2012
Luôn Luôn ở Giữa
2012


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Bảy năm 2012

Luôn Luôn ở Giữa

Hình Ảnh
Bài của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Theo như nhiều tờ lịch của thế giới thì tháng Bảy đánh dấu thời gian giữa năm. Trong khi người ta kỷ niệm và tưởng nhớ những điểm khởi đầu và kết thúc của sự việc, thì những khoảng ở giữa thường không được ai để ý đến.

Những điểm khởi đầu là thời gian để đưa ra những quyết tâm, lập các kế hoạch, sự gắng sức. Những điểm kết thúc là thời gian lắng đọng và có thể gồm có những cảm nghĩ về sự hoàn thành hay mất mát. Nhưng với cách nhìn thích hợp, việc xem mình đang ở giữa những sự việc có thể giúp chúng ta không những hiểu cuộc sống rõ hơn một chút mà còn sống một cuộc sống có ý nghĩa nhiều hơn một chút.

Khoảng Giữa của Công Việc Truyền Giáo

Khi nói chuyện với những người truyền giáo trẻ tuổi của chúng ta, tôi thường nói rằng họ đang ở giữa công việc truyền giáo của họ. Cho dù họ mới vừa đến ngày hôm trước hoặc sắp về nhà ngày hôm sau thì tôi đều bảo họ nghĩ đến bản thân mình như là luôn luôn ở giữa khoảng thời gian đó.

Những người truyền giáo mới có thể cảm thấy còn quá non nớt để được hữu hiệu, và như thế họ trì hoãn việc nói chuyện hay hành động với lòng tự tin và bạo dạn. Những người truyền giáo có kinh nghiệm, là những người sắp hoàn tất công việc truyền giáo của mình, đều có thể cảm thấy buồn vì công việc truyền giáo của mình sắp kết thúc, hoặc họ có thể chậm lại trong khi suy nghĩ không biết mình sẽ làm gì sau khi đi truyền giáo về.

Cho dù hoàn cảnh là gì đi nữa và cho dù họ phục vụ ở đâu đi nữa, thì sự thật là những người truyền giáo của Chúa đang hằng ngày gieo vô số hạt giống tin lành. Việc nghĩ về mình là luôn luôn đang ở giữa khoảng thời gian truyền giáo sẽ khuyến khích và mang đến sinh lực cho những người đại diện trung tín này của Chúa. Điều đó đúng với những người truyền giáo trọn thời gian thì cũng đúng với tất cả chúng ta vậy.

Chúng Ta Luôn Luôn ở Giữa

Sự thay đổi này về quan điểm còn có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một sự suy nghĩ đơn giản. Đó là một lẽ thật tuyệt vời ở đằng sau ý nghĩ rằng chúng ta luôn luôn ở giữa. Nếu chúng ta nhìn vào vị trí của mình trên một bản đồ, chúng ta muốn nói rằng mình đang ở điểm bắt đầu. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì bất cứ chúng ta ở đâu, chúng ta cũng ở giữa một chỗ rộng hơn thôi.

Điều đó đúng với không gian cũng như với thời gian. Chúng ta có thể cảm thấy rằng mình đang ở lúc bắt đầu hay cuối đời mình, nhưng khi nhìn vào nơi chúng ta đang ở so với bối cảnh vĩnh cửu—thì chúng ta nhận thấy rằng linh hồn của mình đã hiện hữu trong một thời gian vượt quá khả năng của chúng ta để đo lường và nhờ vào sự hy sinh và Sự Chuộc Tội toàn hảo của Chúa Giê Su Ky Tô, nên linh hồn của chúng ta sẽ tồn tại cho đến thời vĩnh cửu mai sau—chúng ta có thể nhận ra rằng mình thực sự đang ở giữa.

Mới gần đây tôi đã cảm thấy có ấn tượng để làm lại bia mộ của cha mẹ tôi. Thời gian đã không tử tế đối với mộ phần, và tôi cảm thấy rằng một bia mộ mới sẽ thích hợp hơn cho cuộc sống gương mẫu của họ. Khi tôi nhìn vào ngày sinh và ngày mất trên mộ bia được kết nối bằng một dấu gạch ngang nhỏ thông thường vô nghĩa, thì biểu tượng nhỏ bé này của một khoảng thời gian sống đột nhiên tràn đầy tâm trí tôi với những ký ức dồi dào. Mỗi một ký ức quý báu này gợi lại một giây phút ở giữa cuộc sống của cha mẹ tôi và ở giữa cuộc sống của tôi.

Bất kể tuổi tác của chúng ta, bất kể vị trí của chúng ta, khi những sự việc xảy ra trong cuộc sống của mình, thì chúng ta đều luôn luôn ở giữa. Hơn nữa, chúng ta sẽ mãi mãi ở giữa.

Hy Vọng Được Ở Giữa 

Vâng, sẽ có thời gian khởi đầu và thời gian kết thúc trong suốt cuộc sống của chúng ta, nhưng đây chỉ là những cái mốc đánh dấu dọc theo con đường ở giữa cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Cho dù chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối, cho dù chúng ta trẻ hay già, Chúa cũng đều có thể sử dụng chúng ta cho các mục đích của Ngài nếu chúng ta chỉ cần gạt bỏ bất cứ ý tưởng nào đó giới hạn khả năng phục vụ của mình và để cho ý muốn của Ngài định hướng cuộc sống của chúng ta.

Tác giả Thi Thiên nói: “Nầy là ngày Đức Giê Hô Va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy (Thi Thiên 118:24). A Mu Léc nhắc chúng ta nhớ rằng “cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình” (An Ma 34:32; sự nhấn mạnh được thêm vào). Và một thi sĩ đã nói: “Vĩnh Viễn—bao gồm Hiện Tại.”1

Việc luôn ở giữa có nghĩa là trò chơi không bao giờ kết thúc, hy vọng không bao giờ mất, thất bại không bao giờ là cuối cùng. Vì dù chúng ta đang ở đâu hay hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa, thì những khởi đầu vĩnh cửu và những kết thúc vĩnh cửu cũng trải rộng trước mắt chúng ta.

Chúng ta luôn luôn ở giữa.

Ghi Chú 

  1. Emily Dickinson, “Forever—is composed of Nows,” trong The Complete Poems of Emily Dickinson, do Thomas H. Johnson hiệu chỉnh (1960), 624.

Giảng Dạy Sứ Điệp Này 

Hãy cân nhắc việc thảo luận với gia đình đó cách họ “luôn luôn ở giữa,” cho dù họ đang khởi sự hay kết thúc một điều gì đó. Khuyến khích họ cố gắng hết sức làm những sinh hoạt hiện nay của họ, chứ không nghĩ ngợi mãi về quá khứ hay chờ đợi sinh hoạt hoặc dự án kế tiếp. Các anh em có thể muốn đề nghị họ chọn một điều họ có thể làm chung với gia đình để thực hiện lời khuyên này và đề ra một ngày để qua đó họ hy vọng đạt được mục tiêu của mình.