2021
Làm Thế Nào Tôi Có Thể Giúp Vượt Qua Thành Kiến?
Tháng Chín/Tháng Mười Năm 2021


Làm Thế Nào Tôi Có Thể Giúp Vượt Qua Thành Kiến?

Đây là sáu cách thức chúng ta có thể từ bỏ thành kiến và khuyến khích sự tôn trọng.

Hình Ảnh
women sitting in circle enjoying sharing stories in group meeting

Tôi Có Thể Làm Gì để Vượt Qua Thành Kiến?

1. Trước hết hãy nhìn vào bên trong. Chúng ta có thể cam kết để nhận ra trong bản thân mình và từ bỏ bất cứ “thái độ và hành động thành kiến” nào.1

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Bất cứ ai trong chúng ta có thành kiến về một chủng tộc khác đều cần phải hối cải!”2

2. Tìm cách để thấu hiểu. Dành thời gian để lắng nghe những người đã bị thành kiến. Điều này có thể gồm có sách vở, phim truyện, và bản tin đáng tin cậy về đề tài này.3

Darius Gray, một tín hữu và vị lãnh đạo Giáo Hội người Mỹ gốc Châu Phi, đã nhận xét: “Nếu chúng ta cố gắng để thực sự lắng nghe từ những người mà chúng ta coi là ‘người khác,’ và nếu điều chúng ta thực sự tập trung vào là để cho họ chia sẻ về cuộc đời họ, lịch sử của họ, gia đình họ, hy vọng của họ, và nỗi đau của họ, thì không những chúng ta sẽ hiểu rõ họ hơn mà làm như vậy sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hàn gắn những vết thương của nạn phân biệt chủng tộc.”4

3. Lên tiếng. Nếu anh chị em nghe người nào đó chia sẻ một ý kiến sai lạc hoặc tiêu cực về chủng tộc, hãy lên tiếng một cách tử tế nhưng rõ ràng.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói: “Với tư cách là … các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải làm tốt hơn nữa để giúp xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.”5

Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Chúng ta được mời gọi để thay đổi thế giới ngày một tốt hơn, từ bên trong ra, từng người một, từng gia đình một, từng khu phố một.’’6

Tôi Có Thể Làm Gì Nếu Tôi Cảm Thấy Bị Phân Biệt Đối Xử?

Hình Ảnh
man in wheelchair communicates cheerfully with employees at the office

1. Tha thứ, và có được một người bạn. Khi chúng ta bị tổn thương bởi hành động của người khác, chúng ta có thể giảng dạy và tha thứ, cùng tìm cách để xây đắp một mối quan hệ.

Trong khi phục vụ với tư cách là một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, Anh Cả Fred A. ‘Tony” Parker đã nói: “Khi tôi là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc, tôi tìm thấy thành công trong việc gặp mặt trực tiếp và tha thứ cho người đó, và chỉ ra vấn đề đó. Nếu có ai nói điều gì đó làm tôi tổn thương, thì tôi cần phải tìm ra cách để giúp anh ta hiểu tại sao điều đó lại gây tổn thương như vậy. Đó là một cơ hội không những để tha thứ mà còn xây đắp một mối quan hệ để người đó không chỉ nhìn vào Tony Parker là một người Mỹ gốc Châu Phi mà là một người con của Thượng Đế. Chúa Giê Su dạy về sự tha thứ (xin xem Ma Thi Ơ 18:21–35), và Ngài dạy chúng ta rằng khi chúng ta bị xúc phạm, hãy nói chuyện với người đó và giải quyết vấn đề (xin xem Ma Thi Ơ 18:15).”7

2. Rút ra những bài học hữu ích từ những kinh nghiệm gây tổn thương (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 122:7).

Mục Sư Amos C. Brown kể một câu chuyện về Howard Washington Thurman. Howard sống cạnh nhà một phụ nữ đã đối xử tệ với gia đình ông vì họ là người Da Đen—thậm chí còn ném phân gà vào vườn nhà Thurman.

Khi người phụ nữ đó bị bệnh, mẹ của Howard mang món súp và hoa hồng đến biếu bà ta. Với lòng biết ơn, người phụ nữ đó hỏi những bông hoa đó đến từ đâu. Bà Thurman giải thích: “Trong khi bà ném phân gà thì Thượng Đế đang chuẩn bị cày xới đất.”

“Đó là điều chúng ta phải làm ở giữa sự tà ác,” Mục Sư Brown nói. “Nhận lấy phân nhưng có đức tin nơi Thượng Đế để dùng nó làm phân bón cho một vườn hồng.”8

3. Tìm đến Đấng Ky Tô để được chữa lành và hướng dẫn. Việc tin tưởng nơi Đấng Cứu Rỗi với nỗi đau của anh chị em và noi theo Ngài có thể mang đến sự bình an.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy rằng ngoài việc cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi bằng cách làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý trên chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô “còn chữa lành và đền bù chúng ta cho bất cứ nỗi đau khổ nào mà chúng ta phải chịu đựng một cách oan ức theo công lý.”9

Đấng Cứu Rỗi mang đến một tấm gương hoàn hảo cho chúng ta noi theo. Ngài dạy chúng ta phải làm gì khi bị xúc phạm (xin xem Ma Thi Ơ 18:15), bị ngược đãi (xin xem Ma Thi Ơ 5:38–48), và thậm chí bị giết chết một cách bất công (xin xem Lu Ca 23:34).

Ghi Chú

  1. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 38.6.14, ChurchofJesusChrist.org.

  2. Russell M. Nelson, trong “President Nelson Shares Social Post about Racism and Calls for Respect for Human Dignity,” Newsroom, ngày 1 tháng Sáu năm 2020, newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  3. Xin xem “Seeking Information from Reliable Sources,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, 38.8.45.

  4. Darius Gray, “Healing the Wounds of Racism,” ngày 5 tháng Tư năm 2018, blog.ChurchofJesusChrist.org.

  5. Dallin H. Oaks, “Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 28.

  6. Gerrit W. Gong, “Tất Cả Các Quốc Gia, Sắc Tộc, và Sắc Ngữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 38.

  7. Fred A. “Tony” Parker, “The Savior Heals Our Hurts,” Ensign, tháng Sáu năm 2018, trang 44–45.

  8. “We Are Family: A Discussion on Overcoming Prejudice with Elder Jack N. Gerard and the Reverend Amos C. Brown,” Liahona, tháng Chín năm 2021, phiên bản kỹ thuật số.

  9. D. Todd Christofferson, “Sự Cứu Chuộc,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 110.