Thư Viện
Cố Gắng Để Hiểu Quá Khứ


“Cố Gắng Để Hiểu Quá Khứ,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
người nam và người nữ cùng nhau học tập

Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi của Anh Chị Em

Cố Gắng Để Hiểu Quá Khứ

Việc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội có thể giúp chúng ta thấy được bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của con cái Ngài. Lịch sử này đầy ắp những câu chuyện về đức tin, lòng can đảm, và lòng nhân từ của Thánh Hữu Ngày Sau thời trước. Đôi khi, nó cũng cho thấy những yếu kém của con người họ và phản ảnh những khó khăn mà chúng ta đều gặp phải khi chúng ta cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Việc gặp phải sự phức tạp của lịch sử Giáo Hội hoặc tìm hiểu về những điều trong quá khứ mà không phù hợp với những kỳ vọng của chúng ta có thể thử thách đức tin của chúng ta.

Mỗi người chúng ta phản ứng với thông tin mới về lịch sử một cách khác nhau. Những câu hỏi làm cho một người khó chịu thì lại làm cho người khác mạnh mẽ. Chúng ta đều mang đến những giả định, kỳ vọng, kinh nghiệm sống, và kiến thức khác nhau cho việc tìm kiếm sự hiểu biết của mình. Việc áp dụng các nguyên tắc sau đây khi chúng ta nghiên cứu lịch sử có thể giúp chúng ta nhìn quá khứ một cách rõ ràng và mang tính xây dựng hơn:

  • Nhận ra sự hiểu biết có giới hạn của chúng ta. Lịch sử là những điều giải thích về quá khứ dựa trên các nguồn tài liệu hạn hẹp còn sót lại. Có nhiều điều chúng ta có thể nói với sự quả quyết về quá khứ. Nhưng cũng có nhiều điều chúng ta không hề biết. Và thông tin mà chúng ta có hầu như luôn luôn cho phép có nhiều cách giải thích. Khi luôn khiêm nhường về điều mình nghĩ là mình biết, thì chúng ta sẽ cởi mở hơn với những lời giải thích mới khi xuất hiện thêm các nguồn tài liệu khác. Hãy nhớ rằng đôi khi chúng ta phải sống với một số điều mơ hồ hoặc không chắc chắn, ngay cả đối với những câu hỏi dường như là quan trọng.

  • Chớ ngạc nhiên trước sự thay đổi. Khi nghiên cứu quá khứ, đôi khi chúng ta thấy rằng những lối thực hành, những lời giảng dạy và ý kiến mà chúng ta nghĩ là không thay đổi thì thực sự đã thay đổi khá nhiều. Các nguyên tắc cơ bản của phúc âm là vĩnh cửu, nhưng những cách thức mà chúng được hiểu và diễn đạt theo thời gian lại phản ảnh chính xác và tỉ mỉ tính chất của sự mặc khải và sự thay đổi liên tục trong văn hóa của con người. Nguyên tắc về sự mặc khải liên tục giúp chúng ta điều hướng những thay đổi này. Anh chị em có thể thấy rằng việc học hỏi thêm về nhiều điều đã thay đổi làm cho việc phân biệt những điều vĩnh cửu được dễ dàng hơn.

  • Hãy đặt những điều này trong bối cảnh lịch sử. Một người nào đó có lần đã nói: “Quá khứ là một đất nước xa lạ: ở đó họ làm những việc khác biệt.”1 Những người thời trước đã có những giả định khác biệt về thế giới so với những giả định của chúng ta. Họ sử dụng hình ảnh và lời lẽ khác biệt để mô tả kinh nghiệm của họ. Nếu muốn hiểu rõ hơn lời lẽ và hành động của những người thời trước, thì chúng ta cũng cần phải hiểu văn hóa và bối cảnh mà trong đó có những lời lẽ và hành động như thế. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể bác bỏ những điều về các nền văn hóa thời trước. Trong thực tế, có một số điều từ thời trước mà phúc âm yêu cầu chúng ta phải bác bỏ. Nhưng việc hiểu được bối cảnh lịch sử giúp ngăn chúng ta áp đặt quan điểm hiện tại của mình lên những người thời trước theo một cách mà ngăn cản sự hiểu biết.

  • Hãy nhớ rằng con người thường mắc sai lầm. Khi kể những câu chuyện từ lịch sử Giáo Hội, chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những hành động anh hùng và những kết thúc có hậu. Thật là tuyệt để nhớ đến mọi người khi họ đang hết lòng sống cách tốt nhất. Nhưng đôi khi chúng ta quên rằng các Thánh Hữu Ngày Sau thời trước, kể cả các vị lãnh đạo Giáo Hội thời kỳ ban đầu, đều là con người. Con người có những yếu kém. Họ mắc sai lầm. Họ phạm tội. Hãy nhớ rằng Thượng Đế sử dụng những người không hoàn hảo để hoàn thành công việc của Ngài. Chúng ta có thể học hỏi từ những đóng góp lẫn lỗi lầm của họ. Và mặc dù thật là tốt để thẳng thắn nhìn vào những khía cạnh đầy thử thách của lịch sử Giáo Hội, nhưng cũng đừng tập trung vào những khía cạnh này theo cách mà làm cho anh chị em bỏ đi điều tốt lành và tuyệt mỹ.

  • Hãy coi chừng những điều giải thích không đáng tin cậy. Không phải tất cả những điều giải thích về các sự kiện trong quá khứ đều có giá trị như nhau. Người ta đưa ra nhiều lời tuyên bố về lịch sử Giáo Hội, thuận lợi lẫn chống đối, mà không đáp ứng được các tiêu chuẩn về tính chính xác, độ tin cậy, và sự công tâm. Điều này đặc biệt đúng trong một thời đại mà bất cứ ai cũng có thể công bố quan điểm của mình chỉ bằng một cái bấm nút. Chúa chỉ thị cho chúng ta phải tìm kiếm sự thông sáng “trong những sách hay nhất.”2 Là người nghiên cứu lịch sử Giáo Hội, anh chị em có thể sử dụng các công cụ học tập lẫn ân tứ Đức Thánh Linh.

Các câu thánh thư then chốt: 1 Nê Phi 11:17; Giáo Lý và Giao Ước 88:118