Thư Viện
Nhận Ra Rằng Sự Mặc Khải Là một Tiến Trình


“Nhận Ra Rằng Sự Mặc Khải Là một Tiến Trình,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
thiếu nữ ở Ghana ngồi bên ngoài bậc thềm và viết nhật ký

Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi của Anh Chị Em

Nhận Ra Rằng Sự Mặc Khải Là một Tiến Trình

Thật là dễ dàng để tưởng tượng rằng khi Thượng Đế muốn truyền đạt một điều gì đó, thì Ngài chỉ tìm đến các vị lãnh đạo Giáo Hội để cho họ biết. Nhưng lịch sử của Sự Phục Hồi cho thấy rằng sự mặc khải là một tiến trình tìm cách biết được ý muốn của Thượng Đế và thường nhận được sau khi đã suy ngẫm và khẩn nài. Điều này đúng đối với các vị tiên tri và đối với mỗi người chúng ta. Chủ Tịch Russell M. Nelson khuyên nhủ tất cả chúng ta “vượt quá khả năng thuộc linh hiện tại của mình để nhận được sự mặc khải cá nhân.”1

Sau đây là một vài nguyên tắc mà sẽ giúp đỡ anh chị em khi anh chị em học hỏi về sự mặc khải đang được tiết lộ, trong Giáo Hội lẫn trong cuộc sống của anh chị em:

  • Hãy nhớ rằng sự mặc khải thường bắt đầu với những câu hỏi. Tấm gương của Joseph Smith cho thấy rằng quyền tự quyết và các câu hỏi chân thành của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình mặc khải. Hầu như mỗi tiết của sách Giáo Lý và Giao Ước đều trả lời cho một câu hỏi. Chúa đã dạy Joseph phải nghiên cứu kỹ những điều trong tâm trí của ông và tìm kiếm tinh thần mặc khải. Tiến trình đối phó với các vấn đề, tìm kiếm sự hiểu biết, thử nghiệm những câu trả lời khác nhau có thể có, và cầu nguyện để được hướng dẫn chuẩn bị tấm lòng của chúng ta và mở rộng tâm trí chúng ta. Tiến trình này giúp chúng ta tiếp nhận, hiểu và hành động theo sự mặc khải.

  • Nhận ra rằng sự mặc khải đến từng hàng chữ một. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta là các nhân chứng cho một tiến trình của sự phục hồi. “Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi một cách trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu.”2 Đây là một Giáo Hội sinh động. Mặc dù các lẽ thật phúc âm thiết yếu không thay đổi, nhưng các chính sách, chương trình, tổ chức, và những lời giảng dạy của Giáo Hội đã được mặc khải từng hàng chữ một qua nhiều tháng, nhiều năm, và nhiều thập niên. Và tiến trình này vẫn tiếp tục. Không phải lúc nào cũng có thể thấy được sự kết thúc ngay từ lúc ban đầu, nhưng chúng ta có thể tin cậy rằng Chúa sẽ tiếp tục làm việc với con cái của Ngài để mang lại thêm ánh sáng cho chúng.

  • Hãy nhớ rằng Thượng Đế nói với chúng ta theo sự hiểu biết của chúng ta. Tất cả con người đều được định hướng bởi văn hóa: niềm tin, phong tục, ngôn ngữ, và giá trị mà chúng ta chia sẻ. Các nền văn hóa thay đổi rất nhiều từ nơi này đến nơi khác và theo thời gian. Sự sẵn lòng của Thượng Đế để ban cho sự mặc khải nói với chúng ta trong các nền văn hóa của chúng ta và theo sự hiểu biết của chúng ta là một lẽ thật tuyệt vời của Sự Phục Hồi. Việc ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta tiếp cận thánh thư và những lời của các vị tiên tri thời xưa với lòng khiêm nhường. Thượng Đế nói với dân Y Sơ Ra Ên thời xưa theo sự hiểu biết ở vùng Cận Đông xa xưa của họ. Ngài nói với Joseph Smith bằng cách sử dụng các biểu tượng và ngôn ngữ từ văn hóa Mỹ vào các thập niên 1800 của ông. Và Thượng Đế truyền đạt cho chúng ta ngày nay theo những cách chúng ta có thể hiểu được với khả năng hạn chế của riêng chúng ta.

  • Hãy trung tín và tin tưởng. Các Thánh Hữu Ngày Sau thường tuyên bố “Tôi biết” khi họ chia sẻ chứng ngôn của họ. Những lời bày tỏ chân thành này mô tả những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân nhận được bằng cách nghiên cứu và sống theo phúc âm. Nhưng tất cả chúng ta đều bước đi bằng đức tin trong cuộc sống này. Chúa Giê Su Ky Tô chỉ yêu cầu chúng ta bắt đầu bằng cách tin tưởng. Cũng không sao nếu anh chị em có những điều không biết chắc. Không sao nếu ngay bây giờ tất cả những gì anh chị em có chỉ là một ước muốn để tin. Giống như người cha đã cầu xin Chúa Giê Su chữa lành cho con mình, anh chị em có thể nói: “Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi.”3

  • Hãy nhớ rằng tất cả những điều tốt lành đều từ Thượng Đế mà đến. Khi thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith, ông đã đọc thuộc lòng lời tiên tri của Giô Ên rằng Chúa sẽ trút Thánh Linh của Ngài lên cả mọi loài xác thịt trong những ngày sau rốt.4 Mặc dù có nhiều điều xấu xa trên thế gian, nhưng nó cũng đầy dẫy điều tốt lành và lẽ thật. Điều này gồm có những tiến bộ trong khoa học và y học cùng các nỗ lực để gia tăng sự tôn trọng đối với tất cả mọi người. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã dạy rằng Thượng Đế nói với các cá nhân trong mọi nền văn hóa. Giống như chúng ta mời người khác cùng tham gia với mình và “mang theo tất cả những gì tốt đẹp mà anh chị em có,” chúng ta cũng chấp nhận lẽ thật bất cứ nơi nào chúng ta tìm thấy nó.5

  • Biết rằng việc nhận được sự mặc khải có thể là một điều khó khăn. Mặc dù câu trả lời cho các câu hỏi của chúng ta đôi khi đến nhanh chóng và dễ dàng, nhưng sự mặc khải cũng có thể mất nhiều năm cố gắng. Hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống cũng có thể làm cho chúng ta gặp khó khăn khi tìm kiếm sự mặc khải cá nhân. Ví dụ, một số người trải qua những căn bệnh như bệnh trầm cảm mà làm cho họ cảm thấy khó gần gũi với Thượng Đế hơn. Chúng ta có thể làm phần vụ của mình để giải quyết những thử thách này trong khi tiếp tục tin cậy rằng Chúa sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự bình an. Chỉ vì anh chị em chưa nhận được câu trả lời từ Thượng Đế thì không nhất thiết có nghĩa là anh chị em đang làm điều sai trái. Hãy kiên nhẫn và nuôi dưỡng đức tin của mình khi anh chị em trông đợi Chúa.

  • Tiếp tục tìm kiếm sự mặc khải. Trong khi anh chị em tìm kiếm sự bình an liên quan đến những thắc mắc của mình thì hãy tiếp tục làm những điều cơ bản: cầu nguyện, học thánh thư, dự phần Tiệc Thánh, cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, và thờ phượng trong đền thờ. Ngoài ra, anh chị em cũng có thể tìm cách gần gũi với Chúa bằng cách phục vụ người khác trong gia đình, giáo đoàn, hoặc cộng đồng của mình; bằng cách dành thời gian hòa mình với thiên nhiên; hoặc bằng cách suy ngẫm về những sự việc thuộc linh. Việc đến gần Thượng Đế hơn sẽ giúp bảo đảm rằng các nguồn mặc khải vẫn luôn được mở ra.

Các câu thánh thư then chốt: Gia Cơ 1:5–6; 2 Nê Phi 28:30; 31:3; An Ma 5:45–47; Giáo Lý và Giao Ước 1:24; 88:63