2009
Các Phước Lành của Phúc Âm Có Sẵn cho Tất Cả Mọi Người
Tháng Mười Một năm 2009


Các Phước Lành của Phúc Âm Có Sẵn cho Tất Cả Mọi Người

Các con cái của Thượng Đế trên thế gian ngày nay đã có cơ hội để thông hiểu kế hoạch hạnh phúc của Ngài dành cho họ trọn vẹn hơn bất cứ lúc nào khác.

Hình Ảnh
Elder Joseph W. Sitati

Cách đây vài tuần, Anh Cả Melvin R. Perkins, là một Thầy Bảy Mươi thuộc Thẩm Quyền Giáo Vùng đang phục vụ ở Alaska, và tôi đứng tại bục giảng trước giáo đoàn của Giáo Khu Vancouver British Columbia ở Canada. Với giọng nói đầy xúc động, anh mời Các Thánh Hữu hãy nhìn quang cảnh trước mắt họ: một hậu duệ của những người tiền phong Mặc Môn đẩy xe kéo và một người tiền phong cải đạo của Giáo Hội từ một quốc gia xa xôi ở Châu Phi đang sát cánh cùng phục vụ Chúa.

Từ những khởi đầu khiêm tốn ở Fayette, New York, cách đây gần 180 năm, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã trở thành một tôn giáo toàn cầu. Tôi đứng đây với tư cách là nhân chứng về công việc kỳ diệu này. Tôi cầu nguyện rằng Thánh Linh của Chúa sẽ ở cùng với các anh chị em và tôi khi tôi chia sẻ một vài ý nghĩ vào buổi trưa hôm nay.

Tôi biết ơn về những chìa khóa mặc khải trong gian kỳ sau cùng này. Qua việc sử dụng các chìa khóa đó của các vị tiên tri tại thế kể từ thời kỳ Phục Hồi, các con cái của Thượng Đế trên thế gian ngày nay đã có cơ hội để thông hiểu kế hoạch hạnh phúc của Ngài dành cho họ trọn vẹn hơn bất cứ lúc nào khác.

Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng thật hiển nhiên khi dân chúng thuộc mọi quốc gia, cả người sống lẫn người chết, hiện nay và trong tương lai, đều có thể nhận được sự tôn cao nơi hiện diện của Ngài tùy theo cách họ sử dụng quyền tự quyết của mình. Tiêu chuẩn và các phước lành đều như nhau đối với tất cả mọi người. Thượng Đế đã tái xác nhận rằng Ngài chẳng hề vị nể ai.

Phúc âm được rao giảng trên thế gian theo mẫu mực bảo đảm rằng các mục đích của Thượng Đế là mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.

Sau Sự Sa Ngã, hai tổ phụ đầu tiên của chúng ta, A Đam và Ê Va, đã lập một giao ước vĩnh cửu với Thượng Đế về sự cứu rỗi của họ.1 Trong khi con cái của A Đam sinh sôi nẩy nở thì có hai nhóm người nổi bật.

Một nhóm do Hê Nóc đứng đầu tuân giữ giao ước nghiêm chỉnh đến nỗi họ không thể bị giữ lại trên thế gian. Vậy nên, Chúa đã nhóm họ lại cùng Ngài.2

Nhóm thứ hai bị sự tà ác khắc phục mạnh mẽ đến nỗi họ phải chịu Thượng Đế phán xét. Cơn Đại Hồng Thủy đã nhận chìm họ, chỉ còn lại gia đình của Nô Ê,3 một hậu duệ ngay chính của Hê Nóc.4

Thượng Đế lập giao ước với Nô Ê, với lời hứa thêm rằng sự sống trên trái đất sẽ không bị hủy diệt bởi nạn lụt nữa.5

Khi gia đình Nô Ê sinh sôi nẩy nở lần nữa, thì có nhiều người trở nên tà ác. Bị chế ngự bởi lòng kiêu ngạo, họ xây Tháp Ba Bên. Thượng Đế để cho những phán xét của thiên thượng giáng xuống họ. Tiếng nói của họ bị làm cho lộn xộn và họ bị phân tán khắp nơi. Chỉ có một vài người biết vâng lời mới được bảo tồn.6

Trong số những người được bảo tồn có anh của Gia Rết, một người có đức tin lớn lao, đã khẩn cầu Chúa thay cho dân Gia Rết ngay chính. Chúa dẫn họ đến lục địa Châu Mỹ, với lời hứa rằng nếu họ phục vụ Ngài, thì họ sẽ được “thoát khỏi vòng nô lệ, tù đày, và thoát khỏi sự thống trị của các dân khác dưới gầm trời này.”7 Về sau, dân Nê Phi cũng được dẫn đến cùng lục địa đó. Cuối cùng, nền văn minh của dân Gia Rết lẫn dân Nê Phi đều bị hủy diệt vì họ đã không chứng tỏ là trung tín.

Một người khác cũng có đức tin lớn lao đã được bảo tồn là Áp Ra Ham, một hậu duệ của Nô Ê, là người đã được mang đến Ca Na An. Thượng Đế lập giao ước với Áp Ra Ham cũng hứa thêm rằng con cháu của ông sẽ gia tăng như sao trên trời8 và rằng nhờ dòng dõi của ông mà “các chi tộc nơi thế gian sẽ được phước.”9 Các dân tộc trong lời hứa đó là con cháu của Nô Ê đã bị phân tán khỏi tháp Ba Bên, được biết chung chung là những người dân ngoại.

Thượng Đế tái lập giao ước với con trai của Áp Ra Ham là Y Sác và cháu nội của ông là Gia Cốp, là người trở thành Y Sơ Ra Ên.

Vì con cháu của Y Sơ Ra Ên không thể chịu đựng những điều kiện của giao ước nên giao ước ấy được thay đổi trong gian kỳ của Môi Se. Một giao ước thấp hơn được đưa ra và tiếp tục ở giữa các con cái của Y Sơ Ra Ên cho đến khi Đấng Ky Tô phục hồi phúc âm trọn vẹn trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài.10

Sau khi Ngài phục sinh, Đấng Cứu Rỗi báo hiệu rằng đã đến lúc phúc âm sẽ được mang đến cho dân ngoại.11 Trước đó, trong câu chuyện ngụ ngôn về những người làm việc trong vườn nho, Ngài đã mặc khải rằng các quốc gia của dân ngoại sẽ lần lượt được thăm viếng và được mời. Tuy nhiên, các phước lành sẽ giống nhau bất kể thứ tự của sự mời gọi.12

Sau khi Đấng Cứu Rỗi thăng thiên, sứ đồ chủ tọa Phi E Rơ, là con cháu của Y Sơ Ra Ên, nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế mà qua đó ông hướng dẫn Giáo Hội. Điều đáng kể là mặc dù Đấng Cứu Rỗi đã cho phép, nhưng chỉ sau khi nhận được điều mặc khải13 cụ thể để làm như vậy, Phi E Rơ mới làm báp têm cho người dân ngoại đầu tiên là Cọt Nây.

Giáo vụ dành cho dân ngoại bị sự tuẫn đạo của Phi E Rơ14 làm cho gián đoạn và cái chết của Các Sứ Đồ khác mà sau đó các chìa khóa của chức tư tế bị cất khỏi thế gian. Tiếp theo đó là thời kỳ dài của sự bội giáo.

Các chìa khóa được Các Sứ Đồ thời xưa là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng phục hồi vào năm 1829 cho Joseph Smith chỉ trước khi Giáo Hội được tổ chức. Phúc âm trọn vẹn một lần nữa đến thế gian và bắt đầu rao giảng ở giữa các quốc gia của dân Ngoại với tính cách là giao ước mới và vĩnh viễn.

Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa mặc khải rằng tiêu chuẩn quyết định cho thứ tự trong các quốc gia dân ngoại được mời gọi thì gồm có khả năng nuôi dưỡng vương quốc của Thượng Đế về phần thuộc linh và vật chất khi nó được thiết lập trên thế gian lần cuối cùng.15

Chúng ta thấy rằng khi Giáo Hội phục hồi bắt đầu được thiết lập trên thế gian, các vị tiên tri tại thế tìm kiếm và tuân theo ý muốn của Thượng Đế về phúc âm cần phải đến với các quốc gia như thế nào.

Tôi đã sống để thấy được thời kỳ do tiên tri Giê Nốc đoán trước trong câu chuyện ngụ ngôn về cây ô liu khi người ngay chính từ tất cả các quốc gia của thế gian sẽ trở thành những người dự phần vào giao ước của Thượng Đế lập với Y Sơ Ra Ên.16

Tôi đã thấy kết quả tốt lành của phúc âm nở rộ trên quê hương lục địa Châu Phi của tôi. Chỉ sau ba mươi năm, đã có 300.000 Thánh Hữu. Trong các giáo lý và các nguyên tắc của phúc âm phục hồi, có nhiều người đang tìm ra một nền tảng vững chắc cho đức tin của họ. Các gia đình dọn đi khỏi cộng đồng nông thôn của mình để tìm kiếm một tương lai sáng lạn hơn trong các thị trấn và các thành phố, giờ đã tìm ra cách mới để gìn giữ các truyền thống gia đình vững mạnh càng ngày càng gia tăng dưới sức tấn công trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này. Thánh Linh của Chúa đang tiến mạnh ở giữa loài người.

Một nền văn hóa thượng thiên mới đang phát triển trong gia đình, được nuôi dưỡng nhờ việc sẵn lòng lắng nghe lời khuyên dạy của vị tiên tri tại thế để cầu nguyện cùng học thánh thư hằng ngày và họp mặt mỗi tuần một lần trong buổi họp tối gia đình. Do đó, có nhiều người có thể thoát ra khỏi vòng trói buộc của các truyền thống mà giới hạn việc sử dụng quyền tự quyết của họ.

Để minh họa từ kinh nghiệm cá nhân, ba trong số các con cái của chúng tôi mới vừa kết hôn trong đền thờ mà không có gánh nặng của hồi môn, một thực hành theo truyền thống mà khiến cho nhiều người nam và nữ phải sống chung và không hề có cam kết ràng buộc gì với nhau. Cơ hội để được làm lễ hôn phối trong ba đền thờ hiện có ở Accra Ghana, Aba, Nigeria, và Johannesburg Nam Phi, đã giúp truyền đạt một hy vọng mới mẻ về tính thiêng liêng của hôn nhân.

Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô mà qua Ngài chúng ta có được phúc âm và lời hứa về sự tôn cao. Tôi làm chứng về vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, mà qua ông chúng ta được đảm bảo về lời chỉ dạy của Đấng Cứu Rỗi nhằm tiếp tục mang sự cứu rỗi đến cho tất cả mọi người. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem Môi Se 6:52, 57, 59.

  2. Xin xem Môi Se 7:19–21.

  3. Xin xem Sáng Thế Ký 6:17–22; xin xem thêm Môi Se 7–8.

  4. Xin xem GLGƯ 84:14–15.

  5. Xin xem Sáng Thế Ký 8:11–21; 9:8õ10.

  6. Xin xem Sáng Thế Ký 11:1–8.

  7. Xin xem Ê The 2:8–12; xin xem thêm Ê The 1:33–43; 4õ6.

  8. Xin xem Sáng Thế Ký 12–17; 22; xin xem thêm Áp Ra Ham 1–2.

  9. Sáng Thế Ký 22:18.

  10. Xin xem Hê Bơ Rơ 7:11–12, 19õ22; GLGƯ 84:24–25.

  11. Xin xem Ma Thi Ơ 28:18–20.

  12. Xin xem Ma Thi Ơ 20:1–16.

  13. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10.

  14. Xin xem Bible Dictionary, “Peter,” 749.

  15. Xin xem GLGƯ 58:1–12.

  16. Xin xem Gia Cốp 5:57–68.