2010–2019
Tình Yêu Thương—Thực Chất của Phúc Âm
Tháng tư 2014


Tình Yêu Thương—Thực Chất của Phúc Âm

Hình Ảnh

Chúng ta không thể thực sự yêu mến Thượng Đế nếu không yêu thương đồng loại của mình trên trần thế này.

Các anh chị em thân mến, khi Đấng Cứu Rỗi phục sự ở giữa loài người, một thầy dạy luật đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?”

Ma Thi Ơ ghi lại rằng Chúa Giê Su đã trả lời:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”1

Mác kết thúc câu chuyện với lời phán của Đấng Cứu Rỗi: “Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.”2

Chúng ta không thể thực sự yêu mến Thượng Đế nếu không yêu thương đồng loại của mình trên trần thế này. Tương tự như vậy, chúng ta không thể hoàn toàn yêu thương đồng bào của mình nếu không yêu mến Thượng Đế, là Cha của tất cả chúng ta. Sứ Đồ Giăng cho biết rằng: “Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.”3 Chúng ta đều là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng và như vậy, là anh chị em với nhau. Trong khi chúng ta ghi nhớ lẽ thật này, thì việc yêu thương tất cả con cái của Thượng Đế sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Trên thực tế, tình yêu thương chính là thực chất của phúc âm và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Gương Mẫu của chúng ta. Cuộc sống của Ngài là một di sản về tình thương. Ngài chữa lành người bệnh; Ngài nâng đỡ người bị áp bức; Ngài cứu người phạm tội. Cuối cùng, đám đông giận dữ lấy mạng sống Ngài. Tuy nhiên những lời đầy trắc ẩn của Ngài vang lên từ đồi Sọ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”4—là một tấm gương tột bậc trên trần thế về lòng trắc ẩn và yêu thương.

Tình yêu thương được thể hiện bằng nhiều thuộc tính, chẳng hạn như lòng nhân từ, tính kiên nhẫn, lòng vị tha, sự thông cảm và tha thứ. Trong tất cả các mối giao tiếp của chúng ta, các thuộc tính này và các thuộc tính tương tự khác sẽ giúp cho những người khác thấy rõ tình yêu thương trong lòng chúng ta.

Thường thường tình yêu thương sẽ được cho thấy trong cách chúng ta tiếp xúc hàng ngày với nhau. Điều quan trọng nhất sẽ là khả năng của chúng ta để nhận ra nhu cầu của một người nào đó và sau đó đáp ứng. Tôi đã luôn luôn trân quý tình cảm được thể hiện trong bài thơ ngắn:

Tôi đã khóc trong đêm,

Vì lòng thiển cận,

Làm tôi không thấy người khác đang hoạn nạn;

Nhưng tôi chưa bao giờ

Thấy một thoáng hối tiếc

Vì đã tỏ ra tử tế hơn một chút.5

Gần đây tôi đã được cho biết về một tấm gương cảm động về lòng nhân từ—và mang đến những kết quả bất ngờ. Đó là năm 1933, vì Cuộc Đại Khủng Hoảng, nên cơ hội làm việc rất hiếm. Tình trạng này xảy ra ở phía đông của Hoa Kỳ. Arlene Biesecker mới vừa tốt nghiệp trung học. Sau một thời gian dài tìm kiếm việc làm, cuối cùng cô ta đã có thể được nhận vào làm thợ may tại một xưởng quần áo. Các công nhân trong xưởng chỉ được trả tiền cho mỗi sản phẩm nào họ may đúng hàng ngày. Họ càng may được nhiều thì càng được trả tiền nhiều.

Một ngày không lâu sau khi bắt đầu làm việc ở xưởng đó, Arlene đã gặp phải một thủ tục làm cho cô ta bối rối và bực mình. Cô ta ngồi tại máy may cố gắng để tháo đường may lỗi để hoàn thành sản phẩm mình đang làm. Dường như không có ai để giúp cô ta, vì tất cả những người thợ may khác đều đang vội vàng may được càng nhiều sản phẩm càng tốt. Arlene cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Cô ta bắt đầu lặng lẽ khóc.

Đối diện với Arlene là Bernice Rock. Chị này là một người thợ may lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn. Khi thấy Arlene đang buồn, Bernice rời chỗ mình đang làm việc và đi đến bên Arlene, tử tế chỉ dẫn và giúp đỡ cô ta. Chị ấy ở lại cho đến khi Arlene đủ tự tin và đã có thể hoàn thành sản phẩm của mình. Sau đó Bernice quay trở lại cái máy may của mình, nhưng chị đã bỏ lỡ cơ hội để may được nhiều sản phẩm mà đáng lẽ chị đã có thể hoàn thành nếu không bỏ đi giúp đỡ.

Với một hành động tử tế này, Bernice và Arlene đã trở thành bạn suốt đời. Cuối cùng, mỗi nguời kết hôn và có con cái. Khoảng thập niên 1950, Bernice, là một tín hữu của Giáo Hội, đã tặng cho Arlene và gia đình của cô ta một cuốn Sách Mặc Môn. Năm 1960, Arlene và chồng con mình đã chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Về sau, họ được làm lễ gắn bó trong một đền thờ thánh của Thượng Đế.

Vì kết quả của lòng trắc ẩn mà Bernice đã thể hiện khi chị chịu khó giúp đỡ một người chị không biết, là người đang buồn và cần được giúp đỡ, cho nên vô số cá nhân, còn sống lẫn đã chết, giờ đây đang vui hưởng các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm.

Mỗi ngày trong cuộc sống của mình, chúng ta có cơ hội để thể hiện tình yêu thương và lòng nhân từ đối với những người xung quanh. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Chúng ta phải nhớ rằng những người chúng ta gặp trong bãi đậu xe, văn phòng, thang máy, và các nơi khác đều là một phần nhân loại mà Chúa đã ban cho chúng ta để yêu thương và phục vụ. Sẽ không có lợi ích gì khi nói về tình huynh đệ chung của nhân loại nếu chúng ta không thể xem những người xung quanh như là các anh chị em của mình.”6

Thường các cơ hội của chúng ta để thể hiện tình yêu thương đều đến bất ngờ. Một ví dụ về một cơ hội như vậy xuất hiện trong một bài báo vào tháng Mười năm 1981. Tôi rất cảm động trước tình yêu thương và lòng trắc ẩn được viết trong bài báo đó, nên tôi đã giữ trong các tập tin của tôi suốt hơn 30 năm.

Bài báo cho biết rằng một chuyến bay thẳng của hãng hàng không Alaska Airlines bay từ Anchorage, Alaska, đến Seattle, Washington chở 150 hành khách, đã chuyển hướng bay sang một thị trấn Alaska hẻo lánh để chở một đứa bé bị thương nặng. Trong khi đang chơi gần nhà, đứa bé hai tuổi đã bị cắt đứt một động mạch ở cánh tay khi bị ngã vào một mảnh thủy tinh. Thị trấn nằm 725 kilômét về phía nam Anchorage và chắc chắn là không phải trên đường bay. Tuy nhiên, các nhân viên y tế tại hiện trường đã gửi đi một yêu cầu cấp bách để xin giúp đỡ, và vì vậy chuyến bay đã chuyển hướng bay để đi đón đứa bé và đưa nó đến Seattle để nó có thể được điều trị trong bệnh viện.

Khi máy bay hạ cánh xuống gần thị trấn hẻo lánh thì các nhân viên y tế thông báo cho phi công biết rằng đứa bé bị ra máu nhiều đến nỗi nó có thể không sống sót được trong chuyến bay đến Seattle. Họ đã quyết định bay thêm 320 kilômét ngược đường để đến Juneau, Alaska, là thành phố gần nhất có một bệnh viện.

Sau khi chở đứa bé đến Juneau, máy bay đã bay đến Seattle, trễ hơn nhiều giờ so với lịch trình. Không một hành khách nào đã phàn nàn, mặc dù hầu hết trong số họ sẽ bị lỡ các cuộc hẹn và các chuyến bay kết nối. Thực ra trong khi thời gian trôi qua, họ đã quyên tiền, thu góp được một số tiền đáng kể cho đứa bé và gia đình nó.

Khi máy bay sắp hạ cánh xuống Seattle, các hành khách đã vỗ tay reo mừng khi người phi công thông báo rằng họ đã nhận được tin qua radio là đứa bé sẽ được bình yên vô sự.7

Tôi nghĩ đến những lời của thánh thư: “Lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, … và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.”8

Thưa các anh chị em, một số cơ hội lớn nhất của chúng ta để cho thấy tình yêu thương sẽ là ở bên trong nhà của chúng ta. Tình yêu thương phải là phần quan trọng nhất của cuộc sống gia đình, tuy nhiên thường thì không phải như vậy. Có thể có quá nhiều sự thiếu kiên nhẫn, quá nhiều tranh cãi, quá nhiều cãi vã, quá nhiều nước mắt. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã than: “Tại sao những người chúng ta yêu thương nhất lại thường xuyên trở thành các mục tiêu của những lời nói nặng nề của chúng ta như vậy? Tại sao đôi khi chúng ta nói những lời nhằm làm tổn thương nặng nề?”9 Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể khác nhau cho mỗi người chúng ta, nhưng sự thật là những lý do không quan trọng. Nếu chúng ta tuân giữ giáo lệnh phải yêu thương lẫn nhau, thì chúng ta phải đối xử tử tế và kính trọng lẫn nhau.

Dĩ nhiên sẽ có những lúc phải đưa ra kỷ luật. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ đến lời dạy trong Giáo Lý và Giao Ước—ấy là, khi chúng ta cần khiển trách một người khác, thì sau đó chúng ta cho thấy một tình yêu thương gia tăng.10

Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cố gắng luôn luôn lễ phép và nhạy cảm với những ý nghĩ và cảm xúc cũng như hoàn cảnh của những người xung quanh. Chúng ta đừng sỉ nhục hay chỉ trích. Thay vì thế, chúng ta hãy có lòng trắc ẩn và nói lời khích lệ. Chúng ta phải cẩn thận để không hủy diệt lòng tự tin của người khác bằng lời nói hoặc hành động bất cẩn.

Sự tha thứ nên đi song song với tình yêu thương. Trong gia đình chúng ta, cũng như với bạn bè, có thể có những cảm nghĩ bị phật lòng và bất đồng ý kiến. Một lần nữa, vấn đề nhỏ như thế nào thì cũng không quan trọng. Chúng ta không thể và không nên để cho điều đó tàn phá, phá hoại và cuối cùng hủy diệt mình. Việc đổ lỗi sẽ càng làm cho vết thương nặng thêm. Chỉ có tha thứ mới chữa lành.

Một phụ nữ đáng mến, giờ đã qua đời, một ngày nọ đến thăm tôi và bất ngờ kể lại một số điều hối tiếc. Bà nói về một sự kiện mà đã xảy ra nhiều năm trước đó và liên quan đến một người nông dân hàng xóm, từng là một người bạn tốt nhưng vợ chồng bà đã nhiều lần không đồng ý với ông ta. Một ngày nọ, người nông dân đó xin phép để đi con đường tắt ngang qua miếng đất của bà để đến miếng đất của ông. Vào lúc này, bà dừng lại câu chuyện đang kể cho tôi nghe, và với một giọng run run, bà nói: “Thưa Anh Monson, tôi đã không để cho anh ta đi qua miếng đất của chúng tôi lúc đó hoặc sau đó mà bắt anh ta phải đi vòng theo con đường dài để đến miếng đất của anh ta. Tôi đã sai lầm, và tôi hối hận. Bây giờ, anh ta đã qua đời, nhưng ôi, ước gì tôi có thể nói với anh ta: ‘Tôi xin lỗi.’ Tôi mong ước có được một cơ hội thứ hai để bày tỏ lòng tử tế.”

Khi lắng nghe bà ấy nói, tôi nhớ đến lời nhận xét buồn thảm của John Greenleaf: “Trong tất cả những lời đáng buồn được thốt ra hoặc viết ra, thì lời buồn bã nhất là: ‘Giá mà!’”11 Thưa các anh chị em, khi đối xử với những người khác bằng tình yêu thương và lòng tử tế, thì chúng ta sẽ tránh phải hối tiếc như vậy.

Tình yêu thương được thể hiện bằng nhiều cách dễ nhận thấy: một nụ cười, một cái vẫy tay, một lời nói tử tế, một lời khen. Những cách biểu lộ khác có thể tế nhị hơn, chẳng hạn như cho thấy mối quan tâm đến các sinh hoạt của người khác, giảng dạy một nguyên tắc với lòng nhân từ và kiên nhẫn, đi thăm một người bị bệnh hoặc người chỉ ở trong nhà. Những lời nói và hành động này, và nhiều lời nói và hành động khác, có thể truyền đạt tình yêu thương.

Dale Carnegie, một tác giả và diễn giả nổi tiếng người Mỹ, đã tin rằng bản thân mỗi người đều có “khả năng để gia tăng tổng số hạnh phúc của thế giới” … bằng cách đưa ra một vài lời biết ơn chân thành cho một người nào đó cô đơn hay chán nản.” Ông nói: “Có lẽ ngày mai bạn sẽ quên những lời tử tế mà bạn nói hôm nay, nhưng người nhận có thể trân quý những lời này trong suốt cuộc đời họ.”12

Cầu xin cho chúng ta có thể bắt đầu từ bây giờ, ngay ngày hôm nay, để bày tỏ tình yêu thương với tất cả con cái của Thượng Đế, cho dù họ là những người trong gia đình, bạn bè của mình, những người quen biết sơ qua, hoặc những người hoàn toàn xa lạ. Khi thức dậy mỗi buổi sáng, chúng ta hãy quyết tâm đáp ứng bằng tình yêu thương và lòng tốt đối với bất cứ điều gì có thể xảy đến.

Thưa các anh chị em, chúng ta không thể hiểu nổi tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta. Vì tình yêu thương này, Ngài đã gửi đến Vị Nam Tử của Ngài, là Đấng yêu thương chúng ta đủ để phó mạng sống của Ngài cho chúng ta, để chúng ta có thể có cuộc sống vĩnh cửu. Khi chúng ta tiến đến việc hiểu về ân tứ có một không hai này, thì lòng của chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu thương đối với Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, đối với Đấng Cứu Rỗi, và đối với tất cả nhân loại. Tôi tha thiết cầu nguyện rằng điều đó có thể được như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 22:36–39.

  2. Mác 12:31.

  3. 1 Giăng 4:21.

  4. Lu Ca 23:34.

  5. Tác giả vô danh, trong Richard L. Evans, “The Quality of Kindness,” Improvement Era, tháng Năm năm 1960, 340.

  6. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 483.

  7. Xin xem “Injured Boy Flown to Safety,” Daily Sitka Sentinel (Alaska), ngày 22 tháng Mười năm, 1981.

  8. Mô Rô Ni 7:47.

  9. Gordon B. Hinckley, “Let Love Be the Lodestar of Your Life,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 67.

  10. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:43.

  11. “Maud Muller,” trong The Complete Poetical Works of John Greenleaf Whittier (1878), 206; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  12. Dale Carnegie, trong, ví dụ, Larry Chang, Wisdom for the Soul (2006), 54.