2008
Hôn Nhân Vĩnh Cửu
Tháng Mười một năm 2008


Hôn Nhân Vĩnh Cửu

Bản tuyên ngôn về gia đình giúp chúng ta biết được rằng hôn nhân thượng thiên mang đến những cơ hội lớn lao cho hạnh phúc hơn là bất cứ mối quan hệ nào khác.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson

Các anh chị em thân mến, tôi rất biết ơn mỗi anh chị em. Chúng ta cùng nhau cảm nhận được một ý nghĩ về lòng biết ơn phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thế giới tràn ngập cảnh khổ sở này, chúng ta thật sự biết ơn “kế hoạch vĩ đại.”1 của Thượng Đế. Kế hoạch của Ngài tuyên bố rằng những người nam và những người nữ có sinh tồn “thì họ mới hưởng được niềm vui.”2 Niềm vui đó đến khi chúng ta chọn sống phù hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế.

Tầm quan trọng của sự chọn lựa có thể được minh họa bằng một khái niệm giản dị mà đã đến với tâm trí tôi vào một ngày nọ khi tôi đang mua sắm ở một cửa tiệm lớn. Tôi gọi đó là “cách của người đi mua sắm.” Với việc mua sắm là một phần cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những kiểu này có thể quen thuộc với chúng ta.

Những người khôn ngoan khi đi mua sắm thì nghiên cứu tỉ mỉ những chọn lựa của mình trước khi họ quyết định chọn. Họ chú trọng chính yếu đến phẩm chất và độ bền bỉ của sản phẩm mong muốn. Họ muốn có được đồ tốt nhất. Trái lại, có một số người đi mua sắm thì tìm cách mặc cả, còn những người khác thì tiêu tiền thoải mái, để rồi về sau chán nản—khi biết rằng sự chọn lựa của mình thật là tồi tệ. Và buồn thay, có vài cá nhân đã đánh mất tính liêm chính của mình và ăn cắp đồ mà họ muốn. Chúng ta gọi họ là kẻ ăn cắp hàng hóa trong cửa tiệm.

Cách của người đi mua sắm có thể được áp dụng cho đề tài hôn nhân. Một cặp trai gái yêu nhau có thể chọn một cuộc hôn nhân với phẩm chất tốt nhất hoặc một loại hôn nhân kém hơn mà không tồn tại. Hoặc họ có thể không chọn loại nào cả và trơ trẽn đánh cắp thứ mà họ muốn như là “những người đánh cắp hôn nhân.”

Đề tài hôn nhân được bàn cãi trên khắp thế giới, nơi mà có nhiều loại sắp xếp để sống trong quan hệ vợ chồng. Mục đích của tôi khi nói về đề tài này là để tuyên bố, với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa,3 rằng hôn nhân giữa một người nam với một người nữ là thiêng liêng—hôn nhân do Thượng Đế quy định.4 Tôi cũng khẳng định ưu điểm đạo đức của một lễ hôn phối trong đền thờ. Đó là loại hôn nhân cao nhất và lâu bền nhất mà Đấng Sáng Tạo của chúng ta có thể ban cho các con cái của Ngài.

Trong khi sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân thì sự tôn cao là một vấn đề gia đình.5 Chỉ những người kết hôn trong đền thờ và lễ hôn phối của họ được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn thì sẽ tiếp tục với tư cách là những người phối ngẫu sau khi chết6 và nhận được đẳng cấp cao nhất của vinh quang thượng thiên, hoặc sự tôn cao. Một lễ hôn phối đền thờ cũng được gọi là hôn nhân thượng thiên. Có ba đẳng cấp trong vòng vinh quang thượng thiên. Để đạt được đẳng cấp cao nhất, vợ chồng phải được làm lễ gắn bó cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu và tuân giữ các giao ước của họ đã được thiết lập trong đền thờ thánh.7

Khát vọng cao quý nhất của tâm hồn con người là hôn nhân mà có thể tồn tại sau khi chết. Sự chung thủy với lễ hôn phối đền thờ thì có thể tồn tại được sau khi chết và cho phép gia đình được sống với nhau vĩnh viễn.

Mục tiêu này thật tuyệt diệu. Tất cả các sinh hoạt, sự tiến triển, các nhóm túc số và các lớp học của Giáo Hội đều là phương tiện để đạt cứu cánh của một gia đình được tôn cao.8

Để làm cho mục tiêu này có thể thực hiện được, Cha Thiên Thượng đã phục hồi các chìa khóa chức tư tế trong gian kỳ này để các giáo lễ thiết yếu trong kế hoạch của Ngài có thể được thực hiện bởi thẩm quyền thích đáng. Các sứ giả thiên thượng—kể cả Giăng Báp Tít,9 Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng,10 Môi Se, Ê Li A và Ê Li11—đều đã tham dự vào sự phục hồi đó.12

Sự hiểu biết về lẽ thật đã được mặc khải này đang lan tràn khắp thế gian.13 Chúng tôi, với tư cách là các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa, một lần nữa tuyên bố cùng thế giới rằng “gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.”14

Chúng tôi còn tuyên bố thêm rằng “tất cả nhân loại—nam và nữ—đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, mỗi người có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng. Phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.

“Trong tiền dương thế, các con trai và các con gái linh hồn đã biết và thờ phượng Thượng Đế là Đức Cha Vĩnh Cửu của họ và chấp nhận kế hoạch của Ngài mà qua đó các con cái của Ngài có thể nhận được một thể xác và đạt được kinh nghiệm trần thế để tiến đến sự toàn hảo, và cuối cùng nhận thức được số mệnh thiêng liêng của họ với tư cách là người kế tự cuộc sống vĩnh cửu. Kế hoạch hạnh phúc [vĩ đại của Cha Thiên Thượng] giúp cho mối quan hệ gia đình có thể tồn tại sau khi chết. Các giáo lễ và các giao ước thiêng liêng có sẵn trong các đền thờ thánh làm cho các cá nhân có thể trở về chốn hiện diện của Thượng Đế và để cho gia đình được đoàn kết vĩnh viễn.”15

Bản tuyên ngôn đó về gia đình giúp chúng ta biết được rằng hôn nhân thượng thiên mang đến những cơ hội lớn lao cho hạnh phúc hơn là bất cứ mối quan hệ nào khác.16 Thế gian được sáng tạo và Giáo Hội này đã được phục hồi để gia đình có thể được thành lập, gắn bó và tôn cao vĩnh viễn.17

Thánh thư dạy rằng “điều hợp pháp là đàn ông phải có vợ, và cả hai sẽ nên một thịt, và phải có mọi sự này để trái đất mới có thể đáp ứng được mục đích sáng tạo ra nó.”18 Một câu thánh thư khác khẳng định rằng “song trong Chúa thì chẳng phải đàn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà.”19 Như vậy, hôn nhân không những là một nguyên tắc tôn cao của phúc âm mà còn là một lệnh truyền thiêng liêng nữa.

Cha Thiên Thượng của chúng ta đã phán: “Vì này đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”20 Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài làm cho cả hai mục tiêu này có thể được thực hiện. Nhờ vào Sự Chuộc Tội, mà sự bất diệt—hoặc sự phục sinh từ cõi chết—trở thành một hiện thực cho tất cả mọi người.21 Và nhờ vào Sự Chuộc Tội, mà cuộc sống vĩnh cửu—tức là cuộc sống vĩnh cửu nơi chốn hiện diện của Thượng Đế, là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế”22—trở thành một sự kiện có thể xảy ra. Để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải lập một giao ước vĩnh cửu và trường cửu với Cha Thiên Thượng.23 Điều này có nghĩa là một lễ hôn phối trong đền thờ không những giữa chồng với vợ mà nó còn gồm có Thượng Đế nữa.24

Bản tuyên ngôn gia đình cũng nhắc nhở chúng ta rằng “người chồng và người vợ có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình.”25 Con cái sinh ra từ hôn nhân đó là “cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra.”26 Khi một gia đình được làm lễ gắn bó trong đền thờ thì gia đình đó có thể trở thành vĩnh cửu như chính Thượng Đế vậy.27

Một phần thưởng như vậy đòi hỏi nhiều hơn là một ước muốn đầy hy vọng. Thỉnh thoảng, tôi đọc trong mục cáo phó của một nhật báo về một kỳ vọng rằng một cái chết mới đây đã đoàn tụ người đó với người phối ngẫu, khi mà, thật ra, họ đã không chọn sự vĩnh cửu. Thay vì thế, họ đã quyết định chọn một cuộc hôn nhân mà chỉ có hiệu lực đến chừng nào mà cả hai người đều còn sống. Cha Thiên Thượng đã ban cho họ một ân tứ thiêng liêng nhưng họ đã từ chối. Và trong sự chối bỏ ân tứ đó, họ cũng đã chối bỏ Đấng ban cho ân tứ đó.28

Một câu thánh thư mạnh mẽ đã phân biệt rõ ràng giữa một ước muốn đầy hy vọng với lẽ thật vĩnh cửu: “Tất cả mọi giao ước, hợp đồng, giao kèo, … bổn phận, lời thề, lời khấn, … hay hy vọng, mà không lập ra và không được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh hứa hẹn, qua người được xức dầu, cho thời hiện tại cũng như cho thời vĩnh cửu, … thì đều không có hiệu lực, hiệu năng hay quyền hành gì trong khi và sau khi thời gian phục sinh của người chết; vì tất cả những hợp đồng không được lập ra theo thể cách này đều chấm dứt khi loài người chết đi.”29

Các lẽ thật này là tuyệt đối. Các tín hữu của Giáo Hội này mời gọi tất cả mọi người học hỏi về các lẽ thật này và để được hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.30 Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người đạt được đức tin nơi Thượng Đế Đức Cha Vĩnh Cửu và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô để hối cải, để nhận được Đức Thánh Linh, để nhận được các phước lành của đền thờ, để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng và kiên trì đến cùng.

Nhờ vào lòng thương xót của Ngài nên kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế và các phước lành vĩnh cửu của kế hoạch này có thể được mở rộng cho những người đã không có cơ hội để nghe phúc âm trong cõi hữu diệt. Các giáo lễ đền thờ có thể được thực hiện thay cho họ.31

Nhưng còn đối với nhiều tín hữu trưởng thành của Giáo Hội mà chưa kết hôn thì sao? Mặc dù không phải lỗi của họ nhưng họ đã một mình đơn độc đối phó với những thử thách. Tất cả chúng ta cần phải nhớ rằng, trong cách riêng và kỳ định của Chúa, sẽ không có các phước lành nào từ chối đối với Các Thánh Hữu trung tín của Ngài.32 Chúa sẽ phán xét và tưởng thưởng mỗi người tùy theo ước muốn chân thành cũng như việc làm của họ.33

Trong khi ấy, những sự hiểu lầm của con người có thể gây ra những vấn đề trong hôn nhân. Thật vậy, mỗi hôn nhân bắt đầu với hai khiếm khuyết, gồm có hai người không hoàn thiện. Hạnh phúc có thể đến với họ chỉ qua nỗ lực thiết tha của họ mà thôi. Cũng giống như sự hòa âm chỉ có từ một dàn nhạc mà các thành viên trong dàn nhạc đó có một nỗ lực thống nhất thì sự hòa thuận trong hôn nhân cũng đòi hỏi một nỗ lực thống nhất. Nỗ lực đó sẽ thành công nếu mỗi người phối ngẫu chịu giảm đến mức tối thiểu những đòi hỏi cá nhân và quan trọng hóa các hành động yêu thương vô vị kỷ .

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Để tìm ra hạnh phúc đích thực, chúng ta cần phải tìm kiếm nó bằng cách tập trung vào một điều gì khác ngoài bản thân của mình. Không một ai biết được ý nghĩa của lối sống như vậy cho đến khi người ấy hạ mình hầu phục vụ đồng bào mình. Sự phục vụ những người khác giống như bổn phận—làm tròn điều mang đến niềm vui đích thực.”34

Sự hòa thuận trong hôn nhân chỉ đến khi một người quý trọng sự an lạc của người phối ngẫu của mình trong số các ưu tiên cao nhất. Khi điều đó thật sự xảy ra thì một cuộc hôn nhân thượng thiên sẽ trở thành sự thật và mang đến niềm vui lớn lao trong cuộc sống này lẫn cuộc sống mai sau.

Kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế cho phép chúng ta tự chọn cho mình. Cũng giống như cách của người đi mua sắm, chúng ta có thể chọn cuộc hôn nhân thượng thiên hoặc cuộc hôn nhân khác kém hơn.35 Một số sự chọn lựa về hôn nhân thì rẻ mạt; một số thì chọn sự quý giá; và một số khác thì bị lừa đảo bởi sự xảo quyệt của kẻ nghịch thù. Hãy coi chừng những sự chọn lựa của nó; những sự chọn lựa đó luôn luôn đưa đến cảnh khổ sở!36

Sự chọn lựa tốt nhất là hôn nhân thượng thiên. May mắn thay, nếu một điều kém hơn đã được chọn, thì một sự chọn lựa bây giờ có thể nâng cấp điều đó lên thành sự chọn lựa tốt nhất. Điều đó đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao trong lòng37 và một sự cải tiến cá nhân lâu dài.38 Các phước lành có được từ sự thay đổi trong lòng đều đáng với tất cả các nỗ lực đã bỏ ra.39

Sự nhận thức trọn vẹn về các phước lành của lễ hôn phối đền thờ thì hầu như vượt quá sự hiểu biết của con người. Một lễ hôn phối như vậy sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thượng thiên giới. Nơi đó chúng ta có thể trở thành toàn hảo.40 Như Chúa Giê Su đã cuối cùng nhận được vinh quang trọn vẹn của Đức Chúa Cha,41 thì chúng ta “có thể đến với Đức Chúa Cha … và nhận được sự trọn vẹn của Ngài vào đúng lúc.”42

Hôn nhân thiên thượng là một phần then chốt của việc chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu. Nó đòi hỏi một người phải kết hôn đúng người, đúng chỗ, bởi thẩm quyền đúng, và tuân theo giao ước thiêng liêng một cách trung tín.43 Rồi người ấy có thể được bảo đảm về sự tôn cao trong thượng thiên giới của Thượng Đế. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. An Ma 42:8. Kế hoạch này còn được biết là “kế hoạch của Thượng Đế” (Xin xem 2 Nê Phi 9:13, An Ma 34:9), “kế hoạch cứu chuộc” (Xin xem Gia Cốp 6:8; An Ma 12:26, 30, 32–33; 29:2; 42:13), “kế hoạch cứu rỗi” (Xin xem An Ma 24:14; 42:5), và “kế hoạch thương xót” (Xin xem An Ma 42:15, 31).

  2. 2 Nê Phi 2:25.

  3. Xin xem GLGƯ 107:35.

  4. Xin xem GLGƯ 49:15–17.

  5. Xin xem Russell M. Nelson, “Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 7–10.

  6. Xin xem GLGƯ 76:53; 132:7.

  7. Xin xem GLGƯ 131:1–3.

  8. Một ví dụ về mục tiêu này là câu thánh thư dạy rằng “ gia đình ngươi, bổn phận của ngươi đối với giáo hội là mãi mãi” (GLGƯ 23:3; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  9. Xin xem GLGƯ 13.

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 16:18–19; GLGƯ 27:12–13; Joseph Smith—Lịch Sử 1:72.

  11. Xin xem GLGƯ 110:11–16.

  12. Xin xem GLGƯ 128:8, 18; 132:45–46.

  13. Xin xem 2 Nê Phi 10:2; 30:8.

  14. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, Tháng Mười năm 2004, 49.

  15. Liahona, Tháng Mười năm 2004, 49.

  16. Trước đây tôi có nói rằng “hôn nhân là nơi đúc kết trật tự xã hội, là nguồn đức hạnh, và là nền tảng của sự tôn cao vĩnh cửu” (“Vun Đắp Hôn Nhân,” Liahona, Tháng Năm năm 2006, 36).

  17. Bất cứ lúc nào thánh thư cảnh cáo rằng “thế gian sẽ bị tận diệt,” thì lời cảnh cáo ấy liên quan đến sự cần có thẩm quyền chức tư tế để làm lễ gắn bó gia đình với nhau trong các đền thờ thánh (xin xem GLGƯ 2:1–3; 138:48; Joseph Smith—Lịch Sử 1:38–39).

  18. GLGƯ 49:16; Xin xem thêm Sáng Thế Ký 2:24; Ma Thi Ơ 19:5; Mác 10:7–9; Môi Se 3:24; Áp Ra Ham 5:18; GLGƯ 42:22.

  19. 1 Cô Rinh Tô 11:11.

  20. Môi Se 1:39.

  21. Xin xem 2 Nê Phi 9:22; An Ma 12:8; 33:22; Hê La Man 14:17; Mặc Môn 9:13; Môi Se 7:62; Bản Dịch Joseph Smith, Genesis 7:69.

  22. GLGƯ 14:7.

  23. Xin xem GLGƯ 132:19.

  24. Xin xem Ma Thi Ơ 19:6.

  25. Liahona, Tháng Mười năm 2004, 49.

  26. Thi Thiên 127:3.

  27. Xin xem GLGƯ 132:19–20.

  28. Xin xem GLGƯ 88:33.

  29. GLGƯ 132:7; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  30. Chúa Giê Su đã dạy khái niệm này cho những người ở Châu Mỹ thời xưa (xin xem 3 Nê Phi 27:16–20). Xin xem thêm 2 Nê Phi 33:4; GLGƯ 42:61; Bản Dịch Joseph Smith, 1 John 5:13.

  31. Xin xem GLGƯ 128:1–18; 137:7–8.

  32. Xin xem Joseph Fielding Smith, Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập (1954–56), 2:76–77.

  33. Xin xem An Ma 41:3; GLGƯ 137:9.

  34. Church News, ngày 5 tháng Bảy năm 2008, 2.

  35. Xin xem 2 Nê Phi 2:27; Gia Cốp 6:8.

  36. Sa Tan muốn chúng ta bị khổ sở giống như nó (xin xem Khải Huyền 12:9; 2 Nê Phi 2:18; Môi Se 4:6; GLGƯ 10:22–27).

  37. Xin xem An Ma 5:12–14. Sự thay đổi lớn lao trong lòng như vậy gồm có sự hối cải, sự tha thứ, và một quyết tâm đổi mới để “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).

  38. “Các nguyên tắc và các giao ước đầu tiên của Phúc Âm là: thứ nhất, Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; thứ nhì, Sự Hối Cải; thứ ba, Phép Báp Têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; thứ tư, Phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:4) Sự hối cải đòi hỏi một sự thay đổi trọn vẹn để được tốt hơn—một sự cải tiến cá nhân hoàn toàn.

  39. Xin xem GLGƯ 93:1.

  40. Xin xem Mô Rô Ni 10:32.

  41. Xin xem GLGƯ 93:13–14.

  42. GLGƯ 93:19; xin xem thêm GLGƯ 66:2; 132:5–6.

  43. Xin xem Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì (1966), 118.