2021
Một Sứ Điệp về Niềm Hy Vọng cho Những Người Bị Giam Giữ trong Tù
Tháng Một năm 2021


Một Sứ Điệp về Niềm Hy Vọng cho Những Người Bị Giam Giữ trong Tù

Ánh sáng của Thượng Đế có thể là một phần tương lai của anh chị em.

Hình Ảnh
man in prison cell with light shining through window

Tranh do David Green minh họa

Cách đây nhiều năm, tôi đến thăm một nhà tù thì gặp một người tên là Eric. Anh ấy đã ở tù được 17 năm. Trong thời gian này, Eric hiếm khi bỏ lỡ việc đi nhà thờ. Anh thường cầu nguyện với những người khác và giúp nhiều người tìm hiểu về thánh thư. Khi gặp Eric, anh ấy đang phải chịu đựng những thử thách nghiêm trọng về sức khỏe. Tôi đã có thể đến thăm anh ấy trong bệnh xá ở nhà tù của anh.

Khi chúng tôi nói chuyện, Eric nói với tôi rằng anh ấy biết ơn biết bao vì nhiều tín hữu Giáo Hội đã hỗ trợ anh ấy trong những năm qua. Anh ấy chia sẻ chứng ngôn và đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, anh thì thầm nói rằng vẫn có nhiều ngày anh còn cảm thấy bị lãng quên và cô đơn. Chúng tôi nói chuyện một lúc lâu hơn, cùng cầu nguyện chung với nhau và chia tay nhau như những người bạn. Một vài giờ sau, tôi biết được rằng Eric đã qua đời.

Cuộc hành trình trên trần thế của Eric thật là khó khăn. Nhưng cuối cùng anh ấy đã tiến đến việc biết được và yêu mến Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và chính mình. Và đó mới là điều quan trọng. Trong thời vĩnh cửu, tôi không nghĩ rằng nơi đâu và bằng cách nào chúng ta tiến đến việc nhận biết Chúa Giê Su là điều quan trọng đâu. Điều quan trọng là những gì mỗi chúng ta đã làm với cuộc sống của mình sau khi chúng ta đã tìm thấy Ngài.

Các hoàn cảnh và những lựa chọn mà dẫn đến việc bị giam giữ trong tù không cần phải quyết định cuộc sống của anh chị em. Anh chị em có thể đã phạm lỗi lầm, lớn lẫn nhỏ. Anh chị em có thể đã một lần hoặc nhiều lần phạm tội. Đây là một phần quá khứ của anh chị em nhưng quá khứ của anh chị em không quyết định tương lai của anh chị em. Anh chị em có quyền đưa ra những lựa chọn mà sẽ mang đến hạnh phúc ngay cả trong thời điểm khó khăn.

Nguồn Gốc Thật Sự của Anh Chị Em

Chị Joy D. Jones, Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi, đã nhiều lần đến thăm các nhà tù. Có lần, chị ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện này.

“Tôi nhớ lần đầu tiên đến thăm nhà tù gần nơi tôi sinh sống. Khi nói chuyện với một nhóm tù nhân thì tôi đã cảm thấy như mình đang ở một nơi thiêng liêng vì tôi biết họ tha thiết muốn thay đổi và đến cùng Đấng Ky Tô. Chúng tôi đã nói về nguồn gốc thiêng liêng của mình là con cái của Thượng Đế.

“Một lần nọ, tôi kể cho họ nghe về đứa cháu gái hai tuổi của tôi đã tươi cười lại gần tôi. Nó hào hứng nói: ‘Bà ơi, cháu là con của Thượng Đế!’ Rồi một người nhỏ nhẹ nói: ‘Tôi tự hỏi cuộc đời của tôi ngày nay sẽ như thế nào nếu ai đó đã nói với tôi khi tôi còn nhỏ rằng tôi là con của Thượng Đế.’

Chị Jones nói tiếp: “Tin mừng là chúng ta đều là con cái của Thượng Đế cho dù chúng ta học được điều đó khi còn nhỏ hay trong những năm cuối đời. Không bao giờ là quá trễ. Anh chị em không bị bỏ quên đâu. Thượng Đế biết rõ anh chị em. Ngài yêu thương anh chị em. Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Chúa Giê Su chuộc tội cho mỗi một người chúng ta. Nhờ thế nên Chúa Giê Su hiểu cuộc sống của chúng ta một cách thấu đáo và chúng ta có thể được hoàn toàn tha thứ cho tội lỗi của mình. Ngài phán: ‘Phải, dầu có thể là họ quên, nhưng ta sẽ không quên ngươi đâu. … Này, ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành của ngươi luôn ở trước mặt ta’ (1 Nê Phi 21:15–16).”

Việc tin rằng anh chị em và mọi người mà anh chị em biết, đều là con của Thượng Đế có thể là một nguồn sức mạnh nội tâm. Khi chấp nhận lẽ thật này và để cho nó hướng dẫn cuộc sống của mình thì anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an lớn lao hơn và trở thành một tấm gương tốt cho những người khác.

Tạo Dựng Lại Lòng Tin Cậy

Hình Ảnh
hand sending out a dove from window of prison cell

Trong suốt cuộc đời có thể khó để biết phải tin cậy ai, nhưng anh chị em có thể luôn luôn tin cậy Cha Thiên Thượng của mình. Thánh thư dạy rằng Thượng Đế biết anh chị em một cách thấu đáo. Ngài yêu thương anh chị em và không thể nói dối.1 Nếu khó thể tin cậy người khác—kể cả Thượng Đế—thì hãy cầu nguyện về điều đó. Hãy hỏi Cha Thiên Thượng: “Cha có thương yêu con không? Con có thể tin cậy Cha không?” Sau đó lắng nghe một câu trả lời. Câu trả lời đó có thể đến như là một cảm giác bình yên hoặc ý nghĩ điềm tĩnh. Có thể cần thời gian để nhận được câu trả lời. Nhưng Thượng Đế sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của anh chị em.

Ngoài việc biết anh chị em có thể tin cậy ai, điều quan trọng là trở thành một người có thể tin cậy được. Có thể việc anh chị em tiếp xúc với những người mà mình đã làm hại là không thích hợp. Nhưng anh chị em cũng vẫn có thể xem xét lại những sự kiện đã qua theo quan điểm của họ, phát triển lòng trắc ẩn dành cho họ và cầu nguyện cho họ. Anh chị em có thể chọn trở thành một người đáng tin cậy trong mối quan hệ mới mà anh chị em sẽ tạo nên.

Tiến trình này có thể mất một thời gian rất lâu. Tôi biết ơn lời khích lệ này từ Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Hãy tiếp tục yêu thương. Hãy tiếp tục cố gắng. Hãy tiếp tục tin cậy. Hãy tiếp tục tin tưởng. Hãy tiếp tục tiến triển. Thiên thượng đang khích lệ các anh chị em hôm nay, ngày mai, và mãi mãi.”2

Nuôi Dạy Con Cái trong khi Bị Giam Giữ trong Tù

Anh chị em có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng mình không có thể làm vai trò cha hoặc mẹ trong lúc bị giam giữ trong tù. Hãy chống lại ý nghĩ này. Bất cứ khi nào có thể được, hãy tìm cách hỗ trợ gia đình và con cái của anh chị em.

Trong những năm gần đây, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dạy phúc âm cho nhau trong gia đình chúng ta. Hãy tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể giúp cho gia đình tôi nhận được phước lành của phúc âm?” Sau đây là bốn ý kiến:

  • Anh chị em có thể luôn luôn cầu nguyện cho gia đình mình. Cầu nguyện là một loại công việc thuộc linh mạnh mẽ không bị giới hạn bởi những bức tường giam hay khoảng cách.

  • Nếu anh chị em được phép tiếp xúc với con cái của mình thì hãy tìm những cách thích hợp để bày tỏ tình yêu thương của anh chị em. Hãy dạy chúng về các bài học thuộc linh mình đã học được.

  • Hãy nỗ lực để kết nối lại với những người bạn đáng tin cậy. Xây đắp mối quan hệ với những người sẽ có ảnh hưởng tốt đối với gia đình anh chị em.

  • Hãy thay đổi để trở nên tốt hơn. Mỗi nỗ lực của anh chị em để cải thiện bản thân và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình sẽ giúp anh chị em trở thành một người cha hoặc người mẹ tốt hơn.

Hãy Tiến Bước

Vị tiên tri của chúng ta ngày nay, Chủ Tịch Russell M. Nelson, nói rằng mục đích của cuộc sống này là sẵn sàng gặp Thượng Đế bằng cách noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông dạy: “Và chúng ta làm điều đó khi chúng ta hối cải hằng ngày và tiếp nhận quyền năng thanh tẩy, chữa lành và củng cố của Ngài.” “Rồi lúc đó, chúng ta có thể cảm thấy sự bình an và niềm vui lâu dài, ngay cả trong những thời kỳ hỗn loạn.”3

Sự hối cải là một phần quan trọng của sự chữa lành. Nó bắt đầu khi anh chị em thành tâm cầu nguyện lên Thượng Đế, thưa với Ngài điều anh chị em đã làm sai và cầu xin sự tha thứ của Ngài. Anh chị em sẽ bắt đầu cảm thấy bình an khi tìm hiểu thêm về phúc âm và noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Những cảm giác này và hành vi thay đổi của anh chị em là bằng chứng cho thấy anh chị em đang bắt đầu được chữa lành.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội luôn cận kề để giúp anh chị em hối cải và trở lại với Thượng Đế. Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô nên anh chị em sẽ luôn luôn có thể trở về với Cha Thiên Thượng. Mặc dù anh chị em có thể cảm thấy được Thượng Đế đã tha thứ từ lâu trước khi anh chị em được gia đình, xã hội, hoặc thậm chí một số tín hữu của Giáo Hội tha thứ thì cũng đừng tuyệt vọng. Chỉ cần tiếp tục tiến bước. Hãy tin cậy những lời hứa và kỳ định của Thượng Đế.

Thượng Đế Sẽ Giúp Chữa Lành Anh Chị Em

Hãy nhớ rằng bất cứ sự chữa lành nào—kể cả sự nghiện ngập, thói ngược đãi lạm dụng hoặc sự tổn thương khác—cũng đều cần có thời gian. Kinh thánh kể câu chuyện về Chúa Giê Su chữa lành cho một người mù có thể thấy lại được theo từng giai đoạn. Trước hết người mù thấy “người ta, và nhìn họ đi giống như cây.” Rồi Chúa Giê Su “lại đặt tay trên mắt người,” và chính lúc đó cuối cùng người mù đã thấy được rõ ràng mọi thứ (Mác 8:24–25). Tương tự như vậy, khi Chúa Giê Su chữa lành một người đàn bà bị bệnh huyết, đó là sau khi người ấy đã có vấn đề sức khỏe trong 12 năm (xin xem Mác 5:25–34). Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng sự chữa lành về mặt thể xác, thuộc linh và tinh thần thường xảy ra theo thời gian. Nếu anh chị em cảm thấy sự chữa lành của mình không xảy ra nhanh như mình muốn thì hãy cố gắng nhận ra những thành công nhỏ. Hãy cầu nguyện và thưa chuyện với Thượng Đế về những cảm xúc của anh chị em, kể cả cám ơn Ngài về bất cứ sự tiến bộ nào anh chị em đã nhận thấy.Cho dù anh chị em đã là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su hay chưa, đang tìm hiểu thêm về phúc âm hoặc đang trở lại với Giáo Hội thì cũng xin biết rằng chúng tôi quan tâm đến anh chị em. Cho dù quá khứ của anh chị em là như thế nào đi nữa hay con đường trước mặt là bao xa thì tương lai của anh chị em cũng có thể ngập tràn ánh sáng của Thượng Đế. Con đường phúc âm mang đến cho chúng ta sức mạnh. Nó mang lại cho chúng ta sự an ủi. Nó dẫn đến nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống này và niềm vui trong thời vĩnh cửu.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô biết và yêu thương anh chị em một cách trọn vẹn. Hai Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em. Hai Ngài sẽ không bao giờ làm hại anh chị em. Hai Ngài sẽ không bao giờ quên anh chị em.

Ghi Chú

  1. Xin xem ví dụ Hê Bơ Rơ 6:18; Ê Nót 1:6; Ê The 3:12; Giáo Lý và Giao Ước 62:6.

  2. Jeffrey R. Holland, “Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 127.

  3. Russell M. Nelson, “Sứ Điệp Khai Mạc,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 6.