2021
Giúp Trẻ Em Chuẩn Bị cho Phép Báp Têm
Tháng Một năm 2021


Giúp Trẻ Em Chuẩn Bị cho Phép Báp Têm

Chúng ta có thể thành tâm, có chủ ý và kiên nhẫn khi chúng ta giúp các trẻ em của mình thực hiện bước đi này theo con đường giao ước.

Hình Ảnh
image showing a family, baptism, and confirmation

Hình ảnh do Bryan Beach minh họa

Việc chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là một sự kiện đầy phấn khởi cho các em thiếu nhi trong Giáo Hội. Trong khi nhiều người mong chờ các giáo lễ này thì cũng là điều thông thường cho các em để cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi.

Là một người viết bài cho tạp chí Bạn Hữu của Giáo Hội dành cho trẻ em, tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những đứa trẻ sợ rằng chúng không sẵn sàng để lập giao ước này. Một số em lo lắng rằng mình không có chứng ngôn đủ mạnh. Một số khác thì sợ nước. Và một số em cảm thấy một áp lực khó tin về việc phải được hoàn hảo.

Dưới đây là một vài cách để giúp đứa con của anh chị em cảm thấy được chuẩn bị và tự tin để thực hiện bước đi kế tiếp trên con đường giao ước.

Giảng Dạy với Chủ Ý

Có thể dễ dàng để nghĩ về phép báp têm như là một nghi lễ hoặc chỉ là điều gì đó xảy ra khi đứa con của anh chị em tròn tám tuổi. Nhưng thực ra, phép báp têm là một lựa chọn thiêng liêng, có nghĩa là các em cần phải hiểu lý do tại sao phép báp têm là quan trọng. Việc giảng dạy các em với chủ ý có thể giúp làm cho phép báp têm có ý nghĩa hơn (và ít đáng sợ hơn). Dạy cho các em theo cách anh chị em sẽ dạy cho bất kì người nào học hỏi về Giáo Hội trước khi báp têm.

Điều quan trọng cho chúng ta là dạy cho các em thiếu nhi về các giao ước mà chúng sẽ lập lúc chịu phép báp têm. Và tin mừng là đây không phải là một điều chúng ta phải (hoặc nên) cố gắng thực hiện một sớm một chiều hoặc trong một tuần. Học phúc âm ở nhà mình trong thời gian nhất định là cách tốt nhất để giúp đứa con của anh chị em chuẩn bị cho phép báp têm. Tuy nhiên, có một vài điều đặc biệt là hữu ích để tập trung vào khi gần đến ngày đứa con của anh chị em chịu phép báp têm:

  • Nói một cách đơn giản, hãy thảo luận về cách chịu phép báp têm có nghĩa là hứa sẽ noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Đọc về phép báp têm trong thánh thư, như là Mô Si A 18:8–10. Giải thích các câu thánh thư để con của anh chị em hiểu được và có thể dạy lại những ý tưởng đó cho anh chị em. Ví dụ, một bé gái mới gần đây chịu phép báp têm ở Hawaii, Hoa Kỳ, đã mô tả việc “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau” tức là “giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào họ cần được giúp đỡ.”

  • Hãy chắc chắn nói chuyện với các em về ân tứ của Đức Thánh Linh và chia sẻ những kinh nghiệm mà anh chị em đã có khi Đức Thánh Linh ban phước cho cuộc sống của anh chị em.

Một số em có thể lo lắng về phép báp têm vì chúng không nghĩ rằng chúng có một chứng ngôn đủ mạnh. Hãy giúp con của anh chị em nhớ tới những cảm giác tốt đẹp mà chúng đã có trong khi làm điều gì đó tử tế, hát trong Hội Thiếu Nhi hoặc nói chuyện về phúc âm. Khuyến khích các em nghĩ về những cách mà chúng biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng. Giải thích rằng tất cả những điều này là sự khởi đầu của một chứng ngôn và rằng chứng ngôn của chúng sẽ phát triển theo thời gian khi chúng tiếp tục chọn điều tốt.

Cho Thấy Điều nên Kỳ Vọng

Nếu con của anh chị em lo lắng về việc chịu phép báp têm—hoặc thậm chí chúng cũng không có vẻ là như vậy—thì điều đó có thể là hữu ích để nói về điều nên kỳ vọng. Một cách tốt để bắt đầu là chuẩn bị chúng cho cuộc phỏng vấn mà chúng sẽ có với vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của chúng. Việc giúp con anh chị em trả lời những câu hỏi như: “Tại sao phép báp têm là quan trọng?” và “việc chúng mang danh của Đấng Ky Tô có nghĩa là gì?” có thể giúp chúng sẵn sàng cho cuộc thảo luận này. Hãy giúp con của anh chị em nhớ rằng vị giám trợ có mặt để giúp chúng được sẵn sàng chứ không phải hỏi đố chúng hoặc làm khó chúng. Và hãy nhớ rằng, anh chị em luôn luôn có thể đi cùng con của mình tới cuộc phỏng vấn, nếu muốn.

Một điều khác để chuẩn bị cho con của anh chị em là về điều nên kỳ vọng về mặt thể chất vào ngày báp têm. Chỉ cho chúng cách đứng khi chúng ở trong hồ nước. Thậm chí, anh chị em còn có thể mời người nắm giữ chức tư tế là người sẽ làm phép báp têm cho con của anh chị em để tập động tác báp têm khi ra khỏi nước, để con của anh chị em biết cảm giác là sẽ như thế nào khi được dìm mình xuống nước và được nâng lên. Giải thích điều sẽ xảy ra trong lễ xác nhận.

Nếu con của anh chị em sợ bị ở dưới nước, thì hãy thành tâm cân nhắc những cách mà anh chị em có thể giúp chúng vượt qua nỗi sợ hãi đó khi gần tới lễ báp têm của chúng. Có lẽ anh chị em và con của anh chị em có thể xem một người nào khác chịu phép báp têm để xem họ ở dưới nước nhanh như thế nào. Có lẽ anh chị em và con của anh chị em có thể tập bịt mũi lẫn úp mặt xuống nước mỗi lần trong một vài giây. Có thể một ai đó trong khu vực của anh chị em mà dạy trẻ em bơi lội sẽ đưa ra được lời khuyên. Dù có làm gì đi nữa thì cũng hãy chắc chắn rằng anh chị em làm điều đó với tình yêu thương và sự kiên nhẫn.

Một đứa trẻ cảm thấy càng được chuẩn bị về các chi tiết của phép báp têm thì em ấy sẽ càng có thể bớt căng thẳng và tập trung vào giao ước thiêng liêng mà em đang lập.

Tập Trung vào Sự Tiến Bộ Chứ Không vào Sự Hoàn Hảo

Đôi khi, có lẽ vì chúng ta nói quá nhiều về khía cạnh thanh tẩy của phép báp têm nên các trẻ em hiểu lầm và nghĩ rằng chúng phải được xem là hoàn hảo sau giáo lễ đó. Một trong những câu chuyện phổ biến nhất mà chúng ta nghe được trong tạp chí Bạn Hữu là nỗi sợ hãi mà một đứa trẻ trải qua khi nó phạm lỗi lần đầu tiên sau khi chịu phép báp têm. Việc cãi cọ với anh chị em ruột hoặc quên làm việc vặt trong nhà khiến cho nó cảm thấy như nó đã vĩnh viễn làm hỏng những cảm giác tốt đẹp!

Điều quan trọng là chúng ta với tư cách là các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo giúp con cái mình hiểu được nguyên tắc hối cải. Con cái của chúng ta có hiểu rằng việc nhận ra những lỗi lầm của mình và học hỏi từ các lỗi lầm này là một phần của cách chúng ta học hỏi và tăng trưởng trên thế gian này không? Chúng có biết rằng chúng có thể cầu nguyện để có được sự tha thứ bất cứ lúc nào không? Và rằng khi dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần thì chúng tái lập các giao ước mà chúng đã lập trong lúc chịu phép báp têm không? Làm chứng rằng cơ hội hối cải là một phước lành và một ân tứ. Phép báp têm không phải là về việc được hoàn hảo bây giờ mà thay vì thế là bước vào con đường giao ước và hằng ngày thực hiện các bước đi để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Hình Ảnh
various people in front of a temple

Một Sự Bắt Đầu Tuyệt Vời

Thay vì xem phép báp têm và lễ xác nhận là đích đến thì chúng ta có thể giúp cho con cái mình xem đó là một sự bắt đầu tuyệt vời —sự bắt đầu của một cuộc sống mới với tư cách là một môn đồ giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô. Cho dù con của anh chị em cảm thấy phấn khởi, lo lắng hay có một chút cả hai cảm giác này thì anh chị em cũng có thể chắc chắn rằng chúng không một mình đi trên con đường này. Bằng sự thành tâm, chủ ý và kiên nhẫn, chúng ta có thể giúp con cái mình cảm thấy niềm vui khi chúng thực hiện bước đi này để trở về ngôi nhà thiên thượng của chúng.