2012
Giúp Giới Trẻ Có Được Những Kinh Nghiệm Thuộc Linh
Tháng Mười năm 2012


Giúp Giới Trẻ Có Được Những Kinh Nghiệm Thuộc Linh

Không một ai có thể ép buộc giới trẻ có được những kinh nghiệm thuộc linh, nhưng như các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo này khám phá ra, có rất nhiều cách để khuyến khích những kinh nghiệm dẫn đến sự cải đạo.

Khi Vyacheslav và Zoya Gulko ở Ukraine bắt đầu tìm hiểu về Giáo Hội, thì đứa con gái 13 tuổi của họ, Kira, không lấy làm phấn khởi lắm. Nó từ chối tham dự vào các bài học của người truyền giáo, và khi biết các anh cả sắp tới nhà họ, thì mẹ nó nhớ rằng nó “cố tình đóng cửa phòng nó lại.”

Anh Chị Gulko, hai người đã quyết định gia nhập Giáo Hội, nghĩ rằng nếu họ chỉ cần mang đến một cơ hội cho Kira để cảm nhận được Thánh Linh, thì lòng nó có thể sẽ được cảm động. Vì chứng ngôn của Chị Gulko đã bắt đầu khi chị dự lễ báp têm của một người khác, nên chị mời Kira đến dự lễ báp têm của chị—chỉ để giúp chị thay quần áo khô sau khi báp têm. Chị Gulko rất ngạc nhiên khi Kira đồng ý đến dự.

“Điều đó đã xảy ra!” Chị Gulko nhớ lại. “Cha Thiên Thượng đang làm việc trong một cách nhiệm mầu.” Kira quả đã cảm nhận được Thánh Linh, và một tuần sau lễ báp têp của cha mẹ nó, nó đã đồng ý gặp những người truyền giáo. Nó bắt đầu đọc Sách Mặc Môn. Một vài tuần lễ sau, Chị Gulko thấy một tờ giấy dán lên trên bàn làm việc của Kira; những chữ 2 Nê Phi 2:25 được viết lên trên tờ giấy đó. Hai tháng rưỡi sau khi lễ báp têm của họ, anh chị Gulko đã tham dự lễ báp têm của con gái họ. Giờ đây, 20 năm về sau, Kira đã kết hôn. Chị và chồng của chị là Dave, đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ và đang nuôi dạy hai đứa con trai trong phúc âm. Chị đã phục vụ trung tín trong một số sự kêu gọi và luôn luôn tích cực trong Giáo Hội.

Qua kinh nghiệm đó, Zoya nói rằng chị đã học được một bài học quan trọng mà có thể được áp dụng cho các bậc cha mẹ là các tín hữu lâu đời của Giáo Hội cũng như cho vợ chồng chị là các tín hữu mới: các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo không thể ép buộc con cái của mình theo phúc âm, nhưng họ có thể mời chúng đến những chỗ và tạo ra những kinh nghiệm để giới trẻ có thể có những kinh nghiệm thuộc linh của riêng mình. Sau đó, những kinh nghiệm đó có thể đưa đến sự cải đạo.

Nhưng cách tốt nhất để tạo ra những loại kinh nghiệm này là gì? Các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo trên khắp thế giới chia sẻ điều gì đã hữu hiệu cho họ.

Cho Giới Trẻ Cơ Hội để Phục Vụ

Tiểu Giáo Khu Granja Viana trong Giáo Khu São Paulo Brazil Cotia có một tỷ lệ sinh hoạt cao trong số các thiếu niên của Tiểu Giáo Khu. Nhưng các vị lãnh đạo của các thiếu niên thấy rằng một số thiếu niên đang gặp những thử thách cá nhân và khó làm tròn bổn phận chức tư tế của họ.

Sau khi giám trợ đoàn và các vị lãnh đạo Hội Thiếu Niên cùng hội ý với nhau, họ quyết định tập trung nhiều hơn vào các sinh hoạt phục vụ chứ không phải tập trung nhiều vào sự giải trí và vui chơi. Điều này gồm có việc đi thăm các thành viên kém tích cực trong nhóm túc số, tham gia vào việc giảng đạo với những người truyền giáo toàn thời gian, và thực hiện lễ Tiệc Thánh cho các tín hữu của tiểu giáo khu chỉ ở trong nhà. Các sinh hoạt này cho các thiếu niên một cơ hội để hành động theo các nguyên tắc họ đang học trong lớp giáo lý và vào ngày Chủ Nhật (xin xem 2 Nê Phi 2:26).

Theo thời gian, “các sinh hoạt tinh thần này đã tạo ra tất cả mọi sự khác biệt,” một vị lãnh đạo chức tư tế báo cáo như vậy.

Vị này nói: “Chúng tôi rất kinh ngạc khi vào một ngày Chủ Nhật nhịn ăn đặc biệt, tất cả các thiếu niên đều chia sẻ chứng ngôn của họ. “Trong khi làm như vậy, nhiều em trong số các thiếu niên đó đã khóc khi nhớ lại tinh thần tốt đẹp mà họ đã cảm nhận về những dịp đó. Một thiếu niên đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Tiệc Thánh cho một tín hữu lớn tuổi hơn của tiểu giáo khu chúng tôi là người đã nằm liệt giường trong ba năm. Vợ của ông, một chị phụ nữ trung tín, đã tiếp đón các thiếu niên của chúng tôi với niềm vui và hy vọng. Sau giáo lễ, chị ấy đã chia sẻ với họ niềm hạnh phúc chị cảm nhận được trong cuộc sống của mình nhờ vào phúc âm mặc dù đang phải đương đầu với những vấn đề và thử thách to lớn. Họ cảm nhận được Thánh Linh và nhận biết sự khác biệt mà phúc âm đã tạo ra trong cuộc sống của các tín hữu. Kinh nghiệm này mạnh mẽ đến nỗi họ sẽ nhớ mãi trong nhiều năm sắp tới—có lẽ trong suốt cuộc đời họ.”

Ông thấy rằng ông chưa từng thấy loại phản ứng như thế từ bất cứ “cuộc đấu bóng bầu dục hoặc đêm họp đầy vui thú của Hội Hỗ Tương.” Thay vì thế, ông nói, kinh nghiệm đã dạy cho ông biết về tầm quan trọng của việc khuyến khích các loại kinh nghiệm nhờ đó giới trẻ có thể cảm nhận được Thánh Linh.

Ông nói tiếp: “Các sinh hoạt xã hội rất quan trọng.” “Nhưng những kinh nghiệm thuộc linh là thiết yếu trong việc giúp giới trẻ xây đắp chứng ngôn của họ.”

Mỗi Chủ Nhật ở Tiểu Giáo Khu Rennes, Giáo Khu Angers France, Chị Delphine Letort, với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nữ, đưa một tấm thẻ cho mỗi thiếu nữ tham dự và yêu cầu em ấy chọn một người bạn không có mặt ở nhà thờ và viết thư cho em ấy. Các em thiếu nữ viết về bài học của tuần đó—điều các em ấy đã học hoặc điều đã soi dẫn các em ấy—cũng như một lá thư ngắn thân mật, riêng tư. Rồi Chị Letort hoặc một trong hai cố vấn của chị gửi các tấm thẻ đó theo đường bưu điện cho các em đã không có mặt ở nhà thờ.

Chị ấy nói rằng sinh hoạt đó rất giản dị nhưng hữu hiệu, không những đó là cách để các em không có mặt biết rằng các em ấy đã được nhớ đến, mà còn cho các em đã viết những lá thư ngắn đó để quan tâm đến nhau hơn.

Chị ấy nói: “Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những phép lạ lớn lao mới thành được.” (xin xem An Ma 37:6). “Chúng tôi đã thấy điều đó được biểu hiện. Các thiếu nữ đã được khuyến khích, và kinh nghiệm này đã góp phần vào việc gia tăng chứng ngôn của họ.”

Liên Kết Giới Trẻ với Lời của Thượng Đế

An Ma dạy rằng việc thuyết giảng lời của Thượng Đế có một ảnh hưởng mạnh mẽ (xin xem An Ma 31:5). Một người lãnh đạo Hội Thiếu Niên ở Texas, Hoa Kỳ, tên là David Elmer, biết điều này và cung ứng cho các thiếu niên anh lãnh đạo một chuyến phiêu lưu Hướng Đạo đầy mạo hiểm với một kinh nghiệm đầy ý nghĩa mà sẽ giúp chuẩn bị chúng cho tương lai.

Anh Elmer thành tâm xem xét điều anh có thể chia sẻ và cảm thấy được hướng dẫn đến với một bài nói chuyện của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trong chuyến đi, Anh Elmer đã giảng dạy từ sứ điệp đó, gồm có câu chuyện mà Anh Cả Andersen đã chia sẻ về Sidney Going, một ngôi sao bóng rugby New Zealand đã hoãn lại sự nghiệp thể thao để phục vụ truyền giáo. Anh Cả Andersen nói: “Công việc truyền giáo của các em sẽ là một cơ hội thiêng liêng để mang những người khác đến cùng Đấng Ky Tô và giúp chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.”1

Anh Elmer nói rằng kinh nghiệm đó thật là mạnh mẽ vì anh đã giảng dạy từ những lời của một vị tiên tri tại thế. Vào cuối buổi họp devotional đó, tất cả các thiếu niên và các vị lãnh đạo đã ký tên vào các quả bóng rugby như là một lời hứa phục vụ truyền giáo và là một điều nhắc nhở hiển nhiên về điều họ đã học và cảm nhận được. Nhiều người cha và nhiều vị lãnh đạo đã thức đêm đó để nói chuyện với các thiếu niên về công việc truyền giáo của họ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào.

Anh Elmer nói: “Thượng Đế của chúng ta là một Thượng Đế riêng tư; Ngài biết giới trẻ của Ngài.” “Ngài biết về cuộc sống và thử thách của chúng và về điều gì đang xảy ra với những đứa trẻ này. Ta không bao giờ biết được cách Ngài tác động trong cuộc sống của chúng. Vậy nên, với tư cách là những người lãnh đạo, chúng tôi chuẩn bị và cung ứng bầu không khí cho chúng để cảm nhận được Thánh Linh. Ta có thể làm thế qua thánh thư và qua những lời của các vị tiên tri, nhưng chính là Chúa, chứ không phải chúng ta, là Đấng đang tác động lòng của chúng.”

Hãy Kiên Định

Anh Elmer nói rằng anh muốn các thiếu niên phải nhớ một điều khác nữa về chuyến đi: phải kiên định trong việc học phúc âm của chúng.

Anh nói: “Tôi cảm thấy phần trách nhiệm đó của mình là phải cho chúng những kinh nghiệm để cảm nhận Thánh Linh, và nếu tôi muốn điều đó xảy ra, thì tôi phải làm phần vụ của mình để hoạch định điều đó.” “Anh Cả David A. Bednar đã dạy về việc tạo ra các mẫu mực thuộc linh trong cuộc sống của mình, các mẫu mực giống như việc học thánh thư và cầu nguyện cùng buổi họp tối gia đình.2 Và khi ra đi vào tuần lễ đó, chúng tôi duy trì các mẫu mực thuộc linh của mình. Chúng tôi cùng cầu nguyện chung với nhóm. Chúng tôi chỉ định các thiếu niên chia sẻ 10 phút buổi họp devotional vào buổi sáng, và những người lãnh đạo và những người cha chuẩn bị buổi họp devotional vào buổi tối.

“Điểm cốt yếu là mặc dù chúng tôi ở xa nhà và các sinh hoạt của mình khác biệt hơn thường lệ, nhưng các mẫu mực thuộc linh của chúng tôi đều không bị gián đoạn. Các thiếu niên có thể hoặc không có thể nhớ các bài học cụ thể, nhưng tôi hy vọng rằng chúng sẽ ghi nhớ mẫu mực chúng tôi đã duy trì để có những buổi họp devotional và cầu nguyện cùng học thánh thư.”

Myra Bocobo Garcia ở Philippine cũng biết được giá trị của sự kiên định, và chị biết cách giảng dạy điều đó bắt đầu từ nhà. Chị Garcia và chồng của chị, Edwin, có ba con trai và sáu con gái tuổi từ 8 đến 22, mỗi đứa đều tham gia vào những sinh hoạt tốt lành khác nhau. Mặc dù điều đó có thể có nghĩa là nhiều người đi nhiều hướng khác nhau, nhưng gia đình cố gắng nhiều để kiên định trong việc có một bữa ăn tối chung với nhau.

Chị Garcia nói: “Việc nấu nướng và vui vẻ chuẩn bị thức ăn và cùng ăn chung với nhau là một trong những cách tốt nhất chúng tôi quy tụ con cái mình lại.” Chị nhận thấy rằng giờ ăn chính là thời gian để nhắc nhở lại, liên kết với nhau, và ghi nhận các phước lành của Chúa.

Tận Dụng Cơ Hội Có Sẵn để Giảng Dạy và Lắng Nghe

Jocelyn Fielden ở Nova Scotia, Canada, nói rằng các bài học thiết yếu nhất mà chị học được từ việc nuôi dạy sáu đứa con, hiện thuộc lứa tuổi từ 20 đến 30, không những liên quan đến việc giảng dạy trực tiếp mà còn đến “việc tạo ra một môi trường mà con cái tự chúng có thể học được các lẽ thật.”

Chị nói: “Đừng quá nhanh chóng lựa chọn thay cho chúng hay trả lời tất cả những câu hỏi của chúng.” Thay vì thế, chị đề nghị hướng dẫn con cái “đến với thánh thư hay lời khuyên dạy từ vị tiên tri của chúng ta để có được sự hướng dẫn và những câu trả lời.” Chị nói thêm: “Và sẵn sàng thảo luận về những gì chúng khám phá ra được.” Ngoài ra, khi chị có câu hỏi từ con cái mình, đôi khi chị trả lời bằng cách đặt ra câu hỏi của riêng mình: “Con nghĩ con nên làm gì?”

Chị nói: “Hãy tin tưởng rằng chúng sẽ chọn những điều đúng.” “Khi chúng ta giúp con cái mình học cách nhận biết Thánh Linh trong cuộc sống của chúng bằng nhiều giây phút giảng dạy mà chúng ta có mỗi ngày với chúng và khi chúng biết cảm giác về Thánh Linh là như thế nào, thì đó sẽ là chất xúc tác cho chúng để tìm kiếm những kinh nghiệm thuộc linh hơn, do đó củng cố chứng ngôn của chúng về sự xác thực của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này tạo ra một ảnh hưởng dây chuyền: chúng càng cảm thấy ánh sáng và sự an ủi mà Thánh Linh mang đến, thì chúng sẽ càng có ước muốn có được Thánh Linh và cố gắng làm những điều mà sẽ làm cho Thánh Linh được đầy dẫy trong cuộc sống của chúng.”

Chị đã nhanh chóng nêu ra các nguyên tắc đã hữu hiệu trong cuộc sống gia đình đối với chị là các nguyên tắc mà các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nhiều lần giảng dạy. Chẳng hạn, chị nói rằng trong khi một điều giảng dạy nào đó có thể xảy ra trong những cuộc thảo luận chính thức giống như các cuộc thảo luận trong buổi họp tối gia đình, trong khi học thánh thư và cầu nguyện chung gia đình, thì các bậc cha mẹ có thể được Thánh Linh hướng dẫn để trông đợi những giây phút giảng dạy.3

Chị nói: “Việc đi tản bộ, lái xe đi đến các buổi sinh hoạt, chơi bóng rổ, ăn chung với gia đình, làm việc chung với nhau, ca hát, và phục vụ những người khác đều chỉ là một vài sinh hoạt mà việc giảng dạy phúc âm đã xảy ra trong gia đình chúng tôi. “Việc nói về các đề tài phúc âm thường xảy ra một cách tự nhiên khi chúng ta tham dự vào các sinh hoạt khác.”

Cùng Làm Việc Với Nhau hướng tới một Mục Tiêu Chung

Ngay sau khi tốt nghiệp trường Brigham Young University–Hawaii, KaYan Danise Mok trở về nhà ở Hồng Kông và nhận được sự kêu gọi với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nữ. Trong khi chị thích nghi với cuộc sống ở nhà, bắt đầu một sự nghiệp, và tiếp tục với việc theo học cao đẳng, chị đã tha thiết cầu nguyện xin được soi dẫn để giúp đỡ các thiếu nữ mà chị làm việc với họ nhằm phát huy chứng ngôn để chuẩn bị họ cho tương lai.

Một ngày Chủ Nhật nọ trong khi đang giảng dạy về triển vọng vĩnh cửu, Chị Mok nhận ra một cảm giác thúc giục để đọc Sách Mặc Môn với một thiếu nữ đặc biệt, em ấy là người duy nhất tình cờ có mặt ở nhà thờ vào ngày đó.

Chị Mok nói: “Người cố vấn của tôi và tôi đáp ứng nhanh chóng bằng cách đặt ra mục tiêu để hoàn tất việc đọc Sách Mặc Môn chung một nhóm với em thiếu nữ ấy.” “Chị ấy không do dự chấp nhận lời yêu cầu đó vì chúng tôi sẽ cùng hoàn tất mục tiêu này với nhau.”

Kể từ lúc đó, cố vấn của chị là Chị Mok, và em thiếu nữ này đã lập ra một “hệ thống thân hữu” trên Facebook và qua việc nhắn tin trên máy điện thoại để nhắc nhở nhau đọc và chia sẻ với nhau điều họ đang học.

Chị Mok nói rằng chị đã thấy được bằng chứng hiển nhiên về sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của em thiếu nữ này chính là phát sinh từ việc học thánh thư của em. Và khi Chị Mok đọc thánh thư trên chuyến xe lửa đi làm hằng ngày của mình, chị cũng đã tìm ra các phước lành cho mình. Chị nói: “Tôi cũng cảm nhận được Thánh Linh và nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình khi tôi tiếp tục tiến bước trong cuộc sống.

Chị nói tiếp: “Theo kinh nghiệm của tôi, một số người trẻ tuổi lo lắng và cảm thấy không chắc về việc họ có thể nhận được một chứng ngôn và có những kinh nghiệm thuộc linh như những người khác không.” “Bằng cách làm việc chung với nhau, chúng tôi bảo đảm với họ bằng hành động của mình rằng điều này hữu hiệu và chúng tôi luôn luôn hỗ trợ họ trong mỗi bước trên đường đời.”

Ghi Chú

  1. Neil L. Andersen, “Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 50.

  2. Xin xem David A. Bednar, “Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 17–20.

  3. Để có ví dụ, xin xem Robert D. Hales, “Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế: Sứ Mệnh của Cha Mẹ và Những Người Lãnh Đạo đối với Thế Hệ Đang Vươn Lên,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 95–98; David A. Bednar, “Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 17–20.

Cận cảnh: hình do Robert CAsey chụp © IRI; hình nền sau: hình do John Luke chụp © IRI

Trái: hình của ball © iStockphoto.com/RTimages; hình nền sau: hình do Bryan Rowland chụp © IRI; phải: hình ảnh minh họa © 1998 IRI

Hình ảnh minh họa © IRI