2017
Tìm Kiếm Đấng Ky Tô vào Lễ Giáng Sinh
December 2017


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Mười Hai năm 2017

Tìm Kiếm Đấng Ky Tô vào Lễ Giáng Sinh

Đối với tất cả những ai mong muốn hiểu rõ chúng tôi—các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là ai, tôi muốn đưa ra một điểm bắt đầu mà đã được định rõ bởi bảy từ này: Chúng Tôi Tìm Kiếm Đấng Ky Tô.

Chúng tôi tìm kiếm để học hỏi về Ngài. Để noi theo Ngài. Để trở nên giống như Ngài hơn.

Mỗi ngày trong năm, chúng tôi đều tìm kiếm Ngài. Nhưng đặc biệt vào thời gian này của năm—Lễ Giáng Sinh, là lúc chúng tôi kỷ niệm sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu—tấm lòng chúng tôi thậm chí còn hướng về Ngài nhiều hơn nữa.

Là một phần của sự chuẩn bị kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, chúng tôi suy ngẫm về những người sống cách đây hai thiên niên kỷ mà đã sẵn sàng chào đón sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi.

Những Người Chăn Chiên

Chúng tôi không biết nhiều về những người chăn chiên này, chỉ biết rằng họ đã “trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.”1 Những người chăn chiên này rất bình dị, giống như những con người đáng ngợi khen khi họ đi làm cả ngày để kiếm sống.

Họ có thể tượng trưng cho những người, mà vào một lúc nào đó, có thể đã không tích cực tìm kiếm Đấng Ky Tô, nhưng tấm lòng của họ đã thay đổi khi các tầng trời mở ra và họ được loan báo về Đấng Ky Tô.

Chính những người này, mà sau khi nghe thấy tiếng nói của các thiên sứ từ trời, ngay lập tức đi tới Bết Lê Hem để mong được nhìn thấy.2

Các Thầy Thông Thái

Các Thầy Thông Thái là những viện sĩ mà đã nghiên cứu về sự giáng thế của Đấng Mê Si, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Qua việc học hỏi của mình, họ đã nhận ra các điềm triệu mà cho thấy sự giáng sinh của Ngài. Khi họ nhận ra các điềm triệu đó, họ đã rời khỏi nhà và hành trình tới Giê Ru Sa Lem, và họ hỏi rằng: “Vua dân Giu Đa mới sinh tại đâu?”3

Sự hiểu biết của họ về Đấng Ky Tô không còn chỉ là trên lý thuyết nữa. Ngay khi nhìn thấy các điềm triệu về sự giáng sinh của Ngài, họ đã hành động. Họ đã bắt đầu hành trình đi tìm Đấng Ky Tô.

Các Thầy Thông Thái này có thể tượng trưng cho những người tìm kiếm Đấng Ky Tô thông qua việc học hỏi và nghiên cứu sách vở. Cuối cùng, việc họ chuyên tâm với lẽ thật đã dẫn họ tìm thấy Đấng Ky Tô và thờ phượng Ngài với tư cách là Vua của Các Vị Vua, Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.4

Si Mê Ôn và An Nê

Si Mê Ôn và An Nê có thể tượng trưng cho những người tìm kiếm Đấng Ky Tô qua Thánh Linh. Những con người tuyệt diệu này rất ngoan đạo, qua việc nhịn ăn, cầu nguyện và sống chuyên tâm cùng vâng lời, đã háo hức trông chờ để thấy ngày Vị Nam Tử của Thượng Đế sẽ đến.

Qua sự trung tín, lòng khiêm nhường, và đức tin, họ kiên nhẫn trông đợi ngày Đấng Cứu Rỗi sẽ đến.

Cuối cùng, sự trung tín của họ đã được tưởng thưởng khi Ma Ri và Giô Sép đã cho họ xem đứa bé mà một ngày kia sẽ gánh lấy tội lỗi của nhân loại.5

Những người tin theo ở giữa dân Nê Phi và dân La Man

Câu chuyện cảm động về cách thức mà những người tin theo ở Tân Thế Giới trông chờ các điềm triệu về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, được tìm thấy trong Sách Mặc Môn.

Anh chị em nhớ rằng những người có đức tin nơi Đấng Ky Tô đã bị nhạo báng và ngược đãi. Những người thời lưu lúc đó đã kết tội những người tin này là tin theo những điều mê tín dị đoan điên rồ. Thực tế, những người không tin chế nhạo họ lớn tiếng đến nỗi họ đã làm “một sự xáo trộn” trong xứ (3 Nê Phi 1:7). Họ đã chế nhạo những người tin rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ giáng sinh.

Cơn thịnh nộ và sự giận dữ của họ đã trở nên quá lớn lao đến đỗi họ bị ám ảnh với việc dứt khoát làm câm họng những người tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Sách Mặc Môn ghi lại cách giải quyết đầy bi thảm này.6

Những người tin theo, mà sống vào thời gian này, có thể tượng trưng cho những người tìm kiếm Đấng Ky Tô thậm chí khi bị người khác cười cợt, nhạo báng, và châm chọc. Họ tìm kiếm Đấng Ky Tô khi mà những người khác cố gắng coi họ là người chưa được tinh lọc, giả mạo, hay cả tin.

Nhưng việc bị người khác khinh thường không làm những người tin chân chính nản lòng trong việc tìm kiếm Đấng Ky Tô.

Chúng Ta Tìm Kiếm Đấng Ky Tô

Trong suốt cả năm, và đặc biệt là trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta sẽ được ban phước khi một lần nữa hỏi rằng: “Tôi đang tìm kiếm Đấng Ky Tô như thế nào?”

Trong một thời điểm khó khăn của cuộc đời, Vua Đa Vít đã viết: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa.”7

Có lẽ đặc tính tìm kiếm Đấng Ky Tô này là một trong những lý do mà Đa Vít đã được mô tả như là một người làm vừa lòng Thượng Đế.8

Trong mùa Giáng Sinh này và trong suốt cả năm, cầu xin cho chúng ta tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi yêu quý, Hoàng Tử Bình An, Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên bằng tất cả tấm lòng và tâm hồn mình. Vì lòng mong muốn này, trong phần lớn, chúng ta không những được xác định là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mà còn nhiều hơn nữa, chúng ta là các môn đồ của Đấng Ky Tô.