2021
Chức Tư Tế là Quyền Năng của Thượng Đế
Tháng Tám năm 2021


“Chức Tư Tế là Quyền Năng của Thượng Đế,” Liahona, tháng Tám năm 2021

Sứ Điệp Hằng Tháng của Tạp Chí Liahona, tháng Tám năm 2021

Chức Tư Tế là Quyền Năng của Thượng Đế

Thượng Đế ban phước cho chúng ta qua quyền năng của chức tư tế. Các phước lành của chức tư tế có sẵn cho mọi người.

Chức tư tế là quyền năng của Thượng Đế. Ngài sử dụng quyền năng này để ban phước cho tất cả con cái của Ngài và giúp họ trở lại sống với Ngài. Thượng Đế đã ban quyền năng chức tư tế cho các con cái của Ngài trên thế gian. Với quyền năng này, những người lãnh đạo chức tư tế có thể dẫn dắt Giáo Hội, và những người nắm giữ chức tư tế có thể thực hiện các giáo lễ thiêng liêng, chẳng hạn như phép báp têm, mà giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn. Mỗi người nam và người nữ xứng đáng thì nhận được các giáo lễ chức tư tế và tuân giữ các giao ước (những lời hứa thiêng liêng) thì đều có quyền nhận được quyền năng của Thượng Đế.

Hình Ảnh
Tiệc Thánh

Quyền Năng của Chức Tư Tế Được Ban cho Joseph Smith

Khi Chúa Giê Su Ky Tô ở trên thế gian, Ngài đã lãnh đạo Giáo Hội của Ngài bằng quyền năng của chức tư tế. Ngài cũng đã ban quyền năng này cho Các Sứ Đồ của Ngài. Trong nhiều thế kỷ sau khi các sứ đồ đã chết, rất nhiều tín hữu đã rời khỏi Giáo Hội. Họ đã thay đổi phúc âm và đường lối của Giáo Hội một cách sai trái. Chức tư tế của Thượng Đế đã không còn trên thế gian nữa. Vào năm 1829, Chúa Giê Su gửi Giăng Báp Tít và Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng để truyền giao chức tư tế cho Joseph Smith. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là tổ chức duy nhất trên thế gian có được thẩm quyền này từ Thượng Đế.

Hình Ảnh
sự phục hồi của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

The Voice of Peter, James, and John (Tiếng Nói của Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng), tranh do Linda Curley Christensen và Michael T. Malm vẽ

Chìa Khóa của Chức Tư Tế, Các

Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền để hướng dẫn việc sử dụng chức tư tế, chẳng hạn như cho phép để thực hiện các giáo lễ. Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế. Chủ Tịch của Giáo Hội là người duy nhất trên thế gian có thể sử dụng các chìa khóa của chức tư tế để hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Dưới sự dẫn dắt của ông, những người khác có thể sử dụng các chìa khóa nhất định để thực hiện công việc của Thượng Đế. Các vị lãnh đạo chẳng hạn như các giám trợ và các chủ tịch giáo khu sử dụng các chìa khóa của chức tư tế để lãnh đạo trong tiểu giáo khu và giáo khu của họ. Bởi vì những sự kêu gọi để phục vụ đến từ các vị lãnh đạo có các chìa khóa của chức tư tế, nên những người nam và người nữ phục vụ trong các sự kêu gọi thực hành thẩm quyền chức tư tế khi họ thực hiện bổn phận của mình.

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Chức Tư Tế A Rôn

Chức tư tế gồm có hai phần: Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Chức Tư Tế A Rôn. Qua Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, các vị lãnh đạo Giáo Hội hướng dẫn tất cả công việc thuộc linh của Giáo Hội, chẳng hạn như công việc truyền giáo và công việc trong đền thờ. Chức Tư Tế A Rôn thực hiện chức năng dưới thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chức Tư Tế A Rôn được dùng để thực hiện các giáo lễ như phép báp têm và Tiệc Thánh.

Hình Ảnh
phép báp têm

Các Phước Lành của Chức Tư Tế

Qua các giao ước và các giáo lễ, Thượng Đế làm cho các phước lành của chức tư tế có sẵn cho tất cả con cái của Ngài. Những phước lành này gồm có phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, Tiệc Thánh, và các giáo lễ đền thờ. Những người nam và người nữ mà được làm lễ thiên ân trong đền thờ nhận được một ân tứ của quyền năng chức tư tế của Thượng Đế qua các giao ước của họ. Chúng ta cũng có thể nhận được các phước lành của chức tư tế về sự chữa lành, an ủi, và hướng dẫn.

Hình Ảnh
cặp vợ chồng mới cưới ở đền thờ

Thánh Thư Nói Điều Gì về Chức Tư Tế?

Chức tư tế hiện giờ cũng chính là chức tư tế đã có trong thời xưa (xin xem Môi Se 6:7).

Các chìa khóa của chức tư tế giúp bảo đảm rằng chúng ta thực hiện công việc của Chúa theo một cách có trật tự (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:11).

Những người nam nắm giữ chức tư tế có thể sử dụng nó “bởi các nguyên tắc ngay chính” (Giáo Lý và Giao Ước 121:36).

Một số bổn phận của những người nắm giữ chức tư tế được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 20:38–67.