2012
Một Bí Quyết để Có Được Gia Đình Hạnh Phúc
Tháng Mười năm 2012


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Một Bí Quyết để Có Được Gia Đình Hạnh Phúc

Hình Ảnh
Bài của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Nhà đại văn hào người Nga là Leo Tolstoy bắt đầu viết quyển tiểu thuyết Anna Karenina với những lời này: “Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình không hạnh phúc thì khổ sở theo cách riêng của mỗi gia đình.”1 Mặc dù tôi không biết chắc như Tolstoy rằng các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng tôi đã khám phá ra một điều là hầu hết các gia đình đó đều có điểm chung: họ có một cách để tha thứ và quên đi những điều không hoàn hảo của những người khác và tìm kiếm điều tốt lành.

Mặt khác, những người trong các gia đình không hạnh phúc thường chê trách, oán giận và dường như không thể bỏ qua những điều xúc phạm trong quá khứ.

Những người không hạnh phúc bắt đầu với câu: “Vâng, nhưng …” Một người nói: “Vâng, nhưng anh không biết là chị ấy làm phật lòng tôi đến mức nào.” Người khác nói: “Vâng, nhưng chị không biết anh ấy ghê gớm đến mức nào.”

Có lẽ cả hai người đều đúng; có lẽ chẳng có người nào đúng cả.

Có nhiều mức độ xúc phạm. Có rất nhiều mức độ phật lòng. Nhưng điều tôi thấy thì thường là chúng ta biện minh cho cơn giận dữ của mình và thỏa mãn lương tâm của mình bằng cách tự kể cho mình nghe những câu chuyện về các động cơ của những người khác mà lên án hành động của họ là không thể tha thứ và ích kỷ trong khi đồng thời tự hào về các động cơ của mình là trong sáng và vô tội.

Con Chó của Vị Hoàng Tử

Có một câu chuyện xưa ở xứ Wales từ thế kỷ thứ 13 về một vị hoàng tử trở về nhà và thấy máu nhỏ giọt từ mặt con chó của mình. Ông ta vội chạy vào bên trong và kinh hoàng không thấy đứa con sơ sinh của mình và cái nôi của nó thì lật úp. Trong cơn giận dữ, vị hoàng tử rút gươm ra và giết chết con chó. Chẳng bao lâu sau đó, ông ta nghe tiếng khóc của con trai mình—đứa bé còn sống! Nằm cạnh đứa bé là một con chó sói đã chết. Thật ra, con chó đã bảo vệ đứa con sơ sinh của vị hoàng tử bằng cách chống lại con chó sói hung dữ.

Mặc dù câu chuyện này bi thảm nhưng nó đã nêu rõ một điểm. Điểm này có thể cho thấy rằng câu chuyện chúng ta tự kể cho mình nghe về lý do tại sao những người khác hành động theo một cách nhất định nào đó thì không phải lúc nào cũng phù hợp với những sự kiện—đôi khi chúng ta còn không muốn biết những sự kiện đó nữa. Chúng ta thà cảm thấy tự biện minh trong cơn giận dữ của mình bằng cách tỏ ra cay đắng và oán giận. Đôi khi những cảm nghĩ oán giận này có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm. Đôi khi chúng có thể kéo dài suốt đời.

Một Gia Đình Chia Rẽ

Một người cha không thể nào tha thứ cho đứa con trai của mình đã rời bỏ con đường mà nó đã được dạy dỗ. Người con trai đó có bạn bè mà người cha không chấp nhận, và nó đã làm nhiều điều trái ngược với điều cha của nó nghĩ là nó cần phải làm. Điều này gây ra cảnh chia rẽ giữa cha và con, và ngay khi có thể được, đứa con bỏ nhà ra đi và không bao giờ trở lại. Họ hiếm khi nói chuyện với nhau nữa.

Người cha đã cảm thấy có lý do chính đáng không? Có lẽ.

Đứa con đã cảm thấy có lý do chính đáng không? Có lẽ.

Tôi chỉ biết rằng gia đình này đã bị chia rẽ và không có hạnh phúc vì cả cha lẫn con đã không thể tha thứ cho nhau. Họ đã không thể bỏ qua những ký ức đắng cay mà họ đã có đối với nhau. Lòng họ đầy giận dữ thay vì yêu thương và tha thứ. Mỗi người đã tự tước đoạt cơ hội để ảnh hưởng tốt cho cuộc sống của người kia. Sự chia rẽ giữa họ dường như quá sâu và quá rộng đến nỗi mỗi người trở thành một tù nhân tinh thần trên hòn đảo tình cảm của mình.

May mắn thay, Cha Thiên Thượng Vĩnh Cửu nhân từ và đầy thông sáng đã cung ứng những phương tiện để khắc phục khoảng cách kiêu ngạo này. Sự Chuộc Tội vĩ đại và vô hạn là hành động tha thứ và hòa giải tối cao. Tính chất trọng đại của Sự Chuộc Tội vượt quá sự hiểu biết của tôi, nhưng tôi hết lòng và hết tâm hồn làm chứng về thực tế và quyền năng tột bậc của Sự Chuộc Tội này. Đấng Cứu Rỗi đã hy sinh để chuộc tội lỗi của chúng ta. Qua Ngài, chúng ta nhận được sự tha thứ.

Không Có Gia Đình Nào Là Toàn Hảo Cả

Không có ai trong chúng ta mà không có tội lỗi cả. Mỗi người chúng ta đều làm điều lầm lỗi, kể cả các anh chị em và tôi. Chúng ta đều đã bị tổn thương. Chúng ta đều đã làm tổn thương người khác.

Chính là qua sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi chúng ta mới có thể đạt được sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu. Khi chúng ta chấp nhận con đường của Ngài và khắc phục tính kiêu ngạo của mình bằng cách làm mềm lòng mình, chúng ta có thể mang sự hòa giải và tha thứ đến cho gia đình và cuộc sống cá nhân của mình. Thượng Đế sẽ giúp chúng ta trở nên có lòng khoan dung hơn, sẵn lòng hơn để cố gắng làm việc thiện, là người đầu tiên để xin lỗi cho dù không phải là lỗi của mình, bỏ qua và không nưôi dưỡng lòng oán hận cũ xưa nữa. Xin cảm tạ Thượng Đế là Đấng đã ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài và cảm tạ Vị Nam Tử là Đấng đã phó mạng sống cho chúng ta.

Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế ban cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta không thể tự hy sinh một chút cho đồng bào của mình như đã được dạy trong bài thánh ca ưa thích “Because I Have Been Given Much (Vì Tôi Đã Được Ban Cho Thật Nhiều) hay sao?2 Chúa đã mở cánh cửa cho chúng ta để được tha thứ. Chẳng phải là điều đúng duy nhất để gạt bỏ tính ích kỷ và kiêu ngạo của mình và bắt đầu mở cánh cửa tha thứ đầy ơn phước đó cho những người đang gây khó khăn cho chúng ta—nhất là tất cả những người trong gia đình của chúng ta sao?

Cuối cùng, hạnh phúc không từ sự toàn hảo mà ra mà từ việc áp dụng các nguyên tắc thiêng liêng, ngay cả trong những bước nhỏ. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tuyên bố: “Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Các cuộc hôn nhân và các gia đình thành công được thiết lập và duy trì trên các nguyên tắc về đức tin, sự cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, trắc ẩn, việc làm và những sinh hoạt giải trí lành mạnh.”3

Sự tha thứ được đặt vào vị trí ngay ở giữa các lẽ thật giản dị này, được đặt trên kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng. Vì sự tha thứ kết nối với các nguyên tắc này nên nó kết nối với con người. Đó là một bí quyết, mở các cánh cửa bị khóa, đó là sự khởi đầu của một con đường lương thiện, và đó là một trong những niềm hy vọng sáng lạn nhất của chúng ta cho một gia đình hạnh phúc.

Cầu xin Thượng Đế giúp chúng ta trở nên có lòng khoan dung hơn một chút trong gia đình mình, tha thứ cho nhau hơn và có lẽ còn tha thứ cho bản thân mình nữa. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể cảm nhận được sự tha thứ như là một cách tuyệt vời mà trong đó hầu hết các gia đình hạnh phúc đều giống nhau.

Ghi Chú

  1. Leo Tolstoy, Anna Karenina, do Constance Garnett phiên dịch (2008), 2.

  2. “Because I Have Been Given Much (Vì Tôi Đã Được Ban Cho Thật Nhiều)” Hymns, số 219.

  3. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129; sự nhấn mạnh được thêm vào.

Giảng Dạy từ Sứ Điệp Này

“Khi các anh chị em chuẩn bị mỗi bài học, hãy tự hỏi làm thế nào nguyên tắc này giống như một điều gì đó mà những người trong gia đình đã cảm nhận được trong cuộc sống riêng của họ” (Teaching, No Greater Call [1999], 171). Hãy cân nhắc việc mời những người trong gia đình chia sẻ những kinh nghiệm tích cực mà họ đã có hoặc đã quan sát về sự tha thứ. Hãy thảo luận những kinh nghiệm này, bằng cách nhấn mạnh đến các phước lành của sự tha thứ. Hãy kết luận bằng cách chia sẻ chứng ngôn về tầm quan trọng của việc tha thứ lẫn nhau.

Hình minh họa do David Stoker chụp