2010–2019
Lạy Chúa, Xin Cho Mắt Chúng Tôi Được Mở Ra
Tháng Mười năm 2017


Lạy Chúa, Xin Cho Mắt Chúng Tôi Được Mở Ra

Chúng ta phải nhìn vào những người khác theo cái nhìn của Đấng Cứu Rỗi.

The Lion King (Vua Sư Tử) là một cuốn phim hoạt họa cổ điển về hoang mạc châu Phi. Khi vua sư tử chết trong khi cứu con mình, sư tử con bị buộc phải lưu vong trong khi một bạo chúa cai trị tàn phá thế thăng bằng của hoang mạc. Hoàng tử sư tử chiếm lại vương quốc nhờ vào sự giúp đỡ của người thầy. Mắt nó mở ra để thấy được sự cần thiết của sự thăng bằng trong vòng đời tuyệt vời ở hoang mạc. Khi xác nhận địa vị chính thức của mình là vua, sư tử con đã tuân theo lời khuyên bảo phải “nhìn xa hơn điều mình đang thấy.”1

Khi chúng ta học cách trở thành người thừa tự tất cả những gì Đức Chúa Cha có, phúc âm dạy chúng ta phải nhìn xa hơn điều chúng ta đang thấy. Để nhìn xa hơn điều mình đang thấy, chúng ta phải nhìn vào những người khác theo cái nhìn của Đấng Cứu Rỗi. Tầm ảnh hưởng của phúc âm lan rộng tới đủ loại người. Chúng ta không thể hiểu trọn vẹn những lựa chọn và bối cảnh tâm lý của con người trong thế giới của chúng ta, giáo đoàn của Giáo Hội và ngay cả trong gia đình chúng ta, vì chúng ta hiếm khi hiểu được cặn kẽ con người của họ. Chúng ta phải nhìn vượt qua những giả định và mẫu rập khuôn dễ dàng để kinh nghiệm nhiều điều hơn.

Tôi đã mở mắt mình ra để “nhìn xa hơn điều mình đang thấy” trong khi phục vụ với tư cách là một chủ tịch phái bộ truyền giáo. Một anh cả trẻ tuổi đến gặp tôi với vẻ ngần ngại và sợ hãi trong mắt. Khi chúng tôi nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn, anh ấy buồn bã nói: “Em muốn về nhà.” Tôi tự nghĩ: “Chúng tôi có thể thu xếp được việc này.” Tôi khuyên anh ấy nên làm việc siêng năng và cầu nguyện về điều đó trong một tuần và sau đó gọi điện thoại cho tôi. Một tuần sau, hầu như đúng giờ phút đó, anh gọi điện thoại lại. Anh ấy vẫn muốn về nhà. Một lần nữa, tôi lại khuyên anh ta phải cầu nguyện, làm việc siêng năng, và gọi điện thoại cho tôi trong một tuần. Trong cuộc phỏng vấn kế tiếp của chúng tôi, sự việc vẫn không thay đổi. Anh ta vẫn khăng khăng đòi về nhà.

Tôi sẽ không để cho điều đó xảy ra. Tôi bắt đầu dạy cho anh ta về tính chất thiêng liêng của sự kêu gọi của anh ta. Tôi khuyến khích anh ta nên “quên [mình] và đi làm việc.”2 Nhưng cho dù tôi đã đưa ra bất cứ ý kiến nào đi nữa thì anh ta vẫn không thay đổi ý định. Cuối cùng tôi cũng nghĩ rằng có thể tôi đã không hiểu được hết mọi sự việc. Lúc đó tôi cảm thấy được thúc giục để đặt ra câu hỏi cho anh ta: “Anh Cả này, điều gì quá khó cho anh vậy?” Điều anh ấy nói đã làm tôi xúc động: “Thưa chủ tịch, tôi không biết đọc.”

Lời khuyên khôn ngoan mà tôi đã nghĩ là rất quan trọng đối với anh ta để nghe lại không liên quan gì đến nhu cầu của anh. Điều mà anh ta cần nhất là tôi phải nhìn vượt qua sự đánh giá vội vàng của mình và cho phép Thánh Linh giúp tôi hiểu điều gì thực sự ở trong tâm trí của anh cả này. Anh ấy cần tôi phải nhìn anh ấy một cách đúng đắn và đưa ra một lý do để hy vọng. Thay vì thế, tôi đã hành động một cách độc đoán và tai hại. Anh cả dũng cảm này quả thật đã học đọc và trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh ấy đã mở mắt tôi để hiểu những lời của Chúa: “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa Mu Ên 16:7).

Thật là một phước lành khi được Thánh Linh của Chúa mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Còn nhớ đến tiên tri Ê Li Sê, thức dậy và thấy đạo quân Sy Ri vây thành của ông với ngựa và xe của họ không? Người hầu cận của ông sợ hãi và hỏi Ê Li Sê họ phải làm gì để chống trả trong thế chênh lệch như vậy. Ê Li Sê bảo người ấy đừng lo lắng, với những lời đáng nhớ: “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó” (2 Các Vua 6:16). Người hầu cận không hiểu vị tiên tri đang nói gì. Người ấy không thể nhìn xa hơn điều mình đang có thể thấy. Tuy nhiên, Ê Li Sê đã nhìn thấy các đoàn quân thiên sứ đã sẵn sàng chiến đấu cho dân của vị tiên tri. Vậy nên, Ê Li Sê đã cầu nguyện Chúa mở mắt cho người thanh niên đó, và người ấy “thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê Li Sê” (2 Các Vua 6:17).

Hình Ảnh
Ê Li Sê và đoàn thiên binh

Chúng ta thường tự tách mình ra khỏi những người khác bởi sự khác biệt nơi điều chúng ta thấy. Chúng ta cảm thấy thoải mái xung quanh những người nghĩ, nói chuyện, ăn mặc, và hành động giống như chúng ta và cảm thấy không thoải mái với những người đến từ những hoàn cảnh hoặc quá trình khác nhau. Trên thực tế, chúng ta đều không đến từ các quốc gia khác nhau và nói những ngôn ngữ khác nhau sao? Không phải chúng ta đều nhìn thế giới với những giới hạn to lớn của kinh nghiệm sống của chúng ta sao? Một số người nhìn và nói chuyện với đôi mắt thuộc linh, như tiên tri Ê Li Sê, và một số người khác nhìn và giao tiếp với cái nhìn bằng mắt người trần như tôi đã kinh nghiệm với người truyền giáo mù chữ của mình.

Chúng ta sống trong một thế giới khuyến khích sự so sánh, gán cho nhãn hiệu, và chỉ trích. Thay vì nhìn xuyên những thấu kính của phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta cần phải nhìn vào nội tâm để thấy được những thuộc tính tin kính mà mỗi người chúng ta có thể nhận lấy. Những đức tính tin kính và niềm khát khao này không thể nào được đăng trên Pinterest hoặc Instagram.

Việc chấp nhận và yêu thương người khác không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận ý kiến của họ. Hiển nhiên, lẽ thật đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối của chúng ta, mặc dù nó không bao giờ nên là một rào cản đối với sự tử tế. Việc thật sự yêu thương người khác đòi hỏi sự thực hành liên tục để chấp nhận những nỗ lực tốt nhất của những người có những kinh nghiệm và giới hạn của cuộc sống mà chúng ta có thể không bao giờ biết đầy đủ. Việc nhìn xa hơn điều chúng ta có thể thấy đòi hỏi sự tập trung đầy ý thức vào Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Chiếc xe chạy trên mọi địa hình

Vày ngày 28 tháng Năm năm 2016, Beau Richey, 16 tuổi và bạn của em là Austin đang ở tại trang trại gia đình ở Colorado. Beau và Austin trèo vào hai chiếc xe chạy trên mọi địa hình của họ với nhiều háo hức cho một ngày phiêu lưu. Họ chưa đi xa lắm thì gặp phải tình trạng hiểm nghèo là lúc mà thảm kịch xảy ra. Chiếc xe Beau đang lái thình lình lật ngửa, đè lên người Beau với hơn 180 kilô thép. Khi bạn Austin của Beau tìm đến nơi thì thấy Beau đang cố giành lại mạng sống mình. Với tất cả sức mạnh của mình, Austin đã cố đẩy chiếc xe ra khỏi người bạn mình. Nó không nhúc nhích. Austin cầu nguyện cho Beau và sau đó cuống cuồng chạy đi tìm người giúp. Cuối cùng, nhân viên cấp cứu đến nơi, nhưng chỉ vài giờ sau, Beau qua đời.

Cha mẹ đau khổ của Beau đến nơi. Trong khi họ đứng trong bệnh viện nhỏ với người bạn thân nhất của Beau và những người trong gia đình, thì một viên cảnh sát bước vào phòng và đưa cái điện thoại di động của Beau cho mẹ em. Khi bà cầm cái điện thoại, thì có một tiếng chuông báo động từ điện thoại vang lên. Bà mở điện thoại ra và thấy đó là tiếng chuông báo động hàng ngày của Beau. Bà đọc to lời nhắn mà đứa con trai tuổi thiếu niên, thích vui chơi và mạo hiểm đã đặt để đọc hằng ngày. Lời nhắn đó là “Hãy nhớ đặt Chúa Giê Su làm trọng tâm cuộc sống của bạn hôm nay.”

Việc Beau tập trung vào Đấng Cứu Chuộc của mình không làm giảm bớt nỗi buồn của những người thân của em khi em không còn nữa. Tuy nhiên, điều này mang lại nhiều hy vọng và ý nghĩa cho cuộc sống và sự lựa chọn trong đời sống của Beau. Điều này cho phép gia đình và bạn bè của em nhìn vượt qua nỗi đau của cái chết trẻ của em để thấy được những thực tế đầy vui mừng của cuộc sống mai sau. Thật là tấm lòng thương xót dịu dàng đối với cha mẹ của Beau để nhìn qua mắt của con trai họ và thấy điều mà em ấy quý trọng.

Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta đã được ban cho những thiết bị báo động thuộc linh cảnh báo cho chúng ta khi chúng ta chỉ nhìn bằng mắt người trần xa khỏi sự cứu rỗi. Tiệc Thánh là lời nhắc nhở hằng tuần của chúng ta để liên tục tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô để chúng ta có thể luôn tưởng nhớ tới Ngài và để chúng ta có thể luôn có Thánh Linh của Ngài ở với chúng ta (xin xem GLGƯ 20:77). Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bỏ qua những cảm giác này về lời nhắc nhở và thiết bị báo động. Khi chúng ta đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm cuộc sống của mình thì Ngài sẽ làm cho mắt chúng ta có thể mở rộng ra hơn chúng ta tự mình có thể thấu hiểu được.

Tôi đã nhận được lá thư thật thú vị này về một thiết bị báo động có khả năng bảo vệ mà một chị phụ nữ trung tín đã trải qua. Chị ấy nói với tôi rằng trong nỗ lực để giúp chồng chị hiểu rõ cảm nghĩ của chị, chị ấy bắt đầu giữ một bản liệt kê bằng điện tử trên điện thoại của chị về những điều anh ấy làm hoặc nói mà làm cho chị không vui. Chị ấy lý luận rằng khi nào đúng lúc, chị sẽ soạn lại bằng chứng bằng viết tay để chị chia sẻ với anh mà sẽ làm cho anh muốn thay đổi những lề lối của anh. Tuy nhiên, một ngày Chủ Nhật nọ, trong khi dự phần Tiệc Thánh và tập trung vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chị nhận biết rằng việc dẫn chứng những cảm nghĩ tiêu cực của chị về chồng chị đã thực sự thúc đẩy Thánh Linh rời xa chị và sẽ không bao giờ thay đổi chồng chị được cả.

Một thiết bị báo động thuộc linh vang lên trong lòng chị nói rằng: “Hãy bỏ đi; hãy bỏ hết đi. Hãy xóa bỏ những điều ghi chép đó. Chẳng có ích lợi gì đâu.” Sau đó chị ấy viết và tôi xin trích dẫn: “Phải mất một lát lâu tôi mới có can đảm để xóa bỏ bản liệt kê đó. Nhưng khi tôi làm như vậy, thì tất cả những cảm nghĩ tiêu cực cũng không còn nữa. Lòng tôi tràn đầy tình yêu thương—tình yêu dành cho chồng tôi và tình yêu mến dành cho Chúa.” Giống như Sau Lơ trên đường đi đến thành Đa Mách, tầm nhìn của chị ấy đã thay đổi. Những cái vảy từ mắt chị rớt xuống.

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta thường mở mắt người mù về thể chất lẫn thuộc linh. Việc mở mắt chúng ta ra cho lẽ thật thiêng liêng, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chuẩn bị chúng ta để được chữa lành về tầm nhìn thiển cận. Khi chú ý đến những thiết bị “báo động” thuộc linh mà báo hiệu sự cần thiết phải sửa đổi lề thói hoặc tầm nhìn vĩnh cửu rộng lớn hơn, chúng ta đang nhận được lời hứa trong Tiệc Thánh là sẽ có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Điều này đã xảy ra cho Joseph Smith và Oliver Cowdery ở Đền Thờ Kirtland khi các lẽ thật đầy sức thuyết phục được giảng dạy bởi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đã hứa rằng “bức màn che” của những giới hạn của con người sẽ “cất khỏi tâm trí của [họ], và mắt hiểu biết của [họ sẽ] được mở ra” (GLGƯ 110:1).

Tôi làm chứng ​​rằng qua quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhìn trong phần thuộc linh vượt quá điều chúng ta thật sự đang thấy. Khi chúng ta “tưởng nhớ tới Ngài, cùng … được Thánh Linh của Ngài” ở cùng chúng ta, thì mắt hiểu biết của chúng ta sẽ được mở ra. Rồi thực trạng tuyệt vời của thiên tính ở bên trong mỗi người chúng ta sẽ được ghi khắc mạnh mẽ hơn trong lòng chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Từ The Lion King 1½ (2004); ở bên ngoài Bắc Mỹ, được gọi là The Lion King 3: Hakuna Matata.

  2. Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley (2016), 201.