2017
Giải Quyết Xung Đột trong Hôn Nhân của Anh Chị Em
October 2017


Giải Quyết Xung Đột trong Hôn Nhân của Anh Chị Em

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Các phước lành tuyệt vời đến từ việc giải quyết những xung đột trong một bầu không khí yêu thương.

Hình Ảnh
couple holding hands

Tranh do Sally Wern Comport minh họa

Matt và Margaret (tất cả tên đã được thay đổi) đã tắt truyền hình sau phiên họp kết thúc của đại hội trung ương. Các sứ điệp đầy soi dẫn, và họ đã tận hưởng bầu không khí lạc quan tràn ngập nhà của họ vào cuối tuần đó.

Không ai có thể cảm thấy thất vọng hơn Matt và Margaret khi mà chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, họ đã có một cuộc tranh cãi dữ dội về việc có nên để dành tiền thưởng bất ngờ Matt đã nhận được tại sở làm hoặc tiêu xài số tiền đó cho quần áo mặc đi học cho mấy đứa con lớn hơn. Cuộc tranh luận không được giải quyết, và Matt và Margaret mỗi người tiếp tục làm những nhiệm vụ khác và cảm thấy bị hiểu lầm.

Để tạo ra một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc, các cặp vợ chồng phải học cách giải quyết xung đột để mỗi cá nhân cảm thấy được thông cảm và đưa ra các quyết định liên quan đến thỏa hiệp có thể chấp nhận được.

Lời Cảnh Báo và Hướng Dẫn về Phần Thuộc Linh

Thánh thư và những lời của các vị tiên tri và các sứ đồ đưa ra rất nhiều lời cảnh báo về sự tranh chấp. Trong 3 Nê Phi, chúng ta đọc: “Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp” (3 Nê Phi 11:29). Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng Sa Tan “cố gắng tạo ra chia rẽ và bất hòa giữa cha mẹ. Nó cám dỗ con cái không vâng lời cha mẹ. … Sa Tan biết rằng cách an toàn và hiệu quả nhất để phá hoại công việc của Chúa là làm giảm hiệu quả của gia đình và sự thánh thiện trong nhà.”1

Sự khác biệt về quan điểm, thói quen hoặc bối cảnh là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có nhiều nguồn phương tiện để giúp chúng ta biết cách đối phó. Giáo lý và lời chỉ dẫn được giảng dạy trong lúc thờ phượng trong ngày Chủ Nhật và các ấn phẩm của Giáo Hội có thể giúp đỡ và có thể được bổ sung với thông tin chuyên môn hữu ích khi cần. Các cặp vợ chồng có thể tìm hiểu các phương pháp để giải quyết xung đột. Sự soi dẫn có thể dẫn đến việc thay đổi tâm hồn mà làm mềm lòng mỗi người phối ngẫu từ bên trong.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã cảnh báo: “Một số cơ hội lớn nhất của chúng ta để cho thấy tình yêu thương sẽ là ở bên trong nhà của chúng ta. Tình yêu thương phải là phần quan trọng nhất của cuộc sống gia đình, tuy nhiên thường thì không phải như vậy. Có thể có quá nhiều sự thiếu kiên nhẫn, quá nhiều tranh cãi, quá nhiều cãi vã, quá nhiều nước mắt.”2

Khi những rắc rối tồn tại và bắt đầu phá hoại cuộc sống gia đình, thì có thể có thêm những nguyên nhân xung đột trầm trọng kể cả sự không chín chắn, ích kỷ, mong muốn giành quyền hành và tính kiêu ngạo. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã dạy: “Đã từ lâu, tôi cảm thấy rằng yếu tố quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc là một mối quan tâm lo lắng cho sự thoải mái và an lạc của người bạn đời của mình. Trong đa số trường hợp, tính ích kỷ là yếu tố hàng đầu gây ra tranh luận, ly thân, ly dị, và đau khổ.”3

Anh Cả Marvin J. Ashton (1915–94) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng đã nói rằng: “Khi một người nghĩ rằng cảm nghĩ xấu và sự khó chịu là do cuộc tranh chấp gây ra thì nên hỏi: ‘Tại sao tôi tham gia vào cuộc tranh chấp đó?’ …

“… Là điều quan trọng để nhận ra rằng chúng ta chọn hành vi của mình. Nguyên nhân của vấn đề này là vấn đề kiêu ngạo muôn thuở.”4

Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, chúng ta cũng cần phải học những kỹ năng mới và làm mềm lòng mình khi vấn đề vẫn tồn tại.

Nguyên Nhân Gây Ra Xung Đột

Hình Ảnh
silhouette of couple arguing

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xung đột, từ những thành kiến cá nhân thiển cận đến những cách giao tiếp sâu xa cố hữu. Ngoài việc khắc phục tính ích kỷ và không chín chắn, các cặp vợ chồng còn sẽ phải đối mặt với các nguyên nhân xung đột phổ biến khác mà gồm có các yếu tố như sau:

  • Những người mới kết hôn đang học cách điều chỉnh hành vi để thích nghi với nhau

  • Sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ

  • Tính cáu kỉnh do mệt mỏi mà ra

  • Ý kiến khác nhau về cách nuôi dạy con cái hoặc quản lý tài chính hữu hiệu nhất

  • Trẻ em học cách sử dụng quyền tự quyết

  • Những sở thích và những điều không thích cũng khác nhau

  • Phản ứng quá đáng đối với tình trạng căng thẳng vì áp lực

  • Thiếu hiểu biết hoặc kỹ năng giải quyết xung đột

Lời Cảnh Báo về Cơn Tức Giận

Nhiều cảnh xung đột trong hôn nhân và gia đình nảy sinh vì cơn tức giận không kiềm chế được. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể liên tục tức giận suy nghĩ về cách chúng ta bị đối xử. Càng nghiền ngẫm về điều đó thì chúng ta càng có thể nghĩ ra thêm nhiều lý do để biện minh cho quan điểm của mình. Lối suy nghĩ tiêu cực dai dẵng này có thể ngăn không cho chúng ta trấn tĩnh lại, và khi một làn sóng giận dữ thứ hai xảy ra trước khi giải quyết vấn đề với cơn nóng giận đầu tiên thì các phản ứng với nội tiết tố có thể dẫn tới cơn bùng phát giận dữ mãnh liệt.

Ví dụ, trong một buổi tư vấn, Marilyn đã mô tả về sự khó chịu biết bao khi vợ chồng chị ấy đã hét vào mặt nhau trong khi nằm trên giường. Chị ấy nói: “Tôi biết là mình đúng.” “Tôi biết là anh ấy sẽ vặn đèn lên và xin lỗi, nhưng anh ấy không bao giờ làm thế. Càng nghĩ về điều đó tôi càng thấy tức điên lên. Khi nghe thấy chồng tôi bắt đầu ngáy, thì tôi không thể chịu đựng nổi nữa—Tôi nhảy ra khỏi giường và hét vào mặt anh ta một vài lần nữa rồi đi xuống dưới lầu. Anh có thể tin rằng chồng tôi vẫn không xin lỗi không?” Kinh nghiệm của Marilyn là một ví dụ điển hình về cách không đối phó với những cảm giác tức giận.

Các thói quen, thậm chí cả những thói quen ngắn hạn, có vẻ khó bỏ được. Nhưng vợ chồng có thể học các kỹ năng để giúp đỡ. Sau đây là một số cách thực hành hữu ích:

7 Lời Khuyên để Bình Tĩnh Lại

Nhanh chóng xem xét lại những suy nghĩ. Trong ví dụ của chúng ta, Marilyn có thể đã tự nhủ: “Dường như là tôi đã đúng, nhưng tôi đã phản ứng quá đáng. Mối quan hệ của tôi với chồng tôi còn quan trọng hơn điều chúng tôi đang tranh cãi.”

Để cho những mối cảm xúc của anh chị em được trấn tĩnh lại trước khi anh chị em cố gắng giải quyết một vấn đề. Chờ đợi cho phản ứng hóa học có thể nguội dần.

Tìm ra một điều gì để làm cho xao lãng không chú ý đến vấn đề đó nữa. Chọn suy nghĩ về một điều gì khác hoặc đi tản bộ.

Ghi xuống những ý nghĩ của anh chị em. Đối với một số người, điều này giúp gia tăng sự tự giác.

Bày tỏ cảm nghĩ của mình trong cách có hiệu quả. La hét để cho biết cảm nghĩ của anh chị em sẽ không giúp anh chị em “trút bỏ những cảm nghĩ đó ra khỏi lòng mình.” Anh chị em càng trút bỏ những cảm nghĩ đó một cách giận dữ thì những cảm nghĩ của anh chị em sẽ càng trở nên mãnh liệt hơn.

Nghe nhạc êm dịu hoặc đọc các tác phẩm văn chương nâng cao tinh thần.

Bắt đầu lại. Hãy ngừng lại ngay lúc bắt đầu bất đồng ý kiến. Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng từ ba đến năm phút đầu tiên của một cuộc trò chuyện đặt nền tảng cho những gì có thể sẽ theo sau. Hãy nói: “Điều này đang đi theo một chiều hướng xấu. Chúng ta hãy bắt đầu lại.”

Các Bước để Giải Quyết Xung Đột

Hình Ảnh
couple sitting together at table

Strengthening Marriage (Củng Cố Hôn Nhân), một sách học của Dịch Vụ Gia Đình THNS, đề nghị ba bước để giải quyết xung đột: (1) bày tỏ quan điểm, (2) khám phá những mối quan tâm, và (3) lựa chọn các giải pháp có thể làm cho cả hai người phối ngẫu đều mãn nguyện.5 Các bước này dựa trên mô hình giao tiếp và chia sẻ mà có sự hợp tác và giải quyết các vấn đề của mọi người có liên quan.

1. Bày Tỏ Quan Điểm

Mỗi cá nhân chia sẻ quan điểm một cách trung thực chứ không đả kích. Đôi khi sự suy nghĩ chín chắn giải quyết được vấn đề khi thấy rõ ràng sự bất đồng ý kiến chỉ là một sự hiểu lầm. Ví dụ, một người vợ nghĩ rằng chồng mình đang ích kỷ cố nài chị đi xem một trận bóng rổ ở trường trung học với anh thay vì đi ra ngoài ăn tối với chị ấy, có thể hiểu rằng anh ấy ít quan tâm đến bóng rổ hơn là chú ý đến một cầu thủ bóng rổ mà đã ngừng tham dự lớp Trường Chủ Nhật của anh.

2. Khám Phá Những Mối Quan Tâm

Các cặp vợ chồng khám phá những mối quan tâm ở mức độ sâu sắc hơn. Sự tập trung là vào sự hiểu biết và chấp nhận những mối quan tâm của nhau. Tiếp tục ví dụ về bóng rổ, người vợ mặc dù hiểu mối quan tâm của chồng mình đối với học viên, nhưng chị ấy có thể tin rằng anh đang phát triển một mẫu mực luôn đặt nhu cầu của người khác ưu tiên hơn nhu cầu của hôn nhân. Trong trường hợp này, cần phải có một cuộc thảo luận chín chắn hơn mà trong đó mỗi người bày tỏ mối cảm xúc trong một cách nhạy cảm và sự chống đối của họ sẽ nhường chỗ cho sự hợp tác.

3. Lựa Chọn Các Giải Pháp Có Thể Làm cho Cả Hai Người Phối Ngẫu Đều Thỏa Mãn

Cặp vợ chồng suy nghĩ kỹ và quyết định lựa chọn các giải pháp mà có thể làm cho cả hai vợ chồng đều mãn nguyện. Sự tập trung là về những gì mỗi cá nhân có thể làm để giải quyết các mối quan tâm thay vì những gì mà người phối ngẫu của họ có thể làm. Sự thương lượng như vậy có thể thử nghiệm sự chín chắn và kiên nhẫn, nhưng theo thời gian, dẫn đến một niềm tin rằng có sự an toàn trong việc bày tỏ cảm nghĩ và tin tưởng rằng ước muốn của mỗi người sẽ được giải quyết. Cặp vợ chồng trong ví dụ của chúng ta có thể đồng ý dành ra một tối thứ Sáu cùng nhau đi xem một trận bóng rổ, một tối thứ Sáu mà người chồng xem trận đấu một mình, và hai tối thứ Sáu họ đi chơi chung với nhau. Cách mà cặp vợ chồng chọn dành ra vào tối thứ Sáu thì không quan trọng bằng chất lượng của tiến trình đưa ra quyết định để làm cho cả hai được mãn nguyện.

Kết Quả của Việc Giải Quyết Xung Đột

Hình Ảnh
couple praying together

Các phước lành tuyệt vời đến từ việc giải quyết những xung đột trong một bầu không khí yêu thương. Những phước lành này gồm có sự an toàn; sự tăng trưởng cá nhân mà dẫn đến sự bình an nội tâm; đức tin được gia tăng; và sự ngay chính cá nhân.

Khi các xung đột được giải quyết, thì mới có thể có các mẫu mực mới. Sau đó, có cơ hội cho những người phối ngẫu để bày tỏ những ý nghĩ tích cực và cho thấy sự hỗ trợ. Chị Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, nói: “Những lời nói có sức mạnh đáng ngạc nhiên, có thể làm cho người khác vui lẫn làm cho họ buồn. Chúng ta có lẽ đều nhớ những lời nói tiêu cực mà làm cho chúng ta nản lòng và những lời nói khác được thốt ra với tình yêu thương đã làm nâng cao tinh thần của chúng ta. Việc chọn để chỉ nói lời tích cực về người khác—và với—người khác đều làm nâng cao tinh thần và củng cố những người xung quanh và giúp người khác đi theo con đường của Đấng Cứu Rỗi.”6

Các cặp vợ chồng nào đã có sự tiến bộ lâu dài trong việc giải quyết xung đột nhận được những phần thưởng mong muốn. Một người chồng từng ở trong một mối quan hệ đầy khó khăn trước đây nói: “Thật khó cho tôi để nhìn lại mối quan hệ vợ chồng trước đây và tin rằng đó là sự thật. Làm sao tôi đã có thể đối xử với vợ tôi như vậy? Tôi biết ơn Thánh Linh đã lưu ý tôi và biết ơn về sự kiên nhẫn mà vợ tôi đã cho tôi thấy.”

Kết luận

Việc khắc phục xung đột cần có nỗ lực ý thức và hành động. Điều tiếp theo mà anh chị em nói hoặc làm ngay sau đó có thể bắt đầu những mẫu mực giao tiếp tích cực hơn trong hôn nhân của anh chị em. Anh chị em cũng có thể gặt hái được trái của Thánh Linh như những người dân Nê Phi đã kinh nghiệm: “Trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra, nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.

“Và cũng không có những sự ganh tị, xung đột, xáo trộn … ; và quả thật, chẳng có một dân tộc nào mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:15–16).

Ghi Chú

  1. M. Russell Ballard, “The Sacred Responsibilities of Parenthood” (Buổi họp đặc biệt devotional ở trường Brigham Young University, ngày 19 tháng Tám năm 2003), 3, speeches.byu.edu.

  2. Thomas S. Monson, “Tình Yêu Thương—Thực Chất của Phúc Âm,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 92.

  3. Gordon B. Hinckley, “Loyalty,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 59.

  4. Marvin J. Ashton, “No Time for Contention,” Ensign, tháng Năm năm 1978, 9.

  5. Xin xem Strengthening Marriage: Resource Guide for Couples (2006), 19–20.

  6. Jean B. Bingham, “Tôi Sẽ Mang Ánh Sáng Phúc Âm vào Nhà Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, 7.