2011
75 Năm Thành Lập Chương Trình An Sinh Giáo Hội
Tháng năm năm 2011


Kỷ Niệm 75 Năm Thành Lập Chương Trình An Sinh

Vài bài nói chuyện trong Đại Hội Trung Ương Thường Niên kỳ thứ 181 của Giáo Hội được dành ra để nói về dịp kỷ niệm chương trình an sinh của Giáo Hội giờ đây đã được 75 năm kể từ ngày thành lập.

Trong ngày khai mạc chương trình vào năm 1936, Chủ Tịch David O. McKay, lúc bấy giờ là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã khẳng định nguồn gốc được Chúa soi dẫn về chương trình an sinh của Giáo Hội: “[Chương trình an sinh] được thiết lập bởi sự mặc khải thiêng liêng, và không có điều gì khác trên toàn thế giới mà có thể chăm sóc các thành viên của mình hữu hiệu như vậy.” 1

Bảy mươi lăm năm đã đến và đi. Các chu kỳ kinh tế thế giới đã xảy ra và rồi bắt đầu trở lại. Thế giới đã thấy những thay đổi lớn về xã hội và văn hóa, cũng như Giáo Hội đã chứng kiến sự phát triển lạ thường.

Nhưng những lời nói về chương trình an sinh được Chúa soi dẫn của Giáo Hội vào ngày đó trong năm 1936 vẫn đúng trong thời này như trong thời đó.

Các Chương Trình An Sinh

Vào năm 1929 Hoa Kỳ đã trải qua những mất mát tài chính lớn lao khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Đến 1932 nạn thất nghiệp ở Utah đã lên đến 35.8 phần trăm.

Mặc dù Giáo Hội vốn đã có sẵn các nguyên tắc an sinh, kể cả một hệ thống nhà kho và các chương trình để giúp các tín hữu tìm việc làm, nhưng nhiều tín hữu đã tìm đến chính phủ để được trợ giúp.

Chủ Tịch Heber J. Grant (1856–1945) đã nói trong lúc này: “Tôi tin rằng có một khuynh hướng càng ngày càng gia tăng ở giữa những người cố gắng nhận được một thứ gì từ chính quyền Hoa Kỳ với một chút hy vọng là không phải trả lại.”2

Các vị lãnh đạo Giáo Hội muốn giúp các tín hữu đang gặp khó khăn mà không khuyến khích tính biếng nhác và cảm tưởng là được quyền hưởng nhận. Mục tiêu là để giúp người ta tự giúp bản thân mình trở nên không lệ thuộc.

Vào năm 1933, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn thông báo: “Các tín hữu khỏe mạnh của chúng ta không được đặt vào tình thế bị ngượng ngùng vì nhận một thứ gì đó cho không, ngoại trừ đó là phương sách cuối cùng. … Các chức sắc Giáo Hội phụ trách việc trợ giúp cần phải nghĩ ra những cách thức và phương tiện để qua đó tất cả các tín hữu Giáo Hội khỏe mạnh đang gặp hoạn nạn, có thể đền bù lại những gì trợ giúp cho họ bằng sự phục vụ nào đó.”3

Với các nguyên tắc đã sẵn sàng và đức tin của Các Thánh Hữu hoạt động tích cực, thì các đơn vị riêng rẽ của Giáo Hội cũng như Giáo Hội nói chung cố gắng tổ chức những lớp học may vá và đóng hộp thức ăn, phối hợp các dự án làm việc, tìm mua nông trại, và nhấn mạnh đến lối sống ngay chính, tằn tiện và không lệ thuộc.

Chương Trình An Sinh của Giáo Hội

Với tổ chức của Chương Trình An Toàn của Giáo Hội (được đặt tên lại là Chương Trình An Sinh của Giáo Hội vào năm 1938), các tín hữu nhận được cơ hội để làm việc, theo khả năng của họ, khi nhận được sự phụ giúp. Chương trình này dạy các tín hữu phải tự giúp đỡ mình thay vì ngửa tay xin xỏ.

Chủ Tịch Grant nói trong đại hội trung ương tháng Mười năm 1936: “Mục đích chính yếu của chúng ta là đề ra … một hệ thống mà sẽ không còn tính biếng nhác, loại bỏ những xấu xa của sự bố thí, và việc không lệ thuộc, tính siêng năng, cần kiệm và lòng tự trọng một lần nữa được thiết lập giữa các tín hữu của chúng ta.” “Sự làm việc phải được đề cao lại một lần nữa như là nguyên tắc chi phối cuộc sống của các tín hữu Giáo Hội.”4

Qua nhiều năm tháng, hệ thống an sinh của Giáo Hội đã gồm có nhiều chương trình: Dịch Vụ Xã Hội (giờ đây là Dịch Vụ Gia Đình Thánh Hữu Ngày Sau), Tổ Chức Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau, Phục Vụ Nhân Đạo, và Sự Đáp Ứng Trường Hợp Khẩn Cấp. Các chương trình này và chương trình khác đã ban phước cho cuộc sống của hằng trăm ngàn người trong và ngoài Giáo Hội.

Làm Thành Chương Trình Quốc Tế

Ngay cả sau khi Thời Kỳ Kinh Tế Trì Trệ chấm dứt vào lúc Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr., Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, theo thánh ý của Thượng Đế, chủ trương tiếp tục chương trình an sinh. Vào tháng Mười năm 1945, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman yêu cầu Chủ Tịch Giáo Hội George Albert Smith (1870–1951) xác định cách thức và khi nào các đồ tiếp liệu có thể được phân phối cho các khu vực ở Châu Âu bị chiến tranh tàn phá. Chủ Tịch Truman kinh ngạc khi các vị lãnh đạo Giáo Hội đáp rằng thực phẩm và quần áo cùng những đồ tiếp liệu cứu trợ đã được thu góp và sẵn sàng gửi đi.

Với thời gian, Giáo Hội phát triển những chương trình và tiện nghi an sinh để giúp đỡ nhiều khu vực hoạn nạn hơn, kể cả có thêm nhiều khu vực địa lý hơn. Vào thập niên 1970, Giáo Hội phát triển các dự án an sinh và sản xuất cho Mexico, Anh, và Các Quần Đảo Thái Bình Dương. Trong thập niên tiếp theo, Argentina, Chile, Paraguay, và Uruguay là những nước đầu tiên ở bên ngoài Hoa Kỳ nhận được các trung tâm tìm việc làm của Giáo Hội.

Với sự thành hình của tổ chức Phục Vụ Nhân Đạo của Giáo Hội vào năm 1985, các nỗ lực an sinh quốc tế của Giáo Hội phát triển rất mạnh khi quần áo và những đồ đạc khác được lựa ra để gửi đi khắp thế giới nhằm đáp ứng cảnh nghèo khó và tai họa.

Ngày nay, sự phát triển của con số tín hữu Giáo Hội ở ngoại quốc, nhất là trong các quốc gia đang phát triển, đặt ra những thử thách mới mà chương trình an sinh cần được thích nghi để đáp ứng.

Một Kế Hoạch Đầy Soi Dẫn cho Ngày Nay

Các nguyên tắc an sinh cơ bản—sự tự túc và siêng năng— vẫn giống như vậy ở thời nay như khi Chúa truyền lệnh cho A Đam: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng Thế Ký 3:19).

Vào những ngày sau, Chúa đã phán: “Và nhà kho phải được duy trì nhờ những của dâng hiến của giáo dân; và quả phụ cùng cô nhi phải được chu cấp, cũng như những người nghèo khó” (GLGƯ 83:6). Rồi Ngài nhắc nhở chúng ta rằng “Nhưng việc đó cần phải được thực hiện theo cách thức riêng của ta” (GLGƯ 104:16).

Các nguyên tắc an sinh hữu hiệu trong cuộc sống của các tín hữu trên khắp thế giới như là một nguyên tắc thường ngày trong mỗi mái ấm gia đình.

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Sức mạnh của Giáo Hội và nhà kho thực sự của Chúa là ở trong nhà và trong lòng của dân Ngài.”5

Như đã được Chủ Tịch Clark định rõ, khi các cá nhân phát triển tính tự túc của mình qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì mục tiêu dài hạn của chương trình này tiếp tục được làm tròn: “việc xây đắp đặc tính nơi các tín hữu của Giáo Hội, cả người cho lẫn người nhận, mang ra tất cả điều tốt lành tiềm tàng ở trong lòng họ, và giúp họ phát triển đặc tính và khả năng trọn vẹn của mình để cảm nhận được Thánh Linh là toàn bộ sứ mệnh, mục đích và lý do để thuộc vào Giáo Hội này.”6

Ghi Chú

  1. David O. McKay, trong Henry D. Taylor, The Church Welfare Plan, bản thảo chưa được xuất bản, Salt Lake City (1984), 26–27.

  2. Heber J. Grant, trong Conference Report, tháng Mười năm 1933, 5.

  3. Trong James R. Clark, biên soạn, Messages of the First Presidency of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, 6 tập, (1965–75) 5:332–34.

  4. Heber J. Grant, trong Conference Report, tháng Mười năm 1936, 3.

  5. Robert D. Hales, “Welfare Principles to Guide Our Lives: An Eternal Plan for the Welfare of Men’s Souls,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 28.

  6. J. Reuben Clark Jr., trong buổi họp đặc biệt của các chủ tịch giáo khu, ngày 2 tháng Mười năm 1936.

Các Chủ Tịch David O. McKay, Heber J. Grant và J. Reuben Clark Jr. (từ trái qua phải) thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn tham quan Khuôn Viên An Sinh vào năm 1940.

Cho dù làm bánh mì (ở trên trái), trồng nho (ở trên phải), hoặc giúp đỡ trong một cách nào khác, chương trình An Sinh của Giáo Hội cũng nhắm vào việc phát triển khả năng tự túc qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.