2009
Việc Học Hỏi và Các Thánh Hữu Ngày Sau
Tháng Tư năm 2009


Sự Học Hỏi và Các Thánh Hữu Ngày Sau

Việc đạt được kiến thức là một việc làm kéo dài suốt đời, và thiêng liêng được Cha Thiên Thượng chúng ta hài lòng và các tôi tớ của Ngài quý mến.

Người nào muốn bước vào lãnh vực kiến thức thì cần phải tiếp cận nó như Môi Se đến gần bụi gai cháy; ông đứng trên đất thánh; ông mong muốn nhận được những sự việc thiêng liêng,” Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. nói (1871–1961), một thành viên thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, khi nói tại buổi lễ nhậm chức của một vị chủ tịch mới của trường Brigham Young University. “Chúng ta cần phải tiến đến việc tìm kiếm lẽ thật này—trong tất cả các lãnh vực hiểu biết nào của con người, không những bằng sự nghiêm trang mà còn với tinh thần thờ phượng nữa.”1

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta tin nơi học vấn, và chúng ta có một triết lý về cách thức và lý do tại sao chúng ta theo đuổi học vấn. Giáo lý của tín ngưỡng chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải tìm cách học hỏi bằng Thánh Linh và rằng chúng ta có nhiệm vụ phải sử dụng kiến thức của mình vì lợi ích của nhân loại.

Việc Tìm Kiếm Lẽ Thật của Chúng Ta

Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) dạy: “Tôn giáo [của chúng ta] … thúc giục [chúng ta] phải siêng năng tìm kiếm kiến thức. “Không có một dân tộc nào khác trên cõi đời mà thiết tha hơn để thấy, nghe, học và hiểu lẽ thật.”2

Việc tìm kiếm lẽ thật của chúng ta cần phải đa dạng như các sinh hoạt đời sống của chúng ta và chi tiết theo như hoàn cảnh của chúng ta cho phép. Một người Thánh Hữu Ngày Sau có học thức cần phải tìm cách hiểu các vấn đề quan trọng về tôn giáo, vật chất, xã hội và chính trị của thời nay. Chúng ta càng có thêm sự hiểu biết về các luật pháp của thiên thượng và những sự việc của thế gian, thì chúng ta càng có thể sử dụng ảnh hưởng tốt lành lớn lao hơn đối với những người chung quanh chúng ta và chúng ta sẽ được an toàn hơn trước những ảnh hưởng thô lỗ và xấu xa mà có thể làm chúng ta hoang mang và hủy diệt chúng ta.

Trong việc tìm kiếm lẽ thật của mình, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng nhân từ. Thánh Linh của Ngài có thể hướng dẫn và củng cố nỗ lực học hỏi của chúng ta và gia tăng khả năng hiểu biết về lẽ thật của chúng ta. Việc học hỏi này với Thánh Linh không giới hạn trong lớp học hoặc sự chuẩn bị cho việc thi cử. Điều này áp dụng cho mọi việc chúng ta làm trong cuộc sống và ở mọi nơi mà chúng ta làm—tại nhà, ở sở làm và tại nhà thờ.

Khi chúng ta tìm cách nhận và áp dụng sự hướng dẫn của Thánh Linh trong một thế giới bị lôi cuốn bởi những khuynh hướng và những vấn đề hằng ngày, thì chúng ta phải đương đầu với một loạt thông tin dồn dập thường thì sai lạc và vô giá trị được trình bày bởi kỹ thuật hiện đại. Chúng ta có nguy cơ để trở thành điều mà một người quan sát đã gọi là “‘cái bánh kếp nén dẹp và mỏng’—có kiến thức rất hạn chế khi chúng ta kết nối với mạng thông tin bao la đó mà chỉ cần nhấn vào một cái nút.”3

Chúng ta cũng bị tấn công bởi những người dẫn chương trình đàm thoại rất phổ biến, những nhà tâm lý học trên truyền hình, các tạp chí thời trang, và các nhà bình luận của giới truyền thông, mà các giá trị đạo đức suy đồi và lối sống bấp bênh của họ thì có thể tác động quan điểm của chúng ta và ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Ví dụ, Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã nói: “Chưa bao giờ có thời kỳ nào trên thế giới mà vai trò của [những người nam và những người nữ] lại lộn xộn hơn.”4

Trong hoàn cảnh này, sự lộn xộn, nỗi thất vọng hoặc sự thiếu tự tin có thể bắt đầu xói mòn đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta xa rời Đấng Cứu Rỗi và việc xây đắp vương quốc của Ngài trên thế gian. Nếu chúng ta tập trung các quyết định của mình vào các chiều hướng và khuynh hướng của thế gian, thì chúng ta sẽ bị “người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê Phê Sô 4:14).

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, không bị ảnh hưởng bởi quan điểm được nhiều người ưa chuộng, giảng dạy các nguyên tắc. Sự khác biệt thì rất lớn. Các xu hướng, thời trang và ý thức hệ dân gian hiện đại thì phù du và chóng tàn. Các nguyên tắc được sử dụng như nơi nương tựa đầy an toàn, hướng dẫn và lẽ thật. Nếu chúng ta bám vào lý tưởng của mình và sự hướng dẫn về giáo lý và các nguyên tắc, như đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo vị tiên tri, thì chúng ta sẽ có một sự chỉ dẫn hoàn toàn xác thực, bất biến cho các quyết định của mình trong cuộc sống.5

Chúng ta không cần phải sợ hãi. Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy: “Chúa biết điều mà Ngài sẽ cần các anh chị em phải làm lẫn điều mà các anh chị em sẽ cần phải biết. Ngài là Đấng nhân từ và Đấng toàn tri. Vậy nên các anh chị em có thể kỳ vọng với sự tin tưởng rằng Ngài đã chuẩn bị những cơ hội cho các anh chị em để học hỏi trong khi chuẩn bị cho sự phục vụ mà các anh chị em sẽ thực hiện. Các anh chị em sẽ không nhận ra các cơ hội đó một cách toàn hảo. … Nhưng khi các anh chị em đặt những sự việc thuộc linh lên trên hết trong cuộc sống của mình, thì các anh chị em sẽ được ban phước để cảm thấy được hướng dẫn đối với một sự học hỏi nào đó, và các anh chị em sẽ được thúc đẩy để làm việc siêng năng hơn.”6

Sự Xứng Đáng Cá Nhân

Các nỗ lực của chúng ta để học hỏi cần phải được phối hợp với sự xứng đáng cá nhân để cho chúng ta tiếp nhận sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Chúng ta cần phải tránh sự không trinh khiết về tình dục, hình ảnh sách báo khiêu dâm và những thói nghiện ngập cũng như những ý nghĩ tiêu cực đối với những người khác hoặc với chính mình. Tội lỗi khiến Thánh Linh của Chúa phải rút lui, và khi điều đó xảy đến, thì sự soi sáng đặc biệt của Thánh Linh chấm dứt và nguồn học hỏi bị chao đảo.

Trong điều mặc khải hiện đại, chúng ta được hứa rằng nếu mắt của chúng ta chỉ duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế, tức là gồm có sự xứng đáng cá nhân, thì “thể xác của [chúng ta] sẽ được tràn đầy ánh sáng, và sẽ chẳng có sự tối tăm nào trong [chúng ta]; và cái thể xác tràn đầy ánh sáng hiểu thấu được tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:67).

Chúng ta có thể kiểm chứng nguyên tắc vĩnh cửu này bằng kinh nghiệm cá nhân trực tiếp. Hãy nhớ đến lúc mà các anh chị em cảm thấy phẫn uất, hay sinh sự, hoặc gây gổ. Các anh chị em có thể học được một cách hữu hiệu không? Các anh chị em có nhận được bất cứ sự soi sáng nào trong lúc đó không?

Tội lỗi và cơn giận dữ làm mờ tâm trí. Chúng tạo ra một tình trạng trái ngược với ánh sáng và lẽ thật mà tiêu biểu cho trí thông minh, tức là vinh quang của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 93:36). Sự hối cải, mà có thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta qua sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, như vậy là một giai đoạn thiết yếu dọc theo con đường học hỏi cho tất cả những ai tìm kiếm ánh sáng và lẽ thật qua quyền năng giảng dạy của Đức Thánh Linh.

Chúng ta là những con người không hoàn hảo, nhưng mỗi người chúng ta có thể cố gắng xứng đáng hơn với sự đồng hành của Thánh Linh, là Đấng sẽ làm gia tăng sự hiểu biết cá nhân của chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta bênh vực lẽ thật một cách hữu hiệu hơn, để chống lại những áp lực xã hội, và có những đóng góp tích cực.

Học Vấn

Trong những sự lựa chọn về học vấn của mình, chúng ta cần phải chuẩn bị để tự nuôi mình và nuôi những người có thể dựa vào chúng ta. Việc chúng ta có được kỹ năng thích hợp thì rất cần thiết. Học vấn là bắt buộc đối với sự an toàn và an lạc của cá nhân.

Cha Thiên Thượng của chúng ta kỳ vọng rằng chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết và sự soi dẫn của mình để kiểm điểm bản thân và các khả năng của mình và quyết định về chiều hướng học vấn mà chúng ta cần phải noi theo. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những người trẻ tuổi đã tốt nghiệp trung học và hoàn tất công việc truyền giáo và giờ đây đang đối diện với các quyết định về việc học cao hơn và công việc làm. Vì những sự chọn lựa của những người nam và những người nữ thì có thể khá khác biệt, nên chúng tôi bắt đầu bằng cách xem xét những kinh nghiệm tương phản của chúng tôi, và tin rằng chúng là điển hình đối với nhiều Thánh Hữu Ngày Sau.

Anh Cả Oaks: Giống như đa số các thanh niên, những theo đuổi về học vấn cao đẳng của tôi đã rất khó khăn, liên tục và được thúc đẩy bởi nhu cầu để tôi có đủ điều kiện nuôi sống gia đình. Đại học rồi đến cao học. Điều này được tài trợ bởi công việc làm bán thời gian và việc mượn tiền học phí mà sẽ trả lại sau này bằng thu nhập gia tăng do khả năng có được nhờ vào học vấn. Trong khi đang đi học, tôi kết hôn và chúng tôi bắt đầu có con cái. Sự hỗ trợ của một người vợ và trách nhiệm về một gia đình đang tăng trưởng đã gia tăng sự cố gắng học hành của tôi và mang đến cho tôi sự thúc đẩy mạnh mẽ để tốt nghiệp và tiếp tục với công việc của đời tôi. Sau khi học xong, tôi dành ra một số thời gian nhàn rỗi mới để tiếp tục học thêm về nghề nghiệp của tôi và đọc thêm về những lãnh vực của lịch sử Giáo Hội và giáo dục tổng quát mà tôi đã mong muốn từ lâu.

Chị Oaks: Các đường lối học vấn và kinh nghiệm của phụ nữ thường thì rất khác của những người đàn ông. Tôi lớn lên trong một thời kỳ mà phụ nữ dường như chỉ có hai sự chọn lựa để tự sinh sống—giảng dạy và nuôi dưỡng. “Vấn đề” của tôi là tôi không bao giờ suy nghĩ về sự chọn lựa nào cả trong hai điều đó. Tài chính để tự nuôi sống mình là một điều mà tôi không xem là có thể thực hiện được hoặc cần thiết. Tôi thích học hỏi và tôi biết cách làm việc; thật ra, tôi yêu thích làm việc. Tôi có nhiều công việc làm vào mùa hè, và tôi học giỏi trong trường. Cuối cùng khi tôi ý thức được sự kiện là tôi cần phải hoàn toàn tự sinh sống, thì tôi sợ hãi, hầu như đờ người ra, trước những thử thách bất ngờ mà dường như đang lù lù hiện ra trước mặt tôi. Tôi không có kỹ năng thật sự để làm việc. Các môn khoa học nhân văn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nhưng giờ đây tôi cần phải đi kiếm tiền.

Tôi theo học cao học để có được những kỹ năng nhằm tự sinh sống. Tôi yêu thích tất cả thời gian học hỏi và không những khám phá ra các khái niệm mới mẻ mà còn khám phá ra khả năng của mình nữa. Trong những lãnh vực trước đây tôi đã cảm thấy ngại ngùng và có phần thiếu chuẩn bị, thì giờ đây tôi cảm thấy có khả năng và thông thạo để tự mình đối phó với cuộc sống.

Các Giai Đoạn Quyết Định

Chúng ta biết rằng không có điều gì gây lúng túng hơn là không biết phải làm gì với tương lai của mình, nhưng cũng không có điều gì làm mình toại nguyện bằng việc khám phá ra các khả năng của mình. Hãy đọc phước lành tộc trưởng của các anh chị em, hãy cân nhắc những năng khiếu tự nhiên và tài năng của mình, và tiến bước. Hãy tiến lên và các cơ hội sẽ rộng mở. Ví dụ, khi Chị Oaks bắt đầu học văn học Anh, chị chưa bao giờ nghĩ là điều đó sẽ đưa chị đến một nhà xuất bản ở Boston. Khi Anh Cả Oaks học kế toán, anh chưa bao giờ nghĩ rằng điều đó sẽ đưa anh đến việc học luật, đến trường Brigham Young University, và rồi đến Tòa Án Tối Cao Utah. Đối với Chúa, “mọi sự hiệp lại làm ích cho [chúng ta]” (Rô Ma 8:28), và học vấn mà chúng ta nhận được đến từng bước một khi cuộc sống của chúng ta trải ra trước mắt mình.

Chúng ta cần phải thận trọng chọn việc học của mình vì việc học là lợi ích vĩnh cửu của chúng ta, và bất cứ kiến thức hoặc sự thông sáng hữu ích hay “nguyên tắc tri thức” nào chúng ta thu hoạch được trong cuộc sống này cũng sẽ tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh” (GLGƯ 130:18).

Việc có rất nhiều người, nhất là phụ nữ, thiếu tự tin và nghi ngờ khả năng để thành công của mình thì thật đáng ngại. Khi ngỏ lời cùng các nữ sinh viên đang học ngành toán học, khoa học, và khoa công trình vào tháng Ba năm 2005, chủ tịch trường BYU, Anh Cả Cecil O. Samuelson Jr. thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi nói: “Một trong các giáo sư của các em đã nói với tôi … rằng một số các em ít tự tin vào khả năng và triển vọng của mình hơn những nam sinh viên cùng học, mặc dù bằng chứng có thể chứng minh là không đúng. Các em cần phải nhận biết tài năng, kỹ năng, khả năng và ưu điểm của mình chứ không lúng túng về các ân tứ mà Thượng Đế đã ban cho các em.”7

Đặc biệt là các phụ nữ có thể nhận được những lời nhận xét tiêu cực khi họ mong muốn có được nghề nghiệp chuyên môn. Một chị phụ nữ trẻ gần 30 tuổi và đang phải tự mình sinh sống đã viết thư hỏi ý kiến. Chị ấy đã tâm sự rằng chị đã đến hỏi một vị lãnh đạo Giáo Hội về việc theo học ngành luật và vị ấy đã làm nản lòng chị. Chúng ta không biết các khả năng hoặc các nhược điểm của chị ấy; lời khuyên bảo mà chị đã nhận được thì có lẽ dựa vào những điều đó hoặc vào sự soi dẫn cụ thể đối với hoàn cảnh của chị. Nhưng quyết tâm của chị có thể cảm nhận được qua các trang thư của chị, và rõ ràng là chị cần được khuyên bảo phải đạt đến mức độ trọn vẹn của tiềm năng của mình.

Là một phần sứ điệp của ông trong buổi họp Hội Phụ Nữ trung ương được tổ chức vào ngày 29 tháng Chín năm 2007, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói với các phụ nữ: “Đừng cầu nguyện để nhiệm vụ được thích hợp với khả năng của mình, mà hãy cầu nguyện để khả năng được thích hợp với nhiệm vụ của mình. Rồi sự tăng trưởng của các chị em chứ không phải nhiệm vụ sẽ là phép lạ.”8

Chúng tôi cảnh cáo rằng với sự cần thiết để học xong và củng cố sự an toàn về mặt tài chính, nhiều người nam và người nữ có thể bị cám dỗ để đặt hôn nhân vào hàng thứ yếu. Việc theo đuổi xu hướng nghề nghiệp mà làm cho một người không sẵn sàng để kết hôn, một giá trị vĩnh cửu, chỉ vì hôn nhân không phù hợp với sự hoạch định nghề nghiệp, một giá trị vật chất, là điều dại dột vĩnh viễn.

Một người bạn cùng với con gái của mình đi tham quan các trường cao học ở miền đông Hoa Kỳ. Đứa con gái đầy phấn khởi và tài năng của người ấy biết rằng khi đi học ở ngôi trường tốt nhất theo sự chọn lựa của mình, thì cô ta sẽ phải vay mượn một số học phí rất lớn cho học vấn của mình. Thường thì học vấn tốt nhất đáng để trả tiền nhưng trong trường hợp này, con gái của người ấy đã cầu nguyện và cảm thấy rằng mặc dù một món nợ lớn có thể không ngăn cản việc lập gia đình, nhưng cuối cùng món nợ đó có thể không cho phép cô ta nghỉ làm việc để có thể ở nhà với con cái của mình. Hãy sáng suốt. Mỗi người trong chúng ta đều khác biệt. Nếu các em tìm kiếm lời khuyên dạy của Ngài, thì Chúa sẽ bảo cho các em biết điều gì là tốt nhất cho các em.

Khao Khát Học Hỏi

Anh Cả Jay E. Jensen thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy rằng chúng ta cần phải luôn luôn “miệt mài việc sách đèn.”9 Việc miệt mài đó phải được thực hiện bởi một ước muốn học hỏi, được hướng dẫn bởi những ưu tiên vĩnh cửu.

Ngoài việc gia tăng các năng lực nghề nghiệp của mình, chúng ta còn cần phải mong muốn học cách trở nên toại nguyện hơn về mặt cảm xúc, có sự khéo léo hơn trong mối quan hệ giao thiệp của chúng ta, và làm cha mẹ và người công dân tốt hơn. Có rất ít điều toại nguyện và thú vị hơn việc học hỏi một điều gì mới mẻ. Hạnh phúc lớn lao, sự toại nguyện, và những phần thưởng tài chính từ điều này mà ra. Một nền học vấn không giới hạn vào việc học tại trường học. Việc học hỏi suốt đời có thể gia tăng khả năng của chúng ta để hiểu rõ giá trị và vui hưởng công việc và vẻ xinh đẹp của thế giới chung quanh mình. Loại học hỏi này vượt xa sách vở và một sự sử dụng có chọn lựa cẩn thận kỹ thuật mới, chẳng hạn như Mạng Internet. Điều này gồm có những nỗ lực về mỹ thuật. Điều này cũng gồm có những kinh nghiệm với người khác và các nơi chốn: trò chuyện với bạn bè, tham quan các viện bảo tàng và dự những buổi hòa nhạc, và cơ hội để phục vụ. Chúng ta cần phải trở nên cởi mở và vui hưởng cuộc hành trình.

Chúng ta có thể phải vất vả để hoàn thành mục tiêu của mình, nhưng những nỗi vất vả của chúng ta có thể đưa đến sự tăng trưởng nhiều như việc học hỏi của chúng ta. Những ưu điểm mà chúng ta phát huy trong việc khắc phục những thử thách sẽ tồn tại với chúng ta trong thời vĩnh cửu mai sau. Chúng ta chớ ganh tị với những người mà có những nguồn tài chính hoặc trí tuệ làm cho điều đó được dễ dàng. Nguyên nhân của sự tăng trưởng không bao giờ dễ dàng, và những người có một cuộc sống dễ dàng thì sẽ cần phải trải qua sự tăng trưởng của họ với những sự hy sinh khác hoặc loại bỏ sự tiến bộ mà chính là mục đích của cuộc sống.

Quan trọng hơn hết, chúng ta có bổn phận phải tiếp tục nền học vấn về phần thuộc linh của mình bằng cách học hỏi thánh thư và văn phẩm của Giáo Hội và bằng cách tham dự nhà thờ và đền thờ. Việc nuôi dưỡng những lời nói của cuộc sống sẽ nâng cao chúng ta, gia tăng khả năng của chúng ta để giảng dạy cho những người mà chúng ta yêu mến, và chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu.

Mục tiêu cuối cùng của học vấn là làm cho chúng ta trở nên các bậc cha mẹ và các tôi tớ tốt hơn trong vương quốc. Cuối cùng, không phải điểm học bạ trong đại học mà chính là sự tăng trưởng, kiến thức, và sự khôn ngoan mà chúng ta đạt được sẽ mở rộng tâm hồn của chúng ta và chuẩn bị chúng ta cho thời vĩnh cửu. Những sự việc của Thánh Linh là những điều vĩnh cửu, và mối quan hệ gia đình của chúng ta, được gắn bó bởi quyền năng của chức tư tế, là những kết quả cuối cùng của Thánh Linh. Học vấn là một ân tứ từ Thượng Đế; đó là nền tảng tôn giáo của chúng ta khi chúng ta sử dụng nó để giúp ích cho những người khác.

Ghi Chú

  1. J. Reuben Clark Jr., “Charge to President Howard S. McDonald,” Improvement Era, tháng Giêng năm 1946, 15.

  2. Brigham Young, “Remarks by President Brigham Young,” Deseret News, Ngày 14 tháng Ba năm 1860, 11.

  3. Richard Foreman, được trích dẫn trong Nicholas Carr, “Is Google Making Us Stupid?” Atlantic Monthly, Tháng Bảy/Tháng Tám Năm 2008, 63.

  4. Spencer W. Kimball, Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (khóa học của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ, năm 2006), 222.

  5. Ý chính của đoạn này và vài đoạn khác đăng ở phần sau của bài báo được trích từ Kristen M. Oaks, A Single Voice (2008).

  6. Henry B. Eyring, “Education for Real Life,” Ensign, Tháng Mười năm 2002, 18–19.

  7. Cecil O. Samuelson Jr., “What Will Be Relevant,” bài nói chuyện chưa được xuất bản.

  8. Thomas S. Monson, “Ba Mục Tiêu để Hướng Dẫn Các Chị Em,” LiahonaEnsign, Tháng Mười Một năm 2007, 120.

  9. Thư của Jay E. Jensen gửi cho Dallin H. Oaks, đề ngày 23 tháng Tư năm 2008.

Trái: Hình ảnh do Craig Dimond chụp; phải: tranh ảnh do John Luke, Matthew Reier, và Christina Smith minh họa

Tranh ảnh do Robert Casey, Marina Lukach, và Craig Dimond minh họa

Tranh ảnh do Matthew Reier, Craig Dimond, và Christina Smith minh họa

Việc học hỏi với Thánh Linh không giới hạn trong lớp học hoặc sự chuẩn bị cho các kỳ thi. Điều này áp dụng cho mọi việc chúng ta làm trong cuộc sống và ở mọi nơi mà chúng ta làm—tại nhà, ở sở làm và tại nhà thờ.

Một sự học vấn không giới hạn vào việc học tại trường học. Việc học hỏi suốt đời có thể gia tăng khả năng của chúng ta để hiểu rõ giá trị và vui hưởng công việc và vẻ đẹp của thế giới chung quanh chúng ta.