2008
Lẽ Thật của Thượng Đế Sẽ Tiến Bước
Tháng Mười một năm 2008


Lẽ Thật của Thượng Đế Sẽ Tiến Bước

Đây là công việc của Thượng Đế, và công việc của Thượng Đế sẽ không bị thất bại. Nhưng vẫn còn có nhiều việc để làm.

Hình Ảnh
M. Russell Ballard

Thưa các anh chị em, vào ngày 19 tháng Bảy của năm nay, Tổ Chức Sons of the Utah Pioneers (Các Con Trai của Những Người Tiền Phong Utah) đã đặt tại Công Viên This Is the Place Heritage Park ở Salt Lake City một bức tượng của Tiên Tri Joseph Smith và người kế nhiệm ông là Chủ Tịch Brigham Young. Bức tượng này, có tên là Mắt Hướng về Phía Tây, cho thấy hai vị tiên tri cao trọng này với một bản đồ lãnh thổ miền Tây.

Nhiều người, kể cả Các Thánh Hữu Ngày Sau, đã quên rằng Joseph Smith biết rất rõ rằng cuối cùng thì Giáo Hội sẽ di chuyển đến Miền Tây Hoa Kỳ vĩ đại. Vào tháng Tám năm 1842 ông đã tiên tri “rằng Các Thánh Hữu sẽ tiếp tục chịu nhiều thống khổ và sẽ bị đuổi đến dải núi Rocky Mountains, nhiều người sẽ bội giáo, những người khác sẽ bị giết chết bởi những kẻ ngược đãi chúng ta hoặc thiệt mạng vì thời tiết lạnh giá hoặc bệnh tật, và một số người [sẽ] sống … để xây cất thành phố và thấy được Các Thánh Hữu trở thành một dân tộc hùng mạnh ở giữa dải Núi Rocky” (History of the Church, 5:85).

Ngay cả những người cộng sự thân thiết nhất với Joseph trong những năm tháng đầu tiên đó cũng không hoàn toàn hiểu các thử thách mà Các Thánh Hữu Ngày Sau chịu đựng trong khi Giáo Hội tăng trưởng từ sự khởi đầu nhỏ bé của mình hồi đầu thập niên 1800. Nhưng Joseph Smith biết rằng không có một kẻ thù nào hiện diện lúc bấy giờ hoặc trong tương lai mà sẽ có đủ khả năng để làm thất bại hoặc chặn đứng các mục đích của Thượng Đế. Chúng ta đều quen thuộc với những lời tiên tri của ông: “Cờ Hiệu của Lẽ Thật đã được dựng lên; không có một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng không cho công việc này tiến triển; những sự ngược đãi có thể ác liệt, các đám đông khủng bố có thể liên kết, những đạo quân có thể tập họp, lời vu khống có thể đưa ra, nhưng lẽ thật của Thượng Đế sẽ thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mỗi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất” (History of the Church 4:540).

Gần 18 thập niên đã trôi qua kể từ khi sự tổ chức Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 1830. Chúng ta đã có 178 năm để quan sát sự ứng nghiệm của lời tiên tri và nhìn “lẽ thật của Thượng Đế tiến bước một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập.“

Giáo Hội bắt đầu thập niên đầu tiên của mình với chỉ một vài tín hữu. Mặc dù có sự chống đối mãnh liệt, nhưng 597 người truyền giáo đã được kêu gọi trong thập niên 1830, và hơn 15.000 người cải đạo đã chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Hoa Kỳ, Canada, và Anh Quốc đã mở cửa cho việc thuyết giảng phúc âm.

Có nhiều người cải đạo trong thập niên 1840 trong khi những sự ngược đãi tiếp tục một cách dữ dội chống lại Giáo Hội và nhất là chống lại Tiên Tri Joseph. Ở giữa những khó khăn này và bất chấp những thử thách gay go của cuộc hành trình, phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục lan tràn thêm trên thế gian qua sự phục vụ trung tín của 1.454 người truyền giáo đã được kêu gọi trong thập niên 1840, và con số các tín hữu Giáo Hội tăng đến hơn 48.000 người. Vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, sự ngược đãi Joseph Smith lên đến cực điểm khi ông và anh của ông là Hyrum bị một đám đông hỗn tạp khủng bố giết chết trong Ngục Thất Carthage.

Chẳng bao lâu sau Sự Tuẫn Đạo, và trong việc làm ứng nghiệm khải tượng của Joseph, Brigham Young và Giáo Hội bắt đầu chuẩn bị đi đến dải Núi Rocky. Nỗi gian truân, thống khổ, cái chết và sự bội giáo không ngừng xảy ra. Tuy nhiên, công việc vẫn tiến hành. Vào thập niên 1850, khoảng 705 người truyền giáo được kêu gọi phục vụ trong các khu vực gồm có Scandinavia, Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Hawaii. Công việc truyền giáo cũng bắt đầu trong nhiều phần đất khác nhau của thế giới như Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện, Nam Phi, và West Indies.

Trong số những người cải đạo trung tín từ Scandinavia và Anh quốc đã chịu phép báp têm trong thập niên 1850 là những người chịu đau khổ và chết, trên đất liền và biển cả, khi họ hành trình đến để nhập bọn với Các Thánh Hữu ở dải Núi Rocky này.

Vào năm 1875, bảy người truyền giáo đầu tiên được kêu gọi đến Mexico, và công việc nơi đó phát triển mạnh mẽ ngay cả khi đang có cuộc cách mạng và các thử thách khác. Và chỉ cách đây bốn năm, vào năm 2004, Giáo Hội đã đạt được giai đoạn quan trọng với một triệu tín hữu ở Mexico.

Đức tin của Các Thánh Hữu được thử thách trong mỗi bước đi khi Brigham Young hướng dẫn họ xây cất đền thờ và thiết lập hơn 350 khu khai hoang ở miền Tây. Vào lúc Brigham Young qua đời vào năm 1877, con số tín hữu Giáo Hội trên toàn cầu đã tăng lên hơn 115.000 người. Bất chấp tất cả mọi sự ngược đãi, lẽ thật của Thượng Đế quả thật đang tiến bước một cách mạnh dạn và cao quý .

Thời gian không cho phép để mô tả một cách chi tiết về sự tăng trưởng của Giáo Hội trong vài thập niên kế tiếp. Nhưng cần phải lưu ý rằng trong thời kỳ 40 năm kể từ năm 1890 đến năm 1930, trong khi Giáo Hội và giáo lý của Giáo Hội vẫn còn bị công chúng chỉ trích, Anh Cả Reed Smoot đã đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ và đã phải tranh đấu mới được cho phép ngồi vào ghế Thượng Nghị Sĩ. Nhiều điều đã được nói về Giáo Hội và những lời giảng dạy của Giáo Hội trong thời gian đó—đa số thì làm hại uy tín và nhắm vào Chủ Tịch Joseph F. Smith và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội. Tuy nhiên, có một số bài báo đã bắt đầu nói về các tín hữu của Giáo Hội là các công dân tốt và quan trọng.

Vào ngày 3 tháng Chín năm 1925, Chủ Tịch Heber J. Grant thông báo rằng Giáo Hội sẽ bắt đầu công việc truyền giáo ở Nam Mỹ. Tuân theo mẫu mực của Chúa để mang phúc âm phục hồi đến tất cả các quốc gia, một thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ—ông nội của tôi, Anh Cả Melvin J. Ballard—được gửi đi Nam Mỹ cùng với những người khác để làm lễ cung hiến vùng đất đó cho việc thuyết giảng phúc âm.

Vào buổi sáng Giáng Sinh của năm 1925 ở Argentina, Anh Cả Ballard đã làm lễ cung hiến các quốc gia Nam Mỹ và bắt đầu công việc truyền giáo. Trước khi ra về vào tháng Bảy năm sau, ông đã hứa: “Công việc của Chúa sẽ phát triển chậm trong một thời gian ở đây cũng giống như một cây sồi nẩy nở chậm từ một quả đầu. Nó sẽ không lớn nhanh trong một ngày như cây hướng dương lớn nhanh rồi tàn. Nhưng hằng ngàn người sẽ gia nhập Giáo Hội nơi đây. Giáo Hội sẽ được chia ra thành hơn một phái bộ truyền giáo và sẽ là một trong những phái bộ truyền giáo vững mạnh nhất trong Giáo Hội. Giáo Hội nơi đây sẽ không bao giờ nhỏ như thế này nữa từ nay về sau (trong Melvin R. Ballard, Melvin J. Ballard: Crusader for Righteousness [1966] 84).

Bất cứ ai thấy rõ sự tăng trưởng của Giáo Hội ở Nam Mỹ đều biết về sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó. Ngày hôm nay, chỉ một mình Brazil mà đã có hơn một triệu tín hữu.

Trong bốn thập niên từ năm 1930 đến năm 1970, có hơn 106.000 người truyền giáo được kêu gọi phục vụ trên toàn cầu. Con số tín hữu Giáo Hội trên toàn cầu gia tăng gấp bốn lần lên đến hơn 2 triệu 800 ngàn người. Có thêm hơn một triệu tín hữu mới chỉ trong thập niên 1960 mà thôi. Đến năm 1970 những người truyền giáo đã phục vụ trong 43 quốc gia và 9 lãnh thổ. Trong thời kỳ 40 năm này, các quốc gia Nam Mỹ là Chile, Brazil, Uruguay, Paraguay, Ecuador, Colombia, Peru và Venezuela đều mở cửa cho công việc truyền giáo. Ở Trung Mỹ, các tôi tớ của Chúa mở cửa các quốc gia Panama, Costa Rica, Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua cho công việc truyền giáo. Ở Châu Á, các nỗ lực trọng đại mới bắt đầu kết trái ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Philippine.

Không có một điều gì trong việc này là dễ dàng. Những thử thách, trở ngại và ngược đãi đi kèm theo mọi cố gắng để mang “lẽ thật của Thượng Đế” đến mỗi lục địa và quốc gia để lẽ thật này có thể “thấu đến tai của mỗi người.” Nhưng chúng ta vẫn tiến bước trong đức tin; những thử thách đã được đối phó và những trở ngại đã bị khắc phục.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã yêu cầu các tín hữu của Giáo Hội gia tăng nỗ lực của mình trong việc rao giảng phúc âm và chia sẻ lẽ thật phúc âm. Ông yêu cầu mỗi giáo khu trên thế giới gia tăng con số những người truyền giáo, và ông đã hướng dẫn Giáo Hội đến việc sử dụng phương tiện truyền thông để giúp truyền đạt sứ điệp của chúng ta đến với hằng trăm triệu người trên khắp thế gian.

Trong 12 năm ông làm Chủ Tịch của Giáo Hội, gần 200.000 người truyền giáo đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Con số các tín hữu Giáo Hội trên toàn cầu đã gia tăng gần gấp đôi và con số các giáo khu thì gần gấp ba. Công việc truyền giáo được khai mở hoặc tái khai mở trong nhiều quốc gia, và phép lạ của sự cải đạo đang xảy ra trong nhiều vùng đất bất chấp mọi cố gắng thù địch để ngăn cản công việc của Chúa hoặc làm nản lòng những người làm việc cho Chúa.

Hơn hai thập niên đã trôi qua kể từ khi Chủ Tịch Kimball chấm dứt giáo vụ trên trần thế của mình. Trong thời gian đó, chúng ta đã kinh nghiệm sự nổi bật chưa từng có ở giữa các tôn giáo trên toàn cầu. Có lẽ cũng không phải là điều ngẫu nhiên khi chúng ta cũng kinh nghiệm những chỉ trích về tín ngưỡng, các tín hữu, lịch sử và giáo lý của chúng ta hơn bao giờ hết qua các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên Giáo Hội vẫn tiếp tục tăng trưởng. Một lần nữa, con số các tín hữu đã tăng hơn gấp đôi—từ khoảng 5.9 triệu trong năm 1985 đến hơn 13 triệu ngày hôm nay. Và năm ngoái, chúng ta đã có người truyền giáo thứ một triệu đã được kêu gọi trong gian kỳ này.

Giờ đây, thưa các anh chị em, mục đích của tôi trong việc vắn tắt xem lại lời tiên tri của Chủ Tịch Joseph về vận mệnh của Giáo Hội này, và sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó qua các thập niên, là nhằm nhắc nhở chúng ta về lẽ thật giản dị này:

“Những công việc, những dự định và những mục đích của Thượng Đế không thể bị thất bại và cũng không thể thành hư không được.

“Vì Thượng Đế không bước trên những con đường quanh co, … Ngài cũng không thay đổi những gì Ngài đã phán, vậy nên những con đường của Ngài rất thẳng, và lộ trình của Ngài là một vòng tròn vĩnh cửu.

“Hãy ghi nhớ, … không phải công việc của Thượng Đế bị thất bại, nhưng là công việc của loài người” (GLGƯ 3:1–3).

Thượng Đế đã phán qua vị tiên tri của Ngài và thông báo cùng thế gian rằng “Cờ Hiệu của Lẽ Thật đã được dựng lên,” và rằng “không có một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng không cho công việc này tiến triển.” Đó là lẽ thật không thể phủ nhận được và hiển nhiên là đúng. Chúng ta đã tự mình thấy được lẽ thật đó, từ thập niên này đến thập niên khác, từ thời của Tiên Tri Joseph Smith đến thời của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Những sự ngược đãi đã trở nên ác liệt. Lời vu khống và dối trá cùng xuyên tạc đã cố gắng để phỉ báng. Nhưng trong mỗi thập niên từ thời Phục Hồi trở đi, lẽ thật của Thượng Đế đã tiến bước một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập. Giáo Hội nhỏ bé mà bắt đầu vào năm 1830 với chỉ một số ít tín hữu giờ đây đã tăng đến hơn 13 triệu Thánh Hữu Ngày Sau trong nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới, và chúng ta đã có những tiến triển tốt để thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mỗi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người.

Đây là công việc của Thượng Đế, và công việc của Thượng Đế sẽ không bị thất bại. Nhưng vẫn còn có nhiều việc để làm trước khi Đức Giê Hô Va Vĩ Đại có thể tuyên phán rằng công việc đã hoàn tất. Trong khi chúng ta ngợi khen và vinh danh Các Thánh Hữu trung tín đã mang chúng ta đến thời điểm này của sự nổi bật trước công chúng nhưng thưa các anh chị em, chúng ta cũng không thể cảm thấy yên tâm hay hài lòng.

Chúng ta đều được cần đến để hoàn tất công việc mà đã được Các Thánh Hữu tiền phong bắt đầu cách đây 175 năm, và được tiến hành qua nhiều thập niên theo sau bởi Các Thánh Hữu trung tín của mọi thế hệ. Chúng ta cần phải tin tưởng như họ đã tin tưởng. Chúng ta cần phải làm việc như họ đã làm việc. Chúng ta cần phải phục vụ như họ đã phục vụ. Và chúng ta cần phải khắc phục như họ đã khắc phục.

Dĩ nhiên, những thử thách của chúng ta thì khác biệt trong ngày nay, nhưng chúng cũng không kém phần gay go. Thay vì các đám đông khủng bố đầy tức giận, thì chúng ta đối đầu với những người liên tục cố gắng phỉ báng. Thay vì thời tiết khắc nghiệt và nỗi gian truân, thì chúng ta đối đầu với rượu và ma túy, hình ảnh sách báo khiêu dâm, tất cả những loại tục tĩu, nhơ bẩn, tham lam, bất lương, và tinh thần thờ ơ lãnh đạm. Thay vì gia đình bị bắt buộc rời khỏi quê hương của mình và bị đuổi ra khỏi nhà mình, thì chúng ta thấy thể chế gia đình, kể cả thể chế thiêng liêng của hôn nhân, bị tấn công khi có những nhóm người hoặc những cá nhân tìm cách làm suy yếu vai trò nổi bật và thiêng liêng của gia đình trong xã hội.

Điều này không phải là để đưa ra giả thuyết rằng những thử thách của chúng ta ngày nay thì gay go hơn những thử thách của những người đã sống trước chúng ta. Những thử thách này đều hoàn toàn khác nhau. Chúa không phán bảo chúng ta phải chất đồ lên chiếc xe kéo tay của mình; mà Ngài phán bảo chúng ta phải củng cố đức tin của chúng ta. Ngài không phán bảo chúng ta phải vượt ngang một lục địa; mà Ngài phán bảo chúng ta phải bước ngang qua đường để gặp gỡ hàng xóm của chúng ta. Ngài không phán bảo chúng ta phải dâng hết vật chất của cải của mình để xây cất đền thờ; mà Ngài phán bảo chúng ta phải dành ra phương tiện và thời giờ của mình bất chấp những áp lực của cuộc sống hiện đại để xây cất đền thờ và rồi tham dự đều đặn các đền thờ đã được xây cất. Ngài không phán bảo chúng ta phải chết như một người tuẫn đạo; mà Ngài phán bảo chúng ta phải sống một cuộc sống của người môn đồ.

Thưa các anh chị em, đây là thời gian tuyệt diệu để sống và tùy thuộc vào chúng ta để tiếp tục truyền thống dồi dào của sự cam kết tận tâm mà đã từng là đặc điểm của các thế hệ trước của Các Thánh Hữu Ngày Sau. Đây không phải là thời kỳ cho những người suy yếu phần thuộc linh. Chúng ta không thể ngay chính chỉ bề ngoài thôi. Chứng ngôn của chúng ta phải ăn sâu với rễ bám chặt vào đá mặc khải. Và chúng ta cần phải tiếp tục để tiến hành công việc với tư cách là một dân tộc đã lập giao ước, đầy sự hiến dâng, với đức tin trong mỗi bước đi, “cho đến khi các mục đích của Thượng Đế được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất.” Cầu xin cho chúng ta có thể đạt được điều đó, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.