2020
Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa
Tháng Năm 2020


Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa

Trong Giáo Hội, thẩm quyền của chức tư tế được sử dụng dưới sự hướng dẫn của một người lãnh đạo chức tư tế mà nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế ấy.

Tôi đã chọn để nói thêm về chức tư tế của Thượng Đế, chủ đề mà đã được ba người nói chuyện trước đây đưa ra để dạy chúng ta về cách mà chức tư tế ban phước cho cuộc sống của các thiếu niên, thiếu nữ, và phụ nữ.

Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền thiêng liêng được tin tưởng giao phó để sử dụng cho công việc của Thượng Đế nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các con cái của Ngài. Chức tư tế không ám chỉ những người đã được sắc phong vào một chức phẩm tư tế hoặc những người sử dụng thẩm quyền của chức tư tế. Những người nam nắm giữ chức tư tế không phải là chức tư tế. Mặc dù chúng ta không nên gọi những người nam được sắc phong là chức tư tế, chúng ta có thể gọi họ là những người nắm giữ chức tư tế.

Quyền năng của chức tư tế hiện hữu cả trong Giáo Hội lẫn trong tổ chức gia đình. Nhưng quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế hoạt động khác hơn trong Giáo Hội so với trong gia đình. Tất cả những điều này đều theo như các nguyên tắc mà Chúa đã thiết lập. Mục đích của kế hoạch của Thượng Đế là dẫn dắt con cái của Ngài đến với cuộc sống vĩnh cửu. Các gia đình trần thế là thiết yếu cho kế hoạch đó. Giáo Hội tồn tại để mang lại giáo lý, thẩm quyền, và các giáo lễ cần thiết để giúp các mối quan hệ gia đình kéo dài mãi đến suốt thời vĩnh cửu. Do đó, tổ chức gia đình và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô có mối liên hệ hỗ tương chặt chẽ. Các phước lành của chức tư tế—chẳng hạn như phúc âm trọn vẹn, và các giáo lễ như phép báp têm, lễ xác nhận, và sự tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, lễ thiên ân trong đền thờ, và hôn nhân vĩnh cửu—sẵn có cho cả người nam lẫn người nữ.1

Chức tư tế chúng ta đang nói đến ở đây chính là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đã được phục hồi vào sự khởi đầu của Sự Phục Hồi phúc âm. Joseph Smith và Oliver Cowdery đã được sắc phong bởi Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng, là những người đã loan báo rằng “họ có các chìa khóa của vương quốc và gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 128:20). Các Sứ Đồ trưởng này đã nhận được thẩm quyền đó từ chính Đấng Cứu Rỗi. Tất cả các thẩm quyền hoặc chức phẩm khác trong chức tư tế đều là phụ trợ cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:5), vì chức tư tế này “nắm giữ quyền chủ tọa, và có quyền năng cùng thẩm quyền đối với tất cả các chức vụ trong giáo hội, trong mọi thời đại trên thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 107:8).

Trong Giáo Hội, thẩm quyền của chức tư tế cao hơn, hoặc Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và chức tư tế thấp hơn hoặc Chức Tư Tế A Rôn đều được sử dụng dưới sự hướng dẫn của một người lãnh đạo chức tư tế, như vị giám trợ hoặc chủ tịch, mà nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế đó. Để hiểu được việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội, chúng ta phải hiểu về nguyên tắc của các chìa khóa chức tư tế.

Các chìa khóa Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc của vương quốc đã được truyền giao bởi Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng, nhưng điều đó chưa hoàn thành sự phục hồi các chìa khóa chức tư tế. Một số chìa khóa của chức tư tế sau này mới được truyền giao. Sau lễ cung hiến ngôi đền thờ đầu tiên của gian kỳ này ở Kirtland, Ohio, ba vị tiên tri—Môi Se, Ê Li A, và Ê Li—đã phục hồi “các chìa khóa của gian kỳ này,” bao gồm các chìa khóa liên quan đến sự quy tụ Y Sơ Ra Ên và công việc đền thờ của Chúa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110), như Chủ Tịch Eyring vừa miêu tả một cách đầy thuyết phục.

Ví dụ quen thuộc nhất về chức năng của các chìa khóa là qua việc thực hiện các giáo lễ chức tư tế. Một giáo lễ là một hành động thiêng liêng đánh dấu việc lập các giao ước và sự hứa hẹn các phước lành. Trong Giáo Hội, tất cả các giáo lễ đều được thực hiện dưới sự cho phép của vị lãnh đạo chức tư tế là người nắm giữ các chìa khóa cho giáo lễ đó.

Một giáo lễ thường được thực thi bởi những người đã được sắc phong vào một chức phẩm trong chức tư tế và hành động dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Ví dụ, những người giữ các chức phẩm khác nhau trong Chức Tư Tế A Rôn thực hiện giáo lễ Tiệc Thánh dưới các chìa khóa và sự hướng dẫn của vị giám trợ, là người nắm giữ các chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn. Cùng một nguyên tắc như vậy được áp dụng cho các giáo lễ chức tư tế mà những người nữ thực hiện trong đền thờ. Mặc dù những người nữ không nắm giữ chức phẩm trong chức tư tế, họ vẫn thực hiện các giáo lễ đền thờ thiêng liêng dưới sự cho phép của vị chủ tịch đền thờ, là người nắm giữ các chìa khóa cho các giáo lễ đền thờ.

Một ví dụ khác về thẩm quyền chức tư tế dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa là việc giảng dạy của những người nam và người nữ đã được kêu gọi để giảng dạy phúc âm, dù là trong lớp học trong tiểu giáo khu của họ hay trong công việc truyền giáo. Những ví dụ khác là những người nắm giữ vai trò lãnh đạo trong tiểu giáo khu và sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong phạm vi lãnh đạo của họ qua sự kêu gọi của họ và dưới sự phong nhiệm cùng sự hướng dẫn của vị lãnh đạo chức tư tế là người nắm giữ các chìa khóa trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Đây là cách mà chúng ta sử dụng và vui hưởng quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.2

Thẩm quyền chức tư tế cũng được sử dụng và các phước lành cũng từ đó mà đến với gia đình của các Thánh Hữu Ngày Sau. Khi đề cập đến gia đình tôi có ý nói đến một người nam nắm giữ chức tư tế và một người nữ đã kết hôn cùng với con cái của họ. Tôi cũng bao gồm những phiên bản khác nhau của các gia đình lý tưởng chẳng hạn như các gia đình bị ảnh hưởng bởi cái chết hoặc ly dị.

Nguyên tắc rằng thẩm quyền chức tư tế chỉ có thể được sử dụng dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa cho chức năng đó là nền tảng trong Giáo Hội, nhưng điều này không áp dụng trong gia đình. Ví dụ, một người cha chủ tọa và sử dụng chức tư tế trong gia đình mình bằng thẩm quyền của chức tư tế mà anh ấy nắm giữ. Anh ấy không cần phải có sự hướng dẫn hoặc chấp thuận của một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế để thực hiện các vai trò khác nhau trong gia đình mình. Điều này bao gồm việc khuyên bảo những người trong gia đình, tổ chức các buổi họp gia đình, ban phước lành chức tư tế cho vợ con mình, hoặc ban phước chữa lành cho người trong gia đình hoặc những người khác.3 Các vị thẩm quyền của Giáo Hội giảng dạy những người trong gia đình họ chứ không chỉ đạo việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong gia đình.

Cùng một nguyên tắc như vậy được áp dụng khi người cha vắng mặt và người mẹ là người lãnh đạo gia đình. Chị ấy chủ tọa trong nhà và là công cụ trong việc mang quyền năng và các phước lành chức tư tế vào trong gia đình mình qua lễ thiên ân và lễ gắn bó của mình trong đền thờ. Tuy rằng chị ấy không được phép ban phước lành chức tư tế, là điều mà chỉ có một người nắm giữ một chức phẩm cụ thể trong chức tư tế mới có thể làm, chị ấy vẫn có thể thực hiện những vai trò lãnh đạo khác trong gia đình. Khi làm như vậy, chị ấy sử dụng quyền năng của chức tư tế cho lợi ích của con cái dưới sự chủ tọa của chị với tư cách là người lãnh đạo trong gia đình.4

Nếu những người cha làm vinh hiển chức tư tế của họ trong gia đình mình, thì điều này sẽ giúp sứ mệnh của Giáo Hội càng tiến triển nhiều như bất cứ điều gì khác họ có thể làm. Những người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nên sử dụng thẩm quyền của họ “nhờ sự thuyết phục, sự nhịn nhục, nhờ sự diệu hiền và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật” (Giáo Lý và Giao Ước 121:41). Tiêu chuẩn cao đó về việc sử dụng tất cả các thẩm quyền chức tư tế là điều quan trọng nhất trong gia đình. Những người nắm giữ chức tư tế cũng nên tuân giữ các lệnh truyền để họ sẽ có quyền năng của chức tư tế nhằm ban phước cho những người trong gia đình mình. Họ nên nuôi dưỡng những mối quan hệ yêu thương trong gia đình để những người trong gia đình sẽ muốn xin họ ban cho các phước lành. Và cha mẹ nên khuyến khích thêm các phước lành của chức tư tế trong gia đình.5

Trong các buổi họp đại hội này, khi chúng ta tạm gác lại những nỗi lo lắng trần thế của mình về một đại dịch khủng khiếp, chúng ta đã được dạy những nguyên tắc lớn lao vĩnh cửu. Tôi khuyến khích mỗi người chúng ta hãy giữ cho mắt mình “kiên định” để tiếp nhận các lẽ thật vĩnh hằng này để thân thể chúng ta “sẽ được sáng láng” (3 Nê Phi 13:22).

Trong bài giảng của Ngài cho đám đông được ghi lại trong Kinh Thánh và trong Sách Mặc Môn, Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng thể xác trần tục có thể được sáng láng hoặc đầy tối tăm. Tất nhiên chúng ta muốn được sáng láng, và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã dạy chúng ta cách để có thể đạt được điều đó. Chúng ta nên lắng nghe các thông điệp về những lẽ thật vĩnh cửu. Ngài đã sử dụng ví dụ về mắt của chúng ta, mà qua đó chúng ta tiếp nhận ánh sáng vào cơ thể mình. Nếu “mắt của chúng ta kiên định”—nói cách khác, nếu chúng ta tập trung vào việc tiếp nhận ánh sáng vĩnh cửu và sự hiểu biết—thì Ngài giải thích rằng: “cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng” (Ma Thi Ơ 6:22; 3 Nê Phi 13:22). Nhưng nếu mắt chúng ta “tà ác”—có nghĩa là nếu chúng ta tìm kiếm sự tà ác và đem nó vào cơ thể chúng ta—thì Ngài cảnh cáo rằng: “cả thân thể người đều tối tăm” (câu 23). Nói cách khác, ánh sáng hoặc bóng tối trong cơ thể chúng ta còn tùy vào cách chúng ta nhận ra—hoặc tiếp nhận—những lẽ thật vĩnh cửu mà chúng ta được giảng dạy.

Chúng ta nên tuân theo lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để tìm kiếm và hiểu biết những lẽ thật vĩnh cửu. Ngài hứa rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta sẵn lòng giảng dạy lẽ thật cho tất cả những ai tìm kiếm (xin xem 3 Nê Phi 14:8). Nếu chúng ta mong muốn điều này và giữ cho mắt của mình được kiên định để tiếp nhận chúng, thì Đấng Cứu Rỗi hứa rằng các lẽ thật vĩnh cửu “sẽ được mở ra” cho chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 14:7–8).

Ngược lại, Sa Tan nóng lòng muốn làm chúng ta hoang mang hoặc dẫn dắt chúng ta đi lạc lối trong những việc quan trọng như các hoạt động liên quan đến chức tư tế của Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo chúng ta về “các tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong là chó sói háu mồi” (3 Nê Phi 14:15). Ngài đã ban cho chúng ta phép thử này để giúp chúng ta chọn ra lẽ thật từ những lời giảng dạy khác nhau mà có thể làm chúng ta hoang mang: “Các ngươi nhờ những trái của chúng mà nhận biết được chúng” (3 Nê Phi 14:16). “Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt” (câu 18). Do đó, chúng ta nên nhìn vào kết quả—hoặc “thành quả”—của những nguyên tắc được giảng dạy và những người giảng dạy chúng. Đó là câu trả lời tốt nhất cho nhiều sự phản đối chống lại Giáo Hội và những giáo lý, chính sách, và người lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta nghe được. Hãy làm theo phép thử mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Hãy nhìn vào thành quả—hoặc kết quả.

Khi chúng ta nghĩ về những thành quả của phúc âm và của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta vui mừng về cách mà Giáo Hội, trong nhiều thế hệ tín hữu, đã mở rộng từ giáo đoàn địa phương trong vùng Intermountain West đến khi mà phần lớn trong hơn 16 triệu tín hữu đang sống trong nhiều quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Với sự tăng trưởng đó, chúng ta đã cảm nhận được sự gia tăng trong khả năng của Giáo Hội để hỗ trợ các tín hữu. Chúng ta hỗ trợ trong việc tuân giữ những lệnh truyền, trong việc làm tròn các trách nhiệm để giảng dạy phúc âm phục hồi, trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên, và trong việc xây dựng các đền thờ trên khắp thế giới.

Chúng ta được dẫn dắt bởi một vị tiên tri, Chủ Tịch Russell M. Nelson, là người mà Chúa đã sử dụng để đạt được những tiến triển mà chúng ta đã cảm nhận được trong suốt hơn hai năm dưới sự lãnh đạo của ông. Giờ đây chúng ta sẽ được ban phước để lắng nghe từ Chủ Tịch Nelson, người sẽ dạy chúng ta cách để tiếp tục tiến triển trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô vào những thời gian đầy thử thách này.

Tôi làm chứng về lẽ thật của những điều này và cùng với anh chị em cầu nguyện cho vị tiên tri của chúng ta, là người mà chúng ta sẽ được lắng nghe kế tiếp, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.