2010–2019
Những Lời Hứa Rất Quí Rất Lớn
Tháng Mười năm 2017


Những Lời Hứa Rất Quí Rất Lớn

Kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng gồm có giáo lý, các giáo lễ, và những lời hứa rất quí rất lớn qua đó chúng ta có thể trở nên những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà mỗi người chúng ta phải đối mặt hằng ngày là không để cho những nỗi lo lắng trần tục chiếm nhiều thời gian và sức lực đến nỗi chúng ta bỏ qua những điều vĩnh cửu quan trọng nhất.1 Chúng ta có thể quá dễ dàng bị xao lãng khỏi việc ghi nhớ và tập trung vào các ưu tiên thuộc linh cần thiết bởi vì nhiều trách nhệm và lịch trình bận rộn. Đôi khi chúng ta cố gắng chạy quá nhanh đển mức quên đi mục tiêu mình đang hướng đến và lý do chúng ta đang chạy.

Sứ Đồ Phi Ê Rơ nhắc chúng ta rằng đối với các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô thì “quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta:

“Và bởi vinh hiển nhơn đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.”2

Sứ điệp của tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những lời hứa rất quí rất lớn được Phi Ê Rơ mô tả như là những lời nhắc nhở về mục đích và lý do của cuộc hành trình trên trần thế của chúng ta. Tôi cũng sẽ thảo luận về các vai trò tương ứng của ngày Sa Bát, đền thờ thánh, và mái gia đình trong việc giúp chúng ta ghi nhớ những lời hứa thuộc linh quan trọng này.

Tôi khẩn thiết cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ chỉ dẫn cho mỗi người chúng ta trong khi chúng ta cùng nhau xem xét các lẽ thật quan trọng này.

Danh Tính Thiêng Liêng Của Chúng Ta

Kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng gồm có giáo lý, các giáo lễ, và những lời hứa rất quí rất lớn qua đó chúng ta có thể trở nên những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời. Kế hoạch của Ngài chỉ ra danh tính vĩnh cửu của chúng ta và con đường chúng ta phải đi theo để học hỏi, thay đổi, phát triển, và, cuối cùng, ở cùng với Ngài mãi mãi.

Như đã được giải thích trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”

“Tất cả nhân loại—nam lẫn nữ—đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, mỗi người có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng. …

“Trong tiền dương thế, những người con trai và con gái linh hồn đã biết và đã thờ phượng Thượng Đế là Cha Vĩnh Cửu của họ và chấp nhận kế hoạch của Ngài mà qua đó các con cái của Ngài có thể nhận được một thể xác và đạt được kinh nghiệm trần thế để tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”3

Thượng Đế hứa với con cái của Ngài rằng nếu họ làm theo những lời giáo huấn trong kế hoạch này và noi theo tấm gương của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, tuân giữ các giáo lệnh, và kiên trì trong đức tin cho đến cùng, thì nhờ vào Sự Cứu Chuộc của Đấng Cứu Rỗi, họ “sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”4 Cuộc sống vĩnh cửu là lời hứa rất quí rất lớn hơn hết thảy.

Sự Tái Sinh về Phần Thuộc Linh

Chúng ta hiểu rõ hơn những lời hứa rất quí rất lớn và bắt đầu dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời bằng cách mạnh dạn đi theo lời Chúa gọi đến với vinh hiển và nhân đức. Như Phi Ê Rơ đã mô tả, lời gọi này được làm tròn bằng cách lánh khỏi sự hư nát ở trong thế gian.

Khi chúng ta vâng lời tiến bước với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, rồi nhờ vào Sự Chuộc Tội và quyền năng của Đức Thánh Linh, “một sự thay đổi lớn lao [xảy ra] trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng ta không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”5 Chúng ta được “tái sinh; phải, được Thượng Đế sinh ra, được chuyển từ trạng thái trần tục và sa ngã [của mình] qua trạng thái ngay chính, được Thượng Đế cứu chuộc.”6 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Ky Tô, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.”7

Sự thay đổi toàn diện như vậy trong bản tính chúng ta thường không xảy ra nhanh chóng hoặc đến cùng một lúc. Giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cũng “không nhận được sự trọn vẹn vào lúc đầu mà nhận được từ ân điển này đến ân điển khác.”8 “Vì này, Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan.”9

Các giáo lễ chức tư tế và các giao ước thiêng liêng là cần thiết trong tiến trình liên tục của sự tái sinh về phần thuộc linh; đó cũng là phương tiện Thượng Đế đã định để nhờ vậy chúng ta nhận được những lời hứa rất quí rất lớn của Ngài. Các giáo lễ mà được tiếp nhận một cách xứng đáng và được ghi nhớ luôn luôn sẽ mở ra các kênh thiên thượng mà qua đó quyền năng của sự tin kính có thể tuôn chảy vào cuộc sống chúng ta. Các giao ước mà được tôn trọng liên tục và được ghi nhớ luôn luôn sẽ mang lại mục đích và sự đảm bảo về các phước lành trong cả thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.

Ví dụ, Thượng Đế hứa với chúng ta, tùy theo lòng thành tín của chúng ta, sự đồng hành liên tục của Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, tức là Đức Thánh Linh,10 rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta có thể nhận được và luôn luôn nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình,11 rằng chúng ta có thể nhận được sự bình an trong đời này,12 rằng Đấng Cứu Rỗi đã bứt đứt các dây của sự chết và chiến thắng mộ phần,13 và rằng các gia đình có thể được sống cùng nhau cho thời hiện tại và cho suốt thời vĩnh cửu.

Rõ ràng rằng tất cả những lời hứa rất quí rất lớn mà Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài là không thể đếm được hoặc mô tả toàn diện được. Tuy nhiên, ngay cả một phần bản liệt kê các phước lành đã được hứa mà tôi vừa trình bày cũng khiến cho mỗi người chúng ta có “lòng cảm kích vô cùng”14 và “sấp mình xuống mà thờ phượng Đức Chúa Cha”15 trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ghi Nhớ Các Phước Lành

Chủ Tịch Lorenzo Snow đã cảnh báo: “Chúng ta quá dễ dàng quên đi mục đích lớn lao của cuộc sống, lý do của Cha Thiên Thượng khi gửi chúng ta đến đây với thể xác hữu diệt, cũng như ơn kêu gọi thánh mà chúng ta được ban cho; và do đó, thay vì vượt qua những điều phù du … , chúng ta quá thường xuyên cho phép bản thân tập trung vào những điều của thế gian mà không có sự giúp đỡ thiêng liêng mà Thượng Đế đã cung cấp, là điều duy nhất giúp chúng ta có thể vượt qua [những điều phù du đó].”16

Ngày Sa Bát và đền thờ thánh là hai nguồn cụ thể cung ứng sự giúp đỡ thiêng liêng từ Thượng Đế để trợ giúp chúng ta vượt qua sự hư nát của thế gian. Chúng ta ban đầu có thể cho rằng những mục đích lớn nhất của việc giữ ngày Sa Bát được thánh và tham dự đền thờ có liên quan đến nhau nhưng riêng biệt với nhau. Tuy nhiên, tôi tin rằng hai mục đích này giống hệt nhau và cùng giúp củng cố chúng ta về phần thuộc linh của cá nhân và trong nhà chúng ta.

Ngày Sa Bát

Sau khi Thượng Đế tạo ra muôn vật, Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy và truyền lệnh rằng một ngày của mỗi tuần phải là thời gian nghỉ ngơi để giúp mọi người nhớ đến Ngài.17 Ngày Sa Bát là thời gian của Thượng Đế, một thời gian thiêng liêng dành riêng để thờ phượng Ngài và để tiếp nhận cùng ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn của Ngài.

Chúa đã chỉ thị trong gian kỳ này:

“Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta;

“Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao.18

Do đó, vào ngày Sa Bát chúng ta thờ phương Cha Thiên Thượng trong danh Vị Nam Tử bằng cách tham dự vào các giáo lễ và học hỏi, tiếp nhận, ghi nhớ, và tái lập các giao ước. Trong ngày thánh của Ngài, những ý nghĩ, hành động, và cử chỉ của chúng ta là các dấu hiệu để dâng lên Thượng Đế và là một dấu chỉ cho tình yêu thương chúng ta dành cho Ngài.19

Một mục đích khác của ngày Sa Bát là để nâng cao tầm nhìn của chúng ta từ những sự việc của thế gian lên đến các phước lành vĩnh cửu. Khi tách khỏi những công việc thường ngày của cuộc sống bận rộn trong thời gian thiêng liêng này, chúng ta có thể “hướng về Thượng Đế để sống”20 bằng cách tiếp nhận và ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn mà nhờ đó chúng ta trở nên những người dự phần bổn tánh của Đức Chúa Trời.

Đền Thờ Thánh

Chúa luôn luôn truyền lệnh cho dân Ngài phải xây dựng các đền thờ, là những nơi thánh thiện trong đó Các Thánh Hữu xứng đáng thực hiện các nghi lễ và giáo lễ phúc âm thiêng liêng cho chính họ và những người chết. Các đền thờ là nơi thờ phượng thiêng liêng nhất. Một ngôi đền thờ thật sự là ngôi nhà của Chúa, một không gian thiêng liêng dành riêng để thờ phượng Thượng Đế và để tiếp nhận cùng ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn của Ngài.

Chúa đã chỉ thị trong gian kỳ này: “Hãy tự tổ chức; hãy chuẩn bị mọi điều cần thiết; và hãy thiết lập một ngôi nhà, đó là ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà nhịn ăn, ngôi nhà của đức tin, ngôi nhà của sự học hỏi, ngôi nhà của sự vinh quang, ngôi nhà của sự trật tự, tức là nhà của Thượng Đế.”21 Trọng tâm chính của việc thờ phượng trong đền thờ là tham gia vào các giáo lễ và học hỏi, tiếp nhận, và ghi nhớ, các giao ước. Chúng ta suy nghĩ, hành động, và ăn mặc một cách khác biệt khi ở trong đền thờ so với khi đến những nơi khác.

Một mục đích chính của đền thờ là để nâng cao tầm nhìn của chúng ta từ những sự việc của thế gian lên đến các phước lành vĩnh cửu. Khi tách khỏi những hoàn cảnh thế gian quen thuộc trong thời gian ngắn, chúng ta có thể “hướng về Thượng Đế để sống”22 bằng cách tiếp nhận và ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn mà nhờ đó chúng ta trở nên những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

Xin lưu ý rằng ngày Sa Bát và đền thờ là thời gian thiêng liêngkhông gian thiêng liêng được dành riêng để thờ phượng Thượng Đế và để tiếp nhận cùng ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn dành cho con cái Ngài. Như được Thượng Đế lập nên, các mục đích chính của hai nguồn giúp đỡ thiêng liêng này giống hệt nhau: để liên tục và mạnh mẽ hướng sự chú ý của chúng ta vào Cha Thiên Thượng, Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Đức Thánh Linh, và các phước lành gắn liền với các giáo lễ và giao ước của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi.

Mái Gia Đình của Chúng Ta

Quan trọng thay, một mái gia đình nên là sự kết hợp cao nhất về thời gian và không gian trong đó các cá nhân và gia đình ghi nhớ các phước lành lớn lao và quý báu của Thượng Đế một cách hữu hiệu nhất. Việc rời khỏi nhà để đến các buổi họp trong ngày Chủ Nhật và đi vào không gian thiêng liêng của một ngôi đền thờ là cần thiết nhưng không đủ. Chỉ khi chúng ta mang tinh thần và sức mạnh có được từ những sinh hoạt thánh đó trở về cùng chúng ta trong nhà thì chúng ta mới tiếp tục tập trung vào những phước lành lớn lao của cuộc sống trần thế và vượt qua sự hư nát trong thế gian. Các kinh nghiệm của chúng ta trong ngày Sa Bát và trong đền thờ nên là những điều thuộc linh làm thấm nhuần cá nhân và gia đình và nhà của mình với những lời nhắc nhở liên tục về các bài học đã có, với sự hiện diện và quyền năng của Đức Thánh Linh, cùng sự cải đạo tiếp tục và sâu sắc theo Chúa Giê Su Ky Tô, và với “một hy vọng hết sức sáng lạn”23 nơi những lời hứa vĩnh cửu của Thượng Đế.

Ngày Sa Bát và đền thờ có thể giúp chúng ta thiết lập trong nhà “một đường lối tốt đẹp hơn”24 khi chúng ta “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng [Ky Tô], cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.”25 Những gì chúng ta làm trong nhà với thời gian thiêng liêng của Ngài và với những gì chúng ta học trong không gian thiêng liêng của Ngài là mấu chốt để trở nên những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Chúng ta có thể dễ dàng bị chi phối bởi lề thói và những vấn đề thường ngày của cuộc sống. Việc ngủ, ăn, mặc, làm việc, chơi, tập thể dục, và nhiều sinh hoạt thông thường khác đều cần thiết và quan trọng. Nhưng trên hết, con người mà chúng ta trở thành là kết quả của sự hiểu biết và sự sẵn lòng học hỏi từ Cha Thiên Thượng, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh; điều đó không chỉ là tổng kết quả của những đeo đuổi hằng ngày trong suốt cuộc sống.

Phúc âm không phải là một bản liệt kê hằng ngày của những việc rời rạc cần làm; thay vì vậy, phúc âm là một tấm thảm thêu tinh xảo được dệt từ đủ loại sợi lẽ thật được “sắp đặt cách hẳn hoi”26, được thiết kế nhằm giúp chúng ta trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, tức là những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời. Thật sự là chúng ta bị mù quáng khi nhìn xa quá điểm nhắm27 khi sự thật thuộc linh quan trọng nhất bị che phủ bởi các mối bận tâm, lo ngại, và sự tùy tiện của thế gian.

Khi chúng ta khôn ngoan mời Đức Thánh Linh hướng dẫn cho chúng ta,28 tôi hứa rằng Ngài sẽ dạy cho chúng ta điều gì là thật. “Ngài sẽ làm chứng về Đấng Ky Tô, [và] soi sáng tâm trí ta với góc nhìn của thiên thượng”29 khi chúng ta nỗ lực làm trọn vận mệnh vĩnh cửu và trở nên những người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

Tôi làm chứng rằng những lời hứa rất quí rất lớn liên kết với các giáo lễ và giao ước của chúng ta là chắc chắn. Chúa đã tuyên phán:

“Ta ban cho các ngươi những chỉ thị về cách thức mà các ngươi có thể thi hành trước mắt ta, để nó có thể đưa đến sự cứu rỗi cho các ngươi.

“Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”30

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và là tác giả của kế hoạch cứu rỗi. Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài hằng sống. Và tôi làm chứng rằng những lời hứa cùng kế hoạch của Cha Thiên Thượng, Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, và sự đồng hành của Đức Thánh Linh mang đến “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”31 Tôi làm chứng về những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.