2017
Các Buổi Họp Ngày Chủ Nhật Thứ Hai và Thứ Ba
November 2017


Các Buổi Họp Ngày Chủ Nhật Thứ Hai và Thứ Ba

Vào ngày Chủ Nhật thứ hai và thứ ba của mỗi tháng, các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ học những lời giảng dạy của các vị tiên tri, Các Vị Sứ Đồ tại thế, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội từ đại hội trung ương gần đây nhất. Bất cứ sứ điệp nào từ đại hội trung ương gần đây nhất đều có thể được thảo luận.

Trong hầu hết các trường hợp, chủ tịch đoàn nhóm túc số, giới lãnh đạo nhóm, hoặc chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ sẽ chọn ra một sứ điệp đại hội để học dựa trên nhu cầu của các tín hữu, mặc dù vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể góp ý. Các vị lãnh đạo có thể chọn một sứ điệp liên quan đến đề tài đã được thảo luận trong buổi họp hội đồng ngày Chủ Nhật thứ nhất, hoặc họ có thể chọn một sứ điệp khác theo như sự soi dẫn của Thánh Linh. Các vị lãnh đạo và giảng viên cần tìm ra những cách thức để khuyến khích các tín hữu đọc trước các sứ điệp đã được chọn ra và sẵn sàng đến lớp để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc. Các sinh hoạt học tập được đề nghị dưới đây, mà được dựa trên các nguyên tắc trong sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, có thể giúp các tín hữu tham gia vào việc học tập từ các sứ điệp đại hội trung ương.

Sharon Eubank, “Hãy Soi Sự Sáng của Các Ngươi

Yêu cầu các thành viên trong nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ suy nghĩ về cuộc sống của họ đã được ảnh hưởng tốt lành bởi một người phụ nữ ngay chính và trung tín như thế nào. Cân nhắc việc mời một vài tín hữu chia sẻ cách chị phụ nữ này cho thấy một hoặc nhiều hơn đặc tính của những người phụ nữ ngay chính như đã được nêu ra trong sứ điệp của Chị Eubank. Chúng ta học được điều gì từ Chị Eubank về cách chúng ta có thể trở thành “một sức mạnh đáng kể trong sự tăng trưởng của Giáo Hội về con số lẫn phần thuộc linh trong những ngày sau cùng”?

Neill F. Marriott, “Ở trong Thượng Đế và Tu Bổ Sự Hư Hoại

Sứ điệp này có thể giúp đỡ các tín hữu mà có thể cảm thấy ngăn cách với Cha Thiên Thượng hoặc những người xung quanh họ. Điều gì sẽ giúp những người anh chị em giảng dạy hiểu thế nào là sự hư hoại? Anh chị em có thể mang những tấm hình về các loại hư hoại. Chị Marriott định nghĩa sự hư hoại là gì? Điều gì có thể gây ra những sự hư hoại trong mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế và những người khác? Mời các tín hữu nghiên cứu sứ điệp của Chị Marriott để có những đề nghị về điều gì chúng ta có thể làm để tu bổ sự hư hoại trong cuộc sống của mình. Cho các tín hữu đủ thời gian để viết xuống điều gì Thánh Linh thúc giục họ làm để đến gần Thượng Đế và những người khác hơn.

Joy D. Jones, “Giá Trị quá Mức Đo Lường

Các phước lành nào tuôn chảy vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta hiểu nguồn gốc thiêng liêng của mình? Để trả lời câu hỏi này, các thành viên trong nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ của anh chị em có thể cùng nhau ôn lại các câu chuyện về Mariama, Renu, và Taiana trong sứ điệp của Chị Jones. Chị Jones đưa ra lời khuyên nhủ nào để giúp chúng ta “ghi nhớ và chấp nhận nguồn gốc thiêng liêng của mình”? Mời các tín hữu tìm hiểu và thảo luận một đoạn thánh thư hoặc một đoạn trích dẫn trong sứ điệp của Chị Jones mà giúp họ hiểu giá trị thực sự của họ đối với Thượng Đế. Mời họ chia sẻ một trong những đoạn thánh thư hoặc các đoạn trích dẫn này với một người nào đó mà cần đến một lời nhắc nhở về giá trị thiêng liêng của mình.

Dieter F. Uchtdorf, “Chuyện Ba Chị Em

Một cách để ôn lại sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf là chia nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ ra thành các nhóm nhỏ. Anh chị em có thể chỉ định cho mỗi nhóm đọc về một người chị trong sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf. Mỗi nhóm có thể viết một bức thư cho người chị ấy bằng cách tóm tắt lời khuyên bảo của ông và chia sẻ những gì họ viết với các nhóm khác. Chúng ta có thể làm gì để trở nên giống như người chị thứ ba hơn? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ của mình trở thành một “ngôi nhà an toàn” cho những người đang gặp khó khăn?

Dieter F. Uchtdorf, “Khao Khát được Trở Về Nhà

Làm thế nào anh chị em có thể giúp đỡ những người mình giảng dạy nhận ra cách Thượng Đế đang sử dụng họ để ban phước cho những người khác? Anh chị em có thể mời họ ôn lại phần có tựa đề “Thượng Đế Sẽ Sử Dụng Anh Chị Em” trong sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf, cùng tìm kiếm những lời hứa đã được lập cho những người cố gắng hết sức để phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế bất chấp những yếu kém của họ. Việc đọc sứ điệp này cũng có thể nhắc các tín hữu nhớ tới các kinh nghiệm họ có thể chia sẻ mà trong đó Thượng Đế đã sử dụng họ để ban phước cho những người khác—hoặc khi Ngài sử dụng những người khác để ban phước cho họ. Cho các tín hữu thời gian để suy ngẫm điều họ cảm thấy được soi dẫn để làm nhờ vào cuộc thảo luận này.

Bonnie L. Oscarson, “Các Nhu Cầu trước mắt Chúng Ta

Một cách để bắt đầu cuộc thảo luận về sứ điệp của Chị Oscarson là đưa cho mỗi người một tờ giấy có ghi ở trên đầu “Ai cần đến tôi hôm nay?”. Các thành viên trong Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số của anh chị em có thể dành ra một vài phút để suy ngẫm và lắng nghe những câu trả lời cho câu hỏi này. Sau đó họ có thể nghiên cứu sứ điệp của Chị Oscarson để có những ý kiến về cách họ có thể phục vụ những người trong danh sách của mình—hoặc thêm tên vào khi cảm thấy được soi dẫn. Có lẽ một vài tín hữu có thể chia sẻ những gì họ học được.

Dallin H. Oaks, “Kế Hoạch và Bản Tuyên Ngôn

Làm thế nào các thành viên trong nhóm túc số hoặc nhóm, hay trong Hội Phụ Nữ của anh chị em sẽ làm theo lời mời của Anh Cả Oaks để “giảng dạy [và] sống theo” bản tuyên ngôn về gia đình trong nhà, trong cộng đồng, và trong nhà thờ? Mời họ chia sẻ ý kiến với nhau. Việc nghiên cứu sứ điệp này cũng có thể giúp ích để tìm được một vài lời phát biểu về giáo lý từ bản tuyên ngôn về gia đình. Làm thế nào những lời phát biểu này giúp chúng ta đáp ứng với “những thử thách hiện tại đến với gia đình”? Phần IV trong sứ điệp của Anh Cả Oaks chứa đựng một số ví dụ về những lời phát biểu như vậy.

D. Todd Christofferson, “Bánh Hằng Sống từ Trên Trời Xuống

Đây là một số câu hỏi mà các thành viên trong Hội Phụ Nữ và trong nhóm túc số có thể nghĩ đến khi họ ôn lại sứ điệp của Anh Cả Christofferson: Sự thánh thiện là gì? Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện bằng cách nào? Làm thế nào việc dự phần tiệc thánh giúp chúng ta trong các nỗ lực của mình? Các tín hữu có thể chia sẻ những lời từ sứ điệp của Anh Cả Christofferson mà giúp họ trả lời những câu hỏi này. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau như thế nào, với tư cách là “những người cùng là Thánh Hữu”, trong các nỗ lực của chúng ta để trở nên thánh thiện hơn?

Jeffrey R. Holland, “Thế Thì—Cuối Cùng Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn

Một số người anh chị em giảng dạy có thể cảm thấy mình không đủ xứng đáng trong việc sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Anh Cả Holland dạy điều gì mà có thể an ủi và khuyến khích những người có thể cảm thấy như vậy? Anh chị em có thể mời các thành viên trong Hội Phụ Nữ hoặc trong nhóm túc số tìm kiếm một điều gì đó trong sứ điệp này mà họ có thể chia sẻ với một người đang gặp khó khăn để nghĩ là mình “đủ tốt.” Hoặc họ có thể tìm thấy điều gì đó trong sứ điệp này mà soi dẫn cho họ để cảm thấy “tình yêu thương và ngưỡng mộ lớn hơn đối với [Đấng Ky Tô] và một ước muốn mãnh liệt hơn để được giống như Ngài.”

Gary E. Stevenson, “Nhật Thực về Phần Thuộc Linh

Có ai trong nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ của anh chị em nhìn thấy nhật thực chưa? Nếu có thì anh chị em có thể mời một trong những người đó giải thích lối suy diễn mà Anh Cả Stevenson chia sẻ về “nhật thực về phần thuộc linh.” Những chướng ngại vật nào có thể “ngăn chặn tầm quan trọng, vẻ sáng chói, và hơi ấm của ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài”? Làm thế nào phương tiện truyền thông xã hội có thể làm cho chúng ta xao lãng khỏi “vẻ đẹp, sự ấm áp, và ánh sáng thiên thượng của phúc âm”? Làm thế nào chúng ta đeo vào “những cặp kính phúc âm” mà bảo vệ chúng ta khỏi sự mù quáng về phương diện thuộc linh? Lối suy diễn của Anh Cả Stevenson dạy chúng ta điều gì về việc duy trì một quan điểm phúc âm?

Quentin L. Cook, “Những Việc Thường Ngày Mang Tính Vĩnh Cửu

Sứ điệp của Anh Cả Cook nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của việc cố gắng trở nên khiêm nhường trong nhiều phương diện. Một cách để thảo luận những điều ông giảng dạy là chia các tín hữu ra thành hai nhóm. Yêu cầu một nhóm tìm kiếm những lời đề nghị trong sứ điệp của Anh Cả Cook mà có thể giúp chúng ta trở nên khiêm nhường, và nhóm kia tìm kiếm những cách mà con người thể hiện tính kiêu căng. Mời mỗi nhóm chia sẻ lời mô tả của họ với nhóm kia. Các tín hữu cũng có thể chia sẻ những cách thức họ có thể cho thấy “sự khiêm nhường hàng ngày” trong cuộc sống của họ và cân nhắc cách sự khiêm nhường này có thể giúp họ chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

Ronald A. Rasband, “Theo Kế Hoạch Thiêng Liêng

Để khuyến khích thảo luận về sứ điệp của Anh Cả Rasband, có thể là hữu ích để mời một vài tín hữu mang một mẫu may, một bản thiết kế, hoặc một công thức nấu ăn và nói về lý do tại sao những vật này là hữu ích. Các ví dụ hoặc lời giảng dạy nào từ sứ điệp của Anh Cả Rasband soi dẫn các tín hữu nhận ra kế hoạch của Thượng Đế dành cho cuộc sống của họ? Có lẽ các học viên có thể chia sẻ kinh nghiệm mà họ đã thấy Chúa hướng dẫn cuộc sống của họ. Họ đã làm gì để cho Thượng Đế thấy rằng họ “trân quý” sự hướng dẫn của Ngài? Tại sao là quan trọng để nhận ra “kế hoạch thiêng liêng” của Thượng Đế”?

Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống của Anh Chị Em Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?

Chủ Tịch Nelson mời các tín hữu hãy suy nghĩ về ba câu hỏi: (1) “Cuộc sống của anh chị em sẽ ra sao nếu không có Sách Mặc Môn?” (2) “Anh chị em sẽ không biết điều gì?” (3) “Anh chị em sẽ không có điều gì?” Mời các thành viên trong nhóm túc số, nhóm, hoặc Hội Phụ Nữ của anh chị em suy ngẫm những câu hỏi này và chia sẻ cách họ sẽ trả lời các câu hỏi đó. Họ tìm thấy điều gì trong sứ điệp này mà soi dẫn họ trân quý Sách Mặc Môn nhiều hơn cả ‘kim cương hay hồng ngọc”?

Dale G. Renlund, “Chức Tư Tế và Quyền Năng Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi

Làm thế nào anh chị em có thể giúp đỡ các thành viên trong nhóm túc số và Hội Phụ Nữ của mình hiểu được cách thức mà chức tư tế giúp làm cho các phước lành của Đấng Cứu Rỗi có sẵn cho họ? Anh chị em có thể viết hai tiêu đề này lên trên bảng: “Tại sao chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô” và “Làm thế nào chức tư tế ‘mang đến’ các phước lành của Sự Chuộc Tội cho chúng ta.” Sau đó mời các tín hữu nghiên cứu sứ điệp của Anh Cả Renlund, tìm kiếm các cụm từ để viết dưới mỗi tiêu đề. Làm thế nào chức tư tế và các giáo lễ của chức tư tế giúp làm tròn các mục đích của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài?

Dieter F. Uchtdorf, “Những Người Mang Ánh Sáng Thiên Thượng

Mời các tín hữu nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf và nhận ra cách thức sự hiện diện hoặc sự thiếu vắng ánh sáng thiêng liêng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Anh chị em có thể mời các tín hữu học một số đoạn thánh thư mà Chủ Tịch Uchtdorf trích dẫn và nhận ra các lẽ thật liên quan đến ánh sáng thuộc linh. Phép ẩn dụ về nhật thực dạy chúng ta điều gì về vai trò của quyền tự quyết trong việc tìm kiếm ánh sáng thuộc linh? Chúng ta có thể làm gì để chia sẻ ánh sáng thuộc linh của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác, đặc biệt là với gia đình mình và với “giới trẻ, là những người đang tìm kiếm ánh sáng”?

Henry B. Eyring, “Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài

Mời các thành viên trong nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ của anh chị em chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã cần để phát triển đức tin rằng chức vụ kêu gọi của họ hoặc của người khác là từ Thượng Đế. Họ đã vận dụng đức tin của mình như thế nào? Họ đã tiến đến việc hiểu biết rằng chức vụ kêu gọi là từ Thượng Đế như thế nào? Mời các tín hữu nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Eyring và nhận ra các lẽ thật ông rút ra từ kinh nghiệm cá nhân mà có thể giúp chúng ta tin cậy và trở nên kiên nhẫn với bản thân mình và những người đã được Chúa kêu gọi.

Jean B. Bingham, “Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn

Sứ điệp của Chị Bingham có thể giúp các thành viên trong Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số hiểu cách tìm được niềm vui, bất chấp những khó khăn của cuộc sống, khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô. Một cách để thảo luận sứ điệp của chị ấy có thể là vẽ lên trên bảng một con đường dẫn đến cụm từ niềm vui. Mời một vài tín hữu viết trên con đường đó một lời đề nghị từ sứ điệp của Chị Bingham mà dẫn đến niềm vui thực sự. Khuyến khích các tín hữu cân nhắc những cách thức họ có thể hành động theo lời khuyên bảo của Chị Bingham. Mời một vài tín hữu chia sẻ ý nghĩ của họ.

David A. Bednar, “Những Lời Hứa Rất Quí Rất Lớn

Để giúp các thành viên trong Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số của anh chị em thảo luận sứ điệp của Anh Cả Bednar, anh chị em có thể treo lên trên bảng những tấm hình tượng trưng cho ngày Sa Bát, đền thờ, và mái gia đình của mình. Mời các tín hữu đọc các phần tương ứng từ sứ điệp của Anh Cả Bednar và viết lên trên bảng cách ngày Sa Bát, đền thờ, và mái gia đình của chúng ta có thể giúp chúng ta tập trung vào những lời hứa của Thượng Đế dành cho mình. Những điều gì trong cuộc sống của chúng ta có thể làm xao lãng sự chú ý của chúng ta khỏi những lời hứa này? Chúng ta có thể làm theo những bước nào để chắc chắn rằng chúng ta ghi nhớ những lời hứa đó?

Henry B. Eyring, “Đừng Sợ Làm Điều Tốt

Sứ điệp của Chủ Tịch Eyring có thể giúp những người anh chị em giảng dạy tìm được lòng can đảm và đức tin để làm điều tốt trên thế gian. Anh chị em có thể mời một vài tín hữu tóm lược tấm gương của những người trung tín mà Chủ Tịch Eyring chia sẻ. Những tấm gương này dạy chúng ta điều gì về cách phục vụ người khác? Những tấm gương này gợi ý những cách thức nào chúng ta có thể phục vụ với tư cách là một nhóm túc số hoặc Hội Phụ Nữ?

Một cách khác để thảo luận sứ điệp này là ôn lại các phước lành mà Chủ Tịch Eyring thấy được từ việc noi theo lời khuyên của Thomas S. Monson để đọc Sách Mặc Môn. Chúng ta đã thấy những phước lành nào đến từ việc học Sách Mặc Môn?

M. Russell Ballard, “Cuộc Hành Trình Vẫn Tiếp Tục!

Để bắt đầu thảo luận về sứ điệp của Anh Cả Ballard, anh chị em có thể mời một người chia sẻ một kinh nghiệm khi mà họ đã có một đích đến nhưng lại khám phá ra rằng mình đang đi sai đường. Các ví dụ như thế này liên quan như thế nào tới “cuộc hành trình” của chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng? Các tín hữu sau đó có thể tìm kiếm lời khuyên bảo và những lời cảnh báo mà Anh Cả Ballard đưa ra mà có thể giúp chúng ta biết mình có đang đi đúng hướng trong cuộc sống của mình không. Cho các tín hữu thời gian để suy ngẫm về những con đường riêng của họ và thảo luận cách thức chúng ta có thể giúp đỡ và khuyến khích những người khác trong “cuộc hành trình” của họ trở về với Cha Thiên Thượng.

Neil L. Andersen, “Tiếng Nói của Chúa

Có lẽ các thành viên trong Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số của anh chị em có thể chia sẻ một kinh nghiệm về một sứ điệp trong đại hội trung ương mà họ cảm thấy đặc biệt có ý nghĩa. Tại sao các sứ điệp này có ý nghĩa? Anh Cả Andersen dạy điều gì về tầm quan trọng của các sứ điệp trong đại hội trung ương cùng với nỗ lực và tiến trình liên quan trong việc chuẩn bị các sứ điệp đó? Sự hiểu biết này ảnh hưởng như thế nào đến cảm giác thôi thúc chúng ta học tập và lưu tâm đến những lời này? Hãy cân nhắc việc lập một bản liệt kê những lời mời từ kỳ đại hội trung ương gần đây nhất. Chúng ta đã làm gì để hành động theo những lời mời này?