Đại Hội Trung Ương
Được Chúa Dành Cho Nhiều Ưu Đãi
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Được Chúa Dành Cho Nhiều Ưu Đãi

Những lúc thống khổ và thất vọng không làm thay đổi việc Chúa luôn luôn nhận biết chúng ta trong khi Ngài yêu thích trông nom chúng ta, ban phước cho chúng ta.

Một ngày nọ cách đây nhiều năm, là những người truyền giáo trẻ phục vụ trong một chi nhánh nhỏ trên hòn đảo nhỏ bé Amami Oshima, Nhật Bản, bạn đồng hành của tôi và tôi rất đỗi vui mừng khi biết được rằng Chủ Tịch Spencer W. Kimball sẽ đến thăm Châu Á và tất cả các tín hữu cùng những người truyền giáo ở Nhật Bản đều được mời đến Tokyo để nghe vị tiên tri tại một buổi đại hội giáo vùng. Cùng các tín hữu trong chi nhánh, bạn đồng hành của tôi và tôi phấn khởi bắt đầu lên kế hoạch cho buổi đại hội, mà sẽ cần 12 giờ đi thuyền vượt Biển Đông Trung Quốc tới đại lục Nhật Bản, tiếp đó là 15 giờ đi xe lửa đến Tokyo. Tuy nhiên, buồn thay, mọi việc không diễn ra như thế. Chúng tôi nhận được tin báo từ chủ tịch phái bộ truyền giáo của chúng tôi là vì đường xa và thời gian, nên bạn đồng hành của tôi và tôi sẽ không thể tham dự được đại hội ở Tokyo.

Hình Ảnh
Anh Cả Stevenson cùng bạn đồng hành truyền giáo của mình

Chúng tôi ở lại trong khi các tín hữu trong chi nhánh bé nhỏ của chúng tôi lên đường đi Tokyo. Những ngày sau đó dường như thật yên tĩnh và trống trải. Chúng tôi tổ chức lễ Tiệc Thánh một mình trong giáo đường nhỏ bé, trong khi Các Thánh Hữu Ngày Sau và những người truyền giáo ở Nhật Bản tham dự đại hội.

Hình Ảnh
Đại Hội Giáo Vùng Châu Á

Tôi càng thất vọng nhiều hơn nữa ngay cả khi tôi vui mừng lắng nghe các tín hữu trong chi nhánh trở về từ buổi đại hội vài ngày sau đó kể rằng Chủ Tịch Kimball đã loan báo về một ngôi đền thờ ở Tokyo. Họ tràn đầy phấn khởi trong khi chia sẻ về ước mơ của họ đã trở thành hiện thực. Họ mô tả là khi nghe thông báo về đền thờ, các tín hữu và những người truyền giáo không thể nào kìm nén nổi niềm vui của mình và đã đồng loạt vỗ tay.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Kimball loan báo về một ngôi đền thờ ở Tokyo

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ nỗi thất vọng mà tôi đã cảm thấy vì không tham dự được buổi họp lịch sử đó.

Trong những tháng vừa qua tôi đã suy ngẫm về kinh nghiệm này, khi tôi chứng kiến nhiều người cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn phiền—nhiều hơn và sâu thẳm hơn bất kỳ nỗi thất vọng nào của tôi khi còn là người truyền giáo—vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Đầu năm nay, khi đại dịch đang lan tràn, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã hứa rằng “Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội sẽ trung tín thực hiện cam kết của chúng ta để trở thành những công dân tốt và những người láng giềng tốt”1 và sẽ “sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa.”2 Do đó, chúng ta đã chứng kiến sự đình chỉ các buổi nhóm họp của Giáo Hội trên toàn cầu, hơn một nửa lực lượng những người truyền giáo trong Giáo Hội đã trở về quê hương của họ, và tất cả các đền thờ trong Giáo Hội đã phải đóng cửa. Hàng ngàn người trong số anh chị em đang chuẩn bị vào đền thờ để thực hiện các giáo lễ dành cho người sống—kể cả lễ gắn bó trong đền thờ. Nhiều người khác trong số anh chị em đã hoàn thành sớm công việc phục vụ truyền giáo hoặc tạm thời được giải nhiệm và tái chỉ định.

Hình Ảnh
Những người truyền giáo trở về giữa đại dịch COVID

Trong thời gian này, các nhà lãnh đạo của chính phủ và giáo dục đã đóng cửa trường học—mà do đó đã thay đổi thời gian và cách thức của các buổi lễ tốt nghiệp và bắt buộc phải hủy bỏ các sự kiện và hoạt động thể thao, xã hội, văn hóa, và giáo dục. Nhiều người trong số anh chị em chuẩn bị cho các sự kiện mà đã không có người tham dự, buổi biểu diễn mà đã không có khán giả đến lắng nghe, và những mùa giải thể thao mà đã không được chơi.

Buồn hơn nữa là khi nghĩ đến các gia đình có người thân qua đời trong thời gian này; hầu hết không thể tổ chức tang lễ hoặc các buổi họp mặt thân mật khác như họ hy vọng.

Tóm lại, rất nhiều người trong số anh chị em đã cảm thấy đau khổ, thất vọng, buồn phiền, và chán nản. Vậy làm thế nào để chúng ta chữa lành, chịu đựng, và tiến bước khi mọi việc dường như quá bấp bênh?

Tiên tri Nê Phi bắt đầu chạm khắc các bảng khắc nhỏ khi ông đã trưởng thành. Khi nhìn lại cuộc đời và giáo vụ của mình, ông đã đưa ra một nhận xét quan trọng nằm ở câu đầu tiên của Sách Mặc Môn. Câu này trình bày một nguyên tắc quan trọng cho chúng ta xem xét trong thời kỳ của mình. Sau những dòng chữ quen thuộc của ông: “Tôi, Nê Phi, nhờ sinh trưởng trong một gia đình nề nếp,” ông viết tiếp, “và trong những chuỗi ngày của đời tôi, tôi đã từng chứng kiến biết bao nỗi thống khổ, tuy vẫn được Chúa dành cho nhiều ưu đãi trong suốt cuộc đời tôi.”3

Là người học Sách Mặc Môn, chúng ta quen thuộc với nhiều nỗi thống khổ mà Nê Phi đã đề cập tới. Nhưng sau khi nhìn nhận những nỗi thống khổ trong những chuỗi ngày của đời ông, Nê Phi đưa ra quan điểm phúc âm của ông là ông đã được Chúa dành cho nhiều ưu đãi trong suốt cuộc đời. Những lúc thống khổ và thất vọng không làm thay đổi việc Chúa luôn luôn nhận biết chúng ta trong khi Ngài yêu thích trông nom chúng ta, ban phước cho chúng ta.

Hình Ảnh
Buổi họp truyền giáo trực tuyến
Hình Ảnh
Buổi họp truyền giáo trực tuyến với Anh Cả và Chị Stevenson
Hình Ảnh
Buổi họp truyền giáo trực tuyến với Anh Cả và Chị Stevenson

Gần đây, Lesa và tôi đã họp mặt trực tuyến với khoảng 600 người truyền giáo ở Úc, hầu hết đang bị kìm giữ trong một mức độ nào đó hoặc bị giới hạn liên quan tới COVID-19, nhiều người phục vụ từ trong căn hộ của họ. Chúng tôi cùng nhau suy nghĩ về những người trong Kinh Tân Ước, Sách Mặc Môn, cùng Giáo Lý và Giao Ước mà Chúa đã ban phước để hoàn thành được nhiều điều lớn lao giữa lúc nghịch cảnh. Tất cả đều được nhận biết bởi những điều họ có thể làm được với sự giúp đỡ của Chúa nhiều hơn là bởi những điều họ không thể làm được vì bị kìm giữ và bị giới hạn.

Chúng tôi đọc về Phao Lô và Si La, mà trong khi bị giam giữ trong gông cùm, đã cầu nguyện, hát ngợi khen, giảng dạy, làm chứng—và thậm chí đã làm phép báp têm cho người cai ngục.4

Và lần nữa về Phao Lô, ở La Mã, người đã bị quản thúc tại gia trong hai năm, mà trong thời gian đó ông tiếp tục “làm chứng và giảng giải với họ về nước Đức Chúa Trời,”5 “dạy dỗ về Đức Chúa [Giê Su Ky Tô].”6

Về Nê Phi và Lê Hi, các con trai của Hê La Man, mà sau khi bị ngược đãi và cầm tù đã được lửa bao bọc bảo vệ trong khi “một tiếng nói hết sức dịu dàng [của Chúa] … xuyên thấu tận tâm hồn [của những kẻ bắt giữ họ].”7

Về An Ma và A Mu Léc ở A Mô Ni Ha, mà đã thấy rằng nhiều người “tin theo lời nói của ông, và họ bắt đầu hối cải và tìm hiểu thánh thư,”8 mặc dù sau đó họ đã bị nhạo báng và phải chịu đói, chịu khát, không có áo quần, bị trói và bị giam vào ngục thất.9

Hình Ảnh
Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty

Và cuối cùng là về Joseph Smith, người mà trong khi chịu thống khổ ở Ngục Thất Liberty, cảm thấy như bị bỏ rơi và bỏ mặc, rồi nghe thấy lời Chúa: “Tất cả những điều này … sẽ đem lại lợi ích cho ngươi”10 và “Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi.”11

Mỗi người trong số họ đều hiểu điều mà Nê Phi biết: rằng mặc dù họ đã chứng kiến nhiều nỗi thống khổ trong những chuỗi ngày của đời họ, nhưng họ vẫn được Chúa dành cho nhiều ưu đãi.

Chúng ta, với tư cách là cá nhân các tín hữu và với tư cách là một Giáo Hội, cũng có thể thấy những điểm tương tự về cách mà chúng ta đã được Chúa dành cho nhiều ưu đãi trong thời gian khó khăn mà chúng ta gặp phải vài tháng vừa qua. Trong khi tôi đưa ra những ví dụ này, hãy để cho chúng củng cố chứng ngôn của anh chị em về ân tứ tiên kiến của vị tiên tri tại thế của chúng ta, người đã chuẩn bị chúng ta với những điều chỉnh trước khi có bất kỳ dấu hiệu nào về đại dịch, giúp chúng ta chịu đựng được những thử thách mà đã xảy đến.

Thứ nhất, đặt trọng tâm nhiều hơn vào mái gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ.

Cách đây hai năm, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta đã trở nên quen thuộc với ý nghĩ về ‘nhà thờ’ như một điều gì đó xảy ra trong các nhà hội của chúng ta, được hỗ trợ bởi những gì xảy ra ở nhà. Chúng ta cần một sự điều chỉnh cho mẫu mực này. … Một Giáo Hội đặt mái gia đình làm trọng tâm, được hỗ trợ bởi những gì diễn ra bên trong các tòa nhà … của chúng ta.”12 Thật là một sự điều chỉnh mang ý nghĩa tiên tri! Việc học hỏi phúc âm đặt trọng tâm vào mái gia đình đã được áp dụng khi các nhà hội phải tạm thời đóng cửa. Thậm chí khi thế giới bắt đầu bình thường trở lại và chúng ta quay trở lại các giáo đường, thì chúng ta vẫn muốn giữ những mẫu mực đặt trọng tâm vào mái gia đình của mình trong việc học tập và học hỏi phúc âm mà đã được triển khai trong lúc đại dịch.

Ví dụ thứ hai của việc được Chúa dành cho nhiều ưu đãi là điều mặc khải về công việc phục sự theo một cách thức cao quý hơn và thánh thiện hơn.

Hình Ảnh
Phục Sự

Năm 2018, Chủ Tịch Nelson giới thiệu công việc phục sự như là một sự điều chỉnh “trong cách mà chúng ta chăm sóc lẫn nhau.”13 Đại dịch này đã mở ra vô số cơ hội để trau dồi kỹ năng phục sự của chúng ta. Những người anh em và chị em phục sự, các thiếu nữ và thiếu niên, và nhiều người khác đã tìm cách để liên lạc, trò chuyện, giúp đỡ chăm sóc vườn tược, cung cấp bữa ăn, gửi tin nhắn qua công nghệ, và thực hiện giáo lễ Tiệc Thánh để ban phước cho những người có nhu cầu. Bản thân Giáo Hội cũng đã và đang phục sự các tổ chức khác trong thời gian đại dịch với việc phân phối chưa từng có các nhu yếu phẩm tới các kho dự trữ thực phẩm, nơi tạm trú cho người vô gia cư, trung tâm hỗ trợ người tị nạn và với các dự án hướng đến những hoàn cảnh đói kém trầm trọng nhất. Các chị em trong Hội Phụ Nữ và gia đình của họ đã hưởng ứng thách thức làm ra hàng triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế.

Hình Ảnh
Các dự án nhân đạo
Hình Ảnh
Làm khẩu trang

Ví dụ cuối cùng về việc được ban phước giữa lúc nghịch cảnh là tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong việc có được trở lại các giáo lễ đền thờ.

Hình Ảnh
Chị Kaitlyn Palmer

Điều này được mô tả tốt nhất là bằng một câu chuyện. Khi Chị Kaitlyn Palmer nhận được sự kêu gọi phục vụ truyền giáo vào tháng Tư vừa qua, chị rất phấn khởi được kêu gọi làm người truyền giáo nhưng đồng thời cũng cảm thấy quan trọng và đặc biệt để được vào đền thờ để tiếp nhận lễ thiên ân của mình và lập các giao ước thiêng liêng. Không lâu sau khi chị đặt hẹn cho lễ thiên ân của mình, thì có thông báo là tất cả các đền thờ sẽ tạm thời đóng cửa vì đại dịch toàn cầu. Sau khi nhận được thông tin đáng buồn này, chị biết được rằng chị sẽ tham dự trung tâm huấn luyện truyền giáo (MTC) trực tuyến từ nhà. Mặc cho những thất vọng này, Kaitlyn tập trung vào việc duy trì một thái độ lạc quan.

Hình Ảnh
Chị Kaitlyn Palmer và MTC tại nhà

Trong những tháng chờ đợi, Chị Palmer không bao giờ để mất hy vọng tham dự đền thờ. Gia đình chị nhịn ăn và cầu nguyện rằng đền thờ sẽ mở cửa trước ngày chị lên đường. Kaitlyn thường bắt đầu những buổi sáng học Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo tại nhà của mình bằng câu: “Hôm nay có phải là ngày mà chúng con sẽ nhận được phép lạ và đền thờ mở cửa trở lại không?”

Vào ngày 10 tháng Tám, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã thông báo đền thờ của Kaitlyn sẽ mở cửa trở lại cho các giáo lễ dành cho người sống vào đúng cái ngày mà chuyến bay đến phái bộ truyền giáo vào sáng sớm của chị đã được lên lịch. Chị sẽ không thể vừa tham dự đền thờ và vừa bắt kịp chuyến bay. Với hy vọng mỏng manh, gia đình chị liên lạc với chủ tịch đền thờ là Michael Vellinga để xem liệu có cách nào có thể thực hiện được điều kỳ diệu mà gia đình họ đã khẩn cầu không. Những lời cầu nguyện và nhịn ăn của họ đã được đáp ứng!

Hình Ảnh
Gia đình Palmer tại đền thờ

Vào lúc 2 giờ sáng, vài giờ trước khi máy bay cất cánh, Chị Palmer cùng gia đình, nước mắt sụt sùi, đã được chủ tịch đền thờ tươi cười chào đón trước ngưỡng cửa đền thờ bằng câu “Xin chào gia đình Palmer. Chào mừng đã đến đền thờ!” Vào lúc kết thúc lễ thiên ân của chị, họ được khuyến khích nên đi nhanh vì có gia đình kế tiếp đang chờ ở cửa đền thờ. Họ lái xe thẳng ra sân bay vừa đúng lúc cho chị bắt kịp chuyến bay đến phái bộ truyền giáo.

Hình Ảnh
Chị Palmer tại sân bay

Các giáo lễ đền thờ mà chúng ta mong mỏi suốt nhiều tháng qua dường như đặc biệt hơn là chúng ta tưởng tượng trước đây khi các đền thờ trên khắp thế giới mở cửa trở lại theo giai đoạn.

Để kết thúc, xin hãy lắng nghe những lời đầy khích lệ, phấn khởi, làm nâng cao tinh thần của Tiên Tri Joseph Smith. Một người sẽ không bao giờ đoán được là ông đã viết xuống những lời đó trong cảnh khổ sở và cô lập, bị tù túng và hạn chế trong một căn nhà ở Nauvoo, lẩn trốn khỏi những người đang tìm cách bắt ông một cách bất hợp pháp:

“Giờ đây, chúng ta nghe được gì về phúc âm mà chúng ta đã nhận được? Một tiếng nói hoan hỷ! Một tiếng nói thương xót từ trời; và một tiếng nói chân thật phát ra từ trái đất; một tin lành cho người chết; một tiếng nói hoan hỷ cho người sống và người chết; một tin lành vui mừng lớn lao. …

“… Lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến bước lên, chớ lùi bước. Hãy can đảm lên, … và hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng! Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ. Thế gian hãy vang lên tiếng hát.”14

Thưa anh chị em, tôi tin rằng một ngày nào đó, mỗi anh chị em sẽ nhìn lại những sự kiện bị hủy bỏ, nỗi buồn, nỗi thất vọng, và nỗi cô đơn gắn liền với thời kỳ đầy thử thách này mà chúng ta đang trải qua để thấy rằng nó đã bị che khuất bởi các phước lành chọn lọc và đức tin cùng chứng ngôn gia tăng. Tôi tin rằng trong cuộc sống này, và trong cuộc sống mai sau, những nỗi thống khổ, ngục thất ở A Mô Ni Ha, Ngục Thất Liberty của anh chị em, sẽ được biệt riêng thành lợi ích cho anh chị em.15 Tôi cầu nguyện rằng, cùng với Nê Phi, chúng ta có thể nhìn nhận những nỗi thống khổ trong những chuỗi ngày của đời mình trong khi đồng thời nhận thấy rằng chúng ta đang được Chúa dành cho nhiều ưu đãi.

Tôi kết thúc với chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô, chính Ngài cũng không xa lạ gì đối với nỗi thống khổ và là một phần của Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật.16 Ngài hiểu thấu nỗi đau buồn, đau đớn, và tuyệt vọng của chúng ta. Ngài là Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, niềm hy vọng, niềm an ủi, và Đấng Giải Cứu của chúng ta. Tôi làm chứng điều này trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.