2021
Trở Thành Những Người Cai Quản Tốt Hơn Thế Gian mà Thượng Đế Đã Tạo Ra cho Chúng Ta
Tháng Ba năm 2021


Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Trở Thành Những Người Cai Quản Tốt Hơn Thế Gian mà Thượng Đế Đã Tạo Ra cho Chúng Ta

Từ một bài diễn văn được đưa ra tại Hội Nghị Chuyên Đề hằng năm lần thứ 18 ở Trung Tâm Stegner tại trường Đại Học Utah ở Salt Lake City vào ngày 12 tháng Tư, năm 2013.

Chúng ta càng chăm sóc tốt cho thế gian này và mọi vật trong đó, thì nó sẽ càng hỗ trợ, truyền cảm hứng, củng cố, làm tâm hồn và tinh thần chúng ta tươi sáng và vui vẻ.

Hình Ảnh
a man standing at the bottom of a Sequoia tree

Tôi thích ở giữa thiên nhiên, dù là đi bộ lên núi, trượt tuyết, chèo thuyền kayak trên biển, đạp xe đạp, hay thậm chí đi săn. Khi còn nhỏ, tôi thích đi vào rừng và cảm nhận những lời chứng về Đấng Sáng Tạo, hùng hồn mà thinh lặng, của những cái cây xanh ngắt cao vút. Khi lớn lên, tôi biết được qua sự học hỏi và đức tin rằng nếu chúng ta hiểu được chúng ta là ai, mục đích của cuộc sống là gì, và lý do mà trái đất này được tạo ra—và luôn ghi nhớ những điều này trong tâm trí—thì chúng ta sẽ đối xử với thế gian này, và mọi vật trong đó, theo một cách thức thiêng liêng và cao cả hơn.

Mục Đích của Thượng Đế khi Sáng Tạo Thế Gian

Qua các vị tiên tri thời xưa lẫn bây giờ của Ngài, Chúa đã cố gắng giúp chúng ta hiểu và trân trọng ân tứ được sống trên thế gian xinh đẹp này. Trong Kinh Cựu Ước, Đa Vít đã suy ngẫm về những tạo vật hùng vĩ của Thượng Đế và tự hỏi thành lời lý do tại sao—giữa những tuyệt phẩm dường ấy—Thượng Đế lại nhớ đến loài người (xin xem Thi Thiên 8:4). Đa Vít kết luận rằng loài người thật đặc biệt, “kém Đức Chúa Trời một chút” (Thi Thiên 8:5).

Môi Se cũng thấy trong khải tượng vô số các thế giới1 và tuyên bố: “Giờ đây, nhờ có chuyện này tôi mới biết rằng con người chẳng có nghĩa gì hết, đây là một điều tôi đã không bao giờ nghĩ tới” (Môi Se 1:10).

Trong sự khiêm nhường của Môi Se trước vẻ nguy nga của các tạo vật của Thượng Đế, ông đã không hiểu được một lẽ thật tuyệt vời. Vì thế Chúa đã cho ông thấy lại sự sáng tạo vô hạn của Ngài và nhấn mạnh rằng Ngài—Thượng Đế—đã tạo ra những vật ấy là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Trái đất này—thật ra là mọi sự sáng tạo—được thiết kế để giúp chúng ta có được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.

Lại nói về mục đích của trái đất, Chúa đã phán: “Chúng ta sẽ làm ra một thế gian cho những linh hồn này [tức là con người chúng ta] trú ngụ; và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng” (Áp Ra Ham 3:24–25; xin xem thêm câu 26). Cuộc sống trên thế gian này, cùng với ân tứ của quyền tự quyết về mặt đạo đức, mang đến cho chúng ta cơ hội để chọn tìm kiếm và một ngày nào đó nhận được tất cả những gì Thượng Đế ban cho.2

Khi hoàn tất sự sáng tạo thế gian, Thượng Đế rất hài lòng bởi vì Ngài thấy nó sẽ phục vụ cho mục đích của Ngài dành cho chúng ta, các con cái của Ngài.3 Các con trai và con gái của Thượng Đế và gia đình mà họ thiết lập thì không chỉ là những người xâm chiếm trái đất này; mà chính họ mới là trung tâm mục đích của nó.4

Chúng Ta Phải Là Những Người Cai Quản Tốt

Cuộc sống trên thế gian này vừa là một phước lành vừa là một trách nhiệm. Chúa đã phán rằng: “Vì này, thú vật trong đồng và chim muông trên trời, cùng những vật từ đất sinh ra, đều được quy định để cho loài người sử dụng làm thức ăn và quần áo mặc, và để cho loài người có thể có được dồi dào những thứ này” (Giáo Lý và Giao Ước 49:19). Tuy nhiên, bởi vì thế gian và mọi vật trong nó là “những tác phẩm do bàn tay [Ngài] tạo nên” (Giáo Lý và Giao Ước 29:25), nên tất cả mọi thứ đều thuộc về Ngài.5 Là những người cư ngụ tạm thời trên thế gian này, chúng ta là những người quản gia—chứ không phải người chủ. Vì thế, chúng ta chịu trách nhiệm trước Thượng Đế—người chủ—cho những gì chúng ta làm với tạo vật của Ngài: “Vì điều cần thiết rằng ta là Chúa, nên làm cho mọi người phải chịu trách nhiệm với tư cách là một quản gia về những phước lành trên thế gian mà ta đã làm và đã chuẩn bị cho các tạo vật của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 104:13).

Hình Ảnh
meadow grass and flowers in girl’s hand

Cách chúng ta chăm sóc thế gian, cách chúng ta sử dụng và chia sẻ sự dồi dào của nó, và cách chúng ta đối xử với mọi vật mà đã được cung ứng cho chúng ta là một phần trong thử thách của chúng ta trên trần thế. Chúng ta cần sử dụng với lòng biết ơn những gì Chúa đã cung ứng, tránh lãng phí sự sống và các tài nguyên, và sử dụng sự dồi dào của thế gian để chăm lo cho người nghèo khổ.6 Chúa chăm lo tận tình cho vạn vật và đặc biệt cho con cái Ngài, và sẽ quy trách nhiệm cho chúng ta về điều chúng ta chọn để làm (hoặc không làm) với các tạo vật dồi dào của Ngài.

Chúa hứa với chúng ta rằng nếu chúng ta nghe theo Ngài và sử dụng một cách sáng suốt những tài nguyên của thế gian với lòng biết ơn và sự tôn trọng, thì “trọn thế gian này là của [chúng ta], các loài thú trong đồng, và chim muông trên trời. … Và điều đó làm Thượng Đế hài lòng, vì Ngài đã ban cho tất cả những vật này cho loài người; vì chúng đã được làm ra cho mục đích này để con người sử dụng, bằng một cách có suy tính, không quá độ mà cũng không có sự cưỡng bách” (Giáo Lý và Giao Ước 59:16, 20).

Chúng ta cần phải sử dụng những nguồn tài nguyên này với sự thận trọng và lòng biết ơn, với mục đích giúp đỡ người khác—các thế hệ hiện tại, quá khứ, và tương lai—nhận được các phước lành mà Cha Thiên Thượng chúng ta mong muốn ban cho con cái Ngài.

Không Chỉ Vì Bản Thân Mình

Đáng buồn thay, ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới mà các cá nhân có thể chọn chối bỏ Thượng Đế và coi thường các tạo vật của Ngài. Khi việc này xảy ra, Thượng Đế và các tạo vật chịu đau khổ.

Hê Nóc đã ghi lại rằng Thượng Đế đã khóc bởi những lựa chọn sai lầm và tính ích kỷ đến ngột ngạt của con cái Ngài.7 Mô Rô Ni đã tiên đoán rằng trong những ngày sau cùng sẽ có “khói lửa, bão tố và sương mù … [và] sự ô nhiễm lớn lao lan tràn khắp mặt đất,” và những tình trạng như vậy sẽ đi kèm với “mọi hành vi khả ố; lúc sẽ có nhiều người bảo rằng: Làm điều này hay làm điều kia đều không sao cả” (Mặc Môn 8:29, 31). Khi loài người làm ô nhiễm thế gian này về mặt thuộc linh hoặc thế tục, thì không chỉ Thượng Đế mà cả thiên nhiên cũng chịu đau khổ!8

Quan trọng là, các phước lành và quyền năng có sẵn qua Giáo Hội và phúc âm phục hồi của Chúa có khả năng để giúp phát triển và thay đổi tâm hồn loài người để vượt lên chính họ, để lan truyền tình yêu thương dành cho Thượng Đế và các tạo vật của Ngài, và giúp chúng ta biết nghĩ cho sự an lạc của người khác và suy ngẫm, cân nhắc những nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Thiên Nhiên Mang Chúng Ta Đến Gần Thượng Đế Hơn

Thế gian và vạn vật không chỉ là những thứ để chúng ta sử dụng và/hoặc tiết kiệm; mà một phần trong đó cũng cần phải được bảo tồn! Thiên nhiên không bị hủy hoại và “tất cả những vật từ đất nảy sinh … đều được tạo ra vì lợi ích … của con người … để làm cho vui mắt, vừa để làm cho lòng người hân hoan … và làm sống động tâm hồn” (Giáo Lý và Giao Ước 59:18–19).

Thiên nhiên trong trạng thái ban sơ của nó mang chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, làm trong sạch tâm trí và tấm lòng khỏi tiếng ồn ào và những thứ gây xao lãng của cuộc sống vật chất, nâng chúng ta lên một ảnh hưởng tôn cao hơn, và giúp chúng ta hiểu Thượng Đế của mình hơn: “Trái đất lăn đi trên đôi cánh của nó, và mặt trời cho nó ánh sáng vào ban ngày, mặt trăng cho nó ánh sáng vào ban đêm, và các ngôi sao cũng cho ánh sáng của chúng. … cứ kẻ nào đã trông thấy bất cứ một vương quốc hay một phần nhỏ nhất nào của những vương quốc này [tức các tạo vật] thì đã trông thấy Thượng Đế vận hành trong vẻ uy nghi và quyền năng của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 88:45, 47).

Tôi vẫn thích leo lên những ngọn núi cao ở giữa các đỉnh núi và những tảng đá hoa cương hùng vĩ. Mặc dù hoàn toàn tĩnh lặng, chúng thốt lên quyền năng và sự uy nghi của Thượng Đế—cùng tài năng mỹ thuật vô song của Ngài. Như An Ma đã làm chứng: “Tất cả mọi vật đều chứng tỏ là có Thượng Đế; phải, ngay cả quả đất này cùng muôn vật trên đó … cũng đủ làm chứng rằng có một Đấng Sáng Tạo Tối Cao” (An Ma 30:44).

Tôi yêu thích ngắm sao vào ban đêm, cố gắng gói gọn tâm trí tôi xung quanh sự vĩnh cửu của thời gian và không gian chỉ trong ánh nhìn chăm chú của mình. Tôi luôn luôn kinh ngạc trước sự hiểu biết đến trong những giây phút tĩnh lặng ấy, mặc cho sự vô cùng của vũ trụ, Chúa của cả vũ trụ biết đến tôi, một con người nhỏ bé, yếu ớt. Và Ngài biết mỗi người chúng ta. Vạn vật chứng tỏ rằng có Đấng Sáng Tạo, và nếu chúng ta gìn giữ những nơi đặc biệt, vẹn nguyên ấy, thì chúng sẽ làm chứng thật hùng hồn và sâu sắc về Thượng Đế của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta tiến bước.

Chúng ta càng chăm sốc tốt cho thế gian và mọi vật trong đó, thì nó sẽ càng hỗ trợ, truyền cảm hứng, củng cố, và làm tâm hồn và tinh thần chúng ta tươi sáng và vui vẻ—và chuẩn bị cho chúng ta ở cùng Cha Thiên Thượng và gia đình mình ở nơi thượng thiên, mà sẽ là chính thế gian mà chúng ta đứng ngày nay, nhưng trong một trạng thái đầy vinh quang.9

Cầu xin cho chúng ta chăm sóc thế gian này với lòng biết ơn—ngôi nhà hiện tại và hy vọng cũng là ngôi nhà tương lai của chúng ta.