2012
Giảng Dạy Sự Trinh Khiết và Đức Hạnh
Tháng Mười năm 2012


Nhà Cửa, Gia Đình của Chúng Ta

Giảng Dạy Sự Trinh Khiết và Đức Hạnh

Hình Ảnh
Matthew O. Richardson

Cha mẹ có thể sử dụng sáu chiến lược này để giảng dạy con cái về sự thân mật tình dục. 

Tôi được đặc ân để gặp gỡ giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi trong mọi nghề nghiệp và từ khắp nơi trên thế giới. Vào một dịp nọ, tôi nói chuyện với một nhóm thanh thiếu niên khiến tôi có ấn tượng đặc biệt về đức hạnh, sự trinh khiết và lối sống đạo đức. Sau khi nói cho họ biết tôi đã cảm kích biết bao trước những lời góp ý, sự tin tưởng, diện mạo và cử chỉ của họ, tôi hỏi: “Làm thế nào các em đã trở nên chắc chắn, quả quyết trong những câu trả lời của mình, và rất thoải mái như vậy với đề tài nhạy cảm như đề tài này?” Một thiếu nữ đã không do dự mà nói rằng: “Em có cha mẹ dạy em.” Các em khác gật đầu đồng ý. Kinh nghiệm giản dị nhưng sâu xa này nhấn mạnh đến ảnh hưởng của cha mẹ trong cuộc sống của con cái họ—nhất là trong vai trò của họ để giảng dạy về đức hạnh, sự trinh khiết, sự thân mật tình dục và những mối quan hệ thích hợp. 

Rủi thay, nhiều cha mẹ có thể không giảng dạy cho con cái họ về những vấn đề tình dục một cách rõ ràng như họ đã có thể làm được. Ví dụ, trong cuộc nghiên cứu khảo sát hơn 200 Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi tích cực, tôi thấy chỉ có 15 phần trăm nghĩ rằng cha mẹ của họ là nguồn thông tin chính yếu về các vấn đề tình dục. Các tín hữu trẻ tuổi này nói rằng họ học về đề tài quan trọng này chính yếu từ bạn bè, mạng Internet, phương tiện truyền thông, giải trí, sách vở, họ hàng thân quyến hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội. 

Dĩ nhiên đây không phải là một đề tài dễ giảng dạy. Nhưng tôi tin rằng các bậc cha mẹ là những người thày tài giỏi nhất để truyền đạt các nguyên tắc thiêng liêng như vậy. Những chiến lược sau đây sẽ giúp các anh chị em phát triển các nguyên tắc và những lối thực hành giản dị, hữu hiệu và lâu dài nhằm khuyến khích việc học hỏi và giảng dạy hữu hiệu—nhất là trong việc dạy dỗ con cái của mình cách sống một cuộc sống đức hạnh và trinh khiết. 

Việc giảng dạy và học hỏi cần phải bắt đầu từ sớm. Các bậc cha mẹ nào giảng dạy cho con cái mình các đề tài về tình dục một cách hữu hiệu đều hiểu rằng hầu hết các trẻ em bắt gặp những đề tài như vậy vào lúc tuổi còn nhỏ hơn là lứa tuổi chúng hay cha mẹ chúng trông mong hay ước muốn. Nhiều trẻ em bắt đầu thấy đề tài về tình dục trên mạng Internet lúc còn nhỏ khi mới 11 tuổi và một số trẻ em còn nhỏ hơn nữa. Các khu giải trí, các cuộc thi đấu thể thao, quảng cáo và ngay cả phương triện truyền thông xã hội càng ngày càng đầy dẫy hình ảnh và ẩn ý về tình dục. 

Một vài bậc cha mẹ hỏi một cách đúng đắn: “Khi nào tôi nên bắt đầu nói về những vấn đề liên quan đến tình dục?” Điều đó tùy thuộc vào lứa tuổi và mức độ chín chắn của đứa con và hoàn cảnh cụ thể. Sự hướng dẫn thuộc linh sẽ đến khi cha mẹ thành tâm quan sát kỹ hành vi của con cái mình, cố ý lắng nghe con cái mình và dành thời giờ để suy nghĩ và nhận thức khi nào thì giảng dạy và giảng dạy điều gì. Ví dụ, tôi nhớ lại con trai của tôi đặt ra những câu hỏi cho tôi về giải phẫu khi nó mới vừa năm tuổi. Mặc dù có hơi hoảng sợ nhưng hiển nhiên đó là đúng lúc để nói chuyện rồi. Tuy nhiên, trong khi tôi nghĩ về cách trả lời, thì dường như đây không phải là đúng lúc để nói chuyện với con trai tôi về mọi đề tài liên quan đến tình dục. 

Cần phải thường xuyên giảng dạy và học hỏi. Học hỏi là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện độc nhất. Khi đến lúc giảng dạy cho con cái về sự thân mật tình dục hoặc các vấn đề liên quan khác, thì người ta thường nói đến điều được gọi là “cuộc nói chuyện.” Cho dù có cố ý hay không, thì từ này cũng ám chỉ rằng cha mẹ giảng dạy đề tài này trong một cuộc chuyện trò duy nhất. Đó không phải là cách hữu hiệu nhất cho một đứa trẻ để học hỏi. Đấng Cứu Rỗi dạy rằng chúng ta học “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30). Chúng ta sẽ có thành công hơn trong việc giảng dạy khi chúng ta trở lại đề tài đó với con cái mình khi chúng lớn lên và trưởng thành. Các cha mẹ hiểu được nguyên tắc này đều tự chuẩn bị cho mình về mặt tâm thần, tình cảm và tinh thần để giảng dạy cho con cái mình về các đề tài liên quan đến tình dục trong thời thơ ấu và thời niên thiếu của con cái. 

Việc học hỏi và giảng dạy hữu hiệu tùy thuộc vào mối quan hệ giữa người giảng dạy và người học hỏi. Khi đến lúc giảng dạy cho con cái về các đề tài liên quan đến tình dục, hầu hết cha mẹ đều lo lắng đến mức đặc biệt về điều gì họ nên nói. Trong khi đây là điều quan trọng, nhưng việc giảng dạy và học hỏi hữu hiệu vượt xa ra ngoài việc nói chuyện và nói về nội dung. Thật ra, cách cha mẹ sử dụng để giảng dạy con cái có thể quan trọng hơn điều họ có thể thật sự nói. Cuộc nghiên cứu ủng hộ kết luận rằng những người cha mẹ ảnh hưởng đến con cái của mình nhiều nhất khi đối phó với những vấn đề tình dục là những người truyền đạt một cách cởi mở, bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm, cùng tích cực tham gia vào cuộc sống của con cái mình.1 

Những lời phê bình góp ý từ cuộc nghiên cứu khảo sát không chính thức của tôi về Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi nhiều lần đặt trọng tâm vào việc mong muốn cha mẹ của họ cởi mở hơn hoặc sẵn lòng nói chuyện về các đề tài liên quan đến tình dục. Các thành niên trẻ tuổi này bày tỏ rằng họ không những muốn cha mẹ của họ tham dự vào tiến trình đó mà họ còn mong muốn cha mẹ của họ sẽ “nói chuyện với họ thay vì giảng dạy họ.” Họ mong muốn có các cuộc nói chuyện “tự nhiên”, “bình thường”, “thoải mái,” và ít “ngượng ngịu.” Điều này cần phải thúc đẩy cha mẹ phải cố gắng nhiều hơn trong việc có thể đến gần để nói chuyện, sẵn sàng để nói chuyện, tự nhiên và bình tĩnh trước một đề tài, tình huống hoặc ngay cả chọn đúng thời điểm. Nếu có một cái giá phải trả cho cha mẹ để giảng dạy con cái một cách hữu hiệu về những điều quan trọng nhất thì chính cha mẹ phải hành động theo cách mà giúp con cái họ cảm thấy thoải mái và an toàn khi nói chuyện về tất cả các vấn đề—nhất là những vấn đề riêng tư hơn. 

Công việc giảng dạy và học hỏi sẽ được hữu hiệu nhất khi đề tài là thích đáng và xác thực. Tùy theo phương pháp của chúng ta, việc giảng dạy về sự thân mật tình dục có thể cảm thấy ngượng ngịu, không xác thực, không thực tiễn hoặc thậm chí còn như là thuyết giảng nữa. Một bí quyết để thành công là nhận biết rằng hầu hết các thắc mắc và mối quan tâm mà con cái có đều là phản ứng với những tình huống và những quan sát thật sự trong cuộc sống. Khi chú ý, lắng nghe, và quan sát con cái mình, chúng ta sẽ thấy rõ điều gì chúng ta cần phải giảng dạy. 

Ví dụ, phim ảnh, kiểu thời trang, mốt nhất thời, chương trình truyền hình, quảng cáo, hay lời bài ca đều mang lại nhiều cơ hội để nói chuyện về các tiêu chuẩn đạo đức. Các cơ hội khác sẽ đến khi chúng ta quan sát mối quan hệ và những giao tiếp của con cái mình với những người khác, cách ăn mặc của chúng và bạn bè chúng, lời lẽ của chúng, chúng cảm thấy tự tin như thế nào đối với người khác phái, cũng như những cách diễn giải khác nhau về sự trinh khiết và các tiêu chuẩn đạo đức trong cộng đồng. Có rất nhiều cơ hội thật sự trong cuộc sống để nói với con cái về đạo đức và đức hạnh.

Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất về điều giảng dạy thật sự trong cuộc sống được thực hiện khi cha mẹ nêu gương trinh khiết, trang nhã, và đức hạnh trong cuộc sống của họ. Con cái sẽ sẵn sàng hơn để lắng nghe và tuân theo lời khuyên dạy của cha mẹ khi lời khuyên dạy như vậy được dựa trên tấm gương sáng của cha mẹ chúng. 

Điều ngược lại cũng đúng. Như Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Trong nhiều phương diện, hành động của chúng ta ảnh hưởng đến người khác nhiều hơn lời nói của chúng ta. Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) dạy: ‘Chúng ta cần phải nêu cho [con cái mình] một tấm gương mà chúng ta muốn chúng noi theo. Chúng ta có nhận biết điều này không? Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy cha mẹ đòi hỏi một đứa con hay con cái phải vâng lời, có hành vi đúng đắn, lời lẽ tử tế, diện mạo dễ thương, tiếng nói nhỏ nhẹ và ánh mắt sáng ngời khi chính cha mẹ lại đầy lời cay đắng và quở trách! Điều này thật là mâu thuẫn và không hợp lý! ’ Con cái chúng ta sẽ thấy sự mâu thuẫn như vậy từ chúng ta và có lẽ tìm cách biện minh cho hành động tương tự.” 2 

Những người học sẽ học hữu hiệu nhất khi họ hiểu điều mà những người dạy đang giảng dạy. Có rất nhiều thanh thiếu niên và thành niên trẻ tuổi bày tỏ nỗi thất vọng khi cha mẹ của họ và ngay cả các vị lãnh đạo Giáo Hội thường xuyên sử dụng những lời lẽ mơ hồ không rõ ràng và ẩn ngữ đã thật sự tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời và nhiều căng thẳng hơn là giúp đỡ. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến các đề tài tình dục. 

Trong khi phục vụ với tư cách là giám trợ của một tiểu giáo khu thành niên độc thân, tôi thường được hỏi từ “âu yếm” có nghĩa là gì. Các tín hữu trung tín trong tiểu giáo khu của tôi đã được dạy rằng họ không được âu yếm, nhưng họ chưa bao giờ được dạy về âu yếm thật sự có nghĩa là gì cả. Thật khó đối với họ để tuân theo chỉ dẫn mà họ không hiểu. 

Chủ Tịch Marion G. Romney (1897–1988), Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, giải thích rằng việc giảng dạy theo cách để những người khác hiểu thì không đủ, mà chúng ta còn cần phải dạy theo cách để không một ai hiểu lầm cả.3 Thay vì dùng ẩn ngữ hoặc ngay cả tiếng lóng, thì chúng ta sẽ được thành công hơn nếu sử dụng những từ ngữ đúng và thích hợp. Điều này khuyến khích sự hiểu biết và nuôi dưỡng tinh thần kính trọng. 

Hãy xem cách Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy rất hữu hiệu các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức. Ông nói: “Bất cứ sự thân mật tình dục nào ở bên ngoài vòng hôn nhân—tôi có ý nói rằng bất cứ cử chỉ nào để cố tình tiếp xúc bằng những phần thiêng liêng của cơ thể, bộ phận riêng tư của người khác, kể cả có hoặc không có quần áo—đều là có tội lỗi và bị Thượng Đế nghiêm cấm. Việc cố tình kích thích những mối cảm xúc này ở bên trong thân thể của các anh chị em cũng là một sự phạm giới.”4

Để giảng dạy một cách hữu hiệu, chúng ta phải chắc chắn rằng những người mình giảng dạy phải hiểu sứ điệp đó. Những câu hỏi giản dị như “Điều này có trả lời cho câu hỏi của anh chị em không?” hoặc “Tôi có giải thích rõ ràng không?” hay “Anh chị em có câu hỏi nào khác không?” cũng đều rất hữu ích.

Những người học hỏi được cải đạo khi những người dạy liên kết sứ điệp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn trường cửu. Thay vì chỉ tập trung vào “những sự kiện liên quan đến sự sống như sự sinh sản của con người,” thì lời chỉ dẫn hữu hiệu của phúc âm xảy ra khi chúng ta liên kết các sự kiện đó với “những sự kiện về cuộc sống vĩnh cửu.” Khi nói về cơ thể của mình chẳng hạn, chúng ta có thể nói về cách Cha Thiên Thượng nhân từ đã sáng tạo ra thể xác chúng ta và chúng ta cần phải tiếp cận những tạo vật của Ngài một cách kính trọng và theo đúng kỳ vọng của Ngài như thế nào.

Trong khi thế gian đang chìm đắm trong cảnh vô luân, thì vẫn còn có hy vọng về các thế hệ tương lai. Hy vọng này tập trung vào các bậc cha mẹ cống hiến các nỗ lực tốt nhất của họ vào việc giảng dạy thế hệ đang vươn lên này để được đức hạnh và trinh khiết. Các bậc cha mẹ nào dạy con cái của mình sống cuộc sống đức hạnh và trinh khiết thì đều cố gắng gia tăng sự hiểu biết của họ và cải tiến kỹ năng giảng dạy của họ. Khi làm điều này, họ dần dần biết được rằng “Chúa sẽ làm vinh hiển [họ] khi [họ] giảng dạy theo cách mà Ngài đã truyền lệnh.” Xét cho cùng, đây “là một công việc của tình yêu thương—một cơ hội để giúp những người khác sử dụng quyền tự quyết của họ một cách ngay chính, đến cùng Đấng Ky Tô, và tiếp nhận các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu.”5

Ghi Chú

  1. Xin xem Bonita F. Stanton and James Burns, “Sustaining and Broadening Intervention Effect: Social Norms, Core Values, and Parents,” trong Reducing Adolescent Risk: Toward an Integrated Approach, do Daniel Romer biên tập (2003), 193–200.

  2. Robert D. Hales, “Our Parental Duty to God and to the Rising Generation,” Liahona, tháng Tám năm 2010, 74.

  3. Xin xem Jacob de Jager, “Let There Be No Misunderstanding,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 67.

  4. Richard G. Scott, “Serious Questions, Serious Answers,” Liahona, tháng Chín năm 1997, 31.

  5. Teaching, No Greater Call (1999), 4.

Hình minh họa DO DAVID STOKER © IRI THỰC HIỆN

Hình minh họa do