2018
Những Thay Đổi Giúp Cân Bằng Việc Giảng Dạy Phúc Âm ở Nhà và ở Nhà Thờ
Tháng Mười Một năm 2018


Những Thay Đổi Giúp Cân Bằng Việc Giảng Dạy Phúc Âm ở Nhà và ở Nhà Thờ

Là một phần của những nỗ lực không ngừng nhằm giúp các Thánh Hữu Ngày Sau “học hỏi giáo lý, củng cố đức tin, và khuyến khích sự thờ phượng đáng kể hơn của cá nhân,” Chủ Tịch Russell M. Nelson đã thông báo về những điều chỉnh để giúp cân bằng và liên kết những cách thức độc đáo và thiết yếu mà các tín hữu thờ phượng và học hỏi cùng sống theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi ở nhà và ở nhà thờ.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã thông báo về những thay đổi đối với lịch trình nhóm họp ngày Chủ Nhật, bắt đầu vào tháng Một năm 2019, kèm theo việc phát hành một chương trình giảng dạy mới đặt trọng tâm vào mái gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ. Những thay đổi này và những thay đổi khác dựa trên một vài sáng kiến trước đây mà Giáo Hội đã bắt đầu trong những năm gần đây, nhằm mục đích giúp các tín hữu tập trung cuộc sống của họ một cách trọn vẹn hơn vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và có đức tin sâu đậm hơn nơi Hai Ngài. Những sáng kiến này gồm có sự tập trung vào việc học tập có ý nghĩa hơn về phúc âm ở nhà, tôn kính Chúa bằng cách giữ ngày Sa Bát được thánh, và chăm sóc lẫn nhau như Đấng Cứu Rỗi và như được Thánh Linh hướng dẫn.

Nhằm chuẩn bị dân của Chúa cho sự tái lâm của Ngài, những thay đổi này nhắm vào việc gia tăng sự cải đạo của cá nhân, Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích khi ông nêu ra những thay đổi vào phiên họp Sáng Thứ Bảy của đại hội trung ương.

Ông nói: “Chúng ta biết về sự tác động thuộc linh và sự cải đạo sâu đậm và lâu dài mà có thể đạt được trong bối cảnh gia đình… Mục đích của chúng tôi là nhằm cân bằng kinh nghiệm trong Giáo Hội và mái gia đình theo cách mà sẽ gia tăng đáng kể đức tin, và phần thuộc linh, cùng sự cải đạo sâu đậm theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.”

Những Điều Chỉnh ở Nhà

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đang mời gọi một sự tập trung đáng kể hơn để tham gia tích cực hơn trong việc tuân giữ đạo của riêng cá nhân và gia đình ở nhà, kể cả việc học tập phúc âm ở nhà vào ngày Chủ Nhật và trong suốt tuần cùng những điều chỉnh đối với buổi tối gia đình.

Là nơi giảng dạy lẫn thực hành, mái gia đình là một điểm trọng tâm thiết yếu cho việc học hỏi và sống theo phúc âm. Việc học tập phúc âm của riêng cá nhân và chung với gia đình ở nhà vào ngày Chủ Nhật và trong suốt tuần mang đến những cơ hội để tìm kiếm sức mạnh thuộc linh mỗi ngày và cho phép sự linh động hơn đối với việc học tập và sự mặc khải cá nhân. Nếu chỉ dựa vào thời gian có hạn ở nhà thờ cho việc giảng dạy phúc âm, thì sẽ tạo ra một sự mất cân bằng mà sẽ rất khó để có thể đạt được sự cải đạo sâu đậm và lâu dài cần thiết.

Chủ Tịch Nelson nói rằng: “Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về sự phát triển phần thuộc linh của cá nhân mình. Và thánh thư đã nói rõ rằng cha mẹ có trách nhiệm chính yếu để dạy giáo lý cho con cái của họ.”

Những thay đổi gồm có việc giới thiệu một nguồn tài liệu mới cho việc học tập phúc âm tại nhà dành cho cá nhân và gia đình. Các cá nhân và gia đình có thể sử dụng tài liệu mới Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình, nếu họ muốn, để hướng dẫn kinh nghiệm học tập phúc âm của họ ở ngoài nhà thờ. Nguồn tài liệu mới này kết hợp với các nguồn tài liệu đi kèm với tài liệu dành cho Trường Chủ Nhật và các giảng viên Hội Thiếu Nhi để cho các bài học ngày Chủ Nhật phù hợp với việc học tập thánh thư ở nhà và những đề nghị cho buổi tối gia đình.

Ngoài khuyến khích việc học tập phúc âm ra, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã lặp lại lời mời dành cho tất cả mọi người hãy tham gia vào ngày Sa Bát—và trong suốt tuần—trong các hội đồng gia đình, buổi tối gia đình, công việc lịch sử gia đình và đền thờ, phục sự, thờ phượng cá nhân, và vui hưởng thời gian bên gia đình.

Các tài liệu gửi ra cho các tín hữu và các vị lãnh đạo giải thích rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích các tín hữu tổ chức một buổi tối gia đình và học tập phúc âm vào ngày Sa Bát—hoặc vào thời gian tùy theo lựa chọn của các cá nhân và gia đình. Một buổi tối sinh hoạt gia đình có thể được tổ chức vào ngày Thứ Hai hoặc vào những lúc khác. Vì mục đích này, các vị lãnh đạo cần tiếp tục tránh hoạch định các buổi họp và sinh hoạt ở nhà thờ vào tối thứ Hai. Tuy nhiên, thời gian các cá nhân và gia đình dành ra cho việc học tập phúc âm ở nhà và các sinh hoạt có thể được hoạch định tùy theo hoàn cảnh cá nhân.

Việc thờ phượng Thượng Đế ở nhà thờ, tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng ở đó, và cùng nhau nhóm họp để giảng dạy lẫn nhau cùng củng cố và phục vụ lẫn nhau là các yếu tố thiết yếu trong việc gia tăng đức tin và sự cải đạo cá nhân. Việc rút ngắn thời gian dành ra ở nhà thờ có thể là phản tác dụng trừ khi các cá nhân và gia đình có chủ tâm trong việc củng cố mái gia đình của mình.

Chủ Tịch Nelson dạy: “Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta đã trở nên quen thuộc với ý nghĩ về ‘nhà thờ’ như một điều gì đó xảy ra trong các nhà hội của chúng ta, được hỗ trợ bởi những gì xảy ra ở nhà. Chúng ta cần một sự điều chỉnh cho mẫu mực này. Đây là lúc phải có Giáo Hội đặt trọng tâm vào mái gia đình, được hỗ trợ bởi những gì diễn ra bên trong các tòa nhà chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu của chúng ta.”

Những Điều Chỉnh ở Nhà Thờ

Những điều chỉnh đối với kinh nghiệm trong Giáo Hội là nhằm hỗ trợ việc học hỏi và sống theo phúc âm một cách đáng kể hơn ở nhà. Những thay đổi này gồm có việc điều chỉnh lịch trình nhóm họp ngày Chủ Nhật hằng tuần để bao gồm:

  • Một buổi họp Tiệc Thánh dài 60 phút,

  • Một thời gian di chuyển dài 10 phút,

  • Một lớp học dài 50 phút, như đã được phác thảo trong lịch trình mẫu dưới đây:

Lịch trình ngày Chủ Nhật bắt đầu vào tháng Một năm 2019

60 phút

Lễ Tiệc Thánh

10 phút

Di chuyển tới các lớp học

50 phút

Các lớp học dành cho người thành niên; các lớp học dành cho giới trẻ; Hội Thiếu Nhi

Thời gian lớp học 50 phút sẽ gồm có Hội Thiếu Nhi hằng tuần cho các trẻ em, còn các lớp học dành cho giới trẻ và người thành niên sẽ được luân phiên mỗi tuần như sau:

  • Ngày Chủ Nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba: Trường Chủ Nhật.

  • Ngày Chủ Nhật tuần thứ hai và tuần thứ tư: các nhóm túc số chức tư tế, Hội Phụ Nữ, và Hội Thiếu Nữ.

  • Ngày Chủ Nhật tuần thứ năm: các buổi họp dành cho giới trẻ và người thành niên dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ.

Nếu một Hội Thiếu Nhi đông đến mức phải chia thành Hội Thiếu Nhi với các trẻ em nhỏ tuổi và với các trẻ em lớn tuổi hơn, thì các vị lãnh đạo sẽ đảo lộn lại lịch trình sau đây cho nửa số trẻ em và điều chỉnh thời gian khi cần.

Lịch trình Hội Thiếu Nhi bắt đầu từ tháng Một năm 2019

25 phút

Cầu nguyện, câu thánh thư hoặc tín điều, bài nói chuyện (5 phút).

Giờ ca hát: Âm nhạc mà hỗ trợ cho các câu thánh thư học trong lớp (20 phút)

5 phút

Di chuyển tới các lớp học

20 phút

Các lớp học: bài học từ sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi

Những Thay Đổi trong Chương Trình Giảng Dạy

Những điều chỉnh này cho các lịch trình nhóm họp kết hợp chặt chẽ với ấn bản mới nhất của chương trình giảng dạy của Giáo Hội Hãy Đến Mà Theo Ta. Bắt đầu từ tháng Một, chương trình giảng dạy đặt trọng tâm vào mái gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ này sẽ hòa hợp với những gì những người thành niên, giới trẻ, và trẻ em đang học trong Trường Chủ Nhật và các lớp học Hội Thiếu Nhi, như thế sẽ dễ dàng hơn cho các gia đình để học cùng với nhau ở nhà trong tuần.

Những chỉ dẫn, đại cương bài học, và nguồn tài liệu có thể được tìm thấy trong:

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Nhóm Túc Số Các Anh Cả và Hội Phụ Nữ (được tìm thấy trong tạp chí EnsignLiahona số tháng Mười Một năm 2018)

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nữ

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi

Hãy vào trang comefollowme.lds.org để biết thêm thông tin.

Những thay đổi quan trọng khác gồm có như sau:

  • Các buổi họp hội đồng giảng viên sẽ được tổ chức vào mỗi quý, thay vì mỗi tháng.

  • Lịch trình bài học của nhóm túc số Các Anh Cả và Hội Phụ Nữ sẽ không gồm có buổi họp hội đồng vào ngày Chủ Nhật tuần thứ nhất hoặc một chủ đề đặc biệt vào ngày Chủ Nhật tuần thứ tư nữa. Các bài học sẽ tập trung vào các sứ điệp từ đại hội trung ương gần đây nhất.

  • Giờ ca hát sẽ thay thế giờ chia sẻ. Đại Cương Giờ Chia Sẻ sẽ được đình chỉ.

  • Khóa học Các Nguyên Tắc Phúc Âm sẽ được đình chỉ. Tất cả các tín hữu cùng bạn bè quan tâm sẽ được mời tham dự lớp học Trường Chủ Nhật tương ứng dành cho người thành niên hoặc giới trẻ.

  • Các khóa học tùy chọn—như là củng cố hôn nhân và gia đình, chuẩn bị đi đền thờ, chuẩn bị công việc truyền giáo, và lịch sử gia đình—sẽ không được tổ chức vào giờ học ngày Chủ Nhật. Các khóa học này có thể được giảng dạy vào những thời gian khác cho các cá nhân, gia đình, hoặc các nhóm tùy thuộc vào nhu cầu địa phương và quyết định của vị giám trợ.

Mục Đích của Các Thay Đổi Này

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đang tìm cách tạo ra một sự cân bằng mới và một mối liên kết chặt chẽ hơn giữa sức mạnh độc đáo của mái gia đình và những kinh nghiệm trong Giáo Hội với những mục đích nhất định.

“Còn có nhiều điều nữa cho sự điều chỉnh này hơn là chỉ rút ngắn lịch trình nhà thờ ngày Chủ Nhật… ,” Anh Cả Cook nói. “Các mục đích và phước lành liên quan tới sự điều chỉnh này và những thay đổi khác mới đây gồm có như sau:

  • “Gia tăng sự cải đạo theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố đức tin nơi Hai Ngài.

  • “Củng cố các cá nhân và gia đình qua một chương trình giảng dạy đặt trọng tâm vào mái gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ mà góp phần vào việc vui sống theo phúc âm.

  • Tôn trọng ngày Sa Bát, với sự chú tâm vào giáo lễ Tiệc Thánh.

  • “Giúp tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng ở cả hai bên bức màn che qua công việc truyền giáo và tiếp nhận các giáo lễ và các giao ước cùng các phước lành của đền thờ.”

Để xem thông báo về những điều chỉnh này, xin xem Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” ở trang 6 của tạp chí này; Quentin L. Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,” ở trang 8. Để có thêm thông tin về những điều chỉnh này, hãy vào trang sabbath.lds.org để tìm thấy một bức thư từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp, và nguồn tài liệu bổ sung mà có thể giúp các cá nhân và gia đình tôn trọng ngày Sa Bát.