2014
Sự Phục Vụ và Cuộc Sống Vĩnh Cửu
tháng Ba năm 2014


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Ba năm 2014

Sự Phục Vụ và Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương về sự phục vụ vị tha. Cuộc sống hoàn hảo của Ngài đã dành hết cho việc phục vụ Cha Thiên Thượng và tất cả con cái của Cha Ngài. Mục đích hợp nhất của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là ban cho tất cả chúng ta ân tứ về sự bất diệt và phước lành về cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39).

Để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải được thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—được sinh ra một lần nữa và được thanh tẩy khỏi tội lỗi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới tám tuổi đều không có tội và được cứu chuộc nhờ vào Sự Chuộc Tội (xin xem Mô Si A 3:16, 21; Mô Rô Ni 8:10–12).

Đối với tất cả chúng ta là những người đã đến tuổi chịu trách nhiệm, thì có một kế hoạch tuyệt vời cho phép chúng ta được thanh tẩy khỏi tội lỗi và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu. Sự chuẩn bị đó bắt đầu với phép báp têm bởi thẩm quyền chức tư tế và việc tiếp nhận Đức Thánh Linh. Sau đó, chúng ta phải luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho chúng ta.

Vua Bên Gia Min nói với những người dân trong Sách Mặc Môn về niềm vui đến từ cảm giác được tha thứ tội lỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi sau đó, ông đã dạy rằng để giữ lại sự xá miễn tội lỗi của họ, họ phải dạy cho con cái của họ biết phục vụ lẫn nhau và họ phải rộng rãi nếu có thể được để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của những người xung quanh. (Xin xem Mô Si A 4:11–16).

Ông cũng dạy rằng: “Này, tôi nói với các người những điều này là để các người có thể học sự thông sáng; để các người hiểu rằng, khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17).

Chúa Giê Su đi từ nơi nọ qua chỗ kia giảng dạy phúc âm của Ngài và làm phước (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Ngài đã chữa lành người bệnh. Ngài làm kẻ chết sống lại. Với quyền năng của Ngài, Ngài đã cho hàng ngàn người ăn khi họ đói và không có thức ăn (xin xem Ma Thi Ơ 14:14–21; Giăng 6:2–13). Sau khi phục sinh, Ngài đã ban thức ăn cho vài Sứ Đồ của Ngài khi họ đến bờ biển Ga Li Lê (xin xem Giăng 21:12–13). Tại châu Mỹ, Ngài đã chữa lành người bệnh và ban phước cho trẻ em, từng đứa một (xin xem 3 Nê Phi 17:7–9, 21).

Sứ Đồ Gia Cơ dạy chúng ta về ước muốn để phục vụ người khác phát sinh như thế nào từ lòng biết ơn của chúng ta đối với điều Chúa đã làm cho chúng ta:

″Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời. …

″Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia Cơ 1:25, 27).

Một trong những sự bảo đảm rằng các anh chị em đang được thanh tẩy là một ước muốn ngày càng gia tăng để phục vụ người khác thay cho Đấng Cứu Rỗi. Công việc giảng dạy tại gia và thăm viếng giảng dạy trở thành niềm vui nhiều hơn và là bổn phận ít hơn để làm. Các anh chị em thấy mình tình nguyện thường xuyên hơn trong một trường học địa phương hoặc giúp đỡ chăm sóc người nghèo khó trong cộng đồng của mình. Mặc dù các anh chị em có thể có ít tiền để tặng cho những người có ít tiền hơn, nhưng các anh chị em ước ao là mình có nhiều hơn để có thể ban phát nhiều hơn (xin xem Mô Si A 4:24). Các anh chị em thấy mình thiết tha phục vụ con cái và chỉ cho chúng thấy cách để phục vụ người khác.

Khi bản tính của các anh chị em thay đổi, các anh chị em sẽ cảm thấy một ước muốn để phục vụ nhiều hơn mà không cần phải được ghi nhận. Tôi biết các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi là những người đã ban phát những món quà lớn về tiền bạc và sự phục vụ với một quyết tâm mà không một ai ngoại trừ Thượng Đế và con cái của họ biết mà thôi. Thượng Đế đã ghi nhận sự phục vụ của họ bằng cách ban phước cho họ trong cuộc sống này, và Ngài sẽ ban phước cho họ trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau (xin xem Ma Thi Ơ 6:1–4; 3 Nê Phi 13:1–4).

Khi đã tuân giữ giáo lệnh để phục vụ người khác (xin xem Ma Thi Ơ 22:39 ), các anh chị em đã cảm thấy được một sự thay đổi trong cảm nghĩ tự hào của mình. Đấng Cứu Rỗi đã khiển trách Các Sứ Đồ của Ngài khi họ tranh luận về việc ai sẽ là lớn nhất trong số họ. Ngài phán:

″Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Ky Tô.

″Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma Thi Ơ 23:10–11).

Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta cách chúng ta có thể học hỏi để phục vụ người khác. Ngài đã phục vụ một cách hoàn hảo, và chúng ta cần phải học cách phục vụ như Ngài đã học—từng hàng chữ một (xin xem GLGƯ 93:12–13). Qua sự phục vụ của mình, chúng ta có thể trở thành giống như Ngài hơn. Chúng ta sẽ cầu nguyện với tất cả mãnh lực của lòng mình để yêu thương kẻ thù của chúng ta như Ngài yêu thương họ (xin xem Ma Thi Ơ 5:43–44; Mô Rô Ni 7:48). Rồi sau đó, cuối cùng chúng ta có thể trở nên xứng đáng với cuộc sống vĩnh cửu với Ngài và Cha Thiên Thượng.

Tôi hứa rằng chúng ta có thể tiến đến việc phục vụ một cách hoàn hảo hơn khi chúng ta noi theo những lời giảng dạy và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi.

Giảng Dạy từ Sứ Điệp Này

Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyến khích chúng ta nên cầu nguyện để có cơ hội phục vụ: ″Trong lời cầu nguyện buổi sáng vào mỗi ngày mới của các anh chị em, hãy cầu xin Cha Thiên Thượng hướng dẫn các anh chị em nhận ra một cơ hội để phục vụ một trong số các con cái quý báu của Ngài. Sau đó hãy đi suốt cả ngày … tìm kiếm một người nào đó để giúp đỡ” (“Phải Thiết Tha Nhiệt Thành,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2012, 31). Hãy cân nhắc việc mời những người các anh em giảng dạy nên đặt một mục tiêu để cầu nguyện mỗi buổi sáng về việc có được các cơ hội phục vụ và rồi đi tìm kiếm các cơ hội đó suốt cả ngày.