Đại Hội Trung Ương
Yêu Thương, Chia Sẻ, Mời Gọi
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Yêu Thương, Chia Sẻ, Mời Gọi

Khi yêu thương, chia sẻ, và mời gọi, tức là chúng ta đang tham gia vào công việc vĩ đại và vinh quang đó mà chuẩn bị thế gian cho sự trở lại của Đấng Mê Si.

Hãy cùng tôi tưởng tượng trong giây lát, anh chị em đang đứng trên một ngọn núi ở Ga Li Lê, chứng kiến sự kỳ diệu và vinh quang của Đấng Cứu Rỗi phục sinh đến thăm các môn đồ của Ngài. Thật đầy soi dẫn làm sao để suy ngẫm về việc tự mình lắng nghe những lời mà Ngài đã chia sẻ với họ, là lệnh truyền đầy uy nghi của Ngài “hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.”1 Chắc chắn những lời này sẽ truyền sức mạnh, soi dẫn, và thúc đẩy mỗi người chúng ta, cũng giống như Các Sứ Đồ của Ngài. Thật vậy, họ đã cống hiến phần còn lại của cuộc đời mình để làm điều đó.

Thú vị thay, không phải chỉ có Các Sứ Đồ mới ghi nhớ những lời của Chúa Giê Su. Các tín hữu của Giáo Hội thời kỳ đầu, từ người mới nhất đến người dày dạn kinh nghiệm nhất, đã tham gia vào sứ mệnh trọng đại của Đấng Cứu Rỗi, chia sẻ tin lành của phúc âm với những người họ gặp và biết. Quyết tâm chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp Giáo Hội mới thiết lập của Ngài phát triển một cách mạnh mẽ. 2

Ngày nay, với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta cũng được mời gọi để tập trung vào sứ mệnh của Ngài, như thể chúng ta đã đứng trên ngọn núi đó ở Ga Li Lê khi Ngài lần đầu tiên tuyên phán điều đó. Sứ mệnh này đã bắt đầu một lần nữa vào năm 1830, khi Joseph Smith phong nhiệm em trai của ông là Samuel với tư cách là một người truyền giáo thời kỳ đầu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.3 Kể từ lúc đó, hơn 1,5 triệu người truyền giáo đã đi khắp thế gian giảng dạy cho tất cả các quốc gia và làm phép báp têm cho những người đón nhận tin lành của phúc âm phục hồi.

Đây là giáo lý của chúng ta. Ước muốn chân thành của chúng ta.

Từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi nhất trong chúng ta, chúng ta mong mỏi đến lúc mình có thể nghe theo lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và chia sẻ phúc âm với các quốc gia trên thế gian. Tôi chắc chắn rằng các em thiếu niên và thiếu nữ đã cảm thấy một thử thách đầy quyền năng tương tự từ vị tiên tri của chúng ta ngày hôm qua khi ông mời gọi các em chuẩn bị cho công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm với Các Sứ Đồ của Ngài.

Giống như những vận động viên chạy nước rút đang ở vị trí xuất phát, chúng ta mong chờ lời mời chính thức, được hoàn tất với chữ ký của vị tiên tri, báo hiệu cuộc đua bắt đầu! Ước muốn này thật cao quý và đầy soi dẫn; tuy nhiên, chúng ta hãy suy ngẫm câu hỏi này: tại sao tất cả chúng ta không bắt đầu từ bây giờ?

Anh chị em có thể hỏi: “Làm thế nào tôi có thể trở thành một người truyền giáo nếu không có bảng tên?” Hoặc chúng ta tự nhủ: “Những người truyền giáo toàn thời gian được phong nhiệm để làm công việc này. Tôi muốn giúp đỡ nhưng có lẽ để sau này, khi cuộc sống thoải mái hơn một chút.”

Thưa các anh chị em, điều đó đơn giản hơn nhiều! Biết ơn thay, sứ mệnh lớn lao của Đấng Cứu Rỗi có thể được thực hiện qua các nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu được giảng dạy cho mỗi người chúng ta từ thời thơ ấu: yêu thương, chia sẻ, và mời gọi.

Yêu Thương

Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là yêu thương như Đấng Ky Tô đã yêu thương.

Lòng chúng ta trĩu nặng với những đau khổ và căng thẳng của con người mà chúng ta thấy trên khắp thế giới trong thời gian hỗn loạn này. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể được soi dẫn bởi sự tuôn trào của lòng trắc ẩn và nhân đạo mà đã được mọi người ở khắp nơi biểu lộ qua những nỗ lực của họ để tìm đến những người bị thiệt thòi—những người phải rời bỏ nhà cửa, ly tán gia đình hoặc trải qua những hình thức đau buồn và tuyệt vọng khác.

Mới gần đây, các nguồn tin tức báo cáo về một nhóm những người mẹ ở Ba Lan, vì lo lắng cho những gia đình tuyệt vọng lánh nạn, đã để lại những chiếc xe đẩy trẻ em được trang bị đầy đủ trên sân ga thành một hàng ngay ngắn, sẵn sàng và chờ đợi những bà mẹ và trẻ em tị nạn cần chúng ở khu vực giữa biên giới khi họ rời khỏi tàu. Chắc chắn là Cha Thiên Thượng của chúng ta mỉm cười với những hành động bác ái vô vị kỷ như vậy, vì khi mang gánh nặng lẫn cho nhau, chúng ta “làm trọn luật pháp của Đấng Ky Tô.”4

Bất cứ khi nào chúng ta biểu lộ tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô đối với người lân cận mình, thì tức là chúng ta đang thuyết giảng phúc âm—cho dù chúng ta không nói một lời nào.

Yêu thương người khác là cách diễn đạt hùng hồn của giáo lệnh lớn thứ hai là phải yêu thương người lân cận mình;5 nó cho thấy tiến trình tinh luyện của Đức Thánh Linh tác động trong tâm hồn chúng ta. Bằng cách biểu lộ tình yêu thương của Đấng Ky Tô dành cho người khác, chúng ta có thể làm cho những người thấy những việc làm tốt lành của mình “ngợi khen Cha [chúng ta] ở trên trời.”6

Chúng ta làm điều này mà không mong đợi được đền đáp.

Dĩ nhiên, hy vọng của chúng ta là họ sẽ chấp nhận tình yêu thương và sứ điệp của chúng ta, mặc dù cách phản ứng của họ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Chúng ta chỉ kiểm soát được điều chúng ta làm và con người chúng ta.

Qua tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô dành cho những người khác, chúng ta thuyết giảng các thuộc tính vinh quang, biến đổi cuộc sống của phúc âm của Đấng Ky Tô, và chúng ta tham gia một cách đáng kể vào việc làm tròn sứ mệnh lớn lao của Ngài.

Chia Sẻ

Điều thứ hai chúng ta có thể làm là chia sẻ.

Trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, Anh Wisan đến từ Thái Lan đã cảm thấy được thúc giục để chia sẻ những cảm nghĩ và ấn tượng của mình về điều anh đang học trong khi học Sách Mặc Môn, trên tài khoản truyền thông xã hội của mình. Ở một trong những bài đăng cá nhân đặc biệt của mình, anh đã chia sẻ một câu chuyện về hai người truyền giáo trong Sách Mặc Môn, An Ma và A Mu Léc.

Em trai của anh, Winai, mặc dù đã có niềm tin tôn giáo, nhưng đã cảm động trước bài đăng và bất ngờ hỏi: “Em có thể lấy quyển sách đó bằng tiếng Thái được không?”

Wisan khéo léo sắp xếp để hai chị truyền giáo tặng Sách Mặc Môn và bắt đầu giảng dạy cho em trai của anh.

Wisan tham gia vào các bài học trực tuyến mà trong đó anh đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về Sách Mặc Môn. Winai học cách cầu nguyện và học hỏi với tinh thần tìm kiếm lẽ thật, để chấp nhận và đón nhận lẽ thật. Trong vòng vài tháng, Winai đã chịu phép báp têm!

Về sau Wisan nói: “Chúng ta có trách nhiệm để làm một công cụ trong tay Thượng Đế, và chúng ta phải luôn sẵn sàng để Ngài làm công việc của Ngài theo cách của Ngài thông qua chúng ta.” Phép lạ xảy đến với gia đình họ bởi vì Wisan chỉ đơn giản là chia sẻ phúc âm theo một cách bình thường và tự nhiên.

Tất cả chúng ta đều chia sẻ mọi điều với người khác. Chúng ta thường xuyên làm điều đó. Chúng ta chia sẻ những bộ phim và món ăn chúng ta thích, những điều thú vị mà chúng ta thấy, những nơi chúng ta đến thăm, tác phẩm nghệ thuật chúng ta đánh giá cao, những câu trích dẫn mà chúng ta được soi dẫn.

Làm thế nào chúng ta có thể thêm điều mình yêu thích về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào bản liệt kê những điều để chia sẻ?

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf giải thích: “Nếu một người nào đó hỏi anh chị em về những ngày cuối tuần ra sao, thì hãy đừng ngần ngại nói về những kinh nghiệm anh chị em có ở nhà thờ. Hãy kể về các em thiếu nhi đứng lên trước giáo đoàn và hát với lòng đầy thiết tha về cách chúng đang cố gắng để được giống như Chúa Giê Su. Hãy kể về nhóm thanh thiếu niên đã dành ra thời gian giúp những người cao tuổi trong viện dưỡng lão thu thập lịch sử cá nhân.”7

Chia sẻ không phải là “bán” phúc âm. Anh chị em không cần phải viết một bài giảng hoặc sửa chỉnh những nhận thức sai lầm của một người nào đó.

Khi nói đến công việc truyền giáo, Thượng Đế không cần anh chị em làm người thực thi pháp luật của Ngài; mà Ngài yêu cầu anh chị em làm người chia sẻ của Ngài.

Qua việc chia sẻ những kinh nghiệm tích cực của mình trong phúc âm với những người khác, chúng ta tham gia vào việc làm tròn sứ mệnh lớn lao của Đấng Cứu Rỗi.

Mời Gọi

Điều thứ ba anh chị em có thể làm là mời gọi.

Chị Mayra đến từ Ecuador, là một người mới cải đạo. Niềm vui của chị trong phúc âm gia tăng ngay sau lễ báp têm của mình, khi chị mời gọi bạn bè và những người thân xung quanh chị qua các tài khoản truyền thông xã hội. Nhiều người trong gia đình và bạn bè thấy bài đăng của chị đã phản hồi lại bằng những câu hỏi. Mayra kết nối với họ, thường xuyên mời họ đến nhà của chị để cùng nhau gặp những người truyền giáo.

Cha mẹ, anh chị em ruột, một người dì, hai người anh chị em họ, và một vài người bạn của chị đã chịu phép báp têm vì chị đã can đảm mời họ “hãy đến xem,” “đến và phục vụ,” và “đến và thuộc vào.” Qua những lời mời gọi bình thường và tự nhiên ấy, hơn 20 người đã chấp nhận lời mời của chị để chịu phép báp têm làm tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này xảy ra bởi vì Chị Mayra chỉ đơn giản là mời gọi người khác cảm nhận niềm vui mà chị cảm nhận được với tư cách là một tín hữu của Giáo Hội.

Hình Ảnh
Chị Mayra và những người chị đã mời để cảm nhận được niềm vui trong phúc âm

Có hàng trăm lời mời mà chúng ta có thể đưa ra cho người khác. Chúng ta có thể mời người khác “hãy đến xem” một buổi lễ Tiệc Thánh, một sinh hoạt của tiểu giáo khu, một video trực tuyến giải thích phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. “Hãy đến xem” có thể là một lời mời để đọc Sách Mặc Môn hoặc tham quan một ngôi đền thờ mới trong thời gian đền thờ mở cửa cho công chúng vào tham quan trước lễ cung hiến. Đôi khi lời mời này là một điều gì đó mà chúng ta hướng vào bên trong—một lời mời cho bản thân mình, cho chúng ta sự nhận thức và tầm nhìn về các cơ hội xung quanh mình để hành động theo.

Trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta, các tín hữu thường chia sẻ các sứ điệp qua phương tiện truyền thông xã hội. Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn điều mang tính gây dựng mà anh chị em có thể thấy xứng đáng để chia sẻ. Nội dung này đưa ra những lời mời để “hãy đến xem,” “đến và phục vụ,” và “đến và thuộc vào.”

Khi mời gọi những người khác tìm hiểu thêm về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là chúng ta đang dự phần vào sự kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi để tham gia vào công việc trong sứ mệnh của Ngài.

Kết Luận

Các anh chị em thân mến, ngày hôm nay chúng ta đã nói về ba điều đơn giản—những điều dễ dàng—mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Những điều anh chị em có thể làm! Có lẽ anh chị em đã làm những điều này rồi—ngay cả khi không hoàn toàn nhận ra rằng mình đang làm như vậy!

Tôi mời gọi anh chị em hãy suy ngẫm về những cách thức mà anh chị em có thể yêu thương, chia sẻ, và mời gọi. Khi làm như vậy, anh chị em sẽ cảm thấy vui mừng khi biết rằng mình đang nghe theo những lời của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta.

Điều tôi đang thúc giục anh chị em làm không phải là một chương trình mới. Anh chị em đã nghe những nguyên tắc này trước đây. Đây không phải là “việc trọng đại kế tiếp” mà Giáo Hội đang yêu cầu anh chị em làm. Ba điều này chỉ là phần mở rộng của con người chúng ta với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Không cần có bảng tên hay đơn kêu gọi truyền giáo.

Không cần có sự kêu gọi chính thức nào.

Khi ba điều này trở thành một phần tự nhiên của con người chúng ta và cách chúng ta sống, thì chúng sẽ có sự biểu lộ tự động, không gượng ép về tình yêu thương chân thành.

Giống như các môn đồ của Đấng Ky Tô quy tụ lại với nhau để học hỏi từ Ngài ở Ga Li Lê cách đây 2.000 năm, chúng ta cũng có thể đón nhận lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi và đi khắp thế gian để thuyết giảng phúc âm.

Khi yêu thương, chia sẻ, và mời gọi, tức là chúng ta đang tham gia vào công việc vĩ đại và vinh quang đó mà chuẩn bị thế gian cho sự trở lại của Đấng Mê Si.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể chú tâm vào lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và cố gắng tham gia vào sứ mệnh lớn lao của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 28:19.

  2. Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của Giáo Hội thời kỳ đầu là gì? Một nhà sử học nói rằng: “Điều đầu tiên có thể gợi ra một sự tìm hiểu nghiêm túc về bản chất của đức tin là sự tiếp xúc cá nhân với những tín đồ khác. … Sống và làm việc bên cạnh những người noi theo Chúa Giê Su, chứng kiến hành vi của họ ở những nơi gần gũi, và lắng nghe trong khi họ nói về phúc âm giữa những sinh hoạt bình thường hằng ngày của họ là đối mặt với bằng chứng về cuộc sống đã được thay đổi. Theo nghĩa này, quyền năng thu hút của đức tin Ky Tô giáo thường không có nhiều trong những tuyên bố công khai của những người đại diện nổi bật nhất của giáo hội như trong chứng ngôn thầm lặng của những người thờ phượng bình thường của Chúa Giê Su làm chứng về sự tin cậy của sự cam kết của họ qua tính liêm khiết, kiên định và cởi mở đối với những người khác” (Ivor J. Davidson, The Birth of the Church: From Jesus to Constantine, 30–312 sau T.C., [năm 2005], trang 108–109).

  3. Xin xem Lucy Mack Smith, History, 1845, trang 169, josephsmithpapers.org.

  4. Ga La Ti 6:2.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 22:39.

  6. Ma Thi Ơ 5:16.

  7. Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 17.