2008
Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng
Tháng Mười một năm 2008


Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng

Mỗi người nắm giữ chức tư tế đứng tại một chỗ riêng biệt độc nhất và có một nhiệm vụ quan trọng mà chỉ người ấy mới có thể thực hiện được.

Hình Ảnh
President Dieter F. Uchtdorf

Các anh em thân mến, tôi lấy làm vinh dự để có mặt với các anh em trong buổi họp chức tư tế toàn cầu này. Cùng với các anh em, tôi rất biết ơn được hiện diện cùng vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson và Chủ Tịch Eyring. Thưa các anh em, chúng tôi cảm tạ về lòng trung tín và sức mạnh tinh thần của các anh em. Đây quả thật là một đặc ân và niềm vui để là một phần tử trong tổ chức cao quý của các anh em này.

Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng

Cách đây nhiều năm trong nhà hội của chúng tôi ở Darmstadt, Đức, có một nhóm anh em được yêu cầu dời một cây đại dương cầm từ giáo đường đến hội trường sinh hoạt kế bên, là nơi cần có cây đàn cho một buổi trình diễn nhạc. Không một ai là người chuyên dời đồ đạc và nhiệm vụ dời nhạc cụ nặng nề đó ngang qua giáo đường để vào hội trường sinh hoạt thì dường như là điều không thể làm được. Mọi người đều biết rằng nhiệm vụ này không những đòi hỏi sức mạnh thể chất mà còn cần có sự phối hợp kỹ lưỡng. Có rất nhiều ý kiến nhưng không một ý kiến nào có thể giữ cho cây dương cầm được đúng thăng bằng. Họ bố trí các anh em lại nhiều lần theo sức mạnh, chiều cao, và tuổi tác—nhưng đều thất bại.

Khi họ đứng quanh cây dương cầm, không biết chắc phải làm gì kế tiếp, thì một người bạn tốt của tôi, Anh Hanno Luschin, lên tiếng. Anh nói: “Các anh em à, hãy đứng chung lại với nhau và nâng lên ngay tại chỗ các anh em đang đứng.”

Điều ấy dường như quá giản dị. Tuy nhiên, mỗi người đã nâng lên ngay tại nơi người ấy đứng, và cây dương cầm được nhấc lên khỏi mặt đất và được dời vào hội trường văn hóa thể như tự một mình nó làm được điều đó. Đó là sự đáp ứng cho thử thách. Họ chỉ cần đứng chung lại với nhau và nâng lên ngay tại chỗ họ đang đứng.

Tôi thường nghĩ về ý kiến giản dị của Anh Luschin và rất cảm kích trước lẽ thật sâu xa của ý kiến đó. Buổi tối hôm nay, tôi muốn khai triển khái niệm giản dị đó: “nâng lên ngay tại chỗ các anh em đang đứng.”

Một Số Người Muốn Lãnh Đạo, Những Người Khác Muốn Trốn Tránh

Mặc dù dường như là điều rất giản dị, nhưng việc nâng đỡ ngay tại chỗ chúng ta đang đứng là một nguyên tắc của quyền năng. Đa số những người mang chức tư tế mà tôi biết đều hiểu và sống theo nguyên tắc này. Họ hăm hở xắn tay áo lên và đi làm việc, bất luận công việc đó là gì. Họ chuyên tâm thi hành bổn phận của chức tư tế của mình. Họ làm vinh hiển sự kêu gọi của mình. Họ phục vụ Chúa bằng cách phục vụ những người khác. Họ đứng chung lại với nhau và nâng đỡ ngay tại chỗ họ đang đứng.

Tuy nhiên, có những người đôi khi lại vất vả với khái niệm này. Và như thế, dường như họ rơi vào một trong hai nhóm: hoặc là họ tìm kiếm chức vụ lãnh đạo, hoặc là họ tìm cách trốn tránh. Họ thèm muốn chức vụ lãnh đạo hoặc đào hầm để chui xuống trốn.

Những Người Tìm Kiếm Chức Vụ Lãnh Đạo

Những người tìm cách lãnh đạo có thể cảm thấy rằng họ có khả năng để làm nhiều hơn họ hiện được yêu cầu để làm. Một số người có thể nghĩ: “Nếu tôi làm giám trợ thì tôi có thể tạo ra được một sự khác biệt.” Họ tin rằng những khả năng của họ vượt xa sự kêu gọi của họ. Có lẽ nếu họ ở trong một chức vụ lãnh đạo quan trọng thì họ sẽ làm việc tích cực để tạo ra một sự khác biệt. Nhưng họ tự hỏi: “Ảnh hưởng nào mà tôi có thể có được nếu tôi chỉ là một thầy giảng tại gia hoặc một cố vấn trong chủ tịch đoàn nhóm túc số?”

Những Người Tìm Cách Trốn Tránh

Những người tìm cách trốn tránh có thể cảm thấy rằng họ quá bận rộn để phục vụ trong Giáo Hội. Khi giáo đường cần phải được dọn dẹp, khi gia đình Anh Minh cần giúp dọn nhà, khi vị giám trợ kêu gọi họ giảng dạy một lớp học, thì dường như họ luôn luôn có sẵn một lý do để từ chối.

Cách đây hai mươi năm, Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã chia sẻ những báo cáo của các giám trợ và các chủ tịch giáo khu rằng có một số tín hữu “đang từ chối những sự kêu gọi để phục vụ vì cho rằng họ ‘quá bận rộn’ hoặc họ ‘không có thì giờ.’ Những người khác thì chấp nhận nhưng lại từ chối không làm vinh hiển những sự kêu gọi đó.”

Chủ Tịch Benson nói tiếp: “Chúa kỳ vọng mỗi người chúng ta có được một sự kêu gọi trong Giáo Hội của Ngài để những người khác có thể được ban phước qua tài năng và ảnh hưởng của chúng ta.”1

Thật là kỳ lạ, thường thường nguyên nhân chính của hai khuynh hướng này—là tìm kiếm sự lãnh đạo và tìm cách trốn tránh—thì có thể giống nhau: tính ích kỷ .

Một Cách Tốt Hơn

Có một cách tốt hơn đã được chính Đấng Cứu Rỗi dạy cho chúng ta: “Còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi.”2

Khi tìm cách phục vụ những người khác thì chúng ta được thúc đẩy không phải bởi tính ích kỷ mà bởi tình yêu thương. Đây là cách mà Chúa Giê Su Ky Tô sống cuộc sống của Ngài và cách mà một người nắm giữ chức tư tế cần phải sống cuộc sống của mình. Đấng Cứu Rỗi không quan tâm đến danh vọng của loài người; Sa Tan ướm lời đề nghị cho Ngài tất cả các vương quốc và vinh quang của thế gian, và Chúa Giê Su đã ngay tức khắc và hoàn toàn khước từ lời đề nghị đó.3 Trong suốt cuộc sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi chắc hẳn thường cảm thấy mệt mỏi với nhiều gánh nặng lo lắng; vậy mà Ngài luôn luôn dành thời giờ ra để chăm sóc cho người bệnh, người buồn phiền, và người bị bỏ quên.

Mặc dù tấm gương sáng chói này, nhưng chúng ta quá dễ dàng và quá thường xuyên bị vướng mắc vào việc tìm kiếm danh vọng của loài người thay vì phục vụ Chúa với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình.

Thưa các anh em, khi chúng ta đứng trước mặt Chúa để được phán xét, Ngài sẽ nhìn vào các chức vụ mà chúng ta đã nắm giữ trên thế gian hay ngay cả trong Giáo Hội không? Các anh em có nghĩ rằng các danh hiệu mà chúng ta có khác hơn là “người chồng,” “người cha,” hoặc “người nắm giữ chức tư tế” sẽ có ý nghĩa nhiều đối với Ngài không? Các anh em có nghĩ rằng Ngài sẽ quan tâm đến việc thời khóa biểu của chúng ta bận rộn đến mức nào hoặc đến việc có bao nhiêu buổi họp quan trọng mà chúng ta đã tham dự không? Các anh em có nghĩ rằng sự thành công của chúng ta trong việc làm cho những ngày của mình kín đầy các buổi hẹn sẽ là một lý do bào chữa cho sự thất bại để dành thời giờ ra với vợ và gia đình của chúng ta không?

Chúa phán xét hoàn toàn khác với cách mà chúng ta làm. Ngài hài lòng với người tôi tớ cao quý , chứ không với người tự phục vụ thuộc giai cấp thượng lưu cao quý .

Những người khiêm nhường trong cuộc sống này sẽ đội mão triều thiên vinh quang trong cuộc sống mai sau. Chính Chúa Giê Su đã dạy giáo lý này khi Ngài kể câu chuyện về một người giàu có mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn và hằng ngày ăn uống rất linh đình, trong khi người ăn xin tên La Xa Rơ chỉ ước ao được ăn những mẩu bánh vụn từ bàn ăn của người giàu có. Sau khi chết đi, La Xa Rơ ở trong vinh quang cạnh bên Áp Ra Ham, trong khi người giàu có bị ném vào ngục giới nơi mà người ấy ngước mắt lên nhìn trong nỗi đau khổ dày vò.4

Tấm Gương của John Rowe Moyle

Năm nay đánh dấu sinh nhật lần thứ 200 của John Rowe Moyle. John, một người cải đạo vào Giáo Hội, đã rời bỏ nhà mình ở nước Anh và đi đến Thung Lũng Salt Lake với tư cách là thành viên của một đoàn xe kéo tay. Ông xây một căn nhà cho gia đình mình trong một thị trấn nhỏ cách Salt Lake City một thung lũng. John là một người có tài đẽo đá, và nhờ vào kỹ năng này, ông được yêu cầu làm việc cho Đền Thờ Salt Lake.

Mỗi ngày thứ Hai, John rời nhà vào hai giờ sáng và đi bộ sáu giờ đồng hồ để có mặt đúng giờ tại chỗ làm việc. Vào ngày thứ Sáu, ông rời chỗ làm việc của mình vào năm giờ chiều và đi bộ hầu như đến nửa đêm mới về đến nhà. Ông làm như vậy từ năm này qua năm khác.

Một ngày nọ, trong khi làm công việc vặt trong nhà, thì có một con bò đá vào chân ông, khiến ông bị gẫy xương. Với phương tiện y tế rất hạn hẹp, chỉ có một điều chọn lựa là cưa bỏ cái chân bị gẫy. Vậy nên, gia đình và bạn bè của John đã cột ông vào một cánh cửa và, với một cái cưa, họ đã cưa cái chân của ông ở dưới đầu gối khoảng một vài centimét.

Mặc dù cuộc giải phẫu thô sơ đó, cái chân cũng bắt đầu lành. Một khi John có thể ngồi dậy được trên giường thì ông bắt đầu chạm khắc một cái chân bằng gỗ với mối ghép rất tài tình để làm mắt cá chân cho một bàn chân giả. Việc đi trên vật sáng chế này thì đau đớn vô cùng, nhưng John đã không đầu hàng, mà thay vì thế xây đắp sức chịu đựng cho đến khi ông có thể hành trình gần 36 kilômét đến Đền Thờ Salt Lake mỗi tuần nơi mà ông tiếp tục làm việc.

Đôi tay của ông đã tạc những chữ “Thánh cho Chúa” mà ngày nay vẫn còn đứng đó làm một vật quý báu để ghi dấu cho tất cả những người đến thăm viếng Đền Thờ Salt Lake.5

John đã không làm điều này để được người đời ca tụng. Ông cũng đã không trốn tránh bổn phận của mình, ngay cả khi ông đã có đủ lý do để làm vậy. Ông biết điều Chúa đã trông mong ông phải làm.

Nhiều năm sau, cháu nội của John là Henry D. Moyle được kêu gọi với tư cách là thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai và, cuối cùng, đã phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội. Sự phục vụ của Chủ Tịch Moyle trong những sự kêu gọi này thật là đáng kính, nhưng sự phục vụ của ông nội John của ông, mặc dù có phần ít người biết hơn, nhưng cũng đã làm cho Chúa hài lòng. Đức tính của John, di sản hy sinh của ông, là một ngọn cờ của sự trung tín và một cờ hiệu về bổn phận đối với gia đình của ông và đối với Giáo Hội. John Rowe Moyle đã hiểu ý nghĩa của việc “nâng đỡ ngay tại chỗ ta đang đứng.”

Tấm Gương của 2.000 Chiến Sĩ của Hê La Man

Sự ghi nhận riêng cá nhân hiếm khi là một dấu chỉ về giá trị của sự phục vụ của chúng ta. Chúng ta không biết tên, chẳng hạn, của bất cứ người nào trong số 2.000 con trai của Hê La Man. Vì là cá nhân nên họ vô danh. Tuy nhiên, với tính cách là một nhóm, tên của họ sẽ luôn luôn được tưởng nhớ đến tính lương thiện, lòng can đảm và sự sẵn lòng phục vụ. Họ đã cùng nhau hoàn thành điều mà không một ai trong số họ có thể hoàn thành một mình.

Thưa các anh em của chức tư tế, đó là một bài học cho chúng ta. Khi chúng ta cùng đứng đứng chung lại với nhau và nâng đỡ ngay tại chỗ chúng ta đang đứng, khi chúng ta quan tâm đến vinh quang của vương quốc của Thượng Đế hơn thanh danh hoặc niềm vui thích của mình thì chúng ta có thể hoàn thành được rất nhiều điều hơn.

Mỗi Sự Kêu Gọi Là một Cơ Hội để Phục Vụ và Tăng Trưởng

Không có một sự kêu gọi nào là quá thấp kém cho chúng ta làm tròn. Mỗi sự kêu gọi cung ứng một cơ hội để phục vụ và tăng trưởng. Chúa đã tổ chức Giáo Hội theo cách mà đem đến cho mỗi tín hữu một cơ hội để phục vụ, mà đối lại, sẽ đưa đến sự tăng trưởng thuộc linh cá nhân. Bất luận sự kêu gọi của các anh em là gì đi nữa, tôi cũng khuyến khích các anh em nên thấy đó là một cơ hội không những củng cố và ban phước cho những người khác mà còn trở thành con người mà Cha Thiên Thượng muốn các anh em trở thành.

Khi đi đến các giáo khu của Si Ôn với mục đích tái tổ chức chủ tịch đoàn giáo khu, đôi khi tôi đã rất ngạc nhiên khi, trong một cuộc phỏng vấn, một người anh em nói với tôi rằng người ấy đã nhận được một ấn tượng rằng người ấy sẽ ở trong chủ tịch đoàn kế tiếp.

Khi mới nghe điều này, tôi đã không biết chắc cách để đối phó.

Phải mất một thời gian trước khi Đức Thánh Linh mang đến cho tôi sự hiểu biết. Tôi tin rằng Chúa có một sự kêu gọi nào đó cho mỗi người. Đôi khi Ngài ban cho những sự thúc giục thuộc linh mà cho chúng ta biết rằng chúng ta xứng đáng để nhận được những sự kêu gọi nhất định. Đây là một phước lành thuộc linh, một tấm lòng thương xót dịu dàng từ Thượng Đế.

Nhưng đôi khi chúng ta không nghe cho hết điều mà Chúa đang phán bảo với chúng ta. Ngài có thể phán: “Mặc dù ngươi xứng đáng để phục vụ trong chức vụ này, nhưng đây không phải là sự kêu gọi mà ta đã chọn cho ngươi. Thay vì thế ta muốn ngươi phải nâng đỡ ngay tại chỗ ngươi đang đứng.” Thượng Đế biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.

Một Sự Chỉ Định mà Chỉ Các Anh Em Mới Thực Hiện Được

Mỗi người nắm giữ chức tư tế đứng tại một chỗ riêng biệt độc nhất và có một nhiệm vụ quan trọng mà chỉ người ấy mới có thể thực hiện được.

Chúng ta đều nghe những câu chuyện về việc Chủ Tịch Monson đi thăm và ban phước cho những người già cả và bệnh hoạn, luôn luôn chăm sóc cho các nhu cầu của họ và mang đến cho họ lời khuyến khích, an ủi và yêu thương. Lối suy nghĩ và hành động của Chủ Tịch Monson trong một cách rất tự nhiên khiến cho người ta cảm thấy vui hơn về bản thân mình. Thật là tuyệt vời biết bao nếu Chủ Tịch Monson thăm viếng và trông nom mỗi gia đình trong Giáo Hội nhỉ?

Đúng thế. Nhưng dĩ nhiên là ông không thể làm như vậy—và ông cũng không nên làm như vậy. Chúa đã không phán bảo ông phải làm điều đó. Chúa đã phán bảo chúng ta, là các thầy giảng tại gia, phải yêu thương và trông nom các gia đình mà chúng ta đã được chỉ định. Chúa đã không phán bảo Chủ Tịch Monson phải tổ chức và điều khiển buổi họp tối gia đình của chúng ta. Ngài muốn chúng ta, với tư cách là những người cha, làm điều này.

Các anh em có thể cảm thấy rằng có những người khác có khả năng hoặc kinh nghiệm hơn mà có thể làm tròn những sự kêu gọi và nhiệm vụ của các anh em tốt hơn các anh em, nhưng Chúa đã ban cho các anh em các trách nhiệm này vì một lý do. Có lẽ có những người và những tấm lòng mà chỉ có các anh em mới có thể tác động được một cách tốt lành mà thôi. Có lẽ không có ai khác có thể làm điều đó trong một cách khá giống như vậy.

Cha Thiên Thượng của chúng ta phán bảo rằng chúng ta đại diện Ngài trong công việc cao quý là tìm đến và ban phước cho cuộc sống của các con cái của Ngài. Ngài phán bảo chúng ta phải đứng vững vàng với quyền năng của chức tư tế trong lòng và tâm hồn chúng ta, và làm tròn sự kêu gọi mà chúng ta có vào lúc này với các nỗ lực tột bậc nhất của mình.

Thưa các anh em, các anh em thật khỏe mạnh, nhưng các anh em không thể và không nên tự mình nâng một cây đàn piano lên. Tương tự như thế, không ai trong chúng ta có thể hoặc nên tự mình gánh vác công việc của Chúa. Nhưng nếu tất cả chúng ta cùng đứng cạnh nhau tại nơi mà Chúa đã chỉ định cho chúng ta và nâng đỡ ngay tại chỗ mình đang đứng, thì không điều gì có thể làm cho công việc thiêng liêng này lùi bước.

Thưa các anh em, cầu xin cho chúng ta ngừng khao khát chức vụ cao và ngừng trốn tránh việc phục vụ những người khác!

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn ghi nhớ bài học sâu xa này rằng chúng ta là những người mang cờ hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô, được Đức Thánh Linh của Thượng Đế hỗ trợ, trung tín và chân thật cho đến cùng, mỗi người tận tâm để dâng lên tất cả cho chính nghĩa của Si Ôn và ràng buộc bởi giao ước để đứng chung lại với nhau và nâng đỡ ngay tại chỗ chúng ta đang đứng.

Tôi cầu nguyện cho điều này và tôi để lại cho các anh em phước lành và tình yêu thương của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. The Teachings of Ezra Taft Benson (1988), 451–52; xin xem thêm Ensign, “Provo Tabernacle Rededicated,” tháng Mười Hai năm 1986, 70.

  2. Ma Thi Ơ 20:27.

  3. Xin xem Ma Thi Ơ 4:8–10.

  4. Xin xem Lu Ca 16:19–31.

  5. Trong Gene A. Sessions, xuất bản, “Biographies and Reminiscences from the James Henry Moyle Collection,” bản đánh máy, Văn Khố của Giáo Hội, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 203.