2010–2019
Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng
Tháng tư 2014


Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng

Hình Ảnh

Những gánh nặng duy nhất trong mỗi cuộc đời của chúng ta giúp chúng ta phải dựa vào sự ngay chính, lòng thương xót và ân điển của Đấng Mê Si Thánh.

Tôi có một người bạn thân, trong những năm đầu kết hôn, anh ta đã tin rằng mình và gia đình mình cần một chiếc xe tải bốn bánh chủ động. Vợ của anh ta chắc chắn rằng anh ta không cần loại xe đó mà chỉ muốn một chiếc xe ô tô mới. Một cuộc trò chuyện thú vị giữa cặp vợ chồng này giúp họ cân nhắc những điều lợi và hại của việc mua một chiếc xe như vậy.

“Em yêu, chúng ta cần một chiếc xe tải bốn bánh chủ động.”

Người vợ hỏi: “Tại sao anh nghĩ là chúng ta cần một chiếc xe tải mới?”

Anh ta đã trả lời câu hỏi của vợ mình với câu trả lời mà anh ta cho là lý tưởng: “Nếu chúng ta cần sữa cho con cái trong một cơn bão dữ dội, thì cách duy nhất anh có thể đến cửa hàng tạp hóa là lái chiếc xe tải, em à.”

Người vợ trả lời với một nụ cười: “Nếu mua một chiếc xe tải mới thì chúng ta sẽ không có tiền để mua sữa—vậy tại sao phải lo lắng về việc đến cửa hàng trong tình trạng khẩn cấp chứ!”

Thời gian trôi qua, họ tiếp tục cùng nhau bàn bạc và cuối cùng đã quyết định mua chiếc xe tải. Ngay sau khi mua chiếc xe mới, anh bạn của tôi muốn cho thấy công dụng của chiếc xe tải và chứng minh cho lý do tại sao mình muốn mua chiếc xe đó. Vì vậy, anh ta quyết định sẽ đi đốn củi và mang củi về cho nhà của họ. Lúc đó là vào mùa thu, và trên núi đã có tuyết, ở chỗ anh ta dự định đi kiếm củi. Khi lái xe lên sườn núi, tuyết bắt đầu ngập càng cao hơn. Anh bạn tôi nhận ra rằng việc lái xe trên con đường trơn trượt là rất nguy hiểm, nhưng vì tin tưởng rất nhiều vào chiếc xe tải mới, nên anh ta vẫn tiếp tục lái.

Rủi thay, anh bạn của tôi đã đi quá xa trên con đường ngập tuyết. Trong khi lái chiếc xe tải vào con đường nơi anh ta đã quyết định đốn củi, thì anh ta bị mắc kẹt. Tất cả bốn cái bánh xe của chiếc xe tải mới đều bị quay trong tuyết. Anh ta nhanh chóng nhận thấy rằng mình không biết phải làm gì để thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm này. Anh ta lúng túng và lo lắng.

Anh bạn của tôi quyết định: “Mình sẽ không ngồi đây như vậy.” Anh ta leo ra khỏi xe và bắt đầu đốn củi. Anh ta chất đầy một đống củi nặng ở phía sau xe tải. Và sau đó anh bạn tôi quyết định sẽ cố gắng lái xe ra khỏi tuyết một lần nữa. Khi bắt đầu mở máy và lái đi, thì chiếc xe bắt đầu nhúc nhích chầm chậm và tiến về phía trước. Chiếc xe tải từ từ ra khỏi tuyết và lên đường. Cuối cùng anh ta được tự do trở về nhà, và bây giờ là một người hạnh phúc và khiêm tốn.

Gánh Nặng Cá Nhân của Chúng Ta

Tôi cầu nguyện để có được sự phụ giúp của Đức Thánh Linh trong khi tôi nhấn mạnh đến bài học quan trọng có thể rút ra từ câu chuyện này về người bạn của tôi, chiếc xe tải, và đống củi. Chính là đống củi đã cung cấp lực kéo cần thiết cho chiếc xe tải của anh ta để thoát ra khỏi đống tuyết, để trở lại con đường, và tiến về phía trước. Chính là sức nặng đã giúp anh ta có thể trở về với mái gia đình của mình.

Mỗi người chúng ta cũng đều mang một gánh nặng. Gánh nặng cá nhân của chúng ta bao gồm những đòi hỏi và cơ hội, nghĩa vụ và đặc ân, những hoạn nạn và phước lành, và những lựa chọn và hạn chế. Hai câu hỏi hướng dẫn có thể hữu ích khi chúng ta đánh giá và xem xét gánh nặng của mình một cách định kỳ và thành tâm: “Gánh nặng tôi đang mang có tạo ra quyền năng thuộc linh mà sẽ giúp cho tôi có thể tiến tới với đức tin nơi Đấng Ky Tô trên con đường chật và hẹp và tránh bị mắc kẹt không? Gánh nặng tôi đang mang có tạo ra đủ quyền năng thuộc linh để cuối cùng tôi có thể trở về nhà với Cha Thiên Thượng không?”

Đôi khi chúng ta có thể nhầm lẫn để tin rằng hạnh phúc là khi không phải mang gánh nặng. Nhưng việc mang gánh nặng là một phần cần thiết và thiết yếu của kế hoạch hạnh phúc. Vì gánh nặng cá nhân của chúng ta cần phải tạo ra quyền năng thuộc linh, nên chúng ta cần phải cẩn thận để không mang những điều thú vị nhưng không cần thiết trong cuộc sống của mình đến mức bị xao lãng và đi trệch khỏi những điều thật sự quan trọng nhất.

Quyền Năng Củng Cố của Sự Chuộc Tội

Đấng Cứu Rỗi phán:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30).

Một cái ách là một thanh gỗ, thường được sử dụng giữa một cặp bò hoặc các động vật khác để cho chúng cùng nhau kéo một vật nặng. Một cái ách đặt các động vật bên cạnh nhau để chúng có thể đi chung với nhau và hoàn thành một nhiệm vụ.

Hãy xem xét lời mời gọi riêng, độc đáo của Chúa “hãy gánh lấy ách của ta.” Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng kết hợp chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô. Về cơ bản, Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi chúng ta phải dựa vào Ngài và cùng kéo với Ngài, mặc dù những nỗ lực tốt nhất của chúng ta không bằng và không thể sánh được với Ngài. Khi chúng ta tin tưởng và kéo gánh nặng của mình với Ngài trong cuộc sống, thì thực sự cái ách của Ngài là dễ dàng, và gánh nặng của Ngài là nhẹ nhàng.

Chúng ta không đơn độc một mình và chúng ta cũng không bao giờ cần phải đơn độc một mình. Chúng ta có thể tiến bước trong cuộc sống hàng ngày của mình với sự giúp đỡ của Chúa. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được khả năng và “sức mạnh nhiều hơn khả năng và sức mạnh của riêng mình” (“Lord I Would Follow Thee,” Hymns, số 220). Như Chúa đã phán: “Vậy nên, các ngươi hãy tiếp tục cuộc hành trình và hãy vui lên trong lòng; vì này, và trông kìa, ta ở cùng các ngươi cho đến cùng” (GLGƯ 100:12).

Hãy xem xét ví dụ trong Sách Mặc Môn trong đó A Mu Lôn ngược đãi An Ma và dân của ông. Tiếng nói của Chúa đến với các môn đồ này trong nỗi thống khổ của họ: “Các ngươi hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ta biết giao ước mà các ngươi đã lập với ta; và ta sẽ giao ước với dân ta và giải thoát cho họ khỏi vòng nô lệ” (Mô Si A 24:13).

Hãy nhận thấy rằng các giao ước là chính yếu đối với lời hứa về sự giải thoát. Các giao ước nhận được và được tuân theo một cách liêm khiết cùng các giáo lễ được thực hiện bởi thẩm quyền hợp thức của chức tư tế đều là cần thiết để nhận được tất cả các phước lành dành sẵn qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì qua các giáo lễ của chức tư tế, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện cho những người nam và người nữ trên trần thế, gồm có các phước lành của Sự Chuộc Tội (xin xem GLGƯ 84:20–21).

Hãy nhớ lại lời phán của Đấng Cứu Rỗi “Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:30), khi chúng ta xem câu kế tiếp trong câu chuyện về An Ma và dân của ông.

“Và ta cũng sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình” (Mô Si A 24:14).

Nhiều người trong chúng ta có thể cho rằng câu thánh thư này dạy rằng một gánh nặng sẽ bỗng nhiên được cất đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, câu kế tiếp mô tả cách gánh nặng đã được làm cho dễ chịu.

“Và giờ đây chuyện rằng, những gánh nặng trên vai An Ma cùng những người anh em của ông đều được làm cho nhẹ đi; phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.” (Mô Si A 24:15; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Những thử thách và khó khăn không phải được cất ngay lập tức khỏi những người này. Nhưng An Ma và những người theo ông đã được củng cố, và có thêm khả năng để làm cho gánh nặng được nhẹ nhàng hơn. Những người tốt lành này đã được làm cho có khả năng qua Sự Chuộc Tội để hành động như những người quản lý (xin xem GLGƯ 58:26–29) và ảnh hưởng đến hoàn cảnh của họ. Và “trong sức mạnh của Chúa” (Lời Mặc Môn 1:14; Mô Si A 9:17; 10:10; An Ma 20:4), An Ma và dân của ông đã được dẫn đến nơi an toàn trong xứ Gia Ra Hem La.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô không những khắc phục được những hậu quả của Sự Sa Ngã của A Đam và làm cho chúng ta có thể được xá miễn các tội lỗi và những phạm giới, mà Sự Chuộc Tội của Ngài còn giúp cho chúng ta có thể làm điều thiện và trở thành người tốt hơn trong những cách mà vượt quá khả năng của con người trần thế. Hầu hết chúng ta đều biết rằng khi làm điều sai, chúng ta cần được giúp đỡ để khắc phục những hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống. Đấng Cứu Rỗi đã trả cái giá và làm cho chúng ta có thể trở nên trong sạch qua quyền năng cứu chuộc của Ngài. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng Sự Chuộc Tội là dành cho những người nam và người nữ trung tín, là những người biết vâng lời, xứng đáng, tận tâm cũng như cố gắng sống tốt hơn và phục vụ một cách trung tín hơn không? Tôi tự hỏi liệu chúng ta có quên thừa nhận một cách trọn vẹn về khía cạnh đầy củng cố này của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của mình không và có thể lầm tưởng rằng chúng ta phải một mình mang lấy gánh nặng của chính mình—bằng lòng dũng cảm tuyệt đối, ý chí mạnh mẽ và kỷ luật cùng với khả năng hạn chế hiển nhiên của mình.

Đó là một điều để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian để chết cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần biết ơn rằng qua Sự Chuộc Tội của Ngài và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Chúa mong muốn làm cho chúng ta sống động—không những hướng dẫn mà còn củng cố và chữa lành chúng ta nữa.

Đấng Cứu Rỗi Giúp Đỡ Dân Ngài

An Ma giải thích lý do tại sao và làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể làm cho chúng ta có khả năng:

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:11–12).

Do đó, Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau đớn không những về những tội lỗi và điều bất chính của chúng ta—mà còn về những nỗi đau đớn và thống khổ của thể xác, những yếu đuối và khuyết điểm, những nỗi sợ hãi và bực bội, những nỗi chán chường và chán nản, những điều hối tiếc và hối hận, nỗi thất vọng và tuyệt vọng của chúng ta, những điều bất chính và không công bằng mà chúng ta trải qua, và những khó khăn về mặt tình cảm thường vây quanh chúng ta.

Không có nỗi đau đớn thể xác nào, nỗi thống khổ nào của tâm hồn, nỗi đau khổ nào của tinh thần hoặc nỗi đau lòng nào, sự đau ốm hay yếu đuối nào mà các anh chị em hay tôi đối phó trên trần thế mà Đấng Cứu Rỗi đã không trải qua trước. Trong một giây phút yếu đuối, chúng ta có thể kêu lên: “Không một ai hiểu nỗi niềm này cả. Không một ai biết cả.” Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hoàn toàn hiểu, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của riêng chúng ta. Và vì sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài (xin xem An Ma 34:14) nên Ngài có thể hoàn toàn thấu cảm và có thể ban cho chúng ta vòng tay thương xót của Ngài. Ngài có thể tìm đến, ảnh hưởng, giúp đỡ, chữa lành, và củng cố chúng ta cùng giúp chúng ta làm điều chúng ta có thể không bao giờ làm được nếu chỉ trông cậy vào khả năng của chính mình. Thật vậy, ách của Ngài dễ chịu và gánh của Ngài nhẹ nhàng.

Một Lời Mời, một Lời Hứa, và một Chứng Ngôn

Tôi mời các anh chị em hãy nghiên cứu, cầu nguyện, suy ngẫm, và cố gắng học hỏi thêm về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi khi các anh chị em xem xét và đánh giá gánh nặng của mình. Chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được nhiều điều về Sự Chuộc Tội với đầu óc của con người trần thế. Nhưng chúng ta có thể và cần phải hiểu nhiều khía cạnh về Sự Chuộc Tội.

Đối với người bạn của tôi, sức nặng của đống củi đã cung cấp lực kéo để cứu mạng sống của anh ta. Chiếc xe tải trống không thể di chuyển trong tuyết, cho dù được trang bị với bốn cái bánh chủ động. Một vật nặng là cần thiết để tạo ra lực kéo.

Sức nặng rất là cần thiết. Chính là sức nặng đó đã cung cấp lực kéo để giúp cho người bạn của tôi thoát ra khỏi đống tuyết, trở lại con đường, tiến lên trước và trở về cùng gia đình của mình.

Những gánh nặng duy nhất trong mỗi cuộc đời của chúng ta giúp chúng ta phải dựa vào sự ngay chính, lòng thương xót và ân điển của Đấng Mê Si Thánh (xin xem 2 Nê Phi 2:8). Tôi làm chứng và hứa rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp chúng ta mang gánh nặng của mình một cách nhẹ nhàng (xin xem Mô Si A 24:15). Khi cùng mang ách với Ngài qua các giao ước thiêng liêng và nhận được quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Ngài trong cuộc sống của mình, thì chúng ta sẽ tìm cách gia tăng việc hiểu và sống theo ý muốn của Ngài. Chúng ta cũng sẽ cầu nguyện để có được sức mạnh để học hỏi, thay đổi, hoặc chấp nhận hoàn cảnh của mình thay vì cầu nguyện khẩn thiết để Thượng Đế thay đổi hoàn cảnh của chúng ta theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành người hành động chứ không phải là đối tượng bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:14). Chúng ta sẽ được ban phước với lực kéo thuộc linh.

Cầu xin cho mỗi người chúng ta có thể làm tốt hơn và trở thành người tốt hơn qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Hôm nay là ngày 6 tháng Tư. Chúng ta biết được qua mặc khải rằng ngày hôm nay là ngày giáng sinh thật sự và chính xác của Đấng Cứu Rỗi. Ngày 6 tháng Tư cũng là ngày mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức. (Xin xem GLGƯ 20:1; Harold B. Lee, “Strengthen the Stakes of Zion,” Ensign, tháng Bảy năm 1973, 2; Spencer W. Kimball, “Why Call Me Lord, Lord, and Do Not the Things Which I Say?” Ensign, tháng Năm năm 1975, 4; Spencer W. Kimball, “Remarks and Dedication of the Fayette, New York, Buildings,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 54; Discourses of President Gordon B. Hinckley, Tập 1: 1995–1999 [2005], 409.) Vào ngày Sa Bát đặc biệt và thiêng liêng này, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài hằng sống và sẽ thanh tẩy, chữa lành, hướng dẫn, bảo vệ và củng cố chúng ta. Tôi hân hoan làm chứng những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.