2010–2019
Các Ngươi Phải Tìm Kiếm Trong Những Sách Hay Nhất
Tháng Mười năm 2017


Các Ngươi Phải Tìm Kiếm Trong Những Sách Hay Nhất

Khi chúng ta học tập từ những cuốn sách hay nhất, chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những bộ hàm đầy hăm dọa của những người tìm cách gặm nhấm cội rễ thuộc linh của chúng ta.

Vào một buổi sáng sớm nọ, tôi thấy một con sâu bướm đói ăn và khéo ngụy trang trên một bụi cây hoa hồng đẹp đẽ. Khi quan sát một vài chồi cây trơ trụi lá, ngay cả một người không quan sát cẩn thận cũng thấy rõ được rằng con sâu bướm đã gặm trụi hết những chiếc lá non với những bộ hàm đầy hăm dọa của nó. Theo một cách đầy ngụ ý, tôi không thể không nghĩ đến một số người như con sâu bướm này, nhan nhản khắp nơi trên thế giới, và một số họ tài tình ngụy trang đến nỗi chúng ta có thể cho phép họ bước vào cuộc sống của mình, và trước khi chúng ta phát hiện ra, họ đã phá hủy đi cội rễ thuộc linh của chúng ta và của những người trong gia đình và bạn bè của chúng ta.

Chúng ta sống trong một thời kỳ nhan nhản những thông tin sai lạc về tín ngưỡng của chúng ta. Trong những thời điểm như thế, nếu chúng ta không bảo vệ và củng cố các cội rễ thuộc linh của mình thì đó sẽ là một cơ hội cho những kẻ tìm cách phá hoại đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô và niềm tin của chúng ta nơi Giáo Hội phục hồi của Ngài gặm nhấm những cội rễ này. Trong thời của Sách Mặc Môn, đó là Giê Rôm là người đã tìm cách hủy diệt đức tin của các tín đồ.

Những hành động và lời nói của hắn là “một chiếc bẫy của kẻ thù nghịch … giương ra để sập bắt [người dân], để nó bắt [họ] phải thần phục nó, để nó trói buộc [họ] vào xiềng xích của nó” (An Ma 12:6). Chính những xiềng xích đó cũng tồn tại ngày nay, và trừ khi chúng ta cảnh giác về mặt thuộc linh và xây dựng một nền móng vững chắc trên Đấng Cứu Cuộc của chúng ta (xin xem Hê La Man 5:12), chúng ta có thể sẽ thấy mình bị trói buộc bởi những sợi xích của Sa Tan và bị dẫn dắt một cách cẩn thận xuống những nẻo cấm như đã được nói đến trong Sách Mặc Môn (xin xem 1 Nê Phi 8:28).

Sứ Đồ Phao Lô đã đưa ra một lời cảnh bảo trong thời của ông mà có thể áp dụng được cho thời của chúng ta: “Còn tôi biết rằng … giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ” (Công Vụ 20:29–30).

Lời cảnh báo của ông và của các vị tiên tri và sứ đồ của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải làm tất cả những gì mình có thể làm được để củng cố bản thân về mặt thuộc linh chống lại những lời nói thù nghịch và cám dỗ. Khi tôi thăm viếng các tiểu giáo khu và giáo khu của Giáo Hội, tôi được soi dẫn bởi những gì tôi thấy, nghe, và cảm nhận được khi các Thánh Hữu tích cực và trung tín nghe theo những lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi và các tôi tớ của Ngài.

Sự gia tăng trong việc giữ ngày Sa Bát được thánh chỉ là một ví dụ về việc tín hữu củng cố bản thân về mặt thuộc linh qua việc chú tâm đến các lời mời gọi của vị tiên tri. Sự củng cố bổ sung được cho thấy qua sự gia tăng trong công việc đền thờ và lịch sử gia đình khi các gia đình quy tụ lại tổ tiên của mình qua các giáo lễ đền thờ. Cội rễ thuộc linh của chúng ta vươn sâu hơn khi sự cầu nguyện chân thành của cá nhân và gia đình trở thành pháo đài của đức tin chúng ta và khi chúng ta hối cải mỗi ngày, tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh, và học hỏi về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và các thuộc tính của Ngài và cố gắng trở thành giống như Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:27).

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là Sự Sáng của Thế Gian, và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Chúng ta phải hướng về Ngài trong mọi lúc và đặc biệt là vào những đêm tối tăm và gió bão khi cơn bão của sự nghi ngờ và không chắc chắn, như một trận sương mù dày đặc, tràn về. Nếu những ngón tay chỉ trỏ từ “phía bên kia sông [nơi] có một tòa nhà rộng lớn vĩ đại [đang đứng]” (1 Nê Phi 8:26) dường như hướng về phía anh chị em với một thái độ chế giễu, hạ nhục, và vẫy gọi, thì tôi xin yêu cầu các anh chị em hãy lập tức ngoảnh mặt đi để các anh chị em không bị thuyết phục bởi những chiêu phép xảo quyệt và đầy thủ đoạn nhằm chia cách các anh chị em khỏi lẽ thật và các phước lành của nó.

Tuy nhiên, chỉ thế này thôi là không đủ trong thời đại ngày nay khi những thứ đồi trụy được nói ra, viết xuống, và mô phỏng. Anh Cả Robert D. Hales đã dạy chúng ta rằng “Trừ khi các anh chị em toàn tâm toàn ý sống theo phúc âm—sống theo nó với tất cả ‘tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh’ của các anh chị em—các anh chị em sẽ không thể phát ra đủ ánh sáng thuộc linh để xua tan bóng tối” (“Out of Darkness into His Marvelous Light,” Liahona, tháng Bảy năm 2002, trang 78). Chắc chắn, ước muốn của chúng ta để noi theo Đấng Ky Tô, là Sự Sáng của Thế Gian (xin xem Giăng 8:12), có nghĩa là chúng ta phải hành động theo những lời giảng dạy của Ngài. Chúng ta sẽ được tăng cường, củng cố về mặt thuộc linh khi chúng ta hành động theo lời của Thượng Đế.

Cuộc sống của chúng ta càng có nhiều ánh sáng, thì càng ít đi bóng tối. Tuy nhiên, ngay cả trong ánh sáng dồi dào, chúng ta cũng gặp phải những người và những lời phê bình xuyên tạc tín ngưỡng của chúng ta và thử thách đức tin của chúng ta. Sứ Đồ Gia Cơ đã viết rằng “sự thử thách đức tin [của chúng ta] sanh ra sự nhịn nhục” (Gia Cơ 1:3). Với sự hiểu biết này, Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy rằng “Một môn đồ kiên nhẫn … sẽ không bị ngạc nhiên hay bị hủy diệt khi Giáo Hội bị xuyên tạc (“Patience” [Brigham Young University devotional, ngày 27 tháng Mười Một năm 1979], speeches.byu.edu).

Những thắc mắc về lịch sử Giáo Hội và tín ngưỡng của chúng ta luôn xuất hiện. Nơi chúng ta tìm kiếm câu trả lời chính xác đòi hỏi sự cẩn thận lớn lao. Không có gì có thể thu hoạch được trong việc thăm dò các quan điểm và ý kiến của những người thiếu hiểu biết hoặc mất đức tin. Lời khuyên dạy tốt nhất được Sứ Đồ Gia Cơ đưa ra: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời” (Gia Cơ 1:5).

Việc cầu xin Thượng Đế phải đi sau việc học hỏi kỹ càng, vì chúng ta được truyền lệnh trong thánh thư phải tìm kiếm “những lời thông sáng trong những sách hay nhất” và “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118). Trong những sách này, được viết bởi các vị lãnh đạo Giáo Hội được thiên thượng soi dẫn và các học giả về lịch sử Giáo Hội và giáo lý được công nhận, an toàn, và đáng tin cậy, là một sự dồi dào lớn lao. Vì thế, không có gì có thể vượt qua được sự uy nghiêm của lời nói được mặc khải của Thượng Đế trong thánh thư được công nhận. Từ những trang giấy mỏng chứa đầy những sự hiểu biết sâu sắc về phần thuộc linh, chúng ta học được lẽ thật qua Đức Thánh Linh và từ đó tăng trưởng trong sự sáng.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khẩn nài chúng ta “nên thành tâm học tập và suy ngẫm Sách Mặc Môn mỗi ngày” (“Quyền Năng của Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 87).

Một vài năm trước, khi tôi đang phục vụ với tư cách là chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Fiji Suva, một số người truyền giáo đã có một kinh nghiệm mà đã củng cố họ về quyền năng cải đạo của sách Mặc Môn. Vào một ngày nóng bức và ẩm ướt, hai anh cả đi đến một căn nhà trong một khu định cư ở Labasa.

Một người đàn ông khắc khổ trả lời tiếng gõ cửa và lắng nghe những người truyền giáo làm chứng về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Họ đưa cho ông một cuốn và mời ông đọc và cầu nguyện để biết, như họ đã biết, rằng đây là lời của Thượng Đế. Câu trả lời của ông rất ngắn gọn: “Ngày mai tôi đi đánh cá lại. Tôi sẽ đọc nó trên biển, và khi tôi trở về, các cậu có thể lại đến thăm tôi.”

Khi ông đi vắng, sự thuyên chuyển xảy ra, và một vài tuần sau, một cặp anh cả mới quay trở lại để thăm người ngư phủ. Tại thời điểm này ông đã đọc hết cuốn Sách Mặc Môn, đã nhận được một sự xác nhận về lẽ trung thực của Sách, và tha thiết được biết nhiều hơn.

Người đàn ông này được cải đạo bởi Đức Thánh Linh, là Đấng làm chứng về lẽ thật của những câu chữ quý giá trên từng trang giấy chứa đựng những sự kiện và giáo lý được giảng dạy từ xa xưa và được bảo tồn cho thời của chúng ta trong Sách Mặc Môn. Chính cùng phước lành đó có sẵn cho mỗi người chúng ta.

Ngôi nhà là địa điểm lý tưởng cho gia đình để học hỏi và chia sẻ những sự hiểu biết quý giá từ thánh thư, và lời của các vị tiên tri và để truy cập tài liệu của Giáo Hội ở trang LDS.org. Ở đó các anh chị em sẽ tìm thấy một sự dồi dào về thông tin về các đề tài phúc âm như những lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Khi chúng ta học hỏi từ những sách hay nhất, chúng ta tự bảo về mình chống lại những bộ hàm đầy hăm dọa của những người tìm cách gặm nhấm các cội rễ thuộc linh của chúng ta.

Với tất cả sự cầu nguyện, việc học hỏi, và sự suy ngẫm của chúng ta, một số câu hỏi chưa được trả lời vẫn có thể còn sót lại, nhưng chúng ta không nên để chúng dập tắt ngọn lửa đức tin cháy bỏng trong chúng ta. Những câu hỏi như vậy là một lời mời để xây dựng đức tin của chúng ta và không nên châm ngòi cho một giây phút thoáng qua của sự nghi ngờ đầy giả dối. Bản chất của tôn giáo không phải là để có một câu trả lời chắc chắn cho mọi câu hỏi, vì đây là một trong những mục đích của cuộc sống. Về vấn đề đó, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy chúng ta rằng “khi những giây phút đó đến và có vấn đề xảy ra, và các vấn đề đó không được giải quyết ngay lập tức, thì hãy bám chặt vào điều mà các anh chị em đã biết và đứng vững vàng cho đến khi hiểu biết thêm ” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 94).

Chúng ta nhìn thấy xung quanh mình niềm vui của biết bao nhiêu người đang đứng vững vàng bằng cách liên tục nuôi dưỡng cội rễ thuộc linh của họ. Đức tin và sự vâng lời của họ đủ để cho họ niềm hy vọng nơi Đấng Cứu Rỗi của họ, và đến từ đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Họ không cho rằng mình biết hết mọi thứ, nhưng họ đã trả giá để biết đủ để có được sự bình an và để sống với lòng kiên nhẫn trong khi họ tìm kiếm để biết thêm. Từng hàng chữ một, đức tin của họ gắn chặt vào Đấng Ky Tô, và họ đứng vững vàng với tư cách là người đồng quốc với các thánh đồ.

Mỗi người chúng ta hãy sống sao đó để những bộ hàm đầy hăm dọa của những con sâu bướm đang ngụy trang không tìm được chỗ, bây giờ cũng như mãi về sau, trong cuộc sống của chúng ta ta để chúng ta luôn đứng “vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.