2005
Biết Được Ý Muốn của Chúa Dành cho Các Chị Em
Tháng Mười Một năm 2005


Biết Được Ý Muốn của Chúa Dành cho Các Chị Em

Cầu xin Chúa ban phước cho mỗi chị em trong việc tìm kiếm riêng của các chị em để biết ý muốn của Ngài dành cho các chị em và để đặt ý muốn của mình tuân phục theo ý muốn của Ngài.

Việc trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế là một đặc ân lớn và trách nhiệm thiêng liêng. Bất cứ nơi nào chúng ta sống, bất luận hoàn cảnh của chúng ta ra sao, bất luận tình trạng gia đình hay tuổi tác của chúng ta, Chúa đều cần mỗi người chúng ta làm tròn phần vụ độc nhất của mình trong việc xây đắp vương quốc của Ngài trong gian kỳ sau cùng này. Tôi làm chứng rằng chúng ta có thể biết được những điều Chúa muốn chúng ta làm—và nhận được “phước lành đã được ban cho chúng ta, vì chúng ta đã được làm thành những công cụ trong tay Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này.”1 Ước muốn của tôi đêm nay là chia sẻ một phần của cuộc hành trình của cá nhân tôi để tiến đến việc hiểu được cách thức chúng ta trở thành những công cụ như vậy.

Tôi sẽ bắt đầu bài nói chuyện của tôi với câu kết luận về cuộc hành trình của mình—trong lẽ thật tuyệt diệu do Anh Cả Neal A. Maxwell giảng dạy: “Việc nhượng bộ ý muốn của một người thật sự là một điều riêng tư duy nhất mà chúng ta cung ứng làm của lễ hy sinh lên Thượng Đế. Có nhiều điều khác chúng ta ‘dâng lên,’… thực sự là những điều mà Ngài đã ban cho chúng ta hay cho chúng ta vay mượn. Tuy nhiên, khi các [anh] chị em và tôi cuối cùng cũng chịu tự phục tùng, bằng cách đặt ý muốn của mình tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế, thì chúng ta đang thật sự dâng một điều gì đó lên Ngài! Đó là vật sở hữu độc nhất mà thật sự thuộc vào chúng ta để có thể dâng lên Ngài!”2

Các chị em thân mến, tôi làm chứng rằng để được thật sự làm một công cụ trong tay Thượng Đế, để có được trọn vẹn phước lành đó ban cho chúng ta trong “thời gian của cuộc sống này” là thời gian mà chúng ta “thực thi những công việc lao nhọc [của mình],”3 thì chúng ta phải, như Anh Cả Maxwell nói: “cuối cùng cũng chịu tự phục tùng”4 theo Chúa.

Tiến trình cải tiến trong cuộc sống của tôi mà đã đưa tôi đến chứng ngôn của mình về nguyên tắc này bắt đầu một cách bất ngờ khi tôi ở tuổi ba mươi, tôi nhận được phước lành tộc trưởng của mình. Tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện để chuẩn bị, tự hỏi trong lòng: “Chúa muốn tôi làm gì?” Chồng tôi và tôi, với sự chuẩn bị vui vẻ và dắt theo bốn đứa con nhỏ của mình, đến nhà của vị tộc trưởng lớn tuổi. Phước lành mà vị tộc trưởng ban cho tôi đã—rất nhiều lần—nhấn mạnh đến công việc truyền giáo.

Tôi không thích thừa nhận điều đó nhưng tôi đã lấy làm thất vọng và bối rối. Vào thời điểm đó trong đời mình, tôi mới vừa đọc xong Sách Mặc Môn. Dĩ nhiên là tôi không chuẩn bị để phục vụ truyền giáo. Nên tôi để tờ phước lành tộc trưởng vào một ngăn tủ. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu một phương pháp để học thánh thư một cách nghiêm túc mỗi ngày trong khi tôi chú trọng đến việc nuôi dạy gia đình ngày càng khôn lớn.

Nhiều năm trôi qua, chồng tôi và tôi chú tâm đến việc chuẩn bị cho con cái mình đi phục vụ truyền giáo. Khi gửi các con trai của mình đến nhiều vùng đất khác nhau, tôi thật lòng cho rằng tôi đã làm tròn bổn phận truyền giáo của mình.

Rồi chồng tôi được kêu gọi làm chủ tịch phái bộ truyền giáo trong một quốc gia bất ổn, hỗn loạn trong thế giới đang phát triển, cách nhà 16.000 cây số và rất khác xa về văn hóa và sự giao thiệp mà tôi biết. Nhưng, khi nhận được sự kêu gọi làm người truyền giáo trọn thời gian, tôi cảm thấy hơi giống như An Ma và các con trai của Mô Si A—đó là tôi được kêu gọi để làm một “công cụ trong tay của Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này.“5 Tôi cũng cảm thấy một điều gì đó mà tôi không chắc là họ có như vậy không—tràn ngập nỗi lo sợ!

Trong những ngày sau đó, tôi lấy tờ phước lành tộc trưởng của mình ra và đọc lại nhiều lần, tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn. Mặc dù biết rằng tôi sẽ làm tròn lời hứa mà tôi đã nhận được từ vị tộc trưởng nhiều thập niên trước, tôi cũng không bớt lo lắng chút nào. Tôi có thể để lại những đứa con đã và chưa lập gia đình của mình và cha mẹ chồng già cả để đi chăng? Tôi sẽ biết những điều đúng để làm và nói chăng? Chồng tôi và tôi sẽ ăn gì? Tôi sẽ được an toàn trong một quốc gia bất ổn về chính trị và nguy hiểm không? Tôi cảm thấy không thích đáng về mọi phương diện.

Trong việc tìm kiếm sự bình an, tôi cố gắng hơn nữa để tham dự đền thờ. Tôi suy ngẫm về ý nghĩa của các giao ước trong một cách thức mà tôi chưa từng làm trước đó. Đối với tôi, vào thời điểm thiết yếu này trong đời mình là lúc tôi phải quyết định, các giao ước đền thờ của tôi là một nền tảng và sự khuyến khích. Vâng, tôi sợ nhưng tôi biết rằng tôi đã chọn để lập các giao ước cá nhân, ràng buộc, thiêng liêng mà tôi có ý tuân giữ. Cuối cùng, đây không phải là sự phục vụ của một người nào khác để thực hiện. Đây là sự kêu gọi phục vụ truyền giáo của tôi, và tôi quyết định phải phục vụ.

Cha của Joseph Smith đã ban phước lành này lên đầu của con trai mình: “Chúa Thượng Đế của con đã gọi đích danh con từ các tầng trời. Con đã được kêu gọi … để làm công việc vĩ đại của Chúa, để làm một công việc trong thế hệ này mà không một ai khác sẽ làm như con, trong tất cả mọi việc theo như ý muốn của Chúa.”6 Tiên Tri Joseph đã được kêu gọi để làm phần vụ độc nhất của mình về “công việc vĩ đại của Chúa,” và dù tôi đã cảm thấy mình bị tràn ngập lo âu và thiếu chuẩn bị, nhưng chắc chắn là tôi cũng được kêu gọi để làm phần công việc này của tôi. Sự hiểu biết này rất hữu ích và cho tôi can đảm.

Trong những lời cầu nguyện liên tục của mình tôi tiếp tục hỏi: “Thưa Cha, làm thế nào con có thể làm điều mà Ngài đã kêu gọi con để làm?” Một buổi sáng nọ ngay trước khi đi đến chỗ phục vụ truyền giáo của mình, hai người bạn mang đến cho tôi một món quà—một quyển thánh ca nhỏ để mang theo với tôi. Về sau, cũng trong ngày đó, sự đáp ứng cho những lời thành tâm khẩn cầu của tôi trong nhiều tháng đến từ quyển thánh ca đó. Trong khi tôi tìm kiếm lời an ủi trong một nơi yên tịnh, thì những lời này đến với tâm trí tôi một cách rõ rệt:

Tại sao ngươi thất vọng khi có ta ở cùng ngươi?

Sợ chi đừng sợ chi ta chính Đức Chúa Trời ngươi

Và ta sẽ giúp ngươi thêm sức mạnh đứng vững vàng

Lẽ thật trong tay ta, sự toàn năng ấy chính ta.7

Việc nhận biết trong một cách thức thật riêng tư rằng Chúa sẽ ở cùng với tôi và giúp tôi chỉ là sự khởi đầu. Tôi còn có nhiều điều hơn để học hỏi về việc trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế.

Ở rất xa nhà trong một vùng đất xa lạ, chồng tôi và tôi bắt đầu sự phục vụ của mình, cũng giống như những người tiền phong, một cách trung tín. Chúng tôi hầu như lúc nào cũng chỉ có một mình—tự mình tìm hiểu một văn hóa mà chúng tôi không hiểu được—một nền văn hóa có hằng chục ngôn ngữ mà chúng tôi không thể nói được. Quan điểm của Sarah Cleveland, một trong các vị lãnh đạo đầu tiên của Hội Phụ Nữ ở Nauvoo, đã mô tả những cảm nghĩ của chúng tôi: “Chúng ta đã bắt đầu công việc này trong tôn danh của Chúa. Chúng ta hãy tiến lên một cách bạo dạn.”8

Bài học đầu tiên của tôi trong tiến trình trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế là tra cứu thánh thư, nhịn ăn, cầu nguyện, tham dự đền thờ và sống trung tín với các giao ước mà tôi đã lập trong nhà của Chúa. Bài học thứ nhì của tôi là để “tiến lên một cách bạo dạn,” tôi cần phải trông cậy hoàn toàn nơi Chúa và nghiêm túc tìm kiếm sự mặc khải cá nhân. Để nhận được sự mặc khải đó, tôi sẽ phải sống xứng đáng để có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh với tôi.

Bài học cuối cùng của tôi hoàn toàn đúng theo điều mà Anh Cả Maxwell đã giải thích. Trong ngay cả những chi tiết nhỏ nhất của mỗi ngày, tôi đều tuân phục ý muốn mình theo ý của Chúa, vì tôi rất cần sự giúp đỡ, sự hướng dẫn và sự bảo vệ của Ngài. Khi tôi làm thế, dần dần mối quan hệ của tôi với Cha Thiên Thượng thay đổi—trong những cách thức sâu xa—những cách thức mà tiếp tục ban phước cho tôi và gia đình tôi.

Hành trình của cuộc sống tôi khác hẳn với hành trình của cuộc sống các chị em. Mỗi chị em có thể giảng dạy cho tôi nhiều từ những kinh nghiệm của các chị em về việc đặt ý muốn của mình tuân phục theo ý muốn của Chúa khi các chị em nghiêm túc tìm cách biết được ý muốn của Ngài dành cho các chị em. Chúng ta có thể cùng nhau hân hoan nơi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, thừa nhận với lòng biết ơn phước lành có được một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài cho mỗi người chúng ta. Tôi biết điều này—các nỗ lực của cá nhân chúng ta để trở thành công cụ trong tay của Thượng Đế không phải là dễ dàng và đã giúp chúng ta tăng trưởng phần thuộc linh, làm phong phú cuộc sống trên trần thế của chúng ta trong những cách thức riêng tư, vinh quang nhất.

Các chị em thân mến, cầu xin Chúa ban phước cho mỗi chị em trong việc tìm kiếm riêng của các chị em để biết ý muốn của Ngài dành cho các chị em và để đặt ý muốn của mình tuân phục theo ý muốn của Ngài. Tôi làm chứng rằng ý muốn của cá nhân chúng ta “là vật sở hữu độc nhất mà thật sự thuộc vào chúng ta để dâng lên Ngài.”9 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi chú

  1. An Ma 26:3

  2. Trong Conference Report, tháng Chín—tháng Mười năm 1995, 30; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 24; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. An Ma 34:32.

  4. Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 24.

  5. An Ma 26:3.

  6. Trong Gracia N. Jones, Emma’s Glory and Sacrifice: A Testimony (1987), 43–44.

  7. “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 6.

  8. Relief Society Minutes, ngày 24 tháng Ba năm 1842, Văn Khố của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 24.

  9. Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 24; sự nhấn mạnh được thêm vào.