2022
Sự Tôn Kính Thực Ra Là Gì?
Tháng Ba năm 2022


“Sự Tôn Kính Thực Ra Là Gì?,” Liahona, tháng Ba/tháng Tư năm 2022.

Sự Tôn Kính Thực Ra Là Gì?

Khi mở rộng hiểu biết của mình về sự tôn kính, chúng ta gia tăng khả năng để cư xử tôn kính ngay cả trong những tình huống khó xảy ra nhất.

Hình Ảnh
người đàn ông đang đeo tai nghe

Do một số trải nghiệm độc đáo của mình, tôi đã thường suy nghĩ về ý nghĩa của sự tôn kính. Đây là cách Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, định nghĩa nó:

“Sự thờ phượng thường gồm có các hành động, nhưng sự thờ phượng chân thật luôn luôn gồm có một thái độ đặc biệt của tâm trí.

“Thái độ thờ phượng gợi lên những cảm xúc sâu thẳm nhất của lòng trung thành, sự tôn thờ, và kính sợ. Sự thờ phượng kết hợp tình yêu thương và sự tôn kính trong một trạng thái tận tâm nhằm mang tinh thần của chúng ta đến gần Thượng Đế hơn.” 1

Anh chị em liên tưởng đến điều gì khi nghĩ về sự tôn kính? Các tình huống sau đây được xem là tôn kính hay không tôn kính trong lễ Tiệc Thánh?

  1. Một đứa trẻ vẽ trong cuốn sách tô màu của em ấy.

  2. Một người đàn ông chuyền Tiệc Thánh trong lúc đeo tai nghe.

  3. Một thiếu niên nhảy nhót và vẫy tay cuồng nhiệt.

  4. Một thiếu nữ chơi trò chơi trên điện thoại của mình.

  5. Một người truyền giáo bỗng nhiên la hét.

  6. Một người phụ nữ luôn ngồi ngoài hành lang, không bao giờ ngồi trong giáo đường.

  7. Một người đàn ông nằm trên một cái nệm trên lối đi trong giáo đường.

  8. Một nhóm tín hữu làm điệu bộ và gây nhiều tiếng ồn.

  9. Một cô gái vị thành niên ngồi dưới ghế của mình.

  10. Một người phụ nữ đi qua đi lại ở phía sau giáo đường.

Hầu hết trong chúng ta sẽ đồng ý rằng một người truyền giáo la hét trong lễ Tiệc Thánh thì ít tôn kính hơn nhiều so với những đứa trẻ vẽ tranh để giữ mình bận rộn. Nhưng hãy dành ra một chút thời gian để xem lại những phán đoán của chúng ta về sự tôn kính bằng cách xem xét 10 tình huống có thật sau đây—bản thân tôi đã trải qua mỗi tình huống này trong các buổi họp Giáo Hội.

  1. Một đứa trẻ vẽ tranh ở nhà thờ. Điều này rất phổ biến và hầu như tất cả mọi tín hữu đều chấp nhận nó. Chúng ta biết rằng điều này thường không phải là không tôn kính trừ khi chúng ta tự cho phép mình bị nó làm phân tâm.

  2. Một người đàn ông chuyền Tiệc Thánh trong lúc nghe nhạc qua tai nghe của mình. Điều này thực sự không phù hợp trong hầu hết mọi trường hợp. Nhưng hãy để tôi chia sẻ “phần còn lại của câu chuyện.” Tôi biết một người đàn ông có chứng ngôn mạnh mẽ, đã phục vụ truyền giáo và chấp nhận nhiều sự kêu gọi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, anh ấy bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn thần kinh. Việc đeo tai nghe cho phép anh ấy lắng nghe âm nhạc êm dịu và giúp ngăn chặn những tiếng nói luôn hiện hữu trong tâm trí mình. Anh ấy có thể cảm nhận Thánh Linh và phục vụ người khác một cách nghiêm trang nhờ sự giúp đỡ của chiếc tai nghe.

  3. Một thiếu niên nhảy nhót và vẫy tay cuồng nhiệt. Phần còn lại của câu chuyện: Em trai mắc hội chứng tự kỷ và không nói được này trở nên phấn khích mỗi khi em ấy nhìn thấy vị giám trợ trên bục chủ tọa. Em ấy thể hiện sự nhiệt tình bằng cách phe phẩy tay và nhảy nhót.

    Hình Ảnh
    Children attend primary. One has a service dog and another is in a wheelchair.
  4. Một thiếu nữ chơi trò chơi trên điện thoại của mình. Phần còn lại của câu chuyện: Em thiếu nữ này chống lại chứng lo âu xã hội bằng việc im lặng chơi trò chơi trên điện thoại của mình. Thực tế, em ấy có thể nghiêm trang lắng nghe và tiếp nhận sứ điệp từ những người nói chuyện một cách hiệu quả hơn vì sự lo âu của em ấy được tập trung ở nơi khác.

  5. Một người truyền giáo bỗng nhiên la hét. Phần còn lại của câu chuyện: Trong lúc tôi ở trong trung tâm huấn luyện truyền giáo, một người truyền giáo trong khu bộ của tôi mắc hội chứng Tourette. Thỉnh thoảng, anh ấy la hét trong lớp học, phòng ăn, và các buổi họp Giáo Hội. Sự la hét của anh ấy không được xem như là bất kính; chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng anh ấy đã sẵn sàng phục vụ, háo hức để chia sẻ phúc âm, và tràn đầy Thánh Linh.

  6. Một phụ nữ ngồi trong hành lang mỗi tuần và không bao giờ ngồi trong giáo đường. Phần còn lại của câu chuyện: Trong lúc tôi làm việc cho Giáo Hội ở Salt Lake City, một chị phụ nữ đã viết thư cho văn phòng Dịch Vụ Khuyết Tật của chúng tôi về kinh nghiệm của chị khi mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương do phục vụ quân sự. Bởi vì một tiếng chuông điện thoại hoặc tiếng ồn đột ngột khác có thể gây ra hồi ức, chị không bao giờ ngồi trong giáo đường để không vô ý làm tổn thương bất cứ ai.

  7. Một người đàn ông nằm trên một cái nệm trên lối đi. Phần còn lại của câu chuyện: Khi tôi chuyển đến một tiểu giáo khu mới, tôi bất ngờ khi nhìn thấy một người anh em nằm trên một cái giường bệnh di động trong giáo đường. Người đàn ông này có nhiều khuyết tật và chỉ có thể tham dự nhà thờ bằng cách này. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng điều này là bình thường cho tiểu giáo khu đó, và tôi đã nhanh chóng thích nghi. Việc anh ấy nằm đó không phải là bất kính mà thực ra hoàn toàn ngược lại. Suy cho cùng, chẳng phải Đấng Cứu Rỗi đã chữa lành cho một người đàn ông được bạn bè của mình hạ xuống trên một chiếc giường vào trong một ngôi nhà đông đúc sao? (xin xem Lu Ca 5:18–20).

  8. Một nhóm tín hữu gây ồn ào và làm nhiều cử chỉ. Phần còn lại của câu chuyện: Các giáo đoàn khiếm thính có thể là “ồn ào” đối với những người tham dự bình thường. Đối với cộng đồng người khiếm thính, đó không phải là một điều bất kính khi một người gây ra tiếng ồn, cười, hoặc ho lớn tiếng, nhưng các tín hữu được cho là bất kính khi họ ra dấu về những điều của thế gian trong lễ Tiệc Thánh.

  9. Một cô gái vị thành niên ngồi dưới ghế của mình. Phần còn lại của câu chuyện: Khi ở tuổi vị thành niên, một trong những cô gái ở độ tuổi của tôi luôn luôn ngồi dưới ghế của cô ấy trong lớp học. Cô gái trẻ này lớn lên trong nhiều trung tâm nuôi dưỡng và chỉ cảm thấy an toàn khi ở trong một khu vực kín đáo. Từ đó, tôi nhận ra rằng chúng ta không thể trông đợi các học viên có thể học hỏi nếu họ liên tục phải đối mặt với căng thẳng. Các học viên phải cảm thấy an toàn để có thể học hỏi và, quan trọng nhất, là để cảm nhận tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

  10. Một người phụ nữ đi qua đi lại trên hành lang. Phần còn lại của câu chuyện: Đây thực sự là tôi. Tôi đã vất vả với chứng bệnh lo âu trong hơn một thập kỷ, với rất nhiều cơn lo âu nghiêm trọng và các vấn đề sức khỏe khác. Trong những lần như vậy, cách duy nhất tôi có thể tham dự nhà thờ là nếu tôi có thể di chuyển. Đi qua đi lại hoặc chơi một món đồ chơi trên tay mình đôi lúc là cách duy nhất để tôi có thể tập trung vào người nói chuyện và cảm nhận Thánh Linh. 

Sa Tan lợi dụng thực tế là chúng ta không luôn luôn biết được phần còn lại của câu chuyện, rằng chúng ta không luôn luôn biết được các anh chị em của mình đang đối mặt với những thử thách nào mỗi ngày. Nó muốn chúng ta quên rằng đa số các tín hữu đang cố gắng hết sức mình, bất kể điều đó trông như thế nào đối với người khác. Những tình huống tôi liệt kê ở trên có thể hiếm gặp, nhưng chúng tượng trưng cho nhiều thử thách cá nhân mà các tín hữu của chúng ta đang cố vượt qua khi tham dự nhà thờ.

Tôi tin rằng Sa Tan muốn chúng ta tin rằng việc thờ phượng của mình bị hạn chế bởi những khó khăn, khác biệt, hoặc khuyết điểm của người khác. Trong thực tế, tôi nhận thấy rằng chính trong những khoảnh khắc dường như gây sao lãng này mà tôi học được nhiều nhất về tình thương yêu của Đấng Cứu Rỗi.

Điều Tôi Học Được về Sự Tôn Kính

Hình Ảnh
người phụ nữ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu

1. Sự tôn kính là một lựa chọn và một kỹ năng.

Nó tùy thuộc vào tôi để cảm thấy nghiêm trang. Tôi rất thường xuyên không cảm thấy nghiêm trang vì tôi tự cho phép mình bị sao lãng. Khi phát triển tính kỷ luật về mặt thuộc linh và luyện cho tinh thần của mình nhằm tập trung vào điều quan trọng nhất, tôi có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng.

2. Sự tôn kính không phải giống nhau cho tất cả mọi người.

Một người bạn của gia đình tôi đã ngồi tù 17 năm và đã mời Thánh Linh vào phòng giam của mình bằng cách xây dựng các mô hình bằng giấy của đền thờ. Sự tôn kính có thể hiện diện trong bất kỳ tình huống nào nếu chúng ta mời Thánh Linh.

3. Sự tôn kính có thể được khuyến khích nhưng đó là lựa chọn cá nhân.

Sự tôn kính phát xuất từ một cam kết nội tâm để nuôi dưỡng “thái độ thờ phượng.” Nó chỉ có thể hiện diện khi chúng ta thực sự cảm nhận và thể hiện tình thương yêu của mình đối với Chúa và các tín hữu khác. Cha tôi đã từng nói với tôi rằng khi chúng ta chịu trách nhiệm cho sự tôn kính của mình, thì quan điểm của chúng ta thay đổi từ “Anh chị em đang quấy nhiễu việc thờ phượng của tôi ở đây!” thành “Không sao đâu. Anh chị em được chào đón ở đây. Anh chị em không quấy nhiễu sự tôn kính của tôi bởi vì tôi chọn để cư xử tôn kính.” Sau đó chúng ta nhận ra rằng hành động của người khác không nhất thiết phải cản trở mối quan hệ cá nhân giữa chúng ta với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng. Tất nhiên, việc chịu trách nhiệm cá nhân về sự tôn kính của mình không có nghĩa là chúng ta phớt lờ cách mà hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của người khác. Nỗ lực của chúng ta trong thái độ tôn kính có thể là việc mở rộng tình thương yêu của chúng ta cho họ như những anh chị em của mình.

Giáo Vụ của Đấng Cứu Rỗi

Trong một ví dụ tuyệt vời về việc phục sự, Đấng Cứu Rỗi đã thương xót người đàn ông bị quỷ ám. Mặc dù người này đã liên tục la hét và đi lang thang khi không mặc quần áo, Chúa Giê Su đã không từ chối chữa lành cho ông. Chỉ sau khi được chữa lành, người đàn ông này mới có thể ngồi “dưới chân Đức Chúa Giê Su, mặc quần áo, bộ tỉnh táo,” cầu xin được tiếp tục ở cùng Chúa. (Xin xem Lu Ca 8:27–39; xin xem thêm Mác 5:1–20.)

Tương tự, Chúa Giê Su đã không phán bảo đứa bé trai bị quỷ ám hãy ngừng ăn vạ, sôi bọt mồm, và nghiến răng trước khi chữa lành cho đứa bé ấy (xin xem Mác 9:17–27). Ngài xem những tình trạng này như những trải nghiệm trần thế, chứ không phải những khuyết tật về mặt thuộc linh. Ngài chỉ khước từ những người Pha Ri Si vì sự kiêu ngạo và tự cho mình là ngay chính đã ngăn cản sự chữa lành.

Khi anh chị em và tôi mở rộng khái niệm của chúng ta về sự tôn kính, chúng ta sẽ có thể giảng dạy và phục sự tốt hơn theo cách của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta sẽ ghi nhớ giá trị của mỗi con người dưới mắt Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10). Chúng ta sẽ có thể nghiêm trang ngay cả trong những tình huống khó xảy ra nhất.

Có lẽ sự tôn kính trong mắt Chúa ít liên quan đến việc ngồi yên và nói chuyện nhẹ nhàng, mà liên quan nhiều hơn đến sự tĩnh lặng trong tâm trí và sự êm dịu trong lòng chúng ta.

Tác giả hiện sống ở Texas, Hoa Kỳ.

Ghi Chú

  1. Dallin H. Oaks, Pure in Heart (năm 1988), trang 125.