2015
Sống với Chủ Ý Thật Sự
Tháng Mười năm 2015


Sống với Chủ Ý Thật Sự

Từ một buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, “Sống Có Mục Đích: Tầm Quan Trọng của Chủ Ý Thật Sự,” đưa ra tại trường Brigham Young University–ldaho vào ngày 11 tháng Giêng năm 2015. Để có được trọn bài nói chuyện, xin mời vào trang mạng devotionals.lds.org.

Chủ ý thật sự có nghĩa là làm điều đúng vì những lý do đúng.

Hình Ảnh
Gold stars

Hình do Jupiterimages/Stockbyte/Thinkstock chụp

Tôi đã học được tầm quan trọng của chủ ý thật sự khi tôi là một học sinh trẻ tuổi của lớp giáo lý. Giảng viên của chúng tôi yêu cầu chúng tôi đọc Sách Mặc Môn. Để theo dõi tiến bộ của chúng tôi, ông đã lập ra một biểu đồ với tên của chúng tôi được viết xuống ở một bên và tên của các sách trong Sách Mặc Môn ở đầu trang. Mỗi khi chúng tôi đọc một sách, thì sẽ có một hình ngôi sao đặt vào cạnh tên của chúng tôi.

Lúc đầu, tôi đã không bỏ ra nhiều nỗ lực để đọc, và không bao lâu thì tôi thấy mình càng ngày càng bị tụt lại đằng sau. Vì được thúc đẩy bởi cảm giác xấu hổ và tinh thần cạnh tranh bẩm sinh, tôi bắt đầu đọc. Mỗi lần tôi nhận được hình ngôi sao, tôi cảm thấy rất vui. Và càng nhận được thêm hình ngôi sao thì tôi càng có động lực nhiều hơn để đọc—giữa các lớp học, sau giờ học, mỗi khi rảnh rỗi.

Đây sẽ là một câu chuyện tuyệt vời nếu tôi có thể cho các em biết rằng vì các nỗ lực của tôi nên tôi là người đầu tiên đọc xong trong lớp—nhưng tôi đã không được như thế. Và cũng sẽ tốt thôi nếu tôi có thể nói cho các em biết rằng tôi đã nhận được một điều tốt hơn là việc đứng đầu lớp—một chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Nhưng điều đó cũng không xảy ra. Tôi không có được một chứng ngôn. Tôi chỉ nhận được các hình ngôi sao. Tôi nhận được hình ngôi sao vì đó là lý do tại sao tôi đã đọc. Để dùng những lời của Mô Rô Ni, đó là “chủ ý thật sự” của tôi.

Mô Rô Ni đã nói rõ khi ông mô tả cách tìm hiểu xem Sách Mặc Môn có chân chính không: “Và khi nào các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự, cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:4; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Các Lý Do Đúng

Nhìn lại, tôi có thể thấy rằng Chúa đã hoàn toàn công bằng với tôi. Tại sao tôi phải trông mong tìm thấy bất cứ điều gì khác hơn điều tôi đang tìm kiếm? Chủ ý thật sự có nghĩa là làm điều đúng với lý do đúng; Tôi đã đọc đúng sách nhưng với lý do sai.

Mãi cho đến nhiều năm sau tôi mới đọc Sách Mặc Môn với chủ ý thật sự. Giờ đây, tôi biết rằng Sách Mặc Môn đáp ứng mục đích thiêng liêng của sách là để làm chứng về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô vì tôi đã đọc sách đó với chủ ý thật sự.

Bài học tôi đã học được về chủ ý thật sự và Sách Mặc Môn áp dụng cho tất cả chúng ta trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta thường thụ động làm theo mẫu mực và thói quen đã được phát triển qua năm tháng—chúng ta chỉ sống cuộc sống của mình mà không cân nhắc kỹ hậu quả của những lựa chọn của mình. Việc sống với chủ ý thật sự làm tăng thêm mục đích và sự tập trung vào cuộc sống của chúng ta và có thể tạo ra mọi sự khác biệt. Sống với chủ ý thật sự có nghĩa là hiểu “lý do tại sao”—những động cơ đằng sau hành động của chúng ta. Nhà hiền triết Socrates đã nói: “Cuộc sống mà không có thử thách thì không đáng sống.”1 Hãy suy ngẫm cách các em sử dụng thời giờ của mình, và hãy thường xuyên tự hỏi: “Tại sao?” Điều đó sẽ giúp các em phát huy khả năng nhìn thấy được ảnh hưởng có thể có được của điều này trong tương lai. Thật là điều rất tốt để nhìn vào tương lai và tự hỏi: “Tại sao tôi sẽ làm thế?” hơn là nhìn lại quá khứ và nói: “Tại sao, ôi tại sao tôi đã làm thế?”

Hình Ảnh
A man looking at a wall with different types of gears on it.

Hình ảnh do Sergey Nivens/iStock/Thinkstock minh họa

Chúa Muốn Các Em Phải Làm Gì?

Khi còn trẻ, tôi đã quyết định là không đi truyền giáo. Sau một năm học đại học và một năm trong quân đội, tôi đã có một công việc làm tốt tại một bệnh viện địa phương với tư cách là một kỹ thuật viên X quang. Cuộc sống dường như rất tốt đẹp, và một công việc truyền giáo dường như không cần thiết.

Một ngày nọ, Bác Sĩ James Pingree, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện, mời tôi đi ăn trưa. Trong lúc trò chuyện, ông ta khám phá ra rằng tôi đã không dự định đi phục vụ truyền giáo và hỏi tại sao tôi không đi truyền giáo. Tôi nói với ông rằng tôi hơi lớn tuổi và có lẽ đã quá muộn rồi. Ông nói với tôi rằng đó không phải là một lý do chính đáng và rằng ông đã đi truyền giáo sau khi tốt nghiệp trường y. Rồi ông chia sẻ chứng ngôn của ông về tầm quan trọng của công việc truyền giáo của ông.

Chứng ngôn của ông đã có một ảnh hưởng đáng kể đối với tôi. Chứng ngôn đó đã khiến tôi phải cầu nguyện thể như tôi chưa từng bao giờ cầu nguyện trước đó với chủ ý thật sự. Tôi đã có thể nghĩ ra rất nhiều lý do để không đi truyền giáo: Tôi rất nhút nhát. Tôi có một công việc làm ưa thích. Tôi nhận được một học bổng mà có thể sẽ không còn nữa sau khi tôi đi truyền giáo về. Quan trọng nhất, tôi có một người bạn gái đã đợi tôi trong khi tôi đang ở trong quân đội, và tôi biết rằng cô ấy sẽ không chờ thêm hai năm nữa! Tôi cầu nguyện để được xác nhận rằng các lý do của tôi là chính đáng và tôi đã làm đúng.

Tôi đã thất vọng vì không thể có được câu trả lời đúng hay sai một cách dễ dàng, là điều mà tôi đã hy vọng sẽ nhận được. Sau đó, tôi nghĩ: “Chúa muốn mình làm điều gì?” Tôi phải thừa nhận rằng Ngài muốn tôi phục vụ truyền giáo, và điều này đã trở thành một thời điểm quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi sẽ làm điều tôi muốn làm hay là làm theo ý muốn của Chúa? Đó là một câu hỏi mà chúng ta đều sẽ thường tự hỏi.

Với lòng biết ơn, tôi đã chọn đi phục vụ truyền giáo và được chỉ định làm việc ở Phái Bộ Truyền Giáo Mexico North.

Những Kết Quả Vĩnh Cửu

Ba mươi lăm năm sau, con trai của tôi đã khuyến khích tôi đi đến Mexico với nó. Chúng tôi đã hy vọng rằng sẽ tìm ra một số người mà tôi đã giảng dạy. Chúng tôi tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh ở thị trấn nhỏ nơi tôi bắt đầu công việc truyền giáo, nhưng tôi không nhận ra một người nào cả. Sau buổi lễ, chúng tôi hỏi một tín hữu xem người ấy có biết người nào từ danh sách những người tôi đã giảng dạy rất nhiều năm trước đó không. Chúng tôi dò suốt danh sách này nhưng không thành công cho đến khi chúng tôi đọc đến một cái tên: Leonor Lopez de Enriquez

Người ấy nói: “Ồ, vâng, có đây.” “Gia đình này ở trong một tiểu giáo khu khác, nhưng họ tham dự nhà thờ trong tòa nhà này. Lễ Tiệc Thánh của họ là sau đây.”

Chúng tôi không phải chờ lâu trước khi Leonor đi vào tòa nhà. Mặc dù bây giờ bà đang ở tuổi 70 nhưng tôi cũng nhận ra bà ngay lập tức, và bà cũng nhận ra tôi. Chúng tôi ôm nhau khóc rất lâu.

Bà nói: “Chúng tôi đã cầu nguyện suốt 35 năm rằng anh sẽ quay trở lại để chúng tôi có thể cám ơn anh đã mang phúc âm đến cho gia đình của chúng tôi.”

Khi những người khác trong gia đình đó bước vào tòa nhà, chúng tôi đã ôm nhau và khóc. Chẳng bao lâu, chúng tôi khám phá ra rằng vị giám trợ của tiểu giáo khu này là một trong những người con trai của Leonor, người điều khiển nhạc là một đứa cháu nội gái, người đánh dương cầm là một đứa cháu nội trai, và vài thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn là mấy đứa cháu trai. Một trong số các con gái kết hôn với vị cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu. Một cô con gái khác kết hôn với vị giám trợ của một tiểu giáo khu gần đó. Hầu hết con cái của Leonor đã đi truyền giáo, và giờ đây các cháu nội, ngoại cũng đã phục vụ truyền giáo.

Chúng tôi biết được rằng Leonor là một người truyền giáo giỏi hơn tôi nhiều. Ngày nay, con cái của bà vô cùng biết ơn khi nhớ lại những nỗ lực không ngừng của bà để dạy phúc âm cho họ. Bà đã dạy họ rằng quyết định nhỏ của cá nhân, cuối cùng, sẽ đưa đến một cuộc sống trọn vẹn, ngay chính và hạnh phúc, và họ giảng dạy những điều đó cho người khác. Cuối cùng, đã có hơn 500 người vào Giáo Hội nhờ vào gia đình tuyệt vời này.

Và tất cả đều đã bắt đầu với một cuộc trò chuyện trong bữa ăn trưa. Tôi thường nghĩ rằng nếu Bác Sĩ Pingree đã tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp của mình hoặc những theo đuổi vật chất khác thì có thể ông không bao giờ hỏi lý do tại sao tôi đã không đi phục vụ truyền giáo. Nhưng ông đã tập trung vào người khác và vào việc đẩy mạnh công việc của Chúa. Ông đã gieo một hạt giống mà đã phát triển và kết trái và tiếp tục nhân lên gấp bội. (xin xem Mác 4:20). Công việc truyền giáo của tôi đã dạy tôi biết những kết quả vĩnh cửu của một quyết định đơn giản để làm theo ý muốn của Chúa.

Hãy Ghi Nhớ Mục Đích Vĩnh Cửu của Các Em

Tôi thường nhìn lại cuộc sống của mình và tự hỏi tại sao quyết định đi truyền giáo đã rất khó khăn đối với tôi. Điều đó khó khăn vì tôi đã bị xao lãng; tôi mất tập trung vào mục đích vĩnh cửu của mình—Ý định thật sự về lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây.

Những ước muốn và ý muốn của tôi đã không phù hợp với ý muốn của Chúa; nếu không, thì quyết định đã dễ dàng hơn rồi. Và tại sao những ước muốn và ý muốn này không phù hợp với ý muốn của Chúa? Tôi đi nhà thờ và tôi dự phần Tiệc Thánh vào ngày Chủ Nhật, nhưng tôi đã không tập trung vào ý nghĩa của điều này. Tôi cầu nguyện, nhưng hầu như chỉ làm theo thói quen. Tôi đọc thánh thư, nhưng chỉ thỉnh thoảng và không có chủ ý thật sự.

Tôi khuyến khích các em hãy sống một cuộc sống có mục đích và tập trung—cho dù các em chưa hề luôn luôn làm như vậy trước đây. Đừng nản lòng bởi những ý nghĩ về điều các em đã làm rồi hoặc chưa làm. Hãy để cho Đấng Cứu Rỗi giúp các em bắt đầu lại. Hãy nhớ điều Chúa đã phán: “Nhưng một khi họ hối cải và chân thành, xin được tha thứ thì họ sẽ được tha thứ” (Mô Rô Ni 6:8; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Hãy bắt đầu ngay bây giờ. Hãy sống một cuộc sống có mục đích, hiểu tại sao các em làm điều mình đang làm và điều đó sẽ dẫn đến đâu. Khi làm những điều này, các em sẽ khám phá ra rằng lý do quan trọng nhất ở đằng sau mọi điều các em làm là các em yêu mến Chúa và nhận ra tình yêu thương hoàn hảo của Ngài dành cho các em. Cầu xin cho các em tìm thấy niềm vui lớn lao trong công cuộc tìm kiếm sự toàn thiện và trong việc hiểu biết cùng làm theo ý muốn của Ngài.

Ghi Chú

  1. Socrates trong Plato, Apology (2001), 55.