2016
Những Ngày Chủ Nhật Đầy Tràn Sự Phục Vụ của Tôi
October 2016


Sự Phục Vụ trong Giáo Hội

Những Ngày Chủ Nhật Đầy Tràn Sự Phục Vụ của Tôi

Tác giả sống ở California, Hoa Kỳ.

Những ngày Chủ Nhật của tôi đầy bận rộn, nhưng tôi cảm thấy biết ơn rằng tôi có thể phục vụ mà không gặp phải những khó khăn như các vị lãnh đạo Giáo Hội ban đầu giống như Anh Cả Parley P. Pratt.

Hình Ảnh
Parley P. Pratt in the snow

Tranh do Chidy Wayne minh họa

Đó là buổi sáng Chủ Nhật. Trước mắt tôi là một lịch trình với 12 tiếng đồng hồ nhóm họp, phỏng vấn, làm lễ xác nhận, và lễ sắc phong. Tôi sẽ bắt đầu trong một trung tâm giáo khu và kết thúc trong một nhà hội khác ở phía bên kia thị trấn—tất cả đều diễn ra vào một ngày nóng nực.

Tôi mong chờ mỗi buổi họp, cuộc phỏng vấn, lễ xác nhận, và lễ sắc phong. Nhưng ngày hôm qua, khi suy nghĩ về việc tôi sẽ bận rộn biết bao, thì tôi chìm đắm trong ý nghĩ tự thương hại mình—cho đến khi tôi giở ra Autobiography of Parley P. Pratt [Tự Truyện của Parley P. Pratt] và bắt đầu đọc ở chỗ tôi đang đọc dở dang trước đó. Anh Cả Pratt đã bị bắt giam cùng với Joseph và Hyrum Smith và những người khác, trong những ngày khó khăn ở Missouri. Sau khi bị giải đến Independence, Các Vị Thẩm Quyền bị giam giữ trong một khách sạn và ngủ trên sàn nhà với một khối gỗ để làm gối.

Một buổi sáng lạnh lẽo, trời tuyết, Anh Cả Pratt thức giấc, và lẻn ra khỏi khách sạn mà không ai biết. Ông đi về phía đông xuyên qua thị trấn và vào các cánh đồng bên cạnh. Sau khi đi bộ khoảng một dặm (1,6 kilômét), Anh Cả Pratt bước vào một khu rừng, tuyết rơi che phủ dấu chân của ông và cây cối che giấu sự hiện diện của ông.

Ông suy ngẫm về hoàn cảnh khó khăn của mình. Nếu tiếp tục đi về phía đông thì có nghĩa là đi thoát đến một tiểu bang khác, nơi mà ông có thể nhắn tin cho gia đình của mình đến gặp. Nếu trở về khách sạn thì có nghĩa là bị giam giữ và bị cáo buộc về các tội phạm nghiêm trọng. Mặc dù bị cám dỗ để trốn thoát nhưng Anh Cả Pratt nghĩ tới “sự rắc rối hoặc thậm chí cả cái chết” mà ông sẽ gây ra cho những tù nhân khác nếu ông bỏ đi.

Trong khi không biết chắc phải làm gì, thì ông chợt nhớ đến một câu thánh thư: “Ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu” (xin xem Mác 8:35; GLGƯ 98:13).

Anh Cả Pratt trở về khách sạn. Tiếp theo là nhiều tháng bị giam cầm khổ sở—không có gia đình, không có giao tiếp thân hữu với Các Thánh Hữu, hoặc khả năng để phục vụ trong sự kêu gọi của ông với tư cách là Sứ Đồ.1

Khi đóng cuốn sách lại, tôi suy nghĩ về những nỗi gian khổ của Các Thánh Hữu ban đầu—một số họ chính là tổ tiên của tôi. Nhờ vào chứng ngôn của họ về phúc âm và đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô nên họ đã chịu đựng được sự độc ác và ngược đãi. Nhờ vào khả năng chịu đựng của họ, nên ngày nay tôi có thể phục vụ và tự do thờ phượng, liên kết với họ trong đức tin và chứng ngôn.

Trong khi tôi chuẩn bị cho ngày Sa Bát này, gia đình tôi được an toàn, mong chờ một ngày thờ phượng trong một nhà hội đầy tiện nghi. Tình thân hữu của Các Thánh Hữu sẽ làm rực rỡ ngày của chúng tôi. Chúng tôi sẽ vui mừng với họ trong những lễ xác nhận và lễ sắc phong được thực hiện, các trách nhiệm được hoàn tất, và đức tin được củng cố. Chúng tôi sẽ dự phần Tiệc Thánh, tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Và buổi tối hôm nay, chúng tôi sẽ quy tụ lại trong nhà của mình để đọc Sách Mặc Môn và cùng nhau cầu nguyện trước khi chúng tôi nằm xuống trên chiếc giường đầy tiện nghi và gối đầu lên những chiếc gối mềm mại.

Những ngày Chủ Nhật đầy bận rộn của tôi. Tôi biết ơn và được phước về điều đó.

Ghi Chú

  1. Xin xem Parley P. Pratt, Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên tập (1979), 194–97.