2016
Trẻ Nhỏ và Tiệc Thánh
October 2016


Trẻ NhỏTiệc Thánh

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Những đứa con nhỏ của chúng tôi cảm nhận được rằng Tiệc Thánh là quan trọng đối với chúng tôi. Chúng ta có thể làm nhiều hơn để giúp chúng hiểu rằng Tiệc Thánh cũng rất quan trọng đối với chúng.

Hình Ảnh
family partaking of the sacrament

Các anh chị em có bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta cho phép trẻ em chưa chịu phép báp têm được dự phần Tiệc Thánh không? Có phải chỉ để chúng không ầm ĩ khi chúng muốn có một miếng bánh mì không? Có phải chỉ để cho giáo lễ dễ thực hiện hơn, chỉ để giữ yên ổn không?

Tôi không nghĩ vậy đâu. Tôi tin rằng còn có những lý do sâu xa hơn. Tôi tin điều này vì tôi tin rằng khi Chúa Giê Su Ky Tô phán “tất cả,” thì Ngài có ý nói là tất cả mọi người. Và khi Ngài phán với dân chúng, Ngài không loại trừ bất cứ ai cả.

Khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh giới thiệu Tiệc Thánh cho dân Ngài ở châu Mỹ, Ngài nhấn mạnh rằng giáo lễ này có ý nghĩa đặc biệt đối với những người đã chịu phép báp têm.1 Đồng thời Ngài cũng truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài “đem [Tiệc Thánh] phát cho dân chúng.”2 Đám dân đó gồm có “trẻ nhỏ.”3

Khi những người nắm giữ chức tư tế ngày nay đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh, thì họ cầu xin Cha Thiên Thượng ban phước và thánh hóa bánh và nước “cho linh hồn của tất cả những ai” dự phần.4 Tất cả mọi người. Mỗi người dự phần—kể cả mỗi trẻ nhỏ.

Nếu qua việc dự phần bánh và nước, trẻ em tiếp nhận những biểu tượng này như là một phước lành cho linh hồn thanh khiết của chúng, thì phải có một cách để giúp chúng tìm ra ý nghĩa trong giáo lễ này.

Với sự hiểu biết này, tôi nhớ lại hồi các con tôi còn nhỏ. Vợ chồng tôi đã khá giỏi trong việc giữ cho chúng im lặng vào lúc Tiệc Thánh đang thực hiện. Tôi nghĩ rằng chúng cảm nhận được rằng giáo lễ này là quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn để giúp chúng hiểu rằng Tiệc Thánh cũng quan trọng đối với chúng.

Chúng ta có thể làm được điều gì? Chúng ta có thể nhớ rằng trẻ nhỏ có khả năng giữ những lời hứa được đề cập đến trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh. Chúng có thể hiểu được, trong một cách thức giới hạn nhưng mạnh mẽ của chúng, ý nghĩa của việc “luôn luôn tưởng nhớ tới” Chúa Giê Su. Chúng có thể cam kết “tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.” Chúng còn có thể cho thấy rằng chúng “tình nguyện mang danh” của Đấng Ky Tô, vì biết rằng chúng sẽ sớm có đặc ân đó khi chúng được báp têm và làm lễ xác nhận.5

Nhưng còn việc lập lại các giao ước thì sao? Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã dạy rằng khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh, thì chúng ta lập lại tất cả các giao ước mà mình đã lập với Chúa6 Trẻ nhỏ không có bất cứ giao ước nào để lập lại.

Tôi nghĩ lại về thời gian khi các con chúng tôi còn nhỏ. Chúng tôi đã không thể giúp chúng nghĩ về các giao ước, nhưng chúng tôi đã có thể giúp chúng trông chờ việc lập các giao ước trong tương lai. Tôi hình dung mình với một đứa con trai hay con gái nhỏ vào một buổi sáng ngày Sa Bát:

Tôi nói: “Khi con tám tuổi, con sẽ được báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Con sẽ lập một giao ước. Giao ước con lập lúc ấy sẽ giống như những lời hứa con lập bây giờ khi con dự phần Tiệc Thánh.

“Khi dự phần Tiệc Thánh hôm nay, cha sẽ lập lại giao ước báp têm của mình, giống như cha đang lập những lời hứa đó một lần nữa. Con sẽ ở đó với cha, nhưng cha sẽ không lập lại một giao ước. Con chưa lập một giao ước nào cả. Thay vì thế, con có thể tập biết cách lập một giao ước. Mỗi lần dự phần Tiệc Thánh, con có thể chuẩn bị để chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Bằng cách đó, con sẽ sẵn sàng khi con tròn tám tuổi.”

Nếu dường như là không bình thường khi sử dụng từ tập theo cách này, thì hãy suy nghĩ điều này: Trong một bối cảnh tôn nghiêm, một người cha có thể giúp con cái của mình chuẩn bị cho giáo lễ báp têm bằng cách cho chúng thấy cách họ sẽ cùng nhau đứng trong nước và bằng cách đọc những lời cầu nguyện báp têm. Người cha không thực hiện giáo lễ này trong bối cảnh đó. Theo một ý nghĩa nào đó, ông ta giúp con cái mình tập làm điều đó. Bằng cách đó, họ sẽ không lo lắng về điều sẽ xảy ra khi họ bước vào hồ nước báp têm. Tôi tin rằng các bậc cha mẹ cũng có thể giúp con cái tập biết cách lập và giữ giao ước báp têm. Mỗi buổi lễ Tiệc Thánh đều có thể là một buổi để tập thiêng liêng cho trẻ nhỏ khi chúng dự phần các biểu tượng về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Và vậy thì tôi trở lại với câu hỏi ban đầu của tôi. Tại sao chúng ta cho phép trẻ em chưa chịu phép báp têm được dự phần Tiệc Thánh? Chỉ để “giữ yên ổn” chăng? Dĩ nhiên là không phải. Chúng ta giúp các trẻ nhỏ của chúng ta dự phần Tiệc Thánh để chúng có thể tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và giữ sự bình an của Ngài—sự bình an chẳng phải như thế gian cho.7 Chúng ta giúp chúng chuẩn bị tiếp nhận sự bình an đó càng ngày càng dư dật hơn trong tương lai, khi chúng sẽ lập và giữ các giao ước với Ngài.