2011
Những Điều Giảng Dạy cho Thời Chúng Ta
Tháng Mười năm 2011


Những Điều Giảng Dạy cho Thời Chúng Ta

Chúng ta biết được từ các vị tiên tri thời xưa rằng Sách Mặc Môn chứa đựng nhiều “điều minh bạch quý báu” mà đã được bảo tồn để chỉ dẫn cho chúng ta trong thời kỳ của chúng ta (xin xem 1 Nê Phi 13:40; 19:3). Các lẽ thật này làm sáng tỏ cũng như gia tăng sự hiểu biết về phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô cùng giúp các học viên Sách Mặc Môn đối phó với những thử thách của cuộc đời bằng hy vọng và sức mạnh. Trong những lời trích dẫn sau đây, các vị tiên tri và sứ đồ hiện đại làm chứng về những điều giảng dạy quan trọng này.

Chúa Quan Tâm đến Chúng Ta

Hình Ảnh
President Thomas S. Monson

“Tôi nhớ lại những lời của Chúa từ Sách Ê The trong Sách Mặc Môn. Chúa phán: ‘Các ngươi không thể vượt qua vực sâu này, nếu ta không chuẩn bị cho các ngươi chống lại những đợt sóng của biển cùng những trận gió thổi tới và những trận lụt dâng lên’ [Ê The 2:25]. Thưa các anh chị em, Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta. Nếu lưu tâm đến những lời của Ngài cùng sống theo các lệnh truyền, chúng ta sẽ sống sót trong thời kỳ buông thả và tà ác này—một thời kỳ có thể được so sánh với những đợt sóng, trận gió và lụt lội mà có thể hủy diệt. Ngài luôn luôn quan tâm đến chúng ta. Ngài yêu thương và sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta làm điều đúng.”

Chủ Tịch Thomas S. Monson, “Lời Bế Mạc,”Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 109.

Chúa Giê Su Là Đấng Ky Tô

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

“Sách Mặc Môn là chứng ngôn bằng văn bản mạnh mẽ nhất mà chúng ta có được rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Nê Phi nói điều gì là nền tảng để tiếp nhận Đức Thánh Linh? Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Việc thỉnh thoảng đọc Sách Mặc Môn sẽ bảo đảm đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô không? Các anh chị em sẽ không trông mong ở điều đó nếu đọc kỹ sách Nê Phi. Ông nói rằng đây là ‘ân tứ … ban cho tất cả những ai chuyên tâm tìm tới Ngài.’ Rõ ràng là chuyên tâm có nghĩa là thường xuyên. Và chắc chắn nó có nghĩa là suy ngẫm và cầu nguyện. Và việc cầu nguyện sẽ chắc chắn gồm có lời khẩn nài tha thiết để biết lẽ thật. Điều gì kém hơn thì khó có thể là chuyên tâm. Và bất cứ điều gì kém hơn sẽ không đủ cho anh chị em và cho tôi.”

Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “Going Home,” trong Brigham Young University 1986–87 Devotional and Fireside Speeches (1987), 77–78.

Một Lời Tuyên Bố về Phúc Âm

Hình Ảnh
President Dieter F. Uchtdorf

“Các yếu tố cốt lõi của sứ điệp phúc âm được tìm thấy trong tất cả các thánh thư, nhưng điều rõ ràng nhất thì được ban cho chúng ta trong Sách Mặc Môn và những sự mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith. Nơi đây chính Chúa Giê Su đã tuyên bố rõ ràng về giáo lý và phúc âm của Ngài, là giáo lý mà các con cái của Thượng Đế phải tuân theo để ‘có được cuộc sống vĩnh cửu’ (GLGƯ 14:7).”

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 19.

Phép Báp Têm của Trẻ Nhỏ

Hình Ảnh
President Boyd K. Packer

“[Một số người tin] rằng trẻ nhỏ được thụ thai trong tội lỗi và sinh ra trên trần thế trong trạng thái ô uế tự nhiên. Giáo lý đó là sai lầm!

“‘Mặc Môn viết: ‘Nếu điều cha biết quả có thật, thì đã có những cuộc tranh luận giữa đám dân của con về vấn đề làm phép báp têm cho trẻ thơ’ (Mô Rô Ni 8:5).

“Ông gọi cuộc tranh luận của họ là ‘sự sai lầm lớn lao’ và viết: …

“‘Hãy lắng nghe những lời của Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc, là Chúa của các ngươi và Thượng Đế của các ngươi. Này, ta đến thế gian không phải để kêu gọi những người ngay chính, mà để kêu gọi những kẻ phạm tội phải hối cải; Người lành mạnh không cần y sĩ mà người đau yếu mới cần; vậy nên, trẻ con là những người lành mạnh, vì chúng không thể phạm tội; vậy nên, ở trong ta, lời nguyền rủa A Đam đã được cất bỏ khỏi chúng, để nó không còn hiệu lực gì đối với chúng nữa; …

“‘Và theo cách đó Đức Thánh Linh đã biểu lộ lời của Thượng Đế cho cha biết; vậy nên, hỡi con trai yêu dấu của cha, cha biết rằng, nếu con làm phép báp têm cho trẻ thơ, thì đó sẽ là một sự nhạo báng nghiêm trọng trước mặt Thượng Đế vậy’ (Mô Rô Ni 8:7–9). …

“Hãy đọc trọn thư của ông. Đó là giáo lý chân chính.”

Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Little Children,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 17.

Những Lời Cảnh Cáo từ Sách Mặc Môn

Hình Ảnh
Elder L. Tom Perry

“Trong số các bài học chúng ta học được từ Sách Mặc Môn là nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh và trong những điều kiện nào thì đó là lý do chính đáng. Sách cho biết về những điều xấu xa và nguy hiểm của các tập đoàn bí mật, mà đã được dựng lên để chiếm quyền hành và giành được thiên hạ. Sách cho chúng ta biết về vấn đề Sa Tan là có thật và đưa ra một chỉ dẫn về một số phương pháp nó đang sử dụng. Sách khuyên bảo chúng ta về cách sử dụng của cải một cách thích hợp. Sách cho chúng ta biết về các lẽ thật minh bạch, quý báu của phúc âm cũng như tính thực tế và thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô cùng sự hy sinh chuộc tội của Ngài cho tất cả nhân loại. Sách cho chúng ta biết về sự quy tụ của gia tộc Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Sách cho chúng ta biết về mục đích và các nguyên tắc của công việc truyền giáo. Sách cảnh cáo chúng ta về tính kiêu ngạo, thờ ơ, sự trì hoãn, những nguy cơ của các truyền thống sai lầm, đạo đức giả và sự không trinh khiết.

“Giờ đây trách nhiệm của chúng ta là nghiên cứu Sách Mặc Môn và học biết về các nguyên tắc và áp dụng chúng trong cuộc sống của mình.

Anh Cả L. Tom Perry thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Các Phước Lành Đến Từ Việc Đọc Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 8.

Vạn Vật Đều Sẽ Được Phục Hồi

Hình Ảnh
Elder Dallin H. Oaks

“Bản chất thực và phổ thông của sự phục sinh đã được mô tả sống động trong Sách Mặc Môn. Tiên tri A Mu Léc dạy:

“‘Cái chết của Đấng Ky Tô sẽ cởi bỏ những dây trói buộc của cái chết thể chất này, để mọi người có thể sống lại từ cái chết thể chất này.

“‘Linh hồn và thể xác sẽ được kết hợp lại trong hình thể toàn hảo của nó; tất cả tứ chi và khớp xương sẽ trở lại hình thể nguyên vẹn của nó chẳng khác chi chúng ta hiện đang sống bây giờ; …

“‘Này, sự phục hồi này sẽ đến với tất cả mọi người, cả già lẫn trẻ, cả nô lệ lẫn tự do, cả nam lẫn nữ, cả người ngay chính lẫn người tà ác; và sẽ không có một sợi tóc nào trên đầu họ bị mất đi; trái lại tất cả mọi thứ sẽ được hoàn lại hình thể toàn hảo của nó như trong thể xác hiện giờ’ (An Ma 11:42–44).

“An Ma cũng dạy rằng trong sự phục sinh ‘tất cả sẽ được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn’ (An Ma 40:23). …

“Thật là một điều an ủi để biết được rằng tất cả những người đã bị thiệt thòi trong cuộc sống … sẽ được phục sinh ‘trong hình thể thích hợp và trọn vẹn.’”

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Sự Phục Sinh,” Liahona, tháng Bảy năm 2000, 17.

Những Nguy Hiểm của Các Tập Đoàn Bí Mật

Hình Ảnh
Elder M. Russell Ballard

“Sách Mặc Môn dạy rằng việc các tập đoàn bí mật tham gia vào tội ác gây ra một thử thách nghiêm trọng không những đối với các cá nhân và gia đình mà còn đối với toàn thể nền văn minh nữa. Trong số các tập đoàn bí mật ngày nay là các băng đảng, các nhóm buôn ma túy và các gia đình tội phạm có tổ chức. Những tập đoàn bí mật của thời kỳ chúng ta cũng giống như bọn cướp Ga Đi An Tôn trong thời kỳ Sách Mặc Môn. … Trong số các mục đích của họ là ‘sát nhân, cướp bóc, trộm cắp, phạm tội tà dâm và mọi thứ tội ác khác, trái với luật pháp của xứ sở và trái với luật pháp của Thượng Đế của chúng’ [Hê La Man 6:23].

“Nếu chúng ta không cẩn thận, thì các tập đoàn bí mật ngày nay có thể giành được quyền hành và cũng gây ảnh hưởng nhanh chóng và toàn diện như họ đã làm trong thời kỳ Sách Mặc Môn.”

Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Standing for Truth and Right,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 38.

Giải Quyết Những Thử Thách của Cuộc Sống

Hình Ảnh
Elder Richard G. Scott

“Sách Mặc Môn chứa đựng những sứ điệp được Chúa đặt vào trong đó để cho thấy cách sửa đổi ảnh hưởng của truyền thống sai lạc và cách tiếp nhận sự trọn vẹn của cuộc sống. Sách dạy cách giải quyết các vấn đề và thử thách mà chúng ta đối phó ngày nay. … [Chúa] đã cung ứng cách sửa đổi những lỗi lầm nghiêm trọng của cuộc sống, nhưng sự hướng dẫn này không có giá trị gì nếu vẫn mãi mãi nằm trong một quyển sách không bao giờ giở ra.”

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “True Friends That Lift,” Ensign, tháng Mười Một năm 1988, 76.

Một Vật Nhắc Nhở về Các Giao Ước của Chúng Ta

Hình Ảnh
Elder Robert D. Hales

“Chúng ta được nhắc nhở từ Sách Mặc Môn rằng phép báp têm của chúng ta là một giao ước để ‘đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế [và vương quốc của Ngài] bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà các người hiện diện, cho đến khi chết, ngõ hầu các người có thể được Thượng Đế cứu chuộc và được tính chung với những người thuộc về lần phục sinh thứ nhất, để các người có được cuộc sống vĩnh cửu’ (Mô Si A 18:9; sự nhấn mạnh được thêm vào).”

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Giao Ước Báp Têm: Ở trong Vương Quốc và thuộc về Vương Quốc,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 7.

Các Phước Lành của Sự Vâng Lời

Hình Ảnh
Elder Quentin L. Cook

“Ở nhiều chỗ trong Sách Mặc Môn, những người dân được hứa rằng họ sẽ thịnh vượng trong xứ nếu họ tuân giữ các lệnh truyền [xin xem 1 Nê Phi 2:20; 2 Nê Phi 4:4]. Lời hứa này thường được kèm theo với lời cảnh cáo rằng nếu họ không tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, thì họ sẽ bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Ngài [xin xem An Ma 36:30].”

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Hy Vọng Là Ngài Hiểu, Chúng Con Thật Là Khổ Sở,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 104.