2009
Hãy Kiềm Chế Những Cảm Nghĩ của Mình, Hỡi Người Anh Em của Tôi
Tháng Mười Một năm 2009


Hãy Kiềm Chế Những Cảm Nghĩ của Mình, Hỡi Người Anh Em của Tôi

Nếu muốn có tinh thần trọn vẹn luôn luôn ở cùng chúng ta, thì chúng ta phải chọn không trở nên tức giận.

Hình Ảnh
President Thomas S. Monson

Thưa các anh em, là một nhóm hùng mạnh những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta nhóm họp ở nơi đây trong Trung Tâm Đại Hội lẫn tại các địa điểm trên khắp thế giới. Buổi tối hôm nay, chúng ta đã nghe những sứ điệp đầy soi dẫn và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương đã ngỏ lời cùng chúng ta. Tôi hân hạnh, song hạ mình trước đặc ân được ngỏ lời cùng với các anh em, và tôi cầu nguyện rằng sự soi dẫn của Chúa có thể ở cùng tôi.

Mới gần đây, khi xem tin tức trên truyền hình, tôi nhận thấy rằng nhiều câu chuyện nổi bật đều giống nhau về bản chất, về cơ bản những thảm cảnh được tường thuật lại đều có cùng một nguồn gốc: cơn giận dữ. Một người cha bị bắt giữ vì hành hung đứa bé sơ sinh của mình. Tiếng khóc của đứa bé sơ sinh được viện dẫn là làm cho người cha nổi cơn giận dữ đến nỗi người ấy đã làm gãy một phần tứ chi và vài xương sườn của đứa bé. Bài tường thuật đầy kinh hoàng về băng đảng càng ngày càng bạo động với số người bị giết chết có liên quan đến băng đảng gia tăng nhanh chóng. Một câu chuyện khác trong đêm nọ về một phụ nữ bị người chồng đã ly thân bắn trong cơn ghen dữ dội sau khi bắt gặp người phụ nữ ấy đi với người đàn ông khác. Rồi dĩ nhiên, còn có tin tức thường lệ về chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới.

Tôi nghĩ về những lời của Tác Giả sách Thi Thiên: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận hoảng.”1

Cách đây nhiều năm, có một cặp vợ chồng gọi điện thoại đến văn phòng tôi và xin được tham khảo ý kiến. Họ cho biết rằng họ đã trải qua một thảm cảnh trong cuộc sống và rằng hôn nhân của họ đang lâm nguy. Tôi đồng ý hẹn gặp họ.

Tình trạng căng thẳng giữa đôi vợ chồng này thật hiển nhiên khi họ bước vào văn phòng tôi. Thoạt tiên, câu chuyện của họ được chậm rãi kể lại, trong khi người chồng ngập ngừng nói thì người vợ lặng lẽ khóc và góp lời rất ít vào câu chuyện.

Người thanh niên trẻ này trở về sau khi đi phục vụ truyền giáo và được một trường đại học có uy tín ở miền đông Hoa Kỳ chấp nhận cho theo học. Chính nơi đó, trong một tiểu giáo khu dành cho các sinh viên đại học, anh đã gặp người vợ tương lai của mình. Chị cũng là một sinh viên tại trường đại học đó. Sau một năm hẹn hò, họ đi đến Utah và kết hôn trong Đền Thờ Salt Lake, rồi không bao lâu sau đó họ trở lại hoàn tất việc học của mình.

Vào lúc tốt nghiệp và trở về tiểu bang sinh quán của họ, thì người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng và người chồng đã có công ăn việc làm trong ngành mình đã chọn. Người vợ cho ra đời một đứa bé trai. Cuộc sống thật hạnh phúc.

Khi đứa con trai của họ được khoảng 18 tháng, họ quyết định đi nghỉ hè vài ngày thăm những người trong gia đình sống cách họ một vài trăm kilômét. Vào lúc đó, không ai biết đến ghế ngồi cho em bé và dây an toàn cho người lớn trong xe hơi, vậy nên không ai sử dụng cả. Ba người trong gia đình cùng ngồi ở băng ghế trước với đứa bé mới biết đi ngồi ở giữa.

Một lúc nào đó trong chuyến đi, người chồng và người vợ có một chút bất đồng ý kiến. Đã lâu rồi nên tôi không thể nhớ nổi điều gì gây ra sự bất đồng ý kiến đó. Nhưng tôi còn nhớ là trận cãi vã của họ dữ dội và trở nên gay gắt đến nỗi cuối cùng họ la hét nhau. Chúng ta có thể hiểu được là điều này khiến cho đứa con trai nhỏ của họ bắt đầu khóc to và người chồng nói tiếng khóc của đứa bé càng làm cho anh ấy nổi giận thêm. Mất hết bình tĩnh, anh ấy lượm một món đồ chơi mà đứa con đã đánh rơi xuống ghế và ném về phía người vợ của mình.

Anh ném hụt người vợ. Thay vì thế, món đồ chơi đập vào đầu đứa con trai và kết quả là nó bị thương ở não và bị tật nguyền suốt đời.

Đây là một trong những tình huống bi thảm nhất mà tôi từng thấy. Tôi đã khuyên bảo và khuyến khích họ. Chúng tôi nói về sự cam kết và trách nhiệm, sự chấp nhận và tha thứ. Chúng tôi nói về tình yêu và lòng tôn trọng cần phải trở lại với gia đình họ. Chúng tôi đọc những lời an ủi từ thánh thư. Chúng tôi cùng cầu nguyện chung. Mặc dù tôi không nghe tin tức gì về họ kể từ ngày đó cách đây rất lâu, nhưng họ đã mỉm cười qua màn lệ khi rời văn phòng tôi ra về. Trong suốt những năm tháng dài này, tôi hy vọng rằng họ đã quyết định để vẫn sống với nhau, được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô an ủi và ban phước.

Tôi nghĩ về họ bất cứ lúc nào tôi đọc những lời này: “Cơn tức giận không giải quyết được điều gì, không xây đắp một điều gì mà nó còn có thể hủy diệt mọi điều.”2

Chúng ta đều cảm thấy giận dữ. Điều đó có thể xảy ra khi những sự việc không có kết quả theo như chúng ta muốn. Điều đó có thể là phản ứng đối với một điều gì đó được nói về chúng ta hoặc với chúng ta. Chúng ta có thể trải qua điều đó khi người khác không cư xử theo đúng ý muốn của mình. Có lẽ điều đó xảy ra khi chúng ta phải chờ đợi một điều gì đó lâu hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể cảm thấy tức giận khi những người khác không thể thấy được những sự việc theo viễn ảnh của chúng ta. Dường như có vô số lý do để có thể nổi giận.

Có những lúc chúng ta có thể trở nên tức giận do việc tưởng tượng ra những tổn thương hay nghĩ là sự bất công. Chủ Tịch Heber J. Grant, Chủ Tịch thứ bảy của Giáo Hội, kể về lúc còn trẻ khi ông làm một việc gì đó cho một người đàn ông nọ và sau đó người này gửi cho ông một chi phiếu 500 đô la với một lá thư xin lỗi đã không thể trả hơn cho ông. Rồi Chủ Tịch Grant cũng làm một việc gì đó cho một người đàn ông khác—ông nói rằng việc làm này khó gấp 10 lần, vất vả hơn 10 lần và mất nhiều thời giờ hơn. Người đàn ông thứ hai gửi cho ông một chi phiếu 150 đô la. Thanh niên Heber này cảm thấy mình đã bị đối xử một cách rất bất công. Thoạt tiên, ông cảm thấy bị xúc phạm và rồi nổi giận.

Ông thuật lại kinh nghiệm đó với một người bạn lớn tuổi hơn và người này hỏi: “Người đàn ông đó có ý định sỉ nhục bạn không?”

Chủ Tịch Grant đáp: “Không. Người ấy nói với những người bạn của tôi rằng người ấy thưởng công cho tôi rất hậu.”

Và người bạn lớn tuổi hơn trả lời cho điều này: “Thật là rồ dại nếu cảm thấy bị sỉ nhục bởi một điều không có ý định để sỉ nhục mình.”3

Sứ Đồ Phao Lô hỏi trong sách Ê Phê Sô, chương 4, câu 26 của Bản Dịch Joseph Smith: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn.” Tôi xin hỏi: chúng ta có thể nào cảm nhận được Thánh Linh của Cha Thiên Thượng khi chúng ta nổi giận không? Tôi biết không có trường hợp nào như thế cả.

Từ sách Nê Phi chương 3 trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc:

“Sẽ không có sự tranh luận nào giữa các ngươi… .

“Vì quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỹ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.

“Này, đây không phải là giáo lý của ta, để kích động trái tim loài người tức giận, để người này chống lại với người kia, mà giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ.”4

Tức giận là đầu hàng ảnh hưởng của Sa Tan. Không một ai có thể làm cho chúng ta tức giận được. Đó là sự chọn lựa của chúng ta. Nếu muốn có được tinh thần trọn vẹn luôn luôn ở cùng chúng ta, thì chúng ta phải chọn không trở nên tức giận. Tôi làm chứng rằng điều như vậy có thể xảy ra được.

Cơn tức giận, công cụ của Sa Tan, thật là tai hại trong rất nhiều cách.

Tôi tin rằng đa số chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đáng buồn về Thomas B. Marsh và vợ của ông là Elizabeth. Anh Marsh là một trong số Các Sứ Đồ đầu tiên thời cận đại được kêu gọi sau khi Giáo Hội được phục hồi trên thế gian. Cuối cùng ông trở thành Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Trong khi Các Thánh Hữu đang ở Far West, Missouri, thì Elizabeth Marsh, vợ của Thomas, và bạn của bà là Chị Harris quyết định họ sẽ chia nhau sữa để làm thêm nhiều phó mát hơn. Để chắc chắn là tất cả những điều này phải được thực hiện công bằng, họ đồng ý không nên để dành phần váng sữa mà sữa cùng váng sữa cần phải đi chung với nhau. Váng sữa là phần có nhiều chất kem hơn và có được vào giai đoạn cuối của việc vắt sữa.

Chị Harris làm như đã thỏa thuận, nhưng Chị Marsh, vì muốn làm một loại phó mát thơm ngon đặc biệt nên để dành một lít váng sữa từ mỗi con bò và đưa cho Chị Harris sữa không có váng. Điều này khiến cho hai người phụ nữ này cãi nhau. Khi họ không thể giải quyết được mối bất hòa của mình, vấn đề được chuyển đến các thầy giảng tại gia để dàn xếp. Họ thấy là Elizabeth Marsh có lỗi vì không tuân theo điều thỏa thuận. Bà và chồng của bà bực mình với quyết định đó và rồi vấn đề được chuyển đến vị giám trợ để Giáo Hội xét xử. Tòa án của vị giám trợ quyết định rằng phần váng sữa giữ lại là sai và Chị Marsh đã vi phạm điều thỏa thuận với Chị Harris.

Thomas Marsh chống án lên hội đồng thượng phẩm, và những người thuộc vào hội đồng này xác nhận quyết định của vị giám trợ là đúng. Rồi ông chống án lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội. Joseph Smith và hai cố vấn của ông xem xét vụ kiện đó và tán thành quyết định của hội đồng thượng phẩm.

Anh Cả Thomas B. Marsh, ở bên phe vợ mình suốt thời gian này, càng ngày càng trở nên tức giận hơn với mỗi quyết định—thật ra, tức giận đến nỗi ông đi khai với một quan tòa là những người Mặc Môn đều căm ghét tiểu bang Missouri. Tờ khai của ông —hoặc ít nhất là một yếu tố trong đó—đưa đến lệnh tiêu diệt đầy ác độc của Thống Đốc Lilburn Boggs, làm cho hơn 15.000 Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi nhà của họ, với tất cả nỗi thống khổ kinh khiếp và cái chết tất nhiên tiếp theo sau. Tất cả điều này xảy ra vì một mối bất hòa về việc trao đổi sữa và kem.5

Sau 19 năm thù oán và mất mát, Thomas B. Marsh tìm đến Thung Lũng Salt Lake và xin Chủ Tịch Brigham Young tha thứ. Anh Marsh cũng viết cho Heber C. Kimball, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, về bài học ông đã học được. Anh Marsh nói: “Chúa đã có thể tiến hành công việc một cách tốt đẹp mà không cần tôi, và Ngài … đã không mất gì cả từ việc tôi sa vào sự bội giáo; Nhưng ôi thôi tôi đã đánh mất gì? Của cải, nhiều của cải quý báu hơn tất cả thế gian hoặc nhiều hành tinh giống như vậy có thể mang lại.”6

Những lời của thi sĩ John Greenleaf Whittier thật là thích hợp: “Trong tất cả những lời thốt ra từ miệng lưỡi hoặc viết xuống bằng bút thì điều đáng buồn nhất là: ‘Đáng lẽ ra!’”7

Thưa các anh em, chúng ta đều dễ nhạy cảm và nếu không kiềm chế thì điều đó có thể đưa đến cơn tức giận. Chúng ta trải qua nỗi bực mình, khó chịu hay phản kháng, và nếu chọn như vậy, thì chúng ta đánh mất bình tĩnh và trở nên tức giận với những người khác. Trớ trêu thay, những người khác đó lại thường là những người trong gia đình—những người chúng ta thật sự yêu thương nhất.

Cách đây nhiều năm, tôi đọc một bài viết của Thông Tấn Xã Associated Press đăng trên tờ nhật báo: “Một ông lão tiết lộ tại tang lễ của anh mình, là người ông sống chung từ thời thanh niên trong căn nhà gỗ nhỏ một phòng gần Canisteo, New York, rằng sau một trận cãi vã, họ đã chia đôi căn phòng ra bằng một lằn phấn vạch và không một người nào vượt qua lằn phấn đó hoặc nói với nhau một lời nào kể từ ngày đó—62 năm về trước.” Hãy nghĩ về hậu quả của cơn tức giận đó. Thật là một thảm cảnh!

Cầu xin cho chúng ta hãy quyết định có ý thức, mỗi lần chọn một quyết định như vậy, thì phải kiềm chế cơn giận, cũng như không thốt ra những lời cay độc và xúc phạm mà chúng ta có thể bị cám dỗ để thốt ra.

Tôi rất thích những lời của bài thánh ca do Anh Cả Charles W. Penrose sáng tác, là người phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong những năm đầu tiên của Thế Kỷ 20:

Hãy kiềm chế cảm nghĩ của mình, hỡi người anh em của tôi,

Hãy rèn luyện tâm tính nóng nảy đầy sôi nổi.

Đừng đè nén mối xúc động,

Mà hãy khôn ngoan kiềm chế.

Hãy kiềm chế cảm nghĩ của mình, có khả năng đó

Trong đầu óc điềm tĩnh đầy tự chủ.

Những cảm nghĩ mạnh mẽ khắc phục lý trí,

Và che khuất tầm nhìn rõ nhất.8

Mỗi người chúng ta đều nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Lời thề và giao ước của chức tư tế gắn liền với tất cả chúng ta. Đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đó là lời tuyên bố về điều kiện phải trung tín cùng tuân theo các luật pháp của Thượng Đế và làm vinh hiển những sự kêu gọi được ban cho chúng ta. Đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, đó là lời tuyên bố về bổn phận và trách nhiệm tương lai để các em có thể tự chuẩn bị mình từ bây giờ.

Lời thề và giao ước này được Chúa quy định trong những lời như sau:

“Vì những ai trung thành để nhận được hai chức tư tế mà ta đã nói tới, và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, thì được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới.

“Họ trở thành con trai của Môi Se và A Rôn, và dòng dõi của Áp Ra Ham, và giáo hội và vương quốc và dân chọn lọc của Thượng Đế.

“Và ngoài ra, tất cả nhửng ai tiếp nhận chức tư tế này tức là tiếp nhận ta, lời Chúa phán vậy;

“Vì kẻ nào tiếp nhận các tôi tớ ta tức là tiếp nhận ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận ta tức là tiếp nhận Cha ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận Cha ta tức là tiếp nhận vương quốc của Cha ta; vậy nên tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho kẻ đó.”9

Thưa các anh em, những lời hứa lớn lao đang chờ đón nếu chúng ta trung thành và trung tín với lời hứa và giao ước của chức tư tế quý báu mà mình đang nắm giữ. Cầu xin cho chúng ta được là những người con trai xứng đáng của Cha Thiên Thượng. Cầu xin cho chúng ta mãi mãi là tấm gương tốt trong gia đình mình và trung tín trong việc tuân giữ tất cả các lệnh truyền, để không nuôi dưỡng lòng hận thù đối với bất cứ người nào mà thay vì thế là những người hòa giải, luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Đấng Cứu Rỗi: “Nếu các ngươi yêu mến nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”10

Đây là lời cầu xin của tôi trong buổi tối hôm nay vào lúc kết thúc buổi họp chức tư tế trọng đại này, và cũng là lời cầu nguyện khiêm tốn và chân thành của tôi, vì tôi hết lòng và hết tâm hồn yêu mến các anh em. Và tôi cầu nguyện rằng phước lành của Cha Thiên Thượng luôn ở cùng mỗi anh em trong cuộc sống, trong nhà, trong lòng, trong tâm hồn của các anh em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Thi Thiên 37:8.

  2. Lawrence Douglas Wilder, được trích dẫn trong “Early Hardships Shaped Candidates,” Deseret News, ngày 7 tháng Mười Hai năm 1991, A2.

  3. Xin xem Heber J. Grant, Gospel Standards, do G. Homer Durham (1969) biên soạn, 288–89.

  4. 3 Nê Phi 11:28–30.

  5. Xin xem George A. Smith, “Discourse,” Deseret News, ngày 16 tháng Tư năm 1856, 44.

  6. Thư của Thomas B. Marsh gửi cho Heber C. Kimball, ngày 5 tháng Năm năm 1857, Brigham Young Collection, Church History Library.

  7. “Maud Muller,” The Complete Poetical Works of John Greenleaf Whittier (1876), 206.

  8. “School Thy Feelings,” Hymns, số 336.

  9. GLGƯ 84:33–38.

  10. Giăng 13:35.