2014
Tìm Kiếm Hy Vọng trong Tương Lai
Tháng 2014


Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau

Tìm Kiếm Hy Vọng trong Tương Lai

Tác giả sống ở Arizona, Hoa Kỳ.

Những cơn gió vùi dập và đe dọa để áp đảo chúng ta cũng là những cơn gió mang đến cơ hội để thay đổi và tăng trưởng.

Vào ngày 12 tháng Chín năm 2001, vợ chồng tôi đi đi lại lại trong căn phòng của một bệnh viện ở Tucson, Arizona, Hoa Kỳ, lo lắng suốt nhiều giờ đồng hồ trong khi chờ đợi cho đứa con trai của chúng tôi ra đời. Từ máy truyền hình của chúng tôi và từ mỗi máy truyền hình trong tòa nhà, chúng tôi đã thấy dồn dập cảnh quay từ ngày hôm trước ở New York City—hình ảnh hai tòa tháp đã từng đứng lừng lững trên đường chân trời của thành phố đó, bây giờ sụp đổ xuống thành đống gạch đổ nát và bụi bậm. Các hình ảnh được phát sóng trong nhiều giờ đã mang lại cho chúng tôi một cảm giác tuyệt vọng. Dường như đó là thời điểm tồi tệ nhất để mang một đứa trẻ thơ đến thế gian—một thế gian dường như quá đen tối và đầy đe dọa.

Sáng sớm hôm sau con trai của chúng tôi ra đời. Khi ôm đứa con nhỏ bé trong tay, tôi suy nghĩ về những sự kiện đầy tàn phá trong vài ngày qua, những sự kiện mà làm cho tôi nhớ lại cơn hỏa hoạn ở Yellowstone National Park vào năm 1988. Ngọn lửa đã thiêu hủy khu rừng gần 800.000 mẫu Anh (323.750 hécta). Công viên này dường như hoàn toàn bị tàn phá. Những hình ảnh qua tin tức cho thấy mặt đất bị đốt sạch và khói đen dày đặc trên bầu trời. Không có bất cứ nỗ lực nào của con người có thể nhanh chóng hoàn trả lại những gì đã mất. Dường như ngay cả những tái tạo liên tục và sức sống của thiên nhiên cũng không đối phó được với sức mạnh đầy hủy diệt của ngọn lửa.

Thế mà, vào mùa xuân kế tiếp, một phép lạ lặng lẽ xảy ra—cây cối nhỏ và hoa lá bắt đầu mọc xuyên qua mặt đất đã cháy thành than. Dần dần, càng ngày càng có hoa lá và bụi cây nở rộ từ mặt đất. Công viên này tái sinh rất chậm với vô số những chi tiết nhỏ, tuyệt vời, và theo thời gian mang lại kết quả thật bất ngờ.

Trong những giây phút sợ hãi mà dường như hủy diệt chúng ta giống như những ngọn lửa rực của Yellowstone, khi đức tin và hy vọng của chúng ta đang ở mức độ giới hạn, thì chúng ta phải nhớ rằng có một nền móng yên tĩnh, bất di bất dịch ở bên dưới chúng ta, mạnh hơn rất nhiều so với bất cứ lực lượng tà ác nào chúng ta sẽ gặp phải. Hê La Man giải thích rằng nền móng này là “đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.” Nếu chúng ta neo bản thân mình vào Ngài, thì “khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).

Khi đối mặt với các lực lượng điên cuồng của sự tà ác và cám dỗ trên thế gian, chúng ta có thể nghĩ rằng ảnh hưởng nhỏ và tầm thường của phúc âm sẽ bị áp đảo và lấn át. Chúng ta có thể cảm thấy nghi ngờ và tuyệt vọng khi chờ đợi một cách vô vọng những điều sai lầm để được sửa lại cho đúng, nỗi đau đớn được vơi nhẹ và những thắc mắc sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, chính những cơn gió vùi dập chúng ta lại mang đến cơ hội để thay đổi và phát triển, và quyền năng bao la của phúc âm lặng lẽ làm việc dưới mặt đất của cuộc sống trần gian, chuẩn bị cho một ngàn hạt giống nhỏ của hy vọng và sự sống.