Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 14–20 tháng Ba. Sáng Thế Ký 42–50: “Đức Chúa Trời Toan Làm Điều Ích”


“Ngày 14–20 tháng Ba. Sáng Thế Ký 42–50: ‘Đức Chúa Trời Toan Làm Điều Ích,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 14–20 tháng Ba. Sáng Thế Ký 42–50,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Giô Sép ở Ai Cập

Hình ảnh minh họa Giô Sép ở Ai Cập, do Robert T. Barrett thực hiện

Ngày 14–20 tháng Ba

Sáng Thế Ký 42–50

“Đức Chúa Trời Toan Làm Điều Ích”

Việc đọc thánh thư mời gọi Thánh Linh. Hãy lắng nghe những sự thúc giục của Ngài trong khi anh chị em đọc, ngay cả khi những thúc giục đó có vẻ không liên quan trực tiếp đến điều anh chị em đang đọc.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Khoảng 22 năm đã qua kể từ khi Giô Sép bị các anh mình bán sang Ai Cập. Ông đã chịu nhiều thử thách, kể cả bị kết tội oan và giam vào ngục. Cuối cùng khi gặp lại các anh của mình, Giô Sép đang là quan tổng chánh toàn xứ Ê Díp Tô (Ai Cập), có quyền hành chỉ sau vua Pha Ra Ôn. Ông có thể dễ dàng trả thù họ, và khi nghĩ về những điều mà họ đã làm với Giô Sép thì việc đó dường như có thể hiểu được. Vậy mà Giô Sép đã tha thứ cho các anh mình. Không chỉ vậy, ông còn giúp họ thấy được mục đích thiêng liêng đằng sau nỗi thống khổ của ông. “Đức Chúa Trời toan làm điều ích” (Sáng Thế Ký 50:20), ông nói với họ như vậy, bởi vì nỗi thống khổ đó đưa ông vào một vị thế để cứu “cả nhà cha mình” (Sáng Thế Ký 47:12) khỏi nạn đói.

Trong nhiều phương diện, cuộc đời của Giô Sép tương tự như cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngay cả khi những tội lỗi của chúng ta gây nỗi đau khổ lớn lao cho Ngài, Đấng Cứu Rỗi vẫn tha thứ, giải thoát cho tất cả chúng ta khỏi một kết cục tồi tệ hơn nhiều so với nạn đói. Cho dù chúng ta cần được tha thứ hoặc cần tỏ lòng tha thứ—đến một lúc nào đó tất cả chúng ta đều cần phải làm cả hai việc này—thì tấm gương của Giô Sép hướng chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi, nguồn gốc thật sự cho sự chữa lành và hòa giải.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Sáng Thế Ký 45:1–8; 50:20

“Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh [còn sống].”

Trong khi đọc về Giô Sép, anh chị em có nhận thấy bất kỳ điểm tương đồng nào giữa câu chuyện của ông và sứ mệnh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô không? Anh chị em có thể suy ngẫm sự tương tự giữa vai trò của Giô Sép trong gia đình ông với vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong gia đình của Thượng Đế. Anh chị em thấy có gì tương đồng giữa kinh nghiệm của Giô Sép với sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi, Đấng được gửi đến để là “một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn [chúng ta]”? (Sáng Thế Ký 45:7).

Sáng Thế Ký 45; 50:15–21

Sự tha thứ sẽ giúp hàn gắn.

Khi đọc về việc Giô Sép tha thứ các anh trai về những điều tồi tệ mà họ đã gây ra cho ông, anh chị em có thể được nhắc nhở để nghĩ về một ai đó mà bản thân mình đang gặp khó khăn để tha thứ. Hoặc có lẽ một thử thách khó khăn về sự tha thứ sẽ đến với anh chị em trong tương lai. Dẫu sao thì có thể là điều hữu ích để suy ngẫm tại sao Giô Sép có thể tha thứ. Anh chị em tìm thấy được những gợi ý nào cho thấy tính cách và thái độ của Giô Sép trong Sáng Thế Ký 45; 50:15–21? Những kinh nghiệm của ông có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến việc ông có thể trở nên bao dung hơn? Tấm gương của Giô Sép gợi ý điều gì về cách anh chị em có thể trở nên bao dung hơn với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi?

Cũng hãy lưu ý đến những phước lành đến với gia đình Giô Sép nhờ lòng tha thứ của ông. Anh chị em đã nhận được các phước lành nào từ sự tha thứ? Anh chị em có cảm thấy được soi dẫn để tìm đến một ai đó mà đã đối xử không tốt với mình không?

Xin xem thêm Sáng Thế Ký 33:1–4; Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11; Larry J. Echo Hawk, “Như Chúa Đã Tha Thứ Anh Em Thể Nào, thì Anh Em Cũng Phải Tha Thứ Thể Ấy,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 15–16.

Sáng Thế Ký 49

Ý nghĩa của những biểu tượng trong các phước lành của Gia Cốp là gì?

Những phước lành mà Gia Cốp ban cho con cháu mình chứa đựng những hình ảnh sống động, nhưng một số người đọc cũng có thể thấy chúng khó hiểu. May thay, phúc âm phục hồi cho chúng ta thêm sự hiểu biết. Khi anh chị em đọc phước lành ban cho Giô Sép trong Sáng Thế Ký 49:22–26, hãy đọc các câu thánh thư sau đây nữa, và xem chúng mang lại những hiểu biết sâu sắc nào: 1 Nê Phi 15:12; 2 Nê Phi 3:4–5; Gia Cốp 2:25; Giáo Lý và Giao Ước 50:44.

Trong khi anh chị em đọc về phước lành ban cho Giu Đa trong Sáng Thế Ký 49:8–12, hãy nhớ rằng cả Vua Đa Vít và Chúa Giê Su Ky Tô đều thuộc vào dòng dõi của Giu Đa. Những từ hoặc cụm từ nào trong các câu này nhắc anh chị em về Đấng Cứu Rỗi? Khi anh chị em nghiên cứu về phước lành của Giu Đa, có thể hữu ích để đọc thêm Khải Huyền 5:5–6, 9; 1 Nê Phi 15:14–15; Giáo Lý và Giao Ước 45:59; 133:46–50.

Nếu anh chị em thích biết nhiều hơn về các con trai của Gia Cốp và các chi tộc Y Sơ Ra Ên bắt nguồn từ họ, có một phần viết về mỗi người trong Sáng Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Sáng Thế Ký 50:24–25; Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 50:24–38 (trong phần phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư)

“Chúa, Thượng Đế của ta sẽ dựng lên một vị tiên kiến.”

Qua các giấc mơ của Giô Sép (xin xem Sáng Thế Ký 37:5–11) và lời giải thích của ông cho giấc mơ của những người khác (xin xem Sáng Thế Ký 40–41), Chúa đã mặc khải những sự việc mà sẽ xảy ra trong nhiều ngày hoặc nhiều năm sau. Nhưng Chúa cũng mặc khải cho Giô Sép điều sẽ xảy ra trong những thế kỷ tới. Đặc biệt, ông đã biết về sứ mệnh tiên tri của Môi Se và Joseph Smith. Trong khi anh chị em đọc những lời của Giô Sép trong Sáng Thế Ký 50:24–25 và trong Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 50:24–38 (trong phần phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư), hãy tự hỏi mình việc biết những điều này có thể đã ban phước cho Giô Sép và con cái của Y Sơ Ra Ên như thế nào. Anh chị em nghĩ tại sao là điều quan trọng với Chúa để phục hồi lời tiên tri này qua Joseph Smith? (xin xem thêm 2 Nê Phi 3).

Joseph Smith đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 50: 27–28, 30–33 như thế nào? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:17–23; 20:7–12; 39:11; 135:3).

Hình Ảnh
Giô Sép ở Ai Cập thấy khải tượng về việc Joseph Smith nhận các bảng khắc bằng vàng

Hình minh họa Giô Sép ở Ai Cập, do Paul Mann thực hiện

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Sáng Thế Ký 42–46.Gia đình anh chị em có thể thích đóng diễn câu chuyện về Giô Sép đoàn tụ với các anh ông. (“Giô Sép và Nạn Đói,” trong Các Câu Chuyện Kinh Cựu Ước có thể giúp ích.) Hãy làm cho vở diễn vui nhộn—sử dụng phục trang và đạo cụ nếu anh chị em muốn. Khuyến khích mọi người cố gắng hiểu những cảm xúc và quan điểm của các nhân vật. Anh chị em có thể đặc biệt tập trung vào những cảm nghĩ của Giô Sép dành cho các anh ông và về cách mà họ có lẽ đã cảm thấy khi ông tha thứ cho họ. Việc này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách mà sự tha thứ có thể ban phước gia đình anh chị em.

Khi Giô Sép gặp lại các anh ông sau nhiều năm, làm thế nào mà họ cho thấy rằng họ đã thay đổi kể từ lần cuối ông gặp họ? Chúng ta có thể học được gì về sự hối cải từ các kinh nghiệm của họ?

Sáng Thế Ký 45:3–11; 50:19–21.Giô Sép đã nhận ra rằng mặc dù kinh nghiệm của ông tại Ai Cập rất khó khăn, nhưng “Đức Chúa Trời toan làm điều ích” (Sáng Thế Ký 50:20). Gia đình của anh chị em có từng trải qua bất kỳ thử thách nào mà Thượng Đế đã biến chuyển chúng thành các phước lành không?

Một bài thánh ca về lòng nhân từ của Thượng Đế trong những khi thử thách (như là “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng” [Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 6]) có thể giúp nâng cao cuộc thảo luận này. Những chi tiết nào từ các kinh nghiệm của Giô Sép minh họa điều mà bài thánh ca dạy?

Sáng Thế Ký 49:9–11, 24–25.Chúng ta tìm thấy điều gì trong các câu này mà dạy về các vai trò và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô? (Để giúp hiểu được các cụm từ trong những câu này, xin xem tài liệu về Sáng Thế Ký 49 trong “Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân.”)

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy sử dụng âm nhạc. Giúp mọi người trong gia đình tìm các lẽ thật phúc âm trong lời của các bài thánh ca và các bài hát Thiếu Nhi. Tìm những cách thức để làm cho âm nhạc thiêng liêng trở thành một phần thường có trong việc học phúc âm của anh chị em.

Hình Ảnh
Gia Cốp ban phước cho các con trai của mình

Jacob Blessing His Sons (Gia Cốp Ban Phước cho Các Con Trai của Mình), tranh do Harry Anderson họa