2009
Tiếng của Người Chăn Hiền Lành
Tháng Tư năm 2009


Tiếng của Người Chăn Hiền Lành

Là người chủ nông trại ở Montana trong gần hết 70 năm đời mình, tôi quý trọng câu chuyện ngụ ngôn về người chăn hiền lành trong Giăng 10:1–18, vì tôi đã sống theo câu chuyện đó. Những kinh nghiệm sau đây đặc biệt mang đến ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn này cho tôi.

Trong thời kỳ Kinh Thánh, mỗi người chăn cất tiếng kêu bầy gia súc của mình từ nhiều đàn gia súc đang đứng chen chúc để vào chuồng ban đêm (xin xem các câu 3–4). Tương tự như vậy, bất cứ khi nào tôi dẫn chiên của mình đi, tôi chỉ cần gọi và chúng đi theo.

Cách đây nhiều năm, người hàng xóm nhanh nhẹn 96 tuổi của tôi là Alice cũng nuôi cừu và bà bị bệnh trong mùa cừu sinh, nên tôi đề nghị giúp bà chăm sóc các con cừu cái của bà sinh đẻ vào ban đêm. Khi tôi bước vào chuồng chiên của bà vào đêm “trực” đầu tiên của mình, gần 100 con cừu cái của Alice đã thanh thản nằm ngủ trong đêm. Tuy nhiên khi tôi xuất hiện, chúng lập tức ý thức được có người lạ mặt ở giữa chúng. Đầy kinh hãi, chúng lập tức tìm kiếm sự an toàn bằng cách nằm rúc vào nhau trong một góc ở đằng xa (xin xem câu 5).

Điều này tiếp tục trong vài đêm. Cho dù tôi có bước vào im lặng đến mấy, các con cừu vẫn hoảng sợ và chạy trốn. Tôi dịu dàng nói chuyện với các con chiên mới sinh và các con cừu cái trong khi tôi chăn chúng. Đến đêm thứ năm thì chúng không còn chạy tán loạn khi tôi đến làm việc ở giữa chúng nữa. Cuối cùng chúng đã nhận biết tiếng của tôi và tin tưởng tôi.

Một thời gian sau tôi nói với Alice rằng tôi sẽ cho khoảng mười hai con chiên con đang đói sữa bú bằng bình. (Một con chiên con đang đói sữa là con chiên con bị mất mẹ hoặc mẹ nó không có đủ sữa.) Bắt chước Alice, tôi gọi các con chiên con: “Lại đây, BaBa! Lại đây, BaBa!” Tôi hy vọng rằng các con chiên con đang đói sẽ chạy xông vào người tôi như chúng đã làm với Alice. Nhưng không có một con chiên con nào ngước nhìn. Rồi sau đó Alice bước ra khỏi cửa nhà bếp của bà và cất tiếng gọi. Khi nghe tiếng của bà, chúng hăm hở chạy xông vào bà, ồn ào tìm sữa.

Tò mò, Alice và tôi tìm hiểu lý do chính xác về hành vi của chúng. Đứng trong bãi rào của tôi, Alice giả giọng của tôi mà gọi: “Lại đây, lamby, lamby! Lại đây, lamby, lamby!” và bà không có được sự đáp ứng nào cả. Nhưng khi tôi cất tiếng gọi cũng với những lời giống chính xác như vậy thì các con cừu của tôi nhanh chóng đến bao quanh tôi. Mặc dù những lời chúng tôi dùng để kêu các con cừu đều giống nhau nhưng tiếng xa lạ của chúng tôi đã không được chú ý tới. Cừu trung thành chỉ quen tiếng người chăn của mình mà thôi (xin xem câu 4).

Sách Giăng 10 phân biệt người chăn với kẻ chăn thuê. Người chăn chiên là chủ chiên có tình yêu thương và mối quan tâm về sự an toàn của chiên. Trái lại, kẻ chăn thuê chỉ là “người được thuê để chăn” và “không lo lắng chi” (câu 13). Câu chuyện ngụ ngôn cũng dạy rằng trong khi kẻ chăn thuê bỏ chiên chạy trốn (xin xem câu 12), thì người chăn chiên sẵn lòng phó mạng sống cho chiên mình (xin xem câu 11). Điều này chắc chắn là đúng với Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta—Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô—là Đấng trìu mến phó mạng sống của Ngài cho chúng ta (xin xem các câu 15, 17-–18).

Đối với tôi, các kinh nghiệm này xác nhận một trong số các sứ điệp then chốt của câu chuyện ngụ ngôn này: việc mỗi cá nhân chúng ta cố gắng biết được Đấng Chăn Hiền Lành của mình và nhận ra tiếng của Ngài ngay lập tức sẽ ngăn ngừa việc lầm lẫn đi theo kẻ chăn thuê. Bằng cách lưu tâm đến tiếng của Đấng Chăn Hiền Lành của mình—chứ không theo một người nào khác—chúng ta sẽ được hướng dẫn đến sự an toàn vĩnh cửu.

Chúa Là Đấng Chăn của Tôi, tranh do Simon Dewey họa, với nhã ý của Altus Fine Art, American