Thư Viện
Hãy Kiên Nhẫn với Bản Thân Mình và Với Người Khác


“Hãy Kiên Nhẫn với Bản Thân Mình và Với Người Khác,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
hai người phụ nữ đang nói chuyện ở nhà thờ

Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi của Anh Chị Em

Hãy Kiên Nhẫn với Bản Thân Mình và Với Người Khác

Các Thánh Hữu ban đầu đã có một sự làm chứng cá nhân về Joseph Smith và Sự Phục Hồi. Họ đã chứng kiến các phép lạ—những công việc phiên dịch, sự chữa lành, và các khải tượng. Họ cũng đã thấy những thử thách, lỗi lầm, và thất bại. Họ đã học cách noi theo vị tiên tri với “lòng kiên nhẫn và đức tin.”1

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Hãy tử tế đối với sự yếu đuối của con người—sự yếu đuối của chính anh chị em cũng như sự yếu đuối của những người phục vụ trong một Giáo Hội được những người trần thế tình nguyện lãnh đạo. Ngoại trừ trường hợp của Con Độc Sinh hoàn hảo của Ngài, Thượng Đế đã phải làm việc với những người không hoàn hảo.” Anh Cả Holland kêu gọi chúng ta phải “kiên nhẫn, tử tế và biết tha thứ” cho nhau.2 Một ví dụ về tính kiên nhẫn là khả năng dành sự chú ý mang tính xây dựng của chúng ta đối với một điều nào đó trong một thời gian dài trong khi tránh bực bội và tức giận. Điều này đòi hỏi lòng khiêm nhường, tử tế và sự cảm thông. Chúng ta tăng trưởng trong đức tin khi chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn với anh chị em của mình và với bản thân mình. Hãy suy ngẫm về các nguyên tắc sau đây:

  • Hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Có thể bối rối hoặc khó chịu khi anh chị em biết được một điều nào đó về Giáo Hội hoặc lịch sử của Giáo Hội mà trái ngược với điều anh chị em đã hiểu trước đây. Hãy cho phép mình có thời gian để thấy vấn đề rõ ràng hơn và bắt đầu hiểu thông tin mới. Tiếp tục nghiên cứu và cầu nguyện. Có thể mất thời gian trước khi anh chị em cảm thấy như mình đã trở lại với nền tảng vững chắc. Những người nào đã trải qua tiến trình này đều có thể làm chứng rằng điều đó đã làm gia tăng sự cải đạo của họ theo phúc âm.

  • Hãy kiên nhẫn với các tín hữu Giáo Hội. Không có tín hữu nào của Giáo Hội là hoàn hảo cả. Các tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta đầy dẫy các tín đồ nhiệt thành là những người thường không sống theo các tiêu chuẩn cao nhất của phúc âm. Chúng ta tìm thấy trên thế gian các vấn đề tương tự—tính bè phái, ích kỷ, yếu kém về mặt đạo đức, và còn nhiều nữa—nơi các Thánh Hữu Ngày Sau. Khi thờ phượng và cùng nhau phục vụ, chúng ta sẽ chứng kiến những lỗi lầm và thất bại của nhau. Chúng ta nên dành chỗ cho ân điển của Thượng Đế khi những người khác cố gắng cải thiện, cũng giống như chúng ta cần sự kiên nhẫn của họ đối với các nỗ lực đầy thiện chí của mình.

  • Hãy kiên nhẫn với những người muốn giúp đỡ. Những người đang gặp khó khăn với những thắc mắc hoặc những điều không chắc chắn thường tìm đến những người trong gia đình, bạn bè, hoặc các vị lãnh đạo địa phương để được giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp, những mối quan hệ này mang đến sự an ủi và hỗ trợ. Rủi thay, đôi khi người mà chúng ta tìm đến lại trở nên phòng thủ hoặc nghi ngờ hay không thể hiện sự đồng cảm. Có thể rất khó để kiên nhẫn với người khác khi chúng ta đang ở trong thời điểm khủng hoảng. Nhưng họ cần sự kiên nhẫn của chúng ta cũng giống như chúng ta cần sự kiên nhẫn của họ.

  • Hãy kiên nhẫn với các vị lãnh đạo Giáo Hội. Các vị lãnh đạo Giáo Hội được kêu gọi để hướng dẫn công việc này đều là những người không hoàn hảo. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf nhận xét rằng “đôi khi các tín hữu hoặc các vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã làm những điều sai lầm.”3 Điều này đã đúng trong quá khứ và bây giờ vẫn đúng. Một vị lãnh đạo Giáo Hội có thể nói một điều gì đó khiến anh chị em cảm thấy khó chịu hoặc cảm thấy bị cô lập. Họ có thể không cho thấy lòng trắc ẩn hoặc sự thông cảm mà anh chị em cần. Việc cho thấy sự kiên nhẫn với các vị lãnh đạo không có nghĩa là chúng ta khoan dung cho những hành vi bất hợp pháp hoặc lạm dụng ngược đãi. Nhưng chúng ta nên đưa ra sự hỗ trợ, tình yêu thương, và sự kiên nhẫn cho đại đa số các vị lãnh đạo Giáo Hội khi họ lao nhọc một cách không hoàn hảo chỉ cho Si Ôn.

  • Hãy kiên nhẫn với kỳ định của Chúa. Khi có thắc mắc về Giáo Hội, chúng ta thường muốn nhanh chóng đạt được câu trả lời. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc đọc tất cả mọi điều chúng ta có thể tìm thấy về một vấn đề đều sẽ hữu ích bất kể từ nguồn gốc nào. Hoặc chúng ta có thể cho rằng một lời cầu nguyện hoặc một buổi họp với một vị lãnh đạo Giáo Hội sẽ nhanh chóng giải quyết những cảm nghĩ của chúng ta. Nhưng việc tìm kiếm sự bình an thường là một tiến trình lâu hơn. Sự chênh lệch giữa hy vọng của chúng ta với thực tế hiện tại của chúng ta có thể khiến chúng ta đau lòng. Giống như Nê Phi, chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng “[Thượng Đế] yêu thương con cái của Ngài” mặc dù chúng ta “không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc.”4

Các câu thánh thư then chốt: Rô Ma 5:3–4; An Ma 7:23; Giáo Lý và Giao Ước 21:5