2012
Giảng Dạy Sự Ngay Chính ở Nhà
Tháng Mười năm 2012


Phúc Âm Kinh Điển

Giảng Dạy Sự Ngay Chính ở Nhà

Delbert L. Stapley sinh ngày 11 tháng Mười Hai năm 1896, ở Arizona, Hoa Kỳ. Ông được phong nhiệm với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào ngày 5 tháng Mười năm 1950, và phục vụ trong nhóm túc số đó cho đến khi ông qua đời vào ngày 19 tháng Tám năm 1978. Bài nói chuyện này được đưa ra tại trường Brigham Young University vào ngày 1 tháng Hai năm 1977. Có thể tìm ra toàn bộ bài nói chuyện này bằng tiếng Anh tại trang mạng speeches.byu.edu.

Hình Ảnh
Anh Cả Delbert L. Stapley

Cha mẹ có trách nhiệm và phước lành để dạy dỗ và huấn luyện con cái của mình sống ngay chính.

Cha mẹ có cơ hội dạy dỗ và tạo ra cá tính của con cái nhỏ của họ trước khi Sa Tan có quyền năng cám dỗ chúng và trước khi chúng tám tuổi, và lúc đó trở nên có trách nhiệm trước mặt Thượng Đế. … Chúa đã ban cho cha mẹ những năm quý báu này, những năm đầu đời của một đứa trẻ, khi trẻ em không có trách nhiệm về những điều chúng nói và làm. Cha mẹ có trách nhiệm và phước lành để dạy dỗ và huấn luyện con cái của mình sống ngay chính.

Cách hữu hiệu nhất để giảng dạy sự ngay chính và tôn giáo trong mái gia đình là bằng tấm gương. Hy vọng rằng cha mẹ sẽ giữ gìn cuộc sống của họ được tuyệt diệu và trong sạch và như thế có thể sử dụng tấm gương về cuộc sống của họ một cách ích lợi trong việc dạy dỗ và huấn luyện con cái của mình. [Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) dạy:] “Nếu các anh chị em giảng dạy đức tin nơi Thượng Đế, thì chính bản thân mình hãy cho thấy đức tin nơi Ngài; nếu các anh chị em giảng dạy việc cầu nguyện, thì hãy tự mình cầu nguyện; … nếu các anh chị em muốn chúng ôn hòa, thì hãy tự kiềm chế mình đừng có thái độ không ôn hòa; nếu các anh chị em muốn con mình sống một cuộc sống đức hạnh, tự chủ, có tiếng tốt, thì hãy nêu một tấm gương xứng đáng cho nó trong mọi điều.”1 Nếu làm như vậy thì những lời giảng dạy sẽ gây ấn tượng sâu sắc hơn đối với con cái của các anh chị em; và khi nhận được sự hướng dẫn như vậy từ cha mẹ, chúng có thể tự củng cố mình chống lại những cám dỗ của Sa Tan, là kẻ có mục tiêu hủy diệt cuộc sống của chúng khi chúng đến tuổi chịu trách nhiệm. Cha mẹ có bổn phận phải làm người mà họ muốn con cái của mình trở thành giống như vậy về tác phong lịch sự, chân thành, ôn hòa và can đảm để luôn luôn làm điều đúng. Tấm gương thì hiệu nghiệm nhiều hơn lời giáo huấn.

Cuộc sống hằng ngày ở nhà cần phải phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Giáo Hội. Những giao dịch làm ăn của chúng ta cần phải phù hợp với tôn giáo của mình. Trẻ con nhận ra tính giả dối rất nhanh. John Milton nói rằng đạo đức giả là tội lỗi duy nhất mà chỉ có Thượng Đế mới biết thôi. Tuy nhiên, trẻ con rất bén nhạy với những điều sai quấy, và chúng không bằng lòng đối với sự giả dối và lừa đảo. Chúng ta biết rằng trẻ con được ảnh hưởng bởi những lời giảng dạy chúng ta sống theo nhiều hơn là những lời thuyết giảng chúng ta đưa ra. Cha mẹ cần phải luôn luôn chân thành đối với con cái của mình, giữ lời hứa với chúng và luôn luôn nói thật. Chính là người cha hay mẹ kiên định mới đạt được sự tin cậy của đứa con mình. Khi một đứa con cảm thấy rằng các anh chị em tôn trọng và đáp ứng lòng tin cậy của nó thì nó sẽ không vi phạm lòng tin cậy đó cũng như sẽ không làm nhơ danh của các anh chị em. …

Cha mẹ đừng bao giờ cãi vã trước mặt con cái. Đôi khi có cãi vã vì cố gắng sửa chỉnh hay kỷ luật một đứa con. Một người cha hay mẹ chỉ trích; người kia phản đối. Và ảnh hưởng đoàn kết trong nhà, mà nếu đứa con quan tâm đến thì lúc đó sẽ trở thành vô hiệu. Cha mẹ cần phải đoàn kết trong việc biết rằng họ muốn đứa con của họ đi theo con đường nào; nếu không, nó có thể bước sai đường vì nhầm lẫn. Richard L. Evans nói: “Sự chia rẽ giữa cha mẹ là điều bất công, nhầm lẫn và làm suy yếu nền tảng gia đình. Các cha mẹ có đứa con trông đợi họ hướng dẫn thì cần phải đoàn kết trong sự hướng dẫn mà mình đưa ra.”2 Chúng ta biết rằng con cái rất nhạy cảm đối với bầu không khí và cảm nghĩ trong gia đình; chúng có thể cảm nhận được trạng thái căng thẳng và những dị biệt mà chúng không thể luôn luôn hiểu hoặc xác định được. …

Một đứa con có quyền cảm thấy rằng nó có một nơi trú ẩn trong nhà của nó, một chỗ bảo vệ khỏi những điều nguy hiểm và xấu xa của thế giới bên ngoài. Tình đoàn kết và sự toàn vẹn trong gia đình đều rất cần thiết để cung ứng cho nhu cầu này. Không có nơi nào ngoài mái gia đình mà lại có thể được tìm thấy hạnh phúc đích thực và lâu dài trong cuộc sống này. Việc làm cho mái gia đình trở thành giống như một chút thiên thượng thì có thể thực hiện được; thật vậy, tôi hình dung ra thiên thượng chính là phần tiếp tục của một mái gia đình lý tưởng ở trên thế gian này đây.3 …

Phúc âm mà chúng ta giảng dạy là chân chính. Đấng Ky Tô hằng sống, Thượng Đế hằng sống, và những tòa lâu đài vinh quang đã được chuẩn bị ở trên cao dành cho con cái trung tín và tận tâm của Ngài. Hãy hoạch định từ bây giờ các anh chị em mong muốn một mái gia đình như thế nào, và cách các anh chị em sẽ đáp ứng nhu cầu của con cái mình nhằm giữ chúng ở trên con đường ngay chính mà sẽ dẫn gia đình đến cuộc sống vĩnh cửu trong ngôi nhà thiên thượng. Cầu xin Thượng Đế ban phước cho tất cả các anh chị em. Tôi nghĩ rằng các anh chị em có thể hiểu được nhiều điều đã được đề cập liên quan đến các anh chị em. Và việc tổ chức và xúc tiến mái gia đình của mình trong một cách thiêng liêng là điều rất quan trọng cho những người trẻ tuổi, là những người đến ban phước cho cuộc sống của các anh chị em.

Ghi Chú

  1. David O. McKay, Secrets of a Happy Life, do Llewelyn R. McKay biên soạn (1967), 11.

  2. Richard Evans’ Quote Book (1975), 23.

  3. Xin xem David O. McKay, Gospel Ideals (1953), 490.

Hình ảnh do Craig Dimond chụp © IRI