Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2017
Một Mối Dây Ràng Buộc


Một Mối Dây Ràng Buộc

Buổi Họp Tối với Anh Cả David A. Bednar

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional dành cho Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 10 Tháng Chín, Năm 2017 • Trung Tâm Giáo Khu Apex North Carolina

Chuỗi Mắt Xích Các Thế Hệ

Sứ điệp của tôi bắt nguồn từ một kinh nghiệm mà Susan và tôi đã có vào tháng Chín năm 1999. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã đến Đại Học Ricks, bây giờ là trường BYU–Idaho, để cung hiến Tòa Nhà Spencer W. Kimball vừa được hoàn tất. Susan và tôi có vinh hạnh được đón tiếp vợ chồng Chủ Tịch Hinckley trong một ngày đầy dẫy thuộc linh và đáng nhớ.

Tại khuôn viên trường, Chủ Tịch Hinckley đã nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional với các sinh viên, giảng viên và nhân viên. Tôi được xếp ngồi trên bục chỉ cách Vị Chủ Tịch của Giáo Hội phục hồi của Chúa vài mét khi ông phát biểu sứ điệp của mình. Ngay cả hôm nay, trong giây phút này khi nhìn vào gương mặt và nói chuyện với các em, tôi nhớ lại ký ức sống động về Chủ Tịch Hinckley đứng trên bục phát biểu tại Hội Trường Hart. Tôi nhớ những nguyên tắc ông đã dạy, giọng nói và các biểu cảm trên gương mặt ông, và những điều tôi đã học được qua quyền năng của Đức Thánh Linh khi tôi lắng nghe ông nói chuyện.

Tôi mời các em giờ đây hãy tham dự vào một phần của buổi họp đặc biệt đó.

“Thứ Bảy và Chủ Nhật tuần trước chúng tôi đang ở Columbus, Ohia, để làm lễ cung hiến một ngôi đền thờ mới và tuyệt đẹp. Ngôi đền thờ và giáo đường của tiểu giáo khu gần đó đã đầy người trong cả sáu phiên họp. Thánh Linh của Chúa đã hiện diện, và đó là một dịp quan trọng và cao quý để làm lễ cung hiến ngôi đền thờ thứ hai trong lịch sử Giáo Hội ở tiểu bang Ohio tuyệt vời.

“Cùng với tôi là vợ và con gái của tôi, là người ở đó để phụ giúp mẹ của nó. Chúng tôi vui mừng vì có một người cháu gái và hai đứa con của nó, là các chắt của chúng tôi, đã lái xe từ nơi họ sống, St. Louis, đến đây. …

“Một ngày kia, khi đang ngồi trong đền thờ ở Columbus, Ohio, cùng ngắm nhìn các chắt của mình, một điều vô cùng đặc biệt đã xảy đến với tôi. Tôi đột nhiên nhận ra rằng mình đang đứng ở giữa ba thế hệ quen thuộc trước tôi và ba thế hệ sau tôi. Tấm lòng tôi thật sự đã trở về với cha ông của mình. Tấm lòng tôi cũng trở về với con cháu của mình. Tôi mường tượng ra một chuỗi mắt xích các thế hệ; sợi dây xích ấy chạy dài ngược lại về quá khứ xa xôi nơi mà sự hiểu biết của chúng ta vô cùng ít ỏi. Sợi dây xích ấy giờ đây chạm đến ba thế hệ sau tôi. Tôi hình dung ra sợi dây xích ấy trong trí tưởng tượng của mình, cho đến giờ vẫn nguyên vẹn và sáng bóng cùng chắc chắn. …

“Bây giờ tôi nghĩ là, khi tôi ngồi trong ngôi đền thờ đó, tôi là một mắt xích, để kết nối tất cả mọi thế hệ trong quá khứ và mọi thế hệ trong tương lai. Mọi thứ tôi có về tâm trí và thân thể, mô và các chi cùng khớp xương và não bộ, đều như một di sản từ những người đi trước. Và tất cả điều đó đã được truyền qua tôi tới các con cháu tôi. Tôi không thể có đủ khả năng cắt đứt sợi dây xích ấy. Con cháu tôi không thể có đủ khả năng cắt đứt sợi dây xích ấy.…

“Tôi ước rằng mình có đủ ngôn từ rõ ràng để truyền đạt cho các em trẻ tuổi ở đây hôm nay cảm nghĩ mà tôi đã có trong đền thờ, về niềm khao khát mãnh liệt rằng tôi, cũng như các con cháu tôi, sẽ không bao giờ cắt đứt chuỗi mắt xích các thế hệ của gia đình chúng tôi.

“Với các em, tôi nói bằng tất cả năng lực mà tôi có, đừng trở thành một mối dây yếu ớt trong chuỗi mắt xích các thế hệ của mình. Các em đến thế gian này với một di sản kỳ diệu. Các em đến từ những người đàn ông và phụ nữ vĩ đại, từ những người đàn ông can đảm và dũng cảm, từ những người phụ nữ đạt nhiều thành tựu và có đức tin lớn lao. Đừng bao giờ làm họ thất vọng. Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì làm suy yếu đi sợi dây xích mà các em là một phần quan trọng trong đó.”1

Hình ảnh của một chuỗi mắt xích các thế hệ đã thật rõ ràng trong tâm trí tôi. Lời cảnh báo đừng trở thành một mối dây yếu ớt trong chuỗi mắt xích các thế hệ vang lên mạnh mẽ trong tấm lòng tôi. Lời khuyên nhủ đừng bao giờ làm bất cứ điều gì mà làm suy yếu đi chuỗi mắt xích các thế hệ đã xuyên thấu tâm hồn tôi. Đối với Susan và tôi, những bài học đơn giản và mạnh mẽ mà chúng tôi học được vào buổi chiều tháng Chín đó đã có ảnh hưởng tốt lành đến cuộc hôn nhân, gia đình và mọi mặt trong cuộc sống chúng tôi.

Gia Đình Call

Là một cô gái trẻ lớn lên tại quê nhà Afton, Wyoming, Susan đã biết và ngưỡng mộ một gia đình trong tiểu giáo khu của cô, là một ví dụ kỳ diệu về chuỗi mắt xích các thế hệ.

Bài nói chuyện của Chị Susan K. Bednar

Sống trong cùng tiểu giáo khu nơi tôi lớn lên là một gia đình phi thường có 14 người con. Người mẹ và người cha, Bessie và Evan Call, kết hôn trong đền thờ và vẫn chân thật và trung thành với giao ước của họ. Họ dạy các con của mình giáo lý của phúc âm phục hồi và được ban phước để nuôi dạy một gia đình ngay chính.

Một vài năm về trước, tôi đã gặp một cô gái xinh đẹp trong một buổi lễ tiệc thánh mà tôi đang tham dự. Khi cô ấy giới thiệu bản thân mình, cô có nói rằng tôi biết mẹ của cô. Mẹ của cô là con gái của Anh Chị Call, và là một người bạn đáng quý của tôi thời trẻ. Người phụ nữ trẻ mà tôi đã gặp trong buổi lễ tiệc thánh đó là cháu gái của gia đình Call. Sau khi hỏi thăm, tôi biết được cô ấy là người thứ 44 trong số 96 người cháu, và đứa con mới sinh của cô là chắt thứ 230 của Bessie và Evan Call. Những con số này làm tôi sửng sốt. Thật là một dòng dõi đông đảo!

Tôi suy nghĩ nhiều lần kể từ lúc đó: Nếu như Anh Chị Call đã không kết hôn trong đền thờ hoặc không giữ các giao ước của họ thì sao? Nếu như họ đã không tiếp tục chân thật với “đức tin lớn lao” của các thế hệ đi trước thì sao? Nếu như họ đã không dạy phúc âm cho con cái mình qua việc nêu gương và giáo huấn thì sao? Nếu như họ là một mối dây yếu ớt trong chuỗi mắt xích các thế hệ của họ thì sao? Có bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này? Câu trả lời thật rõ ràng. Những quyết định của cặp vợ chồng này ảnh hưởng đến nhiều hơn 300 người trong gia đình—và con số này tiếp tục tăng lên khi thêm nhiều cháu chắt được sinh ra trong gia đình họ.

Điều này tương phản với một kinh nghiệm khác mà tôi có với một người bạn đáng mến không phải là tín hữu mà tôi đã quen biết rất lâu. Tưởng tượng cú sốc của tôi khi một ngày nọ cô ấy tình cờ nhắc đến việc cô ấy có một người bà Mặc Môn. Tôi đã kinh ngạc bởi vì cô ấy không biết gì và chưa bao giờ quan tâm đến việc biết về giáo lý và các nguyên tắc của phúc âm. Mặc dù tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi thường tự hỏi rằng: “Chuỗi mắt xích các thế hệ của cô ấy đã bị đứt ở đâu?” Kết luận chắc chắn là bạn của tôi không bao giờ vui hưởng được những phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc đời mình bởi vì các quyết định của những người sống trước cô ấy.

Là một mối dây trong chuỗi mắt xích các thế hệ của mình, các em nên nhận ra rằng những quyết định các em đưa ra bây giờ và trong tương lai thì không chỉ về bản thân các em. Các quyết định của các em ảnh hưởng đến cả những người đi trước và những người sẽ đến sau các em. Tấm gương và tầm ảnh hưởng từ sự vâng lời của các em với các nguyên tắc phúc âm, quyền năng của sự ngay chính cá nhân của các em, và những kết quả của các quyết định các em đưa ra về điều tốt hay điều xấu sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Xin hãy là một mối dây vững chắc trong chuỗi mắt xích các thế hệ của các em.

Tôi có chứng ngôn về phúc âm được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và rằng gia đình là trọng tâm trong số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.

Tôi làm chứng rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và những lựa chọn sai lầm của chúng ta và cũng ban cho chúng ta sức mạnh hơn hẳn bản thân mình để sống chân thật với phúc âm và các giao ước đã lập, đặc biệt trong những kinh nghiệm khó khăn của cuộc sống.

Tôi biết rằng Đức Thánh Linh mang các ấn tượng thuộc linh đến tâm trí và tấm lòng chúng ta và sẽ phụ giúp chúng ta trong viêc khám phá và thực hiện các cách thức để trở thành một mối dây trung thành trong chuỗi mắt xích các thế hệ của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Kết thúc bài nói chuyện của Chị Susan K. Bednar

Một Mối Dây Ràng Buộc

Tôi mong rằng giờ đây có thể nói chuyện dựa trên những lời giảng dạy của Chủ Tịch Hinckley về “chuỗi mắt xích các thế hệ” của chúng ta. Ông đã mô tả rõ ràng và đầy tính nhấn mạnh về điều chúng ta không nên làm, đó là trở thành một mối dây yếu ớt trong chuỗi mắt xích các thế hệ. Tôi muốn tập trung vào điều chúng ta nên làm, đó là trở thành một mối dây ràng buộc trong chuỗi mắt xích các thế hệ.

Trong Giáo Lý và Giao Ước 128:18, chúng ta học rằng: “trái đất sẽ bị đánh bằng sự rủa sả, trừ phi có một mối dây ràng buộc bằng cách này hay cách khác giữa tổ phụ và con cháu, căn cứ trên một vấn đề nào đó—và này, vấn đề đó là gì? Đó là phép báp têm cho người chết. Vì không có họ thì chúng ta không thể đạt đến sự hoàn hảo, mà không có chúng ta thì họ cũng không thể đạt đến sự hoàn hảo được. Cả họ lẫn chúng ta đều cũng không thể đạt đến sự hoàn hảo được, nếu không có những người đã chết trong phúc âm; vì trong sự khởi đầu của gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, là gian kỳ hiện đang bắt đầu mở ra, điều cần thiết là sự liên kết và nối liền với nhau một cách trọn vẹn, hoàn bị và toàn hảo các gian kỳ cùng các chìa khóa, các quyền năng và các vinh quang phải xảy ra và được tiết lộ từ đời A Đam cho đến thời hiện tại.”2

Tôi mời các em suy xét hai câu hỏi cơ bản đến từ đoạn thánh thư này.

Câu hỏi đầu tiên: Mối dây ràng buộc là gì? Chủ Tịch Joseph F. Smith dạy rằng: “Phải có một mối dây ràng buộc với nhau và một sự kết nối cha mẹ với con cái và con cái với cha mẹ cho đến khi toàn bộ chuỗi mắt xích gia đình của Thượng Đế sẽ được ràng buộc với nhau thành một, và tất cả họ sẽ trở thành gia đình của Thượng Đế và Đấng Ky Tô của Ngài.”3

Sự phục hồi thẩm quyền chức tư tế và các chìa khóa trong gian kỳ cuối cùng này cho phép mỗi người chúng ta được nhận, ghi nhớ, và tôn vinh các giáo lễ cho cả sự cứu rỗi của cá nhân và sự tôn cao của gia đình. Ê Li thật sự đã đến như đã được hứa để truyền giao các chìa khóa chức tư tế và thẩm quyền gắn bó mà làm thay đổi các tấm lòng và tạo ra các mối dây ràng buộc qua nhiều thế hệ. Một lần nữa trên thế gian trong những ngày sau này có các tôi tớ có thẩm quyền là những người có thể mang đến các phước lành thiêng liêng do Đấng Cứu Rỗi ban ra: “bất cứ điều gì ngươi đóng ấn dưới thế gian cũng sẽ được đóng ấn trên trời, và bất cứ điều gì ngươi ràng buộc dưới thế gian, trong danh ta và qua lời nói của ta, lời Chúa phán, thì cũng sẽ được ràng buộc vĩnh viễn trên trời.”4

Do đó, “các giáo lễ làm thay mà chúng ta thực hiện trong các đền thờ, bắt đầu với phép báp têm, tạo nên mối dây ràng buộc vĩnh cửu giữa các thế hệ để làm trọn mục đích của sự sáng tạo ra thế gian.”5

Câu hỏi thứ hai: Làm thế nào mối dây ràng buộc bảo vệ cho trái đất không bị đánh bằng sự rủa sả? Chủ Tịch Joseph Fielding Smith tuyên bố rằng: “Đây không chỉ là câu hỏi về phép báp têm cho người chết thôi, nhưng còn là việc gắn bó cha mẹ với nhau và con cái với cha mẹ, để mà sẽ có một ‘sự liên kết và nối liền với nhau một cách trọn vẹn, hoàn bị và toàn hảo các gian kỳ cùng các chìa khóa, các quyền năng và các vinh quang,’ kể từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Nếu quyền năng gắn bó [đó] [được phục hồi bởi Ê Li] không tồn tại trên thế gian, thì sự hỗn độn sẽ thống trị và cảnh rối loạn sẽ thay thế sự trật tự trong ngày đó khi Chúa đến, và, dĩ nhiên, điều này không thể như vậy, vì mọi thứ đều được chi phối và điều khiển bởi luật pháp hoàn hảo trong vương quốc của Thượng Đế.”6

Tại sao thế gian này sẽ bị rủa sả? “Hoàn toàn chỉ vì nếu không có một mối dây ràng buộc giữa cha và con cái—tức là công việc làm thay cho người chết—thì chúng ta đều sẽ bị khước từ; trọn công việc của Thượng Đế sẽ thất bại và bị tận diệt. … Sự phục hồi của thẩm quyền [gắn bó] này là chất men [hay là ảnh hưởng ngay chính] giúp cứu thế gian khỏi bị tận diệt vào Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.”7

Những lẽ thật nền tảng của phúc âm giúp chúng ta hiểu tại sao ″hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.″8

Một số các em đã trải qua sự buồn phiền lớn lao trong các mối quan hệ gia đình tan vỡ hoặc lạm dụng. Và hậu quả là, các em có thể có ít hoặc không có ước muốn để được liên kết với những người đã gây ra vết thương lòng và nỗi thống khổ dường ấy.

Xin hãy lắng nghe: các mối liên kết gia đình vĩnh cửu chỉ được ràng buộc với nhau qua thẩm quyền chức tư tế và sự ngay chính cá nhân. Bất kể điều tệ hại nào đã xảy ra trong gia đình các em, tôi làm chứng và hứa rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của sự chữa lành, tái tạo, và phục hồi mà các em cần.

Nước mắt có thể chảy dài trong suốt đêm nghịch cảnh của các em, nhưng nỗi vui mừng có thể đến trong buổi sáng của cuộc sống mới nhờ vào Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta.9

Vậy Thì Sao?

Trong các buổi thảo luận về những việc quan trọng trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Chủ Tịch Boyd K. Packer thường sẽ hỏi: “Vậy thì sao?” Tôi đã hiểu câu hỏi của ông có nghĩa là: “Vậy thì, sự khác biệt thuộc linh quan trọng mà ý tưởng, lời đề xuất, hoặc tiến trình hành động này sẽ tạo ra trong cuộc sống các tín hữu Giáo Hội là gì? Điều đó sẽ thật sự ban phước cho những người chúng ta phục vụ không?” Về cơ bản, ông đang mời gọi chúng tôi suy xét giá trị và những mối liên hệ hiện tại của vấn đề mà chúng tôi đang bàn bạc. Tôi thấy rằng câu hỏi “vậy thì sao?” trở nên hữu ích nhất để tập trung suy nghĩ của tôi về một vấn đề và nhận ra những điều quan trọng hơn hết.

Vì thế, các em có thể đang thắc mắc: “Thưa Anh Bednar, câu hỏi “vậy thì sao?” trong sứ điệp của ông dành cho chúng em là gì?” Tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi đó có thể được tìm thấy trong ba câu hỏi mà một số các em có thể đang tự hỏi mình ngay lúc này.

Tham dự buổi họp đặc biệt devotional này có nhiều người thành niên trẻ tuổi là các tín hữu thế hệ thứ nhất của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em đã lắng nghe và tiếp nhận sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, được báp têm và được làm lễ xác nhận bởi thẩm quyền chức tư tế hợp thức, và hiện tại đang tiến bước với đức tin vững vàng nơi Đấng Ky Tô. Cho dù các em là người cải đạo mới đây hay đã lâu rồi, thì các em đều là nguồn sức mạnh của Giáo Hội và là sự cứu rỗi cho các gia đình hiện tại và tương lai của mình. Các em là mối dây đầu tiên trong chuỗi mắt xích các thế hệ của mình.

Nhưng các em có thể đang tự hỏi: “Là một tín hữu của Giáo Hội duy nhất trong gia đình tôi và bởi vì tôi đối mặt với sự phản đối gay gắt từ cha mẹ, anh chị em, và những người khác trong gia đình, làm sao tôi có thể trở thành một mối dây ràng buộc vững chắc?”

Khi các em đọc và lắng nghe những câu chuyện về những người tiền phong của gian kỳ này đã chịu đựng sự ngược đãi, kiên trì trong những gian khổ thể chất, và đi bộ qua các vùng đồng bằng để định cư tại Thung Lũng Salt Lake, các em có thể tự hỏi liệu mình có thể làm được điều họ đã làm không. Nhưng nhiều em đang làm điều họ đã làm! Hoàn cảnh cụ thể và loại thử thách các em đối mặt ngày nay có thể khác với những người tiền phong đó, nhưng sự chống đối lẽ thật phục hồi thì cũng giống vậy ngày nay và thậm chí càng gay gắt hơn.

Vào tháng Tư năm 1986, vị thủ lĩnh của một bộ lạc ở miền trung Ghana qua đời. Người đang phụ giúp chuẩn bị cho tang lễ là người em cùng cha khác mẹ của vị thủ lĩnh, Fred Antwi, người mà một năm trước đã được báp têm và làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Fred không biết rằng các kế hoạch đã được định sẵn bởi người em gái của vị thủ lĩnh, cũng là nữ hoàng, để cho anh trở thành thủ lĩnh mới của bộ lạc.

Vào buổi tối trước lễ mai táng, một người trong gia đình đã bí mật nói chuyện với Fred và hỏi rằng: “Anh có biết kế hoạch gia đình dành cho anh không?” Fred đáp rằng: “Không, anh chưa được ai nói gì cả.” Người ấy bèn nói rằng: “Anh sẽ trở thành vị thủ lĩnh mới.” Fred ngạc nhiên và nói dứt khoát: “Không! Tôn giáo của anh sẽ không cho phép anh làm việc này.”

Được làm một thủ lĩnh là một vinh dự. Vị thủ lĩnh là người đứng đầu trong các ngôi làng của mình, và khi ông ấy nói, người dân sẽ làm theo như được chỉ thị. Một thủ lĩnh nhận hỗ trợ tài chính, và bất cứ điều gì ông ấy cảm thấy cần đều được mang đến cho ông ấy. Fred đang phục vụ với tư cách là một vị chủ tịch chi nhánh vào lúc anh ấy biết về việc có thể sẽ trở thành thủ lĩnh. Và anh ấy hoàn toàn không sẵn lòng tham gia vào những nghi thức của bộ lạc mà trái ngược với các nguyên tắc phúc âm của Đấng Cứu Rỗi.

Giờ đây tôi sẽ đọc phản ứng của Fred đối với thông báo đầy sửng sốt từ em gái anh. “Vào cùng buổi tối đó, tôi lái xe đi thăm một trong những bô lão trong bộ lạc của chúng tôi tại ngôi làng gần đó. Tôi muốn nói chuyện với ông về tin tức đã được chia sẻ cho tôi. Ông ấy giải thích: “Ta biết về kế hoạch đó, và ta không thể làm gì để giúp con khỏi phải trở thành một thủ lĩnh.’”

Fred bèn nói: “Ông biết bây giờ con là một Ky Tô Hữu, và tôn giáo của con sẽ không cho phép con trở thành một thủ lĩnh bởi vì có nhiều điều mà một thủ lĩnh phải làm nhưng con sẽ không làm.” Người bô lão đáp rằng: “Được thôi, hãy quay về gặp các vị lãnh đạo của con và nói với họ rằng con là một Ky Tô Hữu và không thể trở thành người thủ lĩnh.” Fred viết rằng: “Tôi quay trở lại để báo với những vị lãnh đạo, nhưng họ lờ đi thông điệp của tôi.”

Fred tiếp tục: “Người anh của tôi [người thủ lĩnh cũ] sẽ được chôn cất vào nửa đêm, vì thế tôi lái xe đi sau xe của tất cả những người thân trong gia đình mình. Khi đến ngã rẽ trên đường ra nơi chôn cất, thay vì rẽ trái cùng với những người khác, tôi đã rẽ phải ra hướng Cape Coast và chạy nhanh ra khỏi đó.”

Trong sáu tháng sau đó, Fred không hề liên lạc với họ hàng của mình. Sau đó anh ấy biết được nếu mà anh đi đến nơi chôn cất, anh sẽ được phong làm vị thủ lĩnh kế tiếp, là điều sẽ đẩy anh vào một tình huống rất khó khăn. Cuối cùng anh biết rằng cháu trai của anh, là một người con của nữ hoàng, đã được phong làm vị thủ lĩnh mới.

Khi Fred rẽ phải và hướng về Cape Coast, anh ấy đang củng cố mối dây đầu tiên trong chuỗi mắt xích các thế hệ của anh. Vững vàng trong chứng ngôn của mình về giáo lý và các nguyên tắc của phúc âm phục hồi, con đường của Fred trong cuộc sống đã thay đổi trong những cách thức đầy kinh ngạc. Anh ấy và vợ, Chị Antwi, là những người truyền giáo trọn thời gian đầu tiên từ Tây Phi được chỉ định phục vụ trong Đền Thờ Ghana. Hiện tại, Fred đang phục vụ với tư cách là một cố vấn trong chủ tịch đoàn của Đền Thờ Accra Ghana và vợ anh phụ giúp vợ của chủ tịch đền thờ.

Là một người mới cải đạo theo Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi, Fred đã được ban phước và được củng cố để vượt qua sự phản đối gay gắt từ gia đình, bạn bè, và những cộng sự của anh. Và Anh Chị Antwi đã chuyên tâm giảng dạy cho con cái họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thiết lập những nề nếp ngay chính trong gia đình họ mà đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Cũng giống như điều đó khởi đầu từ Fred và vợ của anh, thì nó cũng khởi đầu với các em!

Đối với các em là những tín hữu thuộc thế hệ đầu tiên của Giáo Hội: điều đó khởi đầu với các em! Các em là những người tiền phong cho cả tổ tiên và con cháu của mình. Những người đã qua đời trong gia đình ở trước các em trong chuỗi mắt xích các thế hệ đang cầu nguyện cho sự giúp đỡ của các em, và những người sẽ đến sau các em đang phụ thuộc vào sự trung thành của các em. Các em quả thật có khả năng để trở thành những mối dây ràng buộc vững chắc. Hãy nhớ, điều này khởi đầu với các em. Và với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể làm được.

Một vài em có lẽ đang tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể hy vọng tạo ra một gia đình vĩnh cửu khi không bao giờ là một tín hữu trong mái gia đình Thánh Hữu Ngày Sau mạnh mẽ?” Một vài nhận xét từ chính kinh nghiệm của tôi có lẽ giúp được các em.

“Các chuỗi mắt xích các thế hệ” của cá nhân tôi thì khá khác biệt giữa dòng họ bên ngoại và bên nội của tôi. Trong chuỗi mắt xích của mẹ tôi, tôi là thế hệ thứ năm làm tín hữu của Giáo Hội. Tổ tiên của bà gia nhập Giáo Hội tại Anh Quốc và Thụy Sĩ trong những ngày đầu của Sự Phục Hồi. Do đó, trong dòng dõi của mẹ tôi, tôi là một mối dây trong chuỗi mắt xích dài của các thế hệ trung thành.

Trong chuỗi mắt xích của cha tôi, tôi là thế hệ đầu tiên làm tín hữu của Giáo Hội. Bởi vì cha tôi không gia nhập Giáo Hội cho đến sau này, anh trai và tôi là những người họ Bednar đầu tiên nhận được chức tư tế. Tôi là người đầu tiên trong gia đình mình phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Do đó, cũng giống như nhiều em, tôi là mối dây phúc âm đầu tiên trong chuỗi mắt xích các thế hệ Bednar.

Cha tôi là một người tử tế, tận tụy, và chăm chỉ. Tôi yêu ông ấy và đã học được nhiều bài học tuyệt vời khi làm việc với ông mà đã giúp tôi trở thành con người hiện tại. Mẹ tôi đã dạy cho tôi cầu nguyện và yêu mến thánh thư. Tôi yêu bà ấy và trân trọng ngọn lửa đức tin mà bà đã nhóm lên trong tôi. Tuy nhiên, thật thú vị, tôi không nhớ là đã từng cầu nguyện, học thánh thư chung với nhau, hoặc có buổi họp tối gia đình với nhau. Tôi có cầu nguyện và đọc Sách Mặc Môn với mẹ, nhưng chúng tôi không bao giờ làm những điều đó mà có đủ cha, mẹ và con cái.

Với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể tạo ra một gia đình vĩnh cửu, ngay cả khi các em không xuất thân từ một mái gia đình Thánh Hữu Ngày Sau mà thỉnh thoảng được minh họa trên trang bìa của các cuốn tạp chí Liahona hoặc Ensign. Xin hãy luôn ghi nhớ: điều này khởi đầu với các em!

Sự thật rằng tôi không có kinh nghiệm về nề nếp gia đình ngay chính trong thời thơ ấu đã tạo nên trong tôi một khát khao mạnh mẽ để làm việc chuyên tâm với Susan nhằm đảm bảo những nề nếp đó luôn luôn là một phần của mái ấm gia đình mà chúng tôi xây dựng cùng nhau. Khi chúng tôi bàn bạc với nhau và khẩn nài cho sự giúp đỡ trong những lời cầu nguyện, chúng tôi được soi dẫn và được phước để giúp con cái học về các nguyên tắc của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Chúng tôi chắc chắn không phải là các bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng chúng tôi nhận được các ân tứ thuộc linh cần có và tìm được “sự giúp sức … vượt hơn chính bản thân [chúng tôi].”10

Các em và tôi không bị trói buộc trong những kinh nghiệm quá khứ của mình. Chúng ta không hoàn toàn trọn vẹn hay là nạn nhân của các hoàn cảnh hiện tại hoặc bị trói buộc trong môi trường của mình. Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ chúng ta mọi điều chúng ta nên làm, kể cả các nề nếp của gia đình ngay chính mà chúng ta chưa từng thực hiện trước đó. Điều này khởi đầu với các em! Và với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể làm được.

Một vài em bị tổn thương bởi những người thân trong nhà hoặc các bậc cha chú đáng kính trọng nhưng đã không tôn trọng các giao ước hôn nhân thiêng liêng. Các em có lẽ tự hỏi: “Nếu cha mẹ của tôi hoặc các cặp vợ chồng khác tôi biết đã được gắn bó trong đền thờ và hôn nhân của họ không thành công, thì tôi có thể có hy vọng gì rằng hôn nhân của tôi sẽ kéo dài mãi mãi?”

Đối với các em đã trải qua nỗi đau lòng của việc ly di trong gia đình mình hoặc cảm thấy bị tổn thương vì niềm tin cậy bị phản bội, xin hãy nhớ rằng điều đó khởi đầu lần nữa với các em! Một mối dây trong chuỗi mắt xích các thế hệ các em có thể đã bị đứt, nhưng mặc dù vậy những mối dây ngay chính khác và phần còn lại của chuỗi mắt xích vẫn quan trọng vĩnh viễn. Các em có thể thêm vào sức mạnh cho sợi dây xích của mình và có lẽ thậm chí giúp đỡ để phục hồi các mối dây bị đứt. Việc đó sẽ được thực hiện cho từng mối dây một.

Chúng ta là các con trai và con gái của Thượng Đế. Theo kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng, chúng ta được ban cho ân tứ về quyền tự quyết đạo đức, và chúng ta là những người có khả năng để hành động. Chúng ta không phải chỉ là những vật bị tác động. Chúng ta có quyền tự quyết cho chính mình và nên thiết tha nhiệt thành với việc thực hiện nhiều điều ngay chính.11

Một cuộc hôn nhân trọn vẹn và hạnh phúc thì không chỉ là tìm người cho hợp; đúng hơn là, nó được tạo ra bởi đôi nam nữ tuân giữ giao ước. Tôi lo sợ một vài em có lẽ đang tham dự vào một cuộc tìm kiếm bất tận cho một điều gì đó không tồn tại. Không có người phối ngẫu tiềm năng hoàn hảo nào là người có thể bảo vệ các em khỏi nỗi đau đớn về cảm xúc và sự thống khổ về thuộc linh. Nhưng trong sức mạnh của Chúa, người nam và người nữ trung tín có quyền tự quyết có thể tạo ra một cuộc hôn nhân trọn vẹn và gia đình vĩnh cửu mà họ hy vọng và ao ước có được.

Sự phục vụ vô vị kỷ trong một mối quan hệ hôn nhân đòi hỏi tính kiên nhẫn và kiên trì trong một thế giới khuyến khích không ngừng cái tôi cá nhân và tính ích kỷ. Nhưng nó bắt đầu với các em khi các em hành động và tiến bước với đức tin trong Đấng Cứu Rỗi, luôn luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ thiên thượng, và thực hành đúng theo tiêu chuẩn đạo đức của mình. Các em có thể làm điều đó với sự giúp đỡ của Chúa.

Lời Hứa, Phước Lành, và Chứng Ngôn

Các em trai và em gái thân mến của tôi, tôi khẩn cầu các em với tất cả năng lực của lòng tôi, xin hãy trở thành một mối dây ràng buộc trong chuỗi mắt xích các thế hệ của mình.

Việc trở thành một mối dây ràng buộc khởi đầu với các em bằng cách làm những điều đơn giản mà Anh Chị Call đã làm để tôn trọng các giao ước thiêng liêng và dạy con cái họ sống cũng yêu thương phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Việc trở thành một mối dây ràng buộc khởi đầu với các em bằng cách có can đảm và đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi để rẽ phải, giống như Anh Antwi.

Việc trở thành một mối dây ràng buộc khởi đầu với các em bằng cách tin cậy Đức Thánh Linh giảng dạy các em mọi điều và soi sáng con đường đi, ngay cả khi các em không biết trước một cách chính xác nơi nên đi và điều nên làm.

Việc trở thành một mối dây ràng buộc khởi đầu với các em bằng cách chuyên tâm và dũng cảm xua đuổi bóng tối ra khỏi mình12 và đứng vững trước những điều tà ác đầy cám dỗ trong những ngày sau.

Tôi khẩn cầu cho các em một phước lành của sứ đồ, bằng quyền năng của Đức Thánh Linh, các em có thể hiểu trọn vẹn hơn tầm quan trọng của vị thế của các em trong chuỗi mắt xích các thế hệ. Tôi biết các em sẽ được ban phước và được củng cố khi các em phấn đấu trở thành một mối dây ràng buộc vững chắc. Và tôi hứa rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể làm được!

Tôi vui mừng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử Hằng Sống của Đấng Thượng Đế Hằng Sống. Tôi biết rằng Ngài sống, rằng Ngài đã sống lại, và rằng Ngài biết chúng ta và yêu thương mỗi người chúng ta. Tôi làm chứng rằng thẩm quyền chức tư tế và các chìa khóa ràng buộc dưới thế gian và trên trời đã được phục hồi lại trên thế gian trong những ngày sau này. Và tôi biết rằng khi chúng ta đi theo kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng, chúng ta có được hạnh phúc trong cuộc sống này, và gia đình chúng ta có thể sống với nhau mãi mãi. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Gordon B. Hinckley, “Các Sợi Dây Chuỗi” (buổi họp đặc biệt devotional tại Ricks College, ngày 7 tháng Chín, năm 1999), video.byui.edu; xin xem thêm “Ricks College Devotional, September 7, 1999,” Discourses of President Gordon B. Hinckley, Tập 1: 1995–1999 [2005], 471–77.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 128:18; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (2011), 411.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 132:46.

  5. D. Todd Christofferson, ““The Redemption of the Dead and the Testimony of Jesus,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 11.

  6. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (2013), 219.

  7. Teachings: Joseph Fielding Smith, 219.

  8. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  9. Xin xem Thi Thiên 30:5.

  10. “Lord, I Would Follow Thee,” Hymns, số 220.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:27–28.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:23–25.