2016
Anh Cả Ronald A. Rasband: Vị Lãnh Đạo Tài Ba, Người Cha Tận Tâm
April 2016


Anh Cả Ronald A. Rasband: Vị Lãnh Đạo Tài Ba, Người Cha Tận Tâm

Hình Ảnh
Elder Rasband

Hình ảnh được đăng do nhã ý của gia đình Rasband, ngoại trừ được ghi chú khác

Ron Rasband đã không bao giờ nghi ngờ rằng mình sẽ phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Câu hỏi duy nhất của cậu thanh niên 19 tuổi trong khi mở ra thư kêu gọi đi truyền giáo của mình là sẽ phục vụ ở đâu.

Ông nhớ lại: “Cha tôi đã đi truyền giáo ở Đức. Anh trai tôi đã đi truyền giáo ở Đức. Anh rể tương lai của tôi đã đi truyền giáo ở Đức. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đi Đức.”

Nhưng Chúa đã có kế hoạch khác. Thay vì thế, Ron đã được kêu gọi đến Phái Bộ Truyền Giáo Eastern States (Các Tiểu Bang ở Miền Đông), có trụ sở tại New York City, Hoa Kỳ. Lòng đầy thất vọng, ông mang lá thư kêu gọi vào phòng ngủ của mình, quỳ xuống cạnh giường và dâng lên một lời cầu nguyện, giở đại thánh thư ra một cách không chủ định, và bắt đầu đọc:

“Này, và trông kìa, ta có nhiều dân trong vùng này, và trong những vùng quanh đây; và một cánh cửa hữu hiệu cần phải được mở ra trong những vùng quanh đây tại vùng đất miền đông này.

“Vậy nên, ta, là Chúa, chịu để cho các ngươi đến chốn này; vì ta thấy việc này cần thiết để cứu rỗi loài người” (GLGƯ 100:3–4; thêm vào sự nhấn mạnh).

Ngay lập tức, Đức Thánh Linh xác nhận với Ron rằng sự kêu gọi của ông đến Phái Bộ Truyền Giáo Eastern States (Các Tiểu Bang ở Miền Đông) là không sai lầm.

Ông nhớ lại: “Tôi đi từ thất vọng đến việc có được ấn tượng của Thánh Linh qua thánh thư rằng đây là nơi mà Chúa muốn tôi đi. Đó là một kinh nghiệm thuộc linh làm thay đổi cuộc sống tôi.”

Công việc truyền giáo của ông ở Các Tiểu Bang Miền Đông là một trong vài sự kêu gọi của Giáo Hội mà sẽ đưa ông đến những nơi ông không bao giờ nghĩ là mình sẽ đến. Và với mỗi chức vụ kêu gọi—với tư cách là giảng viên, giám trợ, ủy viên hội đồng thượng phẩm, chủ tịch phái bộ truyền giáo, thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Chủ Tịch Thâm Niên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, và Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô—Anh Cả Ronald A. Rasband đã chấp nhận ý muốn của Chúa và tiếp tục trông cậy vào Thánh Linh của Ngài trong khi ông phục vụ con cái của Thượng Đế.

Được Sinh Trưởng trong Một Gia Đình Nề Nếp

Trong bài nói chuyện đầu tiên của ông với tư cách là Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Anh Cả Rasband đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tổ tiên của ông. Ông nói: “Tôi được sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, trong phúc âm, và tổ tiên trong sáu thế hệ của tôi cũng sinh trưởng trong gia đình nề nếp.”1

Hình Ảnh
young Elder Rasband with parents

Mẹ của ông, Verda Anderson Rasband, là một người lãnh đạo nhân từ đã dạy cho thiếu niên Ron yêu thích thánh thư. Cha của ông, Rulon Hawkins Rasband, là một người nắm giữ chức tư tế trung tín đã nêu gương về đức tính làm việc siêng năng.

Sinh ngày 6 tháng Hai năm 1951, ở Salt Lake City, Utah, Hoa Kỳ, Ronald A. (Anderson) Rasband là con một của cha mẹ ông. Cả hai cha mẹ ông đều đã từng kết hôn và ly dị trước đó, và Ron lớn lên với hai anh trai và một chị gái.

Chị của ông là Nancy Schindler nói: “Cậu ấy là một sự kết hợp của cha mẹ chúng tôi, vì vậy chúng tôi đều yêu thương cậu ấy. Ron không bao giờ để cho Cha Mẹ mình đứng cạnh nhau hoặc ngồi cùng nhau mà không có cậu ta ở giữa cả.”

Ron thường là một cậu bé ngoan, nhưng ông thú nhận rằng ông cũng rất tinh nghịch.

Ông nói: “Hơn một vài lần, các giảng viên [trong Hội Thiếu Nhi] của tôi đến gặp mẹ tôi, là chủ tịch Hội Thiếu Nhi giáo khu, và nói: ‘Ronnie Rasband là một đứa trẻ khó trị đấy.’ Nhưng họ không bao giờ nản lòng vì tôi. Họ cho tôi thấy tình yêu thương bao la và luôn luôn mời tôi trở lại lớp học.”2

Thời thơ ấu của Ron tập trung vào Giáo Hội—các buổi họp trong tiểu giáo khu, các buổi liên hoan trong tiểu giáo khu, các bữa ăn tối trong tiểu giáo khu, và các đội thể thao trong tiểu giáo khu. Khi không bận rộn trong nhà hội của Tiểu Giáo Khu Cottonwood First, ông làm công việc lặt vặt, có các sinh hoạt Hướng Đạo, và dành thời gian với bạn bè. Ở nhà, thời gian của gia đình được tập trung vào thánh thư, các trò chơi, và các công việc nhà.

Ông nói: “Cha tôi đã dạy cho tôi biết sự làm việc là gì bằng tấm gương của ông. Mẹ tôi đã dạy cho tôi về sự làm việc bằng cách bắt tôi phải làm việc.”

Cha của Ron lái xe tải giao bánh mì, hàng ngày thức dậy khoảng 4 giờ sáng và trở về nhà muộn mỗi tối. Mẹ của ông ở nhà nuôi con, góp phần vào thu nhập của gia đình bằng cách làm và bán những con búp bê bằng sứ mặc áo có ren.

Khả năng bẩm sinh của Ron để lãnh đạo, ủy quyền, và hoàn thành công việc—góp phần rất hữu hiệu trong những trách nhiệm chuyên môn và trong giáo hội của ông—đã sớm chứng tỏ rất là hữu ích.

Chị của ông nhớ lại: “Ron được giao cho công việc cắt cỏ.” Nhưng Ron, giống như Tom Sawyer của Mark Twain, đã có thể thuyết phục bạn bè của mình giúp đỡ.

Nancy nói: “Tôi thường nhìn ra bên ngoài, và thấy người bạn thân nhất của cậu ấy đang cắt cỏ giùm cho cậu ấy. Tuần sau lại thấy một người bạn khác của cậu ấy cắt cỏ. Cậu ấy chỉ ngồi ở hiên trước, cười và đùa giỡn với họ trong khi họ làm công việc của cậu ấy.”

Cha mẹ của Ron chật vật về mặt tài chính nhưng gia đình họ có phúc âm. Ron nhớ lại: “Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều tiền nhưng điều đó đã không bao giờ ảnh hưởng đến hạnh phúc của tôi.”

Những Người Bạn và Các Vị Lãnh Đạo Đáng Tin Cậy

Khi lớn lên, Ron đã được phước bởi có những người bạn tốt và các vị lãnh đạo chức tư tế đáng tin cậy, kể cả vị chủ tịch giáo khu thời niên thiếu của ông trong 14 năm—James E. Faust (1920-2007), là người sau đó đã phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Gia đình Ron có một mối quan hệ chặt chẽ với Chủ Tịch Faust và gia đình của ông. Ông nói: “Ông ấy luôn luôn gọi tôi là một trong những chàng trai Cottonwood của ông vì ông đã giúp nuôi dạy tôi.”

Ron không có thời gian để chơi trong đội thể thao của trường khi ông vào trường trung học vì ông luôn luôn có một công việc làm, nhưng ông đã dành thời gian cho những mối quan hệ bạn bè trung thành mà đã kéo dài suốt đời.

Người bạn thời thơ ấu của ông là Kraig McCleary nói: “Tôi đã luôn luôn ngưỡng mộ Ron về con người của anh ấy, nhưng anh ấy không hoàn hảo.” Ông mỉm cười nói thêm: “Tôi đã nói với anh ấy rằng nếu anh ấy được lên thượng thiên, thì tôi cũng sẽ được đến đó vì chúng tôi đã làm những điều tương tự khi lớn lên.”

Ron ra đi truyền giáo vào đầu năm 1970, nhưng Kraig đã nghĩ đến việc hoãn phục vụ truyền giáo cho đến sau mùa săn bắn vào mùa thu. Đó là lúc mà Ron gọi điện thoại cho ông từ phái bộ truyền giáo.

Anh McCleary nói: “Tôi không biết làm sao anh ấy được phép gọi điện thoại, nhưng anh ấy trách tôi vì đã không hào hứng lắm về việc đi truyền giáo. Dĩ nhiên là tôi đã không trì hoãn nữa.”

Ron gọi công việc truyền giáo của mình là một kinh nghiệm “tuyệt vời.” Ông nói: “Chúa ban phước cho tôi với nhiều kinh nghiệm kỳ diệu, do đức tin thúc đẩy. Công việc truyền giáo của tôi có một ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống thuộc linh của tôi.”

Một phần thời gian truyền giáo của Ron là ở các hòn đảo Bermuda. Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của ông là Harold Nephi Wilkinson, chỉ gửi “những người truyền giáo tuyệt đối vâng lời” đến đó vì ông chỉ có thể thỉnh thoảng đến thăm họ mà thôi.

Ron nhớ lại: “Chúng tôi hoàn toàn bị cô lập, nhưng chủ tịch đã không phải lo lắng về chúng tôi. Chúng tôi đã hoàn thành công việc truyền giáo của mình.”

“Cô Gái Lý Tưởng” của Câu Lạc Bộ Delta Phi

Sau khi hoàn tất công việc truyền giáo vào năm 1972, Ron tìm được một việc làm, ghi danh theo học tại trường University of Utah vào mùa thu năm đó, và gia nhập Câu Lạc Bộ Delta Phi Kappa, một câu lạc bộ của trường đại học dành cho những người đi truyền giáo trở về. Tại các buổi sinh hoạt xã hội của câu lạc bộ, ông để ý đến một thiếu nữ duyên dáng tên là Melanie Twitchell. Melanie là một trong “các cô gái lý tưởng” được chọn của Câu Lạc Bộ Delta Phi, là người đã giúp đỡ trong các sinh hoạt phục vụ của câu lạc bộ những người truyền giáo trở về nhà.

Giống như Ron, Melanie sinh trưởng trong một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tích cực. Cha của bà, là một sĩ quan chuyên nghiệp trong quân đội, và mẹ của bà không bao giờ để cho việc dọn nhà thường xuyên của gia đình trở thành một cái cớ để không đi nhà thờ.

Melanie cảm kích trước lòng tử tế, thái độ lịch lãm, và sự hiểu biết phúc âm của Ron. “Tôi tự nhủ: ‘Anh ấy là một người đàn ông thật tuyệt vời đến đỗi nếu tôi không bao giờ được đi hẹn hò với anh ấy thì cũng không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn làm người bạn thân nhất của anh ấy thôi.’”

Khi mối quan hệ của họ phát triển thì Thánh Linh xác nhận các ấn tượng của bà về Ron và về sự cam kết của ông đối với Chúa. Chẳng bao lâu tình bạn của họ nở rộ trở thành điều mà Melanie gọi là một “cuốn truyện cổ tích lãng mạn.”

Anh Cả Rasband nói rằng bà là một người bạn đời tâm đầu ý hợp với ông. “Melanie ngang tài, ngang sức với tôi trong lòng tận tụy và di sản phúc âm. Chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân nhất, và đó là lúc tôi cầu hôn bà.”

Hình Ảnh
Rasbands wedding day

Họ kết hôn vào ngày 4 tháng Chín năm 1973, trong Đền Thờ Salt Lake. Ông nói: “Kể từ khi đó, người bạn đời vĩnh cửu đầy vị tha [của tôi] … đã giúp tôi trở thành một môn đồ tôi luyện hơn của Chúa Giê Su Ky Tô. Tình yêu và sự hỗ trợ của bà và của 5 đứa con của chúng tôi, những người phối ngẫu của chúng, và 24 đứa cháu của chúng tôi, đã hỗ trợ tôi.”3

“Chúng Ta Đi Thôi”

Trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả trong tiếu giáo khu dành cho sinh viên đã lập gia đình của mình, Ron quen biết với Jon Huntsman Sr., cố vấn hội đồng thượng phẩm của tiểu giáo khu. Ngay lập tức, Jon đã có ấn tượng với cách Ron lãnh đạo nhóm túc số.

Anh Cả Huntsman, là người đã phục vụ với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng từ năm 1996 đến năm 2011, nhớ lại: “Anh ấy đã có kỹ năng lãnh đạo và tổ chức tuyệt vời. Tôi nghĩ đó là một điều hiếm hoi để thấy rằng một thanh niên đang còn theo học trường đại học lại có thể lãnh đạo một nhóm túc số theo cách như vậy.”

Trong nhiều tháng, Jon theo dõi Ron biến ý tưởng thành hành động khi ông hoàn thành các bổn phận chức tư tế. Khi có một chức vụ tiếp thị cao cấp được đăng tuyển tại công ty của Jon—sau này trở thành Huntsman Chemical Corporation—thì Jon quyết định rằng Ron đã có những kỹ năng mà Jon muốn và đề nghị thuê Ron. Công việc đó bắt đầu vào tuần lễ sau đó ở Ohio, Hoa Kỳ.

Ron nhớ lại: “Tôi nói với Melanie: ‘Anh sẽ không bỏ học và dọn đi đâu.’ Tôi đã cố gắng cả cuộc đời để được tốt nghiệp đại học, và cuối cùng tôi đã gần đạt được mục tiêu của mình rồi.”

Melanie nhắc Ron rằng việc tìm kiếm một việc làm tốt là lý do tại sao ông đi học đại học.

Bà hỏi: “Anh đang lo lắng điều gì? Em biết cách gói ghém đồ đạc và dọn nhà mà. Em đã làm việc này suốt cả đời rồi. Em sẽ để cho anh gọi mẹ anh mỗi đêm. Chúng ta đi thôi.”

Hình Ảnh
Elder Rasband with Jon Huntsman Sr

Sự tin tưởng của Jon nơi Ron được cho thấy là đúng. Dưới sự cố vấn của Jon, Ron tiến bộ rất nhanh trong công ty đang phát triển, và trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty vào năm 1986. Ông đi công tác rất nhiều—cả trong nước lẫn quốc tế. Mặc dù lịch trình của ông rất bận rộn nhưng Ron đều cố gắng để có mặt ở nhà vào cuối tuần. Và khi đi công tác, thỉnh thoảng ông cũng mang những người trong gia đình cùng đi với ông.

Melanie nói: “Khi ở nhà, anh ấy thực sự làm cho con cái cảm thấy đặc biệt và được yêu thương.” Ông tham dự các sinh hoạt và các trận đấu thể thao của con cái khi nào có thể được. Một trong bốn người con gái của vợ chồng ông là Jenessa MacPherson, nói rằng các bổn phận của ông trong Giáo Hội vào ngày Chủ Nhật thường không cho phép ông ngồi chung với gia đình trong các buổi họp của Giáo Hội.

Chị ấy nói: “Chúng tôi thường tranh giành để xem ai là người được ngồi gần cha ở nhà thờ vì đó là một điều rất hiếm hoi ở đó. Tôi nhớ đã đặt tay mình vào tay cha và tự nghĩ: ‘Nếu mình chỉ có thể học để trở nên giống như cha thì mình sẽ đi đúng hướng và sẽ trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.’ Cha tôi luôn là anh hùng của tôi.”

Hình Ảnh
Rasband family

Con trai của vợ chồng ông là Christian nhớ lại những kỷ niệm yêu dấu về “thời gian sinh hoạt giữa cha và con trai.” Anh nói: “Chúng tôi không kết bạn với ai được lâu vì phải dọn nhà thường xuyên, nhưng cha tôi luôn luôn là người bạn thân nhất của tôi”—mặc dù đó là một người bạn đầy tranh đua.

Cho dù chơi thẩy bóng vào rổ với Christian, chơi một trò chơi với các con gái của mình, hay câu cá với gia đình và bạn bè, Ron luôn thích giành phần thắng.

Christian nói: “Khi chúng tôi lớn lên, cha tôi không bao giờ để cho bất cứ ai thắng cả. Chúng tôi phải giành được phần thắng, nhưng điều đó làm cho chúng tôi giỏi hơn. Và truyền thống tiếp tục với các cháu yêu thương của ông.”

Trong những năm qua, gia đình của Ron đã có thể nhận thấy rõ ràng cách phục sự trong chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội đã gia tăng khả năng của ông để cho thấy tình yêu thương và lòng trắc ẩn, để bày tỏ những cảm nghĩ về Thánh Linh, và soi dẫn cho những người khác để họ có thể làm hết khả năng của mình. Sau khi sự ra đời của Paxton, đứa cháu ngoại trai của Ron và Melanie, gia đình đã trông cậy rất nhiều vào sức mạnh và sự hỗ trợ tinh thần của Ron.

Paxton ra đời với căn bệnh rối loạn nhiễm sắc thể rất hiếm và chịu nhiều vấn đề sức khỏe mà mang đến thử thách gia đình về mặt thể chất, tình cảm, và thuộc linh. Anh Cả Rasband đã gọi cuộc hành trình tiếp theo sự ra đời của Paxton là “một thử thách gắt gao để học hỏi các bài học đặc biệt liên quan đến tương lai của chúng ta trong thời vĩnh cửu.”4

Hình Ảnh
Elder and Sister Rasband with grandson

Trong ba năm ngắn ngủi của Paxton trên thế gian—khi có rất nhiều câu hỏi và rất ít câu trả lời—thì Anh Cả Rasband đã là một nguồn sức mạnh tinh thần, hướng dẫn gia đình của ông trong việc nhận được quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vài người trong gia đình và bạn bè đã không ngạc nhiên trước lời loan báo về chức vụ kêu gọi mới của ông. Christian nói: “Những người trong số chúng tôi mà biết cha tôi rõ nhất đều đã giơ tay lên cao nhất khi ông được tán trợ với tư cách là một Sứ Đồ.”

“Tôi Sẽ Đi Phục Vụ”

Vào năm 1996, lúc 45 tuổi, ở giữa đỉnh cao sự nghiệp, Ron được kêu gọi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo của Phái Bộ Truyền Giáo New York New York North. Giống như Các Sứ Đồ thời xưa, ông “liền bỏ lưới [mà theo Ngài]” (Ma Thi Ơ 4:20).

Anh Cả Rasband nói: “Tôi chấp nhận sự kêu gọi đó ngay lập tức.” Ông thưa với Chúa: “Nếu Chúa muốn con đi phục vụ, con sẽ đi phục vụ.”

Trong khi phục vụ, Ron đã sử dụng một bài học có ý nghĩa học được từ kinh nghiệm chuyên môn của mình: “Con người là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.”5 Với sự hiểu biết và kỹ năng lãnh đạo tinh thông của mình, ông đã sẵn sàng để bắt đầu phục vụ toàn thời gian trong vương quốc của Chúa.

Hình Ảnh
Elder Rasband as mission president in New York

Ron và Melanie thấy công việc truyền giáo ở New York City là đầy thử thách lẫn hào hứng. Ron đã dễ dàng giao phó trách nhiệm cho những người truyền giáo—điều này đã soi dẫn họ được trung thành, và giảng dạy, xây đắp và nâng đỡ họ trong tiến trình này.

Năm 2000, tám tháng ngắn ngủi sau khi Ron và Melanie đã hoàn tất công việc truyền giáo của mình, Ron đã được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, nơi mà sự chuẩn bị, kinh nghiệm, và nhiều tài năng của ông đã ban phước cho Giáo Hội. Là một thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, ông đã phục vụ với tư cách là cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Trung Âu, giúp giám sát công việc tại 39 quốc gia. Mặc dù ông đã rời trường đại học cách đây hơn 40 năm, nhưng ông vẫn còn là một sinh viên chăm chỉ, đón nhận sự hướng dẫn liên tục từ Các Vị Thẩm Quyền thâm niên của ông trong khi giám sát Các Giáo Vùng Tây Bắc Mỹ, Tây Bắc, và ba Giáo Vùng Utah; đã phục vụ với tư cách là Giám Đốc Điều Hành của Sở Đền Thờ; và đã phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, làm việc chặt chẽ với Nhóm Túc Số Mười Hai.

Mới gần đây, Anh Cả Rasband đã nhận xét: “Thật là một vinh dự và đặc ân lớn đối với tôi để được làm người hèn mọn nhất trong số Mười Hai Vị Sứ Đồ và học hỏi từ họ bằng mọi cách và trong mọi trường hợp.”6

“Điều Họ Đã Biết, Thì Tôi Cũng Được Biết”

Hình Ảnh
two paintings

Ở trên bên trái: ảnh do Wendy Keeler chụp; phải: Mormon Preachers, First Missionaries in Denmark, tranh do Arnold Friberg họa (dựa theo một bức tranh do Christen Dalsgaard họa, 1856); Dan Jones Awakens Wales, tranh do Clark Kelley Price họa

Hai bức tranh treo ở trên tường trong văn phòng của Anh Cả Rasband. Một bức tranh về những người truyền giáo Mặc Môn đang giảng dạy một gia đình ở Đan Mạch trong thập niên 1850. Bức tranh thứ hai là về người truyền giáo vào thời kỳ ban đầu, tên là Dan Jones, đang thuyết giảng từ bên trên một cái giếng ở Quần Đảo Anh. Các bức tranh (ở phía trên, bên phải) nhắc nhở Anh Cả Rasband về tổ tiên của ông.

Ông đã làm chứng: “Những người tiền phong đầu tiên này hy sinh tất cả những gì họ có vì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và để lại một di sản cho hậu thế của họ để noi theo.”7 Động cơ thúc đẩy tổ tiên của Anh Cả Rasband để tiến bước giữa nghịch cảnh và sự ngược đãi là hầu như đủ điều kiện cho ông để nhận được sự kêu gọi mới của ông: một sự hiểu biết và một bằng chứng chắc chắn về Chúa và công việc của Ngài.

Ông đã nói: “Tôi có rất nhiều điều để học hỏi trong chức vụ kêu gọi mới của mình. Tôi cảm thấy rất khiêm nhường về điều đó. Nhưng có một khía cạnh về chức vụ kêu gọi của mình mà tôi có thể làm. Tôi có thể làm chứng về ‘tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới’ (GLGƯ 107:23). Ngài hằng sống!”8

Với tư cách là dòng dõi của của những người tiền phong, ông nói thêm: “Điều tổ tiên tôi đã cảm thấy, tôi cũng cảm thấy được. Điều họ đã biết, thì tôi cũng được biết .”9

Và điều họ hy vọng nơi con cháu của họ đã được thể hiện trong cuộc sống, những lời giảng dạy, và sự phục vụ của Anh Cả Ronald A. Rasband, là người đang noi theo gương của họ và tôn vinh di sản của họ khi ông tiến bước với tư cách là một nhân chứng đặc biệt của Chúa.

Ghi Chú

  1. Ronald A. Rasband, “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, 89.

  2. Ronald A. Rasband, “Friend to Friend: Golden Nuggets,” Friend, tháng Mười năm 2002, 8.

  3. Ronald A. Rasband, “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” 89.

  4. Ronald A. Rasband, “Các Bài Học Đặc Biệt,” Liahona, tháng Năm năm 2012, 80.

  5. Ronald A. Rasband, buổi họp báo, ngày 3 tháng Mười năm 2015.

  6. Ronald A. Rasband, chứng ngôn, buổi họp đặc biệt devotional của Sở Chức Tư Tế và Gia Đình, ngày 1 tháng Mười Hai năm 2015.

  7. Ronald A. Rasband, “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” 89.

  8. Ronald A. Rasband, chứng ngôn.

  9. Ronald A. Rasband, bài nói chuyện trong Ngày Lễ Kỷ Niệm Người Tiền Phong, Đại Thính Đường, Salt Lake City, ngày 24 tháng Bảy năm 2007.