2014
Quyền Tự Quyết hay là Tiêu Chuẩn Đạo Đức?
Tháng Mười năm 2014


Quyền Tự Quyết hay là Tiêu Chuẩn Đạo Đức?

Việc sử dụng quyền tự quyết một cách khôn ngoan cho phép những lựa chọn của chúng ta được mở rộng và cải thiện khả năng của chúng ta để chọn đúng.

Hình Ảnh
composite of 2 photos of a young man in casual clothes and him in a suit.

Hình ảnh Christina Smith chụp; Tranh ảnh do Bryan Beach minh họa

Tôi vẫn còn nhớ tôi đã lo lắng biết bao khi chuẩn bị để gặp vị giám trợ của tôi về việc phục vụ truyền giáo. Tôi tự hỏi liệu tôi đã đủ tốt chưa. Giống như Tiên Tri Joseph Smith, tôi không “phạm những tội tày đình” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:28), nhưng tôi vẫn rất lo lắng.

Tôi rất lo lắng vì tôi không thể không nghĩ tới bạn Danny của tôi (tên đã được thay đổi). Trong nhiều tháng Danny đã nói chuyện về việc nó mong đợi được đi phục vụ truyền giáo biết bao. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi nó nói chuyện với vị giám trợ.

Vì Danny đã có hành vi không xứng đáng với một số thiếu nữ nên về sau nó kể cho tôi nghe, nó đã tự loại mình ra khỏi công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Nó không còn được tự do để chọn đi truyền giáo được nữa.

Theo như lời của Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Danny đã sa vào sự cám dỗ của Sa Tan “để lạm dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của [Danny].”1

Tự do thật sự, như sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ dạy, đến khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn sự vâng lời. Việc đánh mất tự do, như Danny đã học được, xuất phát từ việc chọn không vâng lời.

“Mặc dù được tự do lựa chọn cho hành động của mình, nhưng các em lại không được tự do lựa chọn các hậu quả. Dù tốt hay xấu, các hậu quả vẫn xảy ra như là một kết quả đương nhiên của những sự lựa chọn của các em.”2

Tự Hành Động cho Mình

Vì thánh thư dạy rằng chúng ta được “tự do lựa chọn,” “tự do hành động,” và “tự ý lựa chọn” làm những việc (2 Nê Phi 2:27; 10:23; GLGƯ 58:27; Hê La Man 14:30), nên chúng ta thường sử dụng từ “quyền tự quyết.”

Nhưng các em có biết rằng cụm từ “quyền tự quyết” không có ghi trong thánh thư không? Thay vì thế, thánh thư dạy rằng “để mọi người có thể hành động theo giáo lý và nguyên tắc …, theo đúng tiêu chuẩn đạo đức mà ta đã ban cho họ, để mọi người có thể chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình” (GLGƯ 101:78; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng: “Từ quyền tự quyết được ghi [trong thánh thư] một mình nó hoặc với từ bổ nghĩa đạo đức. … Khi sử dụng từ tiêu chuẩn đạo đức, chúng ta đang nhấn mạnh một cách thích hợp đến trách nhiệm giải trình chính là một phần thiết yếu của ân tứ thiêng liêng của quyền tự quyết. Chúng ta là những người đạo đức và tự hành động cho mình, tự do lựa chọn nhưng cũng chịu trách nhiệm về những lựa chọn của chúng ta.”3

Chủ Tịch Packer nói thêm: “Quyền tự quyết được định nghĩa trong thánh thư là ′tiêu chuẩn đạo đức,′ có nghĩa là chúng ta có thể lựa chọn giữa thiện và ác.”4 Ân tứ này do Thượng Đế ban cho có nghĩa là chúng ta “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ” (2 Nê Phi 2:27).

Cuộc Chiến của Sa Tan chống lại Quyền Tự Quyết

Vì tiêu chuẩn đạo đức đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch cứu rỗi, nên Sa Tan tìm cách hủy diệt tiêu chuẩn này trong tiền dương thế. Nó đã bị đuổi ra vì cuộc nổi loạn của nó và bây giờ tìm cách “lừa gạt và làm mù quáng con người, và dẫn dắt họ vào cảnh tù đày theo ý muốn của nó” (Môi Se 4:3–4).

Sa Tan muốn chúng ta có những lựa chọn hạn chế sự tự do của mình, dẫn đến những thói quen và thói nghiện xấu, và làm cho chúng ta không có khả năng để chống lại những cám dỗ của nó. Nét tuyệt vời của phúc âm là làm cho chúng ta nhận biết về những lựa chọn của mình và kết quả của những lựa chọn đó. Việc sử dụng quyền tự quyết một cách khôn ngoan cho phép những lựa chọn của chúng ta được mở rộng và cải thiện khả năng của chúng ta để chọn đúng.

Tấm Gương của Đấng Cứu Rỗi

Khi kế hoạch cứu rỗi đã được trình bày trong Đại Hội trên Thiên Thượng, thì Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta thấy cách sử dụng đúng tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta. Ngài nói: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2). Vì Ngài sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha lúc đó và về sau trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự (xin xem Ma Thi Ơ 26:39; Lu Ca 22:42), nên Chúa Giê Su đã chịu đau khổ vì những lựa chọn sai của chúng ta và cung ứng một cách để chúng ta được tha thứ qua sự hối cải.

Nếu chúng ta noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, thay vì nói: “Tôi làm điều tôi muốn,” thì chúng ta sẽ nói: “Tôi làm điều mà Đức Chúa Cha muốn.”5 Việc sử dụng tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta theo cách này sẽ mang lại cho chúng ta tự do và hạnh phúc.

Khi tôi đi gặp vị giám trợ của mình cho cuộc phỏng vấn đầu tiên để đi truyền giáo, tôi rất biết ơn là tôi đã lựa chọn đúng đắn. Một vài tháng sau, tôi phục vụ Chúa ở Guatemala—giảng dạy những người khác về kế hoạch cứu rỗi và vai trò thiết yếu của tiêu chuẩn đạo đức trong kế hoạch đó.

Ghi Chú

  1. Boyd K. Packer, “Tôi Biết Những Điều Này,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 8.

  2. Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (2011), 2.

  3. D. Todd Christofferson, “Moral Agency,” Ensign, tháng Sáu năm 2009, 47.

  4. Boyd K. Packer, “Tôi Biết Những Điều Này,” 8.

  5. Xin xem Wolfgang H. Paul, “Ân Tứ về Quyền Tự Quyết,” Liahona, tháng Năm năm 2006, 35.