2017
Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ sau khi Nancy Qua Đời
October 2017


Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ sau khi Nancy Qua Đời

Tác giả hiện sống ở Georgia, Hoa Kỳ.

Tôi đã cần phải làm gì để làm cho quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô tác động trong cuộc đời tôi?

Hình Ảnh
man sitting down

Tranh do Iker Ayerstaran minh họa

Vào tháng Hai năm 2016, vợ tôi Nancy qua đời sau 11 năm vật lộn với căn bệnh ung thư vú. Nỗi đau khổ tràn ngập mà tôi cảm nhận được trong những tháng đầu tiên sau khi vợ tôi qua đời sẽ không thể nào mô tả cho một người không trải qua nỗi mất mát này biết được. Nỗi đau buồn, thống khổ, khổ sở, đau đớn—không bất cứ từ nào trong những từ này mô tả đầy đủ những cảm nghĩ của tôi. Thật là không chịu đựng nổi.

Quyền Năng Chữa Lành của Đấng Cứu Rỗi

Tôi đã hiểu từ lâu rằng Chúa Giê Su Ky Tô “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:6) để Ngài có thể “giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12). Điều này có nghĩa là quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi còn bao gồm nhiều hơn chỉ việc ban cho Sự Phục Sinh và cho sự cứu chuộc khỏi tội lỗi. Qua quyền năng này, Ngài cũng có thể chữa lành cho chúng ta trong những lúc chúng ta đau khổ và hoạn nạn. Trong nỗi đau buồn của mình, tôi đã gấp rút—gần như điên cuồng—cố gắng tìm hiểu điều tôi cần phải làm để làm cho khía cạnh này của quyền năng của Đấng Cứu Rỗi tác động trong cuộc đời của mình. Trong nhiều tuần, tôi đã tra cứu thánh thư và các bài nói chuyện của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội. Tôi chân thành tin rằng, qua nỗi đau khổ và sự hy sinh đáng kể của chính Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã biết được nỗi đau đớn tôi đang trải qua. Việc Ngài biết điều đó đã giúp đỡ tôi như thế nào? Vì Ngài đã chịu đau khổ cho tôi, nên tôi cần phải làm gì để nhận được sự giúp đỡ mà qua đó Ngài biết cách ban cho?

Sau nhiều lần tra cứu, học hỏi, cầu nguyện và thờ phượng trong đền thờ, tôi đã bắt đầu hiểu. Trước tiên, tôi đã bắt đầu thấy rõ hơn rằng Chúa đã giúp đỡ, an ủi và hỗ trợ gia đình của chúng tôi rồi, nhất là trong những tuần lễ ngay trước khi Nancy qua đời. Có những kinh nghiệm thuộc linh kỳ diệu mà giờ đây tôi nhận ra là những phước lành đến từ quyền năng chữa lành và củng cố có sẵn cho chúng ta nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Và chỉ cần biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã chăm sóc chúng ta trong một cách rất cá nhân và tự nó an ủi vô cùng. Giống như Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Gô thời xưa, Ngài đã ở cùng với chúng ta trong “lò lửa hực” (Đa Ni Ên 3:17) của nỗi đau khổ của chúng ta.

Tin Cậy nơi Chúa

Tôi cũng đã học được rằng có một số điều cần nơi chúng ta để nhận được sự an ủi và chữa lành của Chúa. Quan trọng nhất là chúng ta phải tin cậy nơi Ngài. Điều đó có thể là một điều khó làm. Tại sao tôi nên tin cậy nơi Thượng Đế khi Ngài có thể ngăn chặn cái chết của Nancy ngay từ đầu? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi liên tục suy ngẫm điều mà Chúa đã phán với Tiên Tri Joseph Smith:

“Với đôi mắt thiên nhiên của các ngươi, hiện nay các ngươi không thể thấy được ý định của Thượng Đế các ngươi về những việc sẽ xảy đến sau này, và vinh quang sẽ đến sau nhiều cơn hoạn nạn.” (GLGƯ 58:3).

Chúng tôi đã được ban phước với nhiều dấu hiệu cho biết rằng cách thức và thời điểm về cái chết của Nancy là theo ý Chúa. Tôi đã bắt đầu hiểu rằng một Đức Chúa Cha toàn trí toàn thức và nhân từ đã để cho chúng tôi chịu đựng những điều này vì, trong kế hoạch hoàn hảo của Ngài dành cho sự tôn cao của gia đình chúng tôi, thì bằng cách nào đó, cần phải có nỗi đau khổ này. Vì biết thế, nên tôi hiểu rằng phần vụ của tôi trong kế hoạch của Ngài không phải chỉ là chịu đựng không thôi mà còn phải là “kiên trì chịu đựng” nữa (GLGƯ 121:8). Chừng nào tôi còn có thể dâng nỗi hoạn nạn này lên Ngài, thì tôi không những được giúp đỡ mà còn được thánh hóa nữa. Tôi đã kinh nghiệm điều này bằng nhiều cách.

Tôi đã khuyên bảo con cái chúng tôi nên làm điều mà tôi đã tự mình học được trong tiến trình này:

  • Hãy để cho nỗi đau đớn bởi những kinh nghiệm khó khăn thúc đẩy các con hướng tới vai trò môn đồ chân chính hơn.

  • Trút hết lòng các con trong lời cầu nguyện.

  • Nếu các con cảm thấy giận dữ đối với Thượng Đế vì đã để cho những thảm kịch xảy ra, thì hãy cầu xin Ngài thay thế nỗi tức giận đó bằng đức tin và sự phục tùng.

  • Hãy giao ước rằng các con sẽ yêu mến Ngài và trung tín đến cùng.

  • Hãy luôn luôn học hỏi lời của Thượng Đế—từ thánh thư, các bài nói chuyện và các bài viết của các vị tiên tri hiện đại và các giảng viên đầy soi dẫn.

  • Đi đền thờ với một nỗi khao khát để được giảng dạy về những điều vĩnh cửu.

  • Hãy tìm kiếm những người đang trải qua một thảm kịch cá nhân mà dẫn họ đến việc nghi ngờ đức tin của họ, và hãy củng cố họ bằng chứng ngôn của các con về những giáo lý này.

Lời Chứng của một Vị Sứ Đồ

Khoảng một tháng sau khi Nancy qua đời, có một đêm nọ khi tôi cảm thấy đau khổ một cách cùng cực. Tôi đã đau đớn và buồn khổ vô cùng suốt ngày hôm đó. Tôi nhớ Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng “con đường cứu rỗi đã luôn luôn dẫn … ngang qua Vườn Ghết Sê Ma Nê.”1 Mặc dù nỗi đau khổ của tôi không thể nào so sánh với nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi, nhưng vào đêm đó, tôi đã ở giữa “những giây phút đen tối và cay đắng” của riêng mình.2

Sau khi trải qua tâm trạng này trong một thời gian và cầu nguyện để được giúp đỡ, thì có một điều, mà tôi đã đọc và đánh dấu trong máy vi tính của tôi vài năm về trước, đến với tâm trí tôi. Tôi đã tìm ra tài liệu đó và kéo thanh cuộn tới chỗ tôi đang tìm. Đó là cuộc phỏng vấn với Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (1928–2015) mà trong đó ông được hỏi về việc mất người vợ của ông, Jeanene, vì bệnh ung thư vào năm 1995. Anh Cả Scott đáp: “Trước hết, … tôi đã không bị mất vợ. Bà ở phía bên kia bức màn che. Chúng tôi đã được gắn bó trong giáo lễ thiêng liêng đó của đền thờ, và chúng tôi sẽ ở bên nhau mãi mãi.”3

Hình Ảnh
Atlanta Georgia Temple

Hình Đền Thờ Atlanta Georgia

Những lời đó, trong đêm đó, đã đến với một quyền năng mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Quyền năng đó giống như ngọn hải đăng được bật lên trong một đêm tối. Tôi chưa bao giờ đọc một điều gì mà đã có một hiệu quả bất ngờ và sâu sắc như vậy đối với tôi. Đã không còn bóng tối và nỗi đau đớn nữa. Điều đó giống như An Ma khi ông có thể “không còn nhớ đến những sự đau đớn [của ông] nữa” (An Ma 36:19). Lời chứng của vị sứ đồ này đã xuyên thấu tâm can tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy một khái niệm mà tôi đã hiểu từ thời thơ ấu dường như có thể rõ rệt một cách bất ngờ như vậy. Tôi tự thấy mình đang tự hỏi làm thế nào mà Anh Cả Scott đã có thể biết được một điều giống như vậy. Và trong giây phút đó, tôi đã nhận biết rằng mình cũng biết vậy. Nếu trung tín, thì tôi có thể có tất cả hy vọng mà Anh Cả Scott đã có. Mặc dù, chắc chắn là đã có nỗi buồn bã và đau buồn kể từ lúc đó, nhưng tôi đã không bao giờ cảm thấy được mức độ đau đớn và buồn bã mà tôi đã trải qua trong đêm đó.

Đây là quyền năng mà Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta để giúp đỡ chúng ta trong những thử thách của mình. Tôi biết rằng nỗi đau buồn của gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng nó sẽ lọt vào trong điều đã được gọi là các phước lành “củng cố” và “hoàn hảo” của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.4 Chúng ta đã đến gần hơn với Đấng Cứu Rỗi, đã cảm thấy được sự bảo đảm của Ngài, và đã được hỗ trợ bởi nền tảng vững chắc của các giao ước chúng ta.

Ghi Chú

  1. Jeffrey R. Holland, “Lessons from Liberty Jail” (Buổi họp đặc biệt devotional ở trường Brigham Young University, ngày 7 tháng Chín năm 2008), 6, speeches.byu.edu.

  2. Dieter F. Uchtdorf, “Được Bảo Bọc trong Vòng Tay Thương Yêu của Ngài,” Liahona, tháng Ba năm 2015, 5.

  3. “A Sure Witness of Jesus Christ: Elder Richard G. Scott,” lds.org/prophets-and-apostles.

  4. Xin xem Bruce C. Hafen và Marie K. Hafen, The Contrite Spirit: How the Temple Helps Us Apply Christ’s Atonement (2015), 34–52.