2017
Không Quá Muộn cho một Cơ Hội Thứ Hai
October 2017


Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô

Không Quá Muộn cho một Cơ Hội Thứ Hai

Tác giả sống ở Virginia, Hoa Kỳ.

Người cha của một học sinh đang gặp khó khăn của tôi đã nói với con gái của ông: “Không phải là quá muộn để cho con thành công đâu.” Chúa cũng ban cho chúng ta cùng một sứ điệp đó.

Hình Ảnh
father and daughter at a parent teacher conference

Tranh do Kelley McMorris minh họa

Sandra là một học sinh trong lớp tiếng Anh cấp cao của tôi. Nhiều tuần trong năm, em ấy đã không làm bất cứ bài tập hoặc dự án nào cả. Em ấy chỉ mơ mộng nơi bàn học của mình. Em ấy đã biện minh cho lý do tại sao em ấy đã không hoàn tất bài được chỉ định cho em, và em ấy đã không cho thấy thái độ cũng như việc làm cần thiết cho sự thành công trong một khóa học khó như vậy.

Người tư vấn của em và tôi đã quyết định lập lịch trình cho một buổi họp với Sandra, cha của em ấy, và một số giáo viên khác của em ấy để xác định hướng đi nào em ấy nên theo: em ấy nên bỏ các khóa học cấp cao của em và thay vì thế lấy các lớp học cơ bản chăng? Điều quan trọng nhất mà tất cả chúng tôi đều nghĩ tới là: liệu chúng tôi có thể tìm ra cách để giúp Sandra thành công không?

Vì tin rằng Sandra đã có rất nhiều cơ hội để thành công nhưng thay vì thế em ấy đã chọn để thất bại, nên tôi đã đi vào buổi họp mà cảm thấy rất nản lòng. Tôi đã thầm hy vọng rằng em ấy sẽ quyết định bỏ lớp học của tôi để tôi không phải lo lắng về em ấy nữa. Tôi cảm thấy mình đã làm hết khả năng rồi và bây giờ là đã quá muộn rồi.

Trong buổi họp, ngôn ngữ cử chỉ của Sandra đã cho thấy rằng em ấy cũng nghi ngờ khả năng thành công của mình. Em ấy đã nhìn chằm chằm xuống bàn trong khi tôi kể lại sự thất bại của em trong lớp học tiếng Anh. Trong khi giáo viên môn lịch sử của em ấy đã xác nhận rằng Sandra cũng đã thất bại trong lớp học của ông thì thân người của em ngồi sụp xuống trong ghế và tôi có thể nhìn thấy nước mắt chảy dài xuống mặt em ấy.

Thu hết lòng trắc ẩn, tôi đã giải thích với em ấy và cha em ấy rằng nếu Sandra muốn thành công trong những khóa học khó này, thì em ấy sẽ phải thay đổi hành vi mà đã đưa em ấy lâm quá xa vào tình cảnh này và điều đó sẽ rất là khó khăn.

Sứ Điệp từ Cha của Em Ấy

Sau đó, người tư vấn quay sang cha của Sandra, một người đàn ông ít học và dường như không thoải mái trong bối cảnh trường học. Người tư vấn này hỏi ông là ông có câu hỏi nào cho các giáo viên không. Ông nói không có và cám ơn chúng tôi về điều chúng tôi đã làm cho Sandra. Nhưng rồi ông ta nói là ông có điều muốn nói với con gái của ông.

Tim tôi thắt lại. Tôi đã từng tham dự một số buổi họp giữa cha mẹ và giáo viên, nơi mà cha mẹ đã khiển trách con cái của họ trước mặt các giáo viên và những người tư vấn, chỉ trích con cái họ vì đã lười biếng, không chú ý và thiếu động lực. Tôi chuẩn bị để nghe lời ông ấy.

Điều tôi nghe đã làm tôi ngạc nhiên. Người cha khiêm nhường của Sandra quay sang đứa con gái 16 tuổi với gương mặt chan hòa nước mắt đang bị đè nặng bởi sự xấu hổ và tiếc nuối và ông nói với con gái mình: “Chưa phải là quá muộn đâu. Không phải là quá muộn cho con để thành công đâu. Thật sự chưa phải là quá muộn đâu.”

Tôi rời buổi họp đó ra về với lòng biết ơn về phản ứng yêu thương của ông nhưng lo ngại rằng ông không hề biết điều mà con gái của ông cần phải làm để nhận được đủ điểm tiếp tục học. Điều này dường như không thể thực hiện được. Về sau, tôi được biết rằng rằng em ấy đã quyết định bỏ lớp lịch sử nhưng không bỏ lớp tiếng Anh của tôi.

Cuối ngày hôm đó khi tôi quỳ xuống cầu nguyện, suy nghĩ về những thiếu sót của mình và cầu xin Cha Thiên Thượng tha thứ, thì tôi nhận biết rằng mình đã phải học hỏi biết bao từ cha của Sandra. Cảm giác bất an và không thích đáng đôi khi đã xảy ra trong cuộc đời tôi làm tôi tự hỏi tôi có xứng đáng với cơ hội thứ hai hay không. Trong những giây lát đó, Chúa, cũng giống như cha của Sandra, đã chọn không khiển trách tôi mà thay vì thế trấn an: “Con gái của cha ơi, không phải là quá muộn đâu con. Không phải là quá muộn đâu.”

Sứ Điệp của Phúc Âm

Đã bao lần chúng ta tin vào sứ điệp của kẻ nghịch thù rằng chúng ta không còn hy vọng gì cả? Nhưng các vị tiên tri nói với chúng ta khác. Ê Sai tuyên bố: “Hãy trở lại cùng Đức Giê Hô Va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào” (Ê Sai 55:7). Mặc Môn thêm vào lời chứng của ông: “Một khi họ hối cải và chân thành xin được tha thứ thì họ sẽ được tha thứ” (Mô Rô Ni 6:8). Niềm vui mừng về phúc âm là không bao giờ quá muộn cả. Vì một khi chúng ta tìm kiếm sự tha thứ, thì sự cứu chuộc của Chúa sẽ cho phép chúng ta bắt đầu lại.

Sandra, với động lực để bắt đầu lại, đã có những thay đổi chậm nhưng quan trọng. Sự chuyển đổi đã không phải là dễ dàng—nó đã đòi hỏi nỗ lực hàng ngày để khắc phục những thói quen tật xấu của em ấy—nhưng em ấy đã nhìn thấy những phần thưởng của các nỗ lực của mình khi điểm học của em đã dần dần được cải thiện.

Từ quan điểm phúc âm, điểm học cuối cùng của chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc chúng ta bị chùn bước bao lâu hoặc chúng ta đã thất lạc khỏi Giáo Hội bao xa. Thay vì thế, Chúa sẽ phán xét cuộc sống của chúng ta dựa trên hướng đi nào mà chúng ta đang chọn, cách chúng ta đã hối cải và chúng ta đã trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa tới mức độ nào.

Theo sự hiểu biết hạn chế của mình, tôi đã nghi ngờ khả năng của Sandra để khắc phục những sai lầm trong quá khứ của em. Ngược lại, Đức Chúa Cha hoàn hảo của chúng ta không bao giờ đánh mất hy vọng nơi khả năng của con cái Ngài để đạt được sự cứu rỗi bằng cách được toàn thiện trong Đấng Ky Tô. Cho dù chúng ta đã đi lạc bao xa chăng nữa thì cũng không quan trọng; Ngài sẽ luôn luôn tìm kiếm người bị thất lạc. Chúa khẩn nài với chúng ta đừng đi lang thang như những người lạ trong tội lỗi nữa mà thay vì thế hãy tìm kiếm Ngài trong hy vọng và vui hưởng các phước lành của Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài. Thật vậy, không bao giờ là quá muộn cả.