2010–2019
Ví Bằng trong Anh Em Có Kẻ Kém Khôn Ngoan
Tháng tư 2014


Ví Bằng trong Anh Em Có Kẻ Kém Khôn Ngoan

Hình Ảnh

Thượng Đế sẽ mặc khải lẽ thật cho những người tìm kiếm lẽ thật như đã được ghi trong thánh thư.

Một hôm, đứa con trai 10 tuổi của tôi học về bộ não con người trên Internet. Nó muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật một ngày nào đó. Thật là dễ dàng để nhận thấy rằng nó thông minh hơn tôi rất nhiều.

Chúng tôi thích Internet. Ở nhà chúng tôi liên lạc với gia đình và bạn bè qua phương tiện truyền thông xã hội, qua email, và bằng những cách khác. Con cái của tôi làm nhiều bài tập của chúng qua Internet.

Bất cứ câu hỏi là gì đi nữa, nếu cần biết thêm thông tin, thì chúng ta tìm kiếm câu trả lời trực tuyến. Trong vài giây, chúng ta có rất nhiều tài liệu. Thật là điều kỳ diệu.

Internet cung cấp nhiều cơ hội cho việc học hỏi. Tuy nhiên, Sa Tan muốn chúng ta phải đau khổ, và nó đã bóp méo mục đích thực sự của những sự việc. Nó sử dụng công cụ tuyệt vời này để thúc đẩy nỗi nghi ngờ và sợ hãi, cũng như để hủy diệt đức tin và hy vọng.

Với rất nhiều điều có sẵn trên Internet, chúng ta phải cân nhắc kỹ xem mình phải áp dụng nỗ lực vào đâu. Sa Tan có thể giữ cho chúng ta bận rộn, bị xao lãng, và bị tiêm nhiễm bởi việc gạn lọc thông tin, mà nhiều điều trong đó có thể là hoàn toàn rác rưởi.

Ta không nên đi loanh quanh nơi có rác rưởi.

Hãy lắng nghe lời hướng dẫn này, được chép trong thánh thư: “Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác; vậy nên, tôi chỉ cho các người biết cách xét đoán; vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện, và thuyết phục để tin nơi Đấng Ky Tô, đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô đưa lại; vậy nên các người có thể hiểu biết … rằng điều đó do Thượng Đế mà ra.”1

Trong một ý nghĩa thực sự, chúng ta đối phó với cùng một tình trạng khó xử mà Joseph Smith đã trải qua khi còn trẻ. Chúng ta cũng thường thấy mình kém khôn ngoan.

Trong vương quốc của Thượng Đế, việc tìm kiếm lẽ thật được đánh giá cao, được khuyến khích, và không bao giờ bị trấn áp hoặc lo sợ. Các tín hữu Giáo Hội được chính Chúa tích cực khuyên bảo phải tìm kiếm sự hiểu biết.2 Ngài phán: “Các ngươi phải siêng năng tìm hiểu… ; phải, các ngươi phải tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay nhất; hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”3 Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể nhận ra lẽ thật trong một thế giới đang càng ngày càng thẳng thừng hơn trong các cuộc tấn công nhắm vào những sự việc liên quan đến Thượng Đế?

Thánh thư dạy chúng ta cách:

Trước hết, chúng ta có thể biết được lẽ thật bằng cách quan sát các kết quả của lẽ thật.

Trong Bài Giảng quan trọng của Ngài trên Núi, Chúa phán:

“Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu … .

“Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”4

Tiên Tri Mặc Môn đã dạy cùng nguyên tắc này khi ông nói: “Qua những việc làm của họ, các ngươi sẽ biết được họ, vì nếu những việc làm của họ tốt thì họ cũng tốt.”5

Chúng tôi xin mời tất cả mọi người hãy nghiên cứu các kết quả và công việc của Giáo Hội này.

Những người quan tâm đến lẽ thật sẽ có thể nhận ra sự khác biệt mà Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội tạo ra trong các cộng đồng nơi mà Giáo Hội và các tín hữu được thiết lập. Họ cũng sẽ thấy cuộc sống của những người tuân theo những điều giảng dạy của Giáo Hội được tốt đẹp hơn. Những người xem xét các kết quả này sẽ khám phá ra rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tạo ra các kết quả tuyệt vời và hấp dẫn.

Thứ hai, chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật bằng cách tự mình thử nghiệm lời của Thượng Đế.

Tiên tri An Ma dạy:

“Giờ đây chúng ta hãy so sánh lời của Thượng Đế như một hạt giống. Này, nếu các người chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các người, này, nếu quả đó là một hạt giống chân thật [và] … nếu các người không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, … này, hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người; và … các người sẽ bắt đầu tự nhủ với mình rằng: Chắc đây phải là một hạt giống tốt, … vì nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta; phải, nó bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với ta …

“Và giờ đây, này, việc ấy không làm cho đức tin của các người vững mạnh thêm hay sao? Có, nó sẽ làm cho đức tin của các người vững mạnh thêm …

“… Vì mọi hạt giống đều đem lại một thứ cây của giống đó.”6

Thật là một lời mời tuyệt vời của một vị tiên tri của Chúa! Điều này có thể được so sánh với một thí nghiệm khoa học. Chúng ta được mời để thử nghiệm lời Ngài, chúng ta được ban cho những chỉ dẫn, và được cho biết về kết quả thử nghiệm, nếu chúng ta làm theo những chỉ dẫn.

Như vậy, thánh thư dạy chúng ta rằng chúng ta có thể biết được lẽ thật bằng cách quan sát các kết quả của lẽ thật; hoặc, bằng cách tự mình thử nghiệm lẽ thật, chừa một chỗ trong lòng chúng ta cho lời Ngài, và nuôi dưỡng những lời đó, giống như một hạt giống.

Tuy nhiên, có một cách thứ ba để biết được lẽ thật, và đó là bằng sự mặc khải cá nhân.

Tiết 8 sách Giáo Lý và Giao Ước dạy rằng sự mặc khải là hiểu biết—“sự hiểu biết về những gì [chúng ta] thành tâm cầu xin trong đức tin và tin tưởng rằng [chúng ta] sẽ nhận được.”7

Và Chúa phán bảo cách chúng ta sẽ nhận được sự mặc khải này. Ngài phán: “Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi.”8

Do đó, chúng ta được giảng dạy rằng chúng ta có thể nhận được mặc khải bằng cách cầu xin trong đức tin, với một tấm lòng chân thành, và tin tưởng rằng mình sẽ nhận được.

Nhưng hãy thấy rằng Chúa đã phán về điều đó rất rõ ràng khi Ngài cảnh báo: “Hãy nhớ rằng, nếu không có đức tin thì ngươi sẽ chẳng làm được gì cả; cho nên hãy cầu xin trong đức tin.”9 Đức tin đòi hỏi việc làm, như là nghiên cứu kỹ điều đó trong tâm trí của các anh chị em, sau đó cầu vấn Chúa xem điều đó có đúng không.

Chúa phán:

“Nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.”

“Nhưng nếu điều đó không đúng thì ngươi sẽ không có những cảm giác như vậy, mà ngươi sẽ cảm thấy tâm trí như tê dại, làm cho ngươi quên đi những gì sai lầm.”10

Đức tin không có việc làm là đức tin chết.11 Do đó, “phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ.”12

Tôi có một người bạn, không thuộc tín ngưỡng của chúng ta. Anh ta nói cho tôi biết rằng anh ta không phải là một người tin đạo. Anh ta sẽ không học thánh thư hoặc cầu nguyện, vì anh ta nói rằng anh ta không thể hiểu được lời của Thượng Đế, cũng như anh ta không chắc là Thượng Đế có hiện hữu hay không. Thái độ này giải thích rằng anh ta thiếu cuộc sống thuộc linh và sẽ dẫn đến điều trái ngược với sự mặc khải, như đã được An Ma giải thích. Ông nói: “Và vì thế, kẻ nào chai đá trong lòng chỉ nhận được một phần nhỏ lời của Thượng Đế.”

Nhưng rồi, An Ma nói thêm: “Còn kẻ nào không chai đá trong lòng thì sẽ được ban cho phần lớn lời của Ngài, cho đến khi kẻ ấy được ban cho để biết được những điều kín nhiệm của Thượng Đế cho đến khi kẻ ấy biết những điều này một cách đầy đủ.”13

An Ma và các con trai của Mô Si A là những tấm gương tiêu biểu cho nguyên tắc rằng đức tin đòi hỏi phải có việc làm. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc:

“Họ rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.

“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải.”14

Trong tiến trình này, cầu vấn với một tấm lòng chân thành cũng quan trọng không kém. Nếu chân thành tìm kiếm lẽ thật, thì chúng ta sẽ làm hết khả năng của mình để tìm kiếm lẽ thật, mà có thể bao gồm việc đọc thánh thư, đi nhà thờ, và làm hết sức mình để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẵn lòng làm theo ý muốn của Thượng Đế khi chúng ta biết được ý muốn của Ngài là gì.

Các hành động của Joseph Smith khi ông đang tìm kiếm sự khôn ngoan là một tấm gương hoàn hảo về ý nghĩa của việc có được một tấm lòng chân thành. Ông nói rằng ông muốn biết giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, “ngõ hầu [ông] có thể biết giáo phái nào để gia nhập.”15 Ngay cả trước khi cầu nguyện, ông đã sẵn sàng để hành động theo câu trả lời mà ông sẽ nhận được.

Chúng ta cần phải cầu xin trong đức tin và với một tấm lòng chân thành. Nhưng điều đó chưa phải là đủ. Chúng ta còn phải tin rằng chúng ta sẽ nhận được mặc khải. Chúng ta cần phải tin cậy Chúa và có hy vọng vào lời hứa của Ngài nữa. Hãy nhớ câu này: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”16 Thật là một lời hứa tuyệt vời!

Tôi xin mời tất cả mọi người hãy tìm kiếm lẽ thật từ bất cứ phương pháp nào trong các phương pháp này, nhưng nhất là từ Thượng Đế qua sự mặc khải cá nhân. Thượng Đế sẽ mặc khải lẽ thật cho những người tìm kiếm lẽ thật như đã được ghi trong thánh thư. Chúng ta sẽ cần bỏ ra nhiều nỗ lực hơn là chỉ tìm kiếm trên Internet, nhưng lẽ thật này là chắc chắn.

Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã thấy kết quả của Giáo Hội trong cộng đồng và trong cuộc sống của hàng ngàn người, kể cả những người trong gia đình; do đó tôi biết điều này là sự thật. Tôi cũng đã thử nghiệm lời Ngài trong cuộc sống của tôi trong nhiều năm và đã cảm nhận được ảnh hưởng của lời Ngài trong tâm hồn của mình; vì vậy tôi biết lời Ngài là chân chính. Nhưng quan trọng nhất, tôi đã tự mình biết được lẽ trung thực của lời Ngài bởi sự mặc khải qua quyền năng của Đức Thánh Linh; vì vậy tôi biết lời Ngài là chân chính. Tôi xin mời tất cả các anh chị em cũng làm như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.