2010–2019
Nhân Chứng
Tháng tư 2014


Nhân Chứng

Hình Ảnh

Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em các lẽ thật, là những điều đáng để biết nhất.

Thời chiến tranh hoặc tình trạng bấp bênh đều có cách để làm cho chúng ta tập trung nhiều hơn vào những điều thực sự quan trọng.

Đối với tôi, Đệ Nhị Thế Chiến là một thời kỳ khủng hoảng tinh thần nặng nề. Tôi đã rời nhà của mình ở thành phố Brigham City, Utah, chỉ với một chút chứng ngôn và cảm thấy cần có thêm một điều gì đó. Hầu như cả lớp 12 của trường trung học của chúng tôi đều lên đường ra chiến trường chỉ trong một vài tuần. Trong khi đóng quân trên đảo Ie Shima, phía bắc Okinawa, Nhật Bản, tôi đã vật lộn với nỗi nghi ngờ và cảm giác mơ hồ. Tôi muốn có một chứng ngôn riêng về phúc âm. Tôi đã muốn biết!

Trong một đêm không ngủ, tôi rời lều của mình và bước vào một hầm trú ẩn được dựng lên bằng cách xếp các thùng nhiên liệu 50 lít chứa đầy cát chồng lên nhau để tạo thành rào cản. Hầm này không có nóc nên tôi bò vào đó, nhìn lên bầu trời đầy sao, và quỳ xuống cầu nguyện.

Trong lúc cầu nguyện nửa chừng thì một sự việc đã xảy ra. Tôi không thể nào mô tả cho các anh chị em biết những gì đã xảy ra nếu tôi muốn làm như vậy. Tôi không thể nào mô tả điều này một cách chính xác, nhưng điều đó rõ ràng trong ngay hôm nay cũng như trong đêm đó cách đây hơn 65 năm. Tôi biết đó là một biểu hiện rất riêng tư cho cá nhân tôi. Cuối cùng tôi đã tự biết được. Tôi biết một cách chắc chắn, vì chứng ngôn đó đã được ban riêng cho tôi. Một lúc sau, tôi bò ra khỏi hầm trú ẩn đó và bước đi, trở lại giường nằm, lòng đầy vui sướng. Suốt đêm còn lại, tôi đã cảm thấy vui sướng và kính sợ.

Thay vì nghĩ rằng mình là một người đặc biệt, tôi nghĩ rằng nếu một điều như vậy đã đến với tôi, thì cũng có thể đến với bất cứ ai. Tôi vẫn tin như thế. Trong những năm sau đó, tôi đã tiến đến việc hiểu rằng kinh nghiệm như vậy là ngay lập tức có một ánh sáng để đi theo và là một gánh nặng để mang.

Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em các lẽ thật, là những điều đáng để biết nhất, những điều mà tôi đã học được và rút ra kinh nghiệm trong gần 90 năm cuộc đời và hơn 50 năm với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Phần lớn những gì tôi đã biết đều là những điều không thể giảng dạy được nhưng có thể học hỏi.

Giống như hầu hết những điều có giá trị lớn lao, kiến thức có giá trị vĩnh cửu chỉ đến qua lời cầu nguyện và sự suy ngẫm của cá nhân. Những điều này kèm theo với việc nhịn ăn và học hỏi thánh thư, sẽ mời gọi các ấn tượng, mặc khải và lời mách bảo của Đức Thánh Linh. Điều này mang đến cho chúng ta sự chỉ dẫn từ trên cao trong khi chúng ta tìm hiểu từng lời giáo huấn một.

Những điều mặc khải hứa rằng “bất cứ nguyên tắc tri thức nào chúng ta thu hoạch được trong cuộc sống này cũng sẽ tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh” và rằng “kiến thức và tri thức [đạt được] qua sự tận tụy và sự tuân lời” (GLGƯ 130:18–19).

Tôi biết một lẽ thật vĩnh cửu rằng Thượng Đế hằng sống. Ngài là Cha chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:1).

Trong tất cả các chức danh khác mà Ngài có thể đã dùng, Ngài đã chọn để được gọi là “Cha.” Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh: “Vậy các ngươi hãy cầu nguyện theo thể thức như sau: Thưa Cha chúng con ở trên trời” (3 Nê Phi 13:9; xin xem thêm Ma Thi Ơ 6:9). Việc Ngài dùng danh “Cha” là một bài học dành cho mọi người trong khi chúng ta tiến đến việc hiểu được điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này.

Vai trò làm cha mẹ là một đặc ân thiêng liêng, và tùy vào lòng trung tín, vai trò đó có thể là một phước lành vĩnh cửu. Tất cả các sinh hoạt trong Giáo Hội đều có một mục đích tột bậc là một người đàn ông và vợ con của họ có thể được hạnh phúc ở nhà.

Những người không kết hôn hoặc những người không thể có con được không bị loại trừ khỏi các phước lành vĩnh cửu mà họ tìm kiếm, nhưng hiện giờ, vẫn còn ở ngoài tầm với của họ. Chúng ta không bao giờ biết làm thế nào hoặc khi nào các phước lành sẽ đến, nhưng lời hứa về sự tiến triển vĩnh cửu sẽ không từ chối bất cứ người trung tín nào là người đã lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng.

Nỗi khao khát thầm kín và những lời khẩn cầu đầy nước mắt sẽ làm cảm động lòng của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Các anh chị em sẽ nhận được một sự bảo đảm riêng từ hai Ngài rằng cuộc sống của các anh chị em sẽ được trọn vẹn và sẽ không bị mất phước lành thiết yếu nào cả.

Là một tôi tớ của Chúa hành động theo chức phẩm mà mình đã được sắc phong, tôi xin đưa ra một lời hứa cho những người đang ở trong hoàn cảnh như vậy rằng sẽ không có điều thiết yếu nào đối với sự cứu rỗi và tôn cao của các anh chị em mà sẽ không được ban cho các anh chị em kịp thời. Những cánh tay hiện đang trống không sẽ được làm đầy, và tấm lòng hiện đang bị tổn thương vì những ước mơ tan vỡ và nỗi khao khát sẽ được chữa lành.

Tôi đã tiến đến việc biết được một lẽ thật khác rằng Đức Thánh Linh là có thật. Ngài là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Sứ mệnh của Ngài là để làm chứng về lẽ thật và sự ngay chính. Ngài đã tự biểu hiện bằng nhiều cách, kể cả những cảm nghĩ bình an và bảo đảm. Ngài cũng có thể mang lại sự an ủi, hướng dẫn, và sửa đổi khi cần thiết. Sự đồng hành của Đức Thánh Linh sẽ được duy trì trong suốt cuộc đời của chúng ta nếu sống ngay chính.

Ân tứ của Đức Thánh Linh được truyền giao qua một giáo lễ của phúc âm. Một người có thẩm quyền đặt tay lên đầu của một tín hữu mới của Giáo Hội và nói những lời như thế này: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.”

Chỉ riêng giáo lễ này không thôi sẽ không thay đổi chúng ta một cách đáng chú ý, nhưng nếu lắng nghe và tuân theo những thúc giục, thì chúng ta sẽ nhận được phước lành của Đức Thánh Linh. Mỗi người con trai hay con gái của Cha Thiên Thượng đều có thể tiến đến việc biết được thực tế của lời hứa của Mô Rô Ni: “Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:5; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Một lẽ thật thiêng liêng mà tôi đã đạt được trong cuộc sống của mình là sự làm chứng của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô.

Điều quan trọng nhất và hỗ trợ cho tất cả những gì chúng ta làm, dựa vào những điều mặc khải, là danh của Chúa, tức là thẩm quyền để qua đó chúng ta hành động trong Giáo Hội. Mỗi lời cầu nguyện được dâng lên, thậm chí bởi trẻ em, đều kết thúc bằng danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi phước lành, mỗi giáo lễ, mỗi lễ sắc phong, mỗi hành động chính thức đều được thực hiện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là Giáo Hội của Ngài, được đặt tên theo danh Ngài—Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 115:4).

Có một sự kiện lớn trong Sách Mặc Môn trong đó dân Nê Phi “đã cầu nguyện Đức Chúa Cha qua danh [Chúa].” Chúa hiện đến và hỏi:

“Các ngươi muốn được ta ban cho điều chi?

“Và họ thưa với Ngài rằng: Thưa Chúa, chúng con muốn cầu xin Chúa phán bảo cho chúng con biết, chúng con sẽ gọi giáo hội này là tên gì; vì có nhiều sự tranh luận trong dân chúng về vấn đề này.

“Và Chúa phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, tại sao dân chúng phải bàn tán và tranh luận về điều này như vậy.

“Phải chăng họ không đọc thánh thư, trong đó có nói rằng, các ngươi phải mang lấy danh của Đấng Ky Tô, đó là danh ta? Vì đây là tên mà các ngươi sẽ được gọi vào ngày cuối cùng;

“Và những ai mang danh ta và kiên trì đến cùng thì sẽ được cứu vào ngày sau cùng.

“Vậy nên, bất cứ điều gì các ngươi sẽ làm, các ngươi phải làm trong danh ta; vậy các ngươi phải gọi giáo hội bằng danh ta; và các ngươi phải cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta để Ngài vì ta mà ban phước cho giáo hội” (3 Nê Phi 27:2–7).

Chúa Giê Su Ky Tô chính là danh Ngài, “Vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Trong Giáo Hội chúng ta biết Ngài là ai: Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha. Ngài là Đấng đã bị giết chết và Ngài đã sống lại. Ngài là Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha. “Hãy nhớ rằng [chúng ta] phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Hê La Man 5:12). Ngài là cái neo giữ vững và bảo vệ chúng ta, cùng gia đình của chúng ta qua các cơn bão tố của cuộc đời.

Mỗi Chủ Nhật trên khắp thế giới, ở nơi các giáo đoàn quy tụ lại, với bất cứ quốc tịch hoặc ngôn ngữ nào, Tiệc Thánh được ban phước với những lời giống nhau. Chúng ta tình nguyện mang danh Đấng Ky Tô, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài. Điều đó đã được ghi khắc vào lòng chúng ta.

Tiên Tri Nê Phi nói: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Mỗi người chúng ta phải đạt được chứng ngôn riêng của mình về Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó chúng ta chia sẻ chứng ngôn đó với gia đình mình và những người khác.

Chúng ta đừng quên rằng có một kẻ nghịch thù đích thân tìm cách cản trở công việc của Chúa. Chúng ta phải chọn ai để noi theo. Sự bảo vệ của chúng ta giản dị như quyết định của cá nhân để noi theo Đấng Cứu Rỗi, và phải chắc chắn rằng chúng ta vẫn sẽ trung thành đứng về phía Ngài.

Trong Kinh Tân Ước, Giăng ghi rằng có một số người không thể cam kết với Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài, và “từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa.

“Đức Chúa Giê Su phán cùng mười hai sứ đồ rằng: Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?

“Si Môn Phi E Rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời;

“Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:66–69).

Phi E Rơ đã đạt được điều mà mỗi tín đồ của Đấng Cứu Rỗi có thể học được. Để tận tụy một cách trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và làm hết khả năng của mình để sống theo lời dạy của Ngài.

Sau tất cả những năm tháng tôi đã sống, giảng dạy và phục vụ, sau khi tôi đã đi hàng triệu dặm đường khắp thế giới, với tất cả những gì tôi đã trải nghiệm, thì có một lẽ thật quan trọng mà tôi thường chia sẻ. Đó là lời chứng của tôi về Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô.

Joseph Smith và Sidney Rigdon ghi lại sau đây sau một kinh nghiệm thiêng liêng:

“Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!

“Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài” (GLGƯ 76:22–23).

Những lời của họ cũng là những lời của tôi.

Tôi tin và tôi chắc rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, và rằng Ngài hằng sống. Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, và “bởi Ngài, qua Ngài và do Ngài mà các thế giới đã và đang được sáng tạo, và dân cư trên ấy là con trai và con gái của Thượng Đế sinh ra” (GLGƯ 76:24).

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Tôi biết Chúa. Tôi là nhân chứng của Ngài. Tôi biết về sự hy sinh vĩ đại và tình yêu thương vĩnh cửu của Ngài dành cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Tôi chia sẻ lời chứng đặc biệt của tôi với trọn tấm lòng khiêm nhường nhưng chắc chắn là tuyệt đối, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.