiểu rằng mục đích chính nghĩa của Đấng Ky Tô và của Giáo Hội của Ngài là một và giống nhau. Hai điều này không thể tách rời được. Tương tự, việc cá nhân chúng ta làm một môn đồ của Đấng Cứu Rỗi và làm một tín hữu tích cực trong Giáo Hội của Ngài là không thể tách rời được. Nếu chúng ta nản chí đối với cam kết của mình với một người, thì cam kết của chúng ta với những người khác cũng sẽ giảm bớt, chắc chắn như đêm nối tiếp ngày.

Một vài người không nguyện ý mang danh của Đấng Cứu Rỗi và theo đuổi chính nghĩa của Ngài bởi vì họ cho rằng điều đó giới hạn, hạn chế, và gò bó không cần thiết. Trên thực tế, việc mang danh của Đấng Ký Tô mang lại cả sự giải phóng lẫn sự phát triển. Việc này đánh thức ước muốn mà chúng ta cảm thấy khi chấp nhận kế hoạch của Thượng Đế qua đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Với ước muốn chân thật này trong lòng, chúng ta có thể khám phá mục đích thực sự của những ân tứ và tài năng thiêng liêng được ban cho chúng ta, cảm nhận được tình yêu thương tiếp sức của Ngài, và gia tăng mối quan tâm của chúng ta đối với sự an lạc của những người khác. Khi mang danh của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta thật sự nắm vững được mọi điều tốt lành và trở nên giống như Ngài.14

Điều quan trọng là phải nhớ rằng việc mang danh của Đấng Cứu Rỗi là một cam kết giao ước—bắt đầu với giao ước chúng ta lập tại lễ báp têm. Chủ Tịch Nelson có giảng dạy: “Sự cam kết của [chúng ta] để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng đã được dành sẵn.”15 Một trong những đặc ân thiêng liêng của việc mang danh của Đấng Cứu Rỗi bằng phép báp têm là khả năng để tiếp nhận giáo lễ kế tiếp trên con đường giao ước của chúng ta, lễ xác nhận của chúng ta. Khi tôi hỏi một trong những người bạn tám tuổi của tôi việc mang danh của Đấng Ky Tô có ý nghĩa gì với em ấy, em ấy trả lời một cách đơn giản: “Nó có nghĩa là em có thể có Đức Thánh Linh.” Em ấy nói đúng.

Chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh qua lễ xác nhận sau khi chúng ta đã tiếp nhận giáo lễ báp têm. Ân tứ này là quyền và cơ hội để có Đức Thánh Linh với tư cách là bạn đồng hành liên tục. Nếu chúng ta lắng nghe và vâng theo tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Ngài, thì Ngài sẽ giữ chúng ta ở trên con đường giao ước mà chúng ta đã bước vào qua phép báp têm, cảnh báo chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ để rời khỏi con đường này, và khuyến khích chúng ta hối cải và điều chỉnh khi cần thiết. Sự tập trung của chúng ta sau phép báp têm là giữ được Đức Thánh Linh luôn luôn ở cùng chúng ta để chúng ta có thể tiến triển trên con đường giao ước. Đức Thánh Linh chỉ có thể ở cùng chúng ta khi chúng ta giữ cho cuộc sống của mình thanh sạch và không có tội lỗi.

Vì lý do này, Chúa đã cung ứng một cách thức cho chúng ta để có thể liên tục làm mới ảnh hưởng thanh tẩy của phép báp têm của chúng ta qua một giáo lễ khác—Tiệc Thánh. Chúng ta “được làm chứng … rằng [chúng ta] tình nguyện mang danh Con của Cha.”16 một lần nữa bằng cách giơ tay ra và nhận lấy biểu tượng của thể xác và máu của Chúa trong tay của chúng ta—bánh và nước—và dự phần bánh và nước vào trong tâm hồn mình. Đổi lại, Đấng Cứu Rỗi thực hiện phép lạ thanh tẩy của Ngài một lần nữa và nhờ thế giúp chúng ta hội đủ điều kiện để có được ảnh hưởng liên tục của Đức Thánh Linh. Đây chẳng phải là bằng chứng cho lòng thương xót vô hạn chỉ được tìm thấy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô sao? Cũng như việc chúng ta mang lên mình danh của Ngài, Ngài mang lấy tội lỗi và nỗi buồn của chúng ta lên Ngài, và thế mà cánh tay thương xót của Ngài “vẫn còn giơ ra”17 để bao bọc chúng ta trong vòng tay thương yêu của Ngài.18

Tiệc Thánh là một sự nhắc nhở hằng tuần rằng việc mang danh của Đấng Ky Tô là một cam kết hiện hành và liên tục, không phải là một sự kiện duy nhất mà chỉ xảy ra một lần vào ngày chúng ta chịu phép báp têm.19 Chúng ta có thể liên tục và luôn luôn có được “sự hiến mình chí thanh xưa [thế gian ít người biết được]. Bởi huyết Giê Su phơi ra, tội lỗi của đàn con được tha.”20 Vì thế, không có gì ngạc nhiên rằng mỗi khi con cái của Thượng Đế hiểu các phước lành thuộc linh đầy quyền năng mà có thể đến từ việc mang danh của Đấng Ky Tô, cảm xúc của họ luôn là một niềm vui và ước muốn của họ luôn là để lập giao ước với Thượng Đế của họ.21

Khi chúng ta đi theo con đường giao ước được Thượng Đế thiết lập này, cam kết và các nỗ lực của chúng ta để mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cho chúng ta sức mạnh để “ghi khắc tên [Ngài] vào tim [chúng ta] luôn luôn.”22 Chúng ta sẽ yêu thương Thượng Đế và những người lân cận của mình và cảm thấy có một ước muốn để phục sự họ. Chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và mong mỏi để đến gần Ngài hơn bằng cách lập thêm những giao ước với Ngài. Và khi cảm thấy mình yếu đuối và không thể đạt được những ước muốn ngay chính của mình, chúng ta sẽ cầu xin sức mạnh mà chỉ có thể đến qua danh của Ngài và Ngài sẽ đến để cứu giúp chúng ta. Khi chúng ta kiên trì một cách trung tín, sẽ đến một ngày mà chúng ta thấy Ngài và ở với Ngài, và chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình đã trở nên giống như Ngài, vì vậy hội đủ điều kiện để trở về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha.

Vì lời hứa của Đấng Cứu Rỗi là chắc chắn: tất cả những ai “tin nơi danh Chúa Giê Su Ky Tô, và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Ngài, và kiên trì trong đức tin nơi danh Ngài cho đến cùng”23 sẽ được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế. Cùng với anh chị em, tôi vui mừng rằng những phước lành không gì so sánh bằng này có thể đạt được qua việc chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi xin làm chứng về Ngài và trong tôn danh của Ngài. A Men.

Ghi Chú

  1. Môi Se 5:8.

  2. Mô Si A 3:17.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 18:23.

  4. Dallin H. Oaks,“Taking upon Us the Name of Jesus Christ,” Ensign, tháng Năm năm 1985, trang 82.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 18:24; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 20:37; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Khi chịu phép báp têm, chúng ta trở thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. … Với tư cách là những người tin theo Đấng Ky Tô chân chính, với tư cách là những Ky Tô Hữu, chúng ta vui mừng mang danh của Ngài” (“Taking upon Us the Name of Jesus Christ,” trang 80).

  8. Trong từ điển trực tuyến Merriam-Webster, có 20 định nghĩa khác nhau cho ngoại động từ take (mang, lấy), là dạng động từ được sử dụng trong câu “mang danh của Đấng Cứu Rỗi” (xin xem merriam-webster.com/dictionary/take).

  9. Russell M. Nelson, “Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Một năm 2017), broadcasts.lds.org.

  10. Xin xem Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống của Anh Chị Em Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này? Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 60–63.

  11. Mô Si A 18:9.

  12. Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), HopeofIsrael.lds.org.

  13. “Chúa đã cho tôi biết về tầm quan trọng của cái tên mà Ngài đã mặc khải cho Giáo Hội của Ngài, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có công việc trước mắt là làm cho mình trở nên hòa hợp với ý muốn của Ngài” (Russell M. Nelson, “The Name of the Church” [lời tuyên bố chính thức, ngày 16 tháng Tám năm 2018], mormonnewsroom.org).

  14. Xin xem Mô Rô Ni 7:19.

  15. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 20:77; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  17. 3 Nê Phi 9:14; xin xem thêm An Ma 5:33–34.

  18. Xin xem 2 Nê Phi 1:15.

  19. “Khi chúng ta làm chứng sự sẵn lòng của chúng ta để mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đang biểu thị cam kết của mình để làm tất cả những gì chúng ta có thể để đạt được cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Cha chúng ta. Chúng ta đang thể hiện sự ứng cử—quyết tâm của mình để cố gắng đạt được—sự tôn cao trong thượng thiên giới. …

    “… Điều chúng ta làm chứng không phải là chúng ta mang danh của Ngài mà rằng chúng ta sẵn lòng để làm điều đó. Trong ý nghĩa này, sự làm chứng của chúng ta liên quan đến một số sự kiện hoặc trạng thái trong tương lai mà việc đạt được chúng không phải do mình tự ban cho mình, nhưng phụ thuộc vào thẩm quyền và sự đề xướng của chính Đấng Cứu Rỗi” (Dallin H. Oaks, “Taking upon Us the Name of Jesus Christ,” trang 82, 83).

  20. “Hỡi Đức Chúa Trời Quang Cửu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 18.

  21. Xin xem Mô Si A 5; 6; 18; 3 Nê Phi 19.

  22. Mô Si A 5:12.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 20:29.